Hà Nội, Ngày 15/09/2024

Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Ngày đăng: 04/01/2022   16:28
Mặc định Cỡ chữ
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng nước ta trong 5 năm tới; xác định phương hướng, mục tiêu của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những điểm nhấn rất quan trọng của Đại hội XIII là đề ra các quan điểm, chủ trương mới về phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Ảnh minh họa: Internet

Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc và con người Việt Nam 

Đại hội XIII xác định lộ trình với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây chính là khát vọng và tầm nhìn của Đảng và Nhân dân ta trong thời đại mới. Để thực hiện được khát vọng và tầm nhìn ấy,

Đại hội XIII xác định: ”Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(1). Khơi dậy động lực tinh thần to lớn, vô song của dân tộc, con người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc; khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, tài năng, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức mạnh của con người Việt Nam là trung tâm, là mục tiêu, là nguồn lực nội sinh, là động lực quan trọng nhất để đạt tới các mục tiêu của phát triển đất nước. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tính cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn là một phương hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tất cả các cấp, các ngành phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, chứ không phải chỉ đối với riêng ngành văn hóa. Nếu như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” và quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” là động lực tinh thần to lớn đưa Nhân dân ta nhất tề đứng lên chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do, thì ngày nay, khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc cần và phải là động lực tinh thần to lớn đưa Nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam phát triển hiện đại “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Khát vọng phát triển đất nước cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc ngày nay cũng chính là mong muốn, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi như Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(2). 

Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước

Đại hội XIII xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(3). Điều đó, đòi hỏi phải ra sức kế thừa và phát huy giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam đã được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống... Các giá trị và sức mạnh đó của văn hóa và con người Việt Nam đã làm nên nền tảng tinh thần vững chắc của dân tộc ta; trở thành sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng của phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, chúng ta cần tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII chỉ rõ: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(4).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng yêu cầu cần nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Cần quan tâm bảo vệ, khai thác và phát huy cao nhất các giá trị tốt đẹp, bền vững của văn hóa, con người và gia đình Việt Nam. Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp nhằm xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc với việc xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Quan tâm chăm lo công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc cho mọi người Việt Nam, đặc biệt là cho thế hệ trẻ. Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Khuyến khích các tìm tòi mới trong sáng tạo văn hóa, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mọi người Việt Nam. Làm cho văn hóa thấm sâu vào trong toàn bộ đời sống và các hoạt động xã hội; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(5). 

Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế 

Đại hội XIII khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(6). Phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa chủ yếu vào việc phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định. Giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa dân tộc. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam. Xây dựng, hoàn thiện các giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng làm việc trong môi trường quốc tế... 

Phát triển mạnh mẽ nền văn hóa và con người Việt Nam trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta đứng trước yêu cầu cấp thiết là phải bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là các giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng; đấu tranh chống các khuynh hướng đồng hóa, nô dịch về văn hóa. Đồng thời coi trọng việc tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học, giáo dục của nhân loại để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam tiến kịp, tiến cùng thời đại.   

Đại hội XIII với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, lần đầu tiên đã nêu lên yêu cầu: “Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”(7) . Phải chăng đó là tâm lý tiểu nông, là bệnh tùy tiện, là tính ỷ lại, dựa dẫm, tính đố kỵ, thiếu kỹ năng hợp tác, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật?,... Mặt hạn chế của con người Việt Nam cần phải được nhận biết, cần phải được phê bình, tự phê bình nghiêm khắc, cần phải được sửa chữa, khắc phục, để cho dân giàu, nước mạnh. 

Con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam. Vì vậy quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là quá trình phát huy tối đa nhân tố con người, thực hiện chiến lược con người - khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, phát triển bền vững đất nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện; phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Trong xây dựng con người, trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực đột phá cho phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Lấy con người làm trung tâm của phát triển và con người được hưởng những thành quả của phát triển

Đại hội XIII xác định: “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”(8). Xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh phải lấy con người, lấy Nhân dân làm trung tâm của mọi quá trình và chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh... Cần thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh. Bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của Nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm, thu nhập... Không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, dịch vụ xã hội đa dạng, đa tầng, linh hoạt, bao trùm, toàn diện nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm đến mọi người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau” của quá trình phát triển. Tǎng đầu tư cho phát triển sự nghiệp phát triển vǎn hóa và con người; đổi mới cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Hoàn thiện và bổ sung các cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa... đúng định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội cho Nhân dân.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa và sự đồng thuận trong xã hội; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, kỷ luật công chức, công vụ. “Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước ... Có cơ chế giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo, động viên nhân dân tham gia phát triển kinh tế và quản lý phát triển xã hội. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở” (9). Thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

*      *       *

Đảng ta là Đảng cầm quyền, là hiện thân của trí tuệ, danh dự, đạo đức và văn minh của dân tộc. Vì vậy, sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam phụ thuộc vào việc nâng tầm lãnh đạo của Đảng về trí tuệ, nâng cao đạo đức cách mạng của Đảng. Đại hội XIII xác định, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng và ngoài xã hội. Văn kiện Đại hội XIII cũng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo, cần phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm, hành vi phản đạo đức, phi đạo đức và phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của Nhân dân. Thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn Đảng toàn diện gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành dân chủ sâu rộng gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”... đây là những chỉ lối quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam thời đại mới./.

---------------

Chú thích:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr.34. 

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.216, 34.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.216, 34.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.116, 47.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.116, 47. 

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.143.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.81.

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.51.

 

PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Ngày đăng 04/08/2024
Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hoàn thiện thể chế liên kết vùng trước yêu cầu phát triển hiện nay ở Việt Nam

Ngày đăng 18/07/2024
Liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh, tạo lợi thế cạnh tranh, động lực phát triển cho vùng thông qua việc kết nối về không gian kinh tế - tự nhiên - văn hóa - xã hội giữa các địa phương trong vùng là một trong những yêu cầu tất yếu đặt ra hiện nay, đặc biệt trong điều kiện xây dựng nền quản trị hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế liên kết vùng đáp ứng yêu cầu quản trị hiệu lực, hiệu quả rất cần phải được xem xét, nghiên cứu đầy đủ, nhiều chiều, góp phần tạo cơ sở pháp lý cho phát triển vùng, liên vùng trong thời gian tới. 

Những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Ngày đăng 12/07/2024
Sáng 09/7/2024, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhân dịp này, đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, Báo cáo viên Trung ương về công tác tổ chức xây dựng Đảng đã thông tin với phóng viên về tầm quan trọng và những điểm mới của Chỉ thị số 35-CT/TW.

Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ngày đăng 03/07/2024
Bài viết phân tích cơ sở chính trị, pháp lý và các giải pháp để Nhân dân kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. 

Thực hiện pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW 

Ngày đăng 27/06/2024
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII đã nhấn mạnh: “Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận”(1). Bài viết phân tích làm rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về thực hiện pháp luật, qua đó đưa ra các giải pháp góp phần thực hiện pháp luật công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.