Hà Nội, Ngày 24/04/2024

Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở thành phố Hòa Bình

Ngày đăng: 17/01/2022   07:18
Mặc định Cỡ chữ
Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước; bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và xã hội cho phát triển kinh tế, xã hội trong từng địa phương và cả nước. Bài viết đánh giá kết quả việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình và những giải pháp góp phần triển khai có hiệu quả chủ trương này trong thời gian tới.
Ảnh minh họa: Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Căn cứ Nghị quyết số 830/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình và văn bản hướng dẫn thi hành của các cơ quan có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2020 về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. Quá trình triển khai sắp xếp tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là sự đồng lòng của người dân thành phố Hòa Bình, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện đúng kế hoạch; góp phần tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, mang lại hiệu quả thiết thực.

Kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hòa Bình

Về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của các đơn vị hành chính sau sáp nhập

Trước khi thực hiện sắp xếp, thành phố Hòa Bình có 15 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, trong đó không có ĐVHC nào đạt cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số (có 01 đơn vị đáp ứng được tiêu chuẩn về diện tích và  06 đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn về quy mô dân số); có 02 ĐVHC cấp xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số từ 50% trở lên; có 06 ĐVHC chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên; 02 ĐVHC cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% theo quy định.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thành phố Hòa Bình có 02 ĐVHC thuộc diện phải sáp nhập và 01 ĐVHC thuộc diện khuyến khích sáp nhập, 03 ĐVHC liền kề có liên quan đến công tác sáp nhập. Sau khi tiến hành sáp nhập, số lượng ĐVHC cấp xã tại thành phố Hòa Bình là 13, trong đó số ĐVHC cấp xã đáp ứng cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 02/13 đơn vị, chiếm tỷ lệ 15,4%. Số ĐVHC cấp xã chỉ đạt 01 trong 02 tiêu chuẩn như sau: về diện tích có 01 đơn vị; về quy mô dân số có 05 đơn vị; 03 ĐVHC chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số nhưng cả 02 tiêu chuẩn đều đạt từ 50% trở lên theo quy định; 04 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên. Tất cả các ĐVHC đều đạt trên 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số.

Về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố Hòa Bình

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn thành phố Hòa Bình có 307 người, trong đó: nữ có 154 người, chiếm 50,16%; đảng viên là 260 người, chiếm 84,69%; người dân tộc thiểu số là 177, chiếm 57,65%; trình độ văn hóa phổ thông có 296 người, chiếm 96,41%; trình độ chuyên môn trung cấp trở lên có 300 người, chiếm 97,71%; trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên có 181 người, chiếm 58,96%; trình độ tin học đã qua bồi dưỡng là 273 người, chiếm 88,92%; trình độ ngoại ngữ đã qua bồi dưỡng là 126 người, chiếm 40,04%. 

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã (đối với 13 ĐVHC cấp xã sau sáp nhập) là 295 người, trong đó: nữ có 152 người, chiếm 51,52%; đảng viên có 133 người, chiếm 92,88%; người dân tộc thiểu số là 154, chiếm 52,20%; trình độ văn hóa phổ thông là 285 người, chiếm 96,61%; trình độ chuyên môn trung cấp trở lên có 288 người, chiếm 97,62%; trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên có 169 người, chiếm 57,29%; trình độ tin học đã qua bồi dưỡng có 270 người, chiếm 91,52%; trình độ ngoại ngữ đã qua bồi dưỡng là 140 người, chiếm 47,46%.

Sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách tại đơn vị hành chính mới sáp nhập

Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã làm việc tại 04 ĐVHC mới sáp nhập là 92 người; điều chuyển sang ĐVHC khác 08 người; nghỉ chế độ theo quy định cho 23 trường hợp và 42 người hoạt động không chuyên trách; 26 người nghỉ việc ngay. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tại các ĐVHC liên quan đến sáp nhập nghỉ việc ngay theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 06 người với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng; chi trả theo Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND ngày 14/8/2019 của HĐND tỉnh Hòa Bình là 09 người với kinh phí trên 999 triệu đồng.

Giải quyết nghỉ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP là  05 người; trong đó số người đã thực hiện chi trả là 03 người với tổng kinh phí trên 180 triệu đồng, 02 người nghỉ hưởng nguyên lương. Giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Nghị định số 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức với 12 người. Thực hiện chi trả cho 42 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã nghỉ việc được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 173/2019/NQ-HĐND ngày 14/8/2019 của HĐND tỉnh Hòa Bình với kinh phí là 945 triệu đồng. 

Giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội khác sau sáp nhập

Tiếp tục thực hiện việc quản lý, quy hoạch trụ sở, công trình, giao thông, thủy lợi, điện và thực hiện rà soát, đánh giá, xác định chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sáp nhập.

Việc chuyển xóm thành tổ dân phố và đổi tên thôn, xóm thuộc các xã, phường, thị trấn sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã: đã tiến hành đổi tên đối với 23 xóm thành tổ dân phố thuộc 03 phường, còn đối với xã Hòa Bình vẫn giữ nguyên tên của 9 xóm. Sau khi sáp nhập ĐVHC, đổi tên xóm thành tổ dân phố, toàn thành phố vẫn giữ nguyên số lượng 214 xóm, tổ dân phố thuộc các phường, xã. 

Một số khó khăn, hạn chế  

Sau thời gian thực hiện việc sáp nhập ĐVHC cấp xã trên địa bàn thành phố Hòa Bình, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: khó đảm bảo các quy định tiêu chuẩn ĐHVC về diện tích tự nhiên mặc dù đã tiến hành sáp nhập 02 ĐVHC với nhau như quy định tiêu chuẩn ĐVHC cấp xã tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Cụ thể, dù đã được sáp nhập nhưng có ĐVHC vẫn không đạt tiêu chuẩn về dân cư hay tiêu chuẩn về diện tích theo quy định. 

Ngoài ra, căn cứ để phân loại các ĐVHC cơ bản vẫn dựa vào diện tích tự nhiên, dân số… còn các yếu tố khác về văn hóa, tiềm năng phát triển, kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ĐVHC cấp xã khá lớn. Cụ thể, tại 13 phường, xã thuộc thành phố Hòa Bình có tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sáp nhập là 28 người (so với quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP), không bao gồm số cán bộ, công chức cấp xã đã nghỉ việc ngay sau khi sáp nhập ĐVHC. Chưa có chế độ, chính sách ưu đãi riêng đối với số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã tiếp tục làm việc tại các ĐVHC sau sáp nhập.

Hiện nay, chưa có chế độ, chính sách liên quan đến những cán bộ, công chức tiếp tục làm việc tại các ĐVHC sáp nhập. Một số phường, xã vẫn phải bố trí từ 03 đến 04 công chức đảm nhận một vị trí công tác, do đó việc phân công nhiệm vụ và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức gặp khó khăn.

Hiện trạng trụ sở làm việc của đa số ĐVHC cũ chật hẹp, không đủ phòng làm việc, một số nơi xây dựng đã lâu và bị xuống cấp, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chỗ làm việc cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; việc quy hoạch, bố trí ngân sách và đầu tư xây dựng trụ sở mới cho các ĐVHC sau khi sắp xếp còn gặp nhiều khó khăn.

Giải pháp tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn tới

Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp ĐVHC cấp xã .

Trước khi tiến hành sáp nhập ĐVHC cấp xã cần tạo sự đồng thuận trong nhận thức của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân một cách sâu sắc về quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về sắp xếp, điều chỉnh ĐVHC các cấp, trong đó có ĐVHC cấp xã.

Hai là, cần điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi một số quy định về tổ chức ĐVHC cấp xã.

Quy định đảm bảo phù hợp với yếu tố đặc thù như vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, phong tục, tập quán, cộng đồng dân cư, yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Về cơ chế phân bổ nguồn lực của Nhà nước đối với cấp xã: theo quy định hiện hành, cơ chế phân bổ các nguồn lực chủ yếu được căn cứ theo cấp và loại ĐVHC. Phân bổ nguồn tài chính - ngân sách theo các chương trình, mục tiêu, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thay vì theo số ĐVHC và loại ĐVHC cấp xã. Cần có sự điều chỉnh chính sách và hỗ trợ các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội theo nhiệm vụ và kết quả thực thi công vụ. Quy định rõ cơ chế hỗ trợ, động viên cán bộ, công chức làm việc ở các địa bàn khó khăn, phức tạp; quy định chế độ luân chuyển vị trí công tác đối với tất cả các chức danh công chức cấp xã; triển khai các phương án sắp xếp trụ sở chính quyền tại các ĐVHC thực hiện sáp nhập sao cho hợp lý, tránh lãng phí tài sản công. 

Về cơ chế quản lý biên chế cán bộ, công chức của chính quyền và hệ thống chính trị ở cấp xã, HĐND cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định số lượng biên chế cho phù hợp với mỗi chức danh, mỗi ĐVHC xã, phường, thị trấn. Cần có chế độ đãi ngộ mở rộng hơn đối với cán bộ chuyên trách và không chuyên trách ở cấp xã. Đối với ĐVHC lớn cần có cơ chế tăng hơn so với ĐVHC nhỏ; có phương thức khoán biên chế nhân lực và chi phí hành chính. Phân cấp, phân quyền mạnh hơn nhằm đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quyết định cơ cấu bộ máy và biên chế cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. 

Ba là, thực hiện đúng quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục hồ sơ đối với các trường hợp điều chỉnh, sáp nhập ĐVHC cấp xã.

Theo đó, khi triển khai các đề án sáp nhập, chia tách hoặc điều chỉnh địa giới hành chính đối với ĐVHC cấp xã phải căn cứ trên kết quả điều tra, khảo sát thực trạng quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc tổ chức thực hiện phân định ở thực địa phải tiến hành chặt chẽ, công tác bàn giao đất đai, dân cư, tài sản, địa giới cần có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và lập biên bản để lưu trữ vào hồ sơ của ĐVHC mới và ĐVHC có liên quan. 

Đồng thời, xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền, lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ, công chức hợp lý đảm bảo bộ máy hoạt động có hiệu lực, hiệu quả ngay sau khi thành lập ĐVHC mới. Cần nghiên cứu quy hoạch địa điểm xây dựng khu hành chính hợp lý và tập trung kinh phí để hoàn thành công sở làm việc, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ĐVHC mới được thành lập; kịp thời giải quyết các trường hợp tranh chấp địa giới hành chính phát sinh do điều chỉnh địa giới hành chính các ĐVHC; thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện sắp xếp các ĐVHC.

Bốn là, xây dựng phương án hỗ trợ các ĐVHC cấp xã sau sáp nhập trong phát triển kinh tế - xã hội. 

Cần tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các ĐVHC các cấp để đảm bảo sự phát triển của địa phương; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các địa phương, cộng đồng dân cư thực hiện sáp nhập các ĐVHC nhỏ hoặc liên kết phù hợp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tạo điều kiện hỗ trợ người dân trong việc điều chỉnh thông tin cá nhân trên các giấy tờ tùy thân, hồ sơ, giấy chứng nhận tài sản, ví dụ như đối với lĩnh vực hộ khẩu thì có thể tiến hành điều chỉnh tập thể, sau đó cấp lại cho người dân, tránh việc người dân phải tập trung chờ đợi đổi hồ sơ thông tin…

Năm là, công khai, minh bạch các hoạt động có liên quan đến triển khai việc sáp nhập ĐVHC cấp xã.

Kịp thời thông báo chủ trương của các cấp về việc sáp nhập ĐVHC để người dân biết, cho ý kiến trước khi xây dựng phương án chính thức. Công khai phương án phân vạch điều chỉnh địa giới hành chính cũng như các bản đồ quy hoạch có liên quan để người dân thảo luận, tham gia ý kiến một cách dân chủ.

Khi có nhiều ý kiến khác nhau về phương án sáp nhập ĐVHC, cần tổ chức phương án phù hợp để người dân tham gia trực tiếp vào quá trình chuẩn bị sáp nhập ĐVHC theo luật định. Thực hiện công khai, dân chủ trong sáp nhập ĐVHC sẽ phát huy sâu rộng được quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi khi tiến hành sáp nhập ĐVHC. Chính quyền địa phương có trách nhiệm giải thích, giải trình trước các ý kiến băn khoăn, thắc mắc để người dân nắm được, hiểu rõ về phương án, đề án thực hiện sáp nhập ĐVHC./. 

-----------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Phượng, “Tổ chức đơn vị hành chính lãnh thổ Việt Nam”, Nxb CTQG-ST, H.2013.

2. Bộ Nội vụ, “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác lập đơn vị hành chính các cấp đáp ứng yêu cầu ổn định và phát triển đất nước”, Đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước (Chủ nhiệm: Trần Hữu Thắng, năm 2011).

3. UBND tỉnh Hòa Bình, Báo cáo sơ kết thực hiện Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 02/01/2020 về triển khai, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình. 

 

TS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

ThS Hà Thị Hương Giang - Đảng ủy phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.