Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Bắc Ninh

Ngày đăng: 16/12/2021   16:51
Mặc định Cỡ chữ
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, những năm qua tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiệu quả trong tình hình mới.
Ảnh minh họa: internet

Vai trò tham mưu ban hành và thực hiện chính sách quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Trong công tác tham mưu ban hành thể chế

Đội ngũ cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định, triển khai và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; quyết định sự thành công hay thất bại trong việc thực hiện các kế hoạch do cơ quan, tổ chức vạch, đơn vị đề ra;. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực thi các chính sách, kế hoạch của cơ quan, tổ chức; các mục tiêu quốc gia; thực hiện các giao tiếp (trao đổi, tiếp nhận thông tin,...) giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với doanh nghiệp, và người dân. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong bối cảnh hiện nay, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế; tỉnh Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đòi hỏi đội ngũ này phải nâng cao chất lượng, vững vàng cả về ý thức chính trị, giữ được phẩm chất, đạo đức tốt, lối sống đúng mực, tránh được những tác động tiêu cực từ kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 60.788 người được đào tạo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, văn hóa công sở.... Về lý luận chính trị, có 3.500 cán bộ, công chức  được cử đi học (gồm: 426 cao cấp, 2.004 trung cấp, 829 sơ cấp, 241 bồi dưỡng chính trị). Về chuyên môn, nghiệp vụ, có 378 CBCC được cử đi đào tạo sau đại học. Về quản lý nhà nước, cử 984 công chức đi đào tạo bồi dưỡng, trong đó: chuyên viên cao cấp 107 người, chuyên viên chính 877 người; đã bồi dưỡng văn hóa công sở, đạo đức công vụ cho 413 người; đã cử 63 công chức lãnh đạo cấp sở, 28 công chức lãnh đạo cấp huyện, 709 công chức lãnh đạo cấp phòng tham gia bồi dưỡng kiến thức kỹ năng lãnh đạo, quản lý(1). 

Thực hiện Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, các sở, ban, ngành về lĩnh vực kinh tế đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực xây dựng cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp; hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ngoài công lập; hỗ trợ đầu tư xây dựng trường đại học công lập, bệnh viện công lập tuyến trung ương; đào tạo lao động và sử dụng lao động;... Định hướng, chính sách thu hút đầu tư tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm liên kết ngành, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy liên kết vùng và các hành lang kinh tế, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. 

Các chính sách do các sở, ban, ngành về lĩnh vực kinh tế tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh ban hành đã thể hiện những nỗ lực mới trong thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước, công nghiệp làng nghề, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, coi trọng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao khả năng đáp ứng các dịch vụ chất lượng cao cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI.

Trong tham mưu công tác quy hoạch

Thực hiện các Quyết định số 1560/QĐ-TTg ngày 10/9/2015, Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2018, các cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về FDI đã tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị bổ sung quy hoạch và chủ trương thành lập khu công nghệ cao tại tỉnh. Đầu năm 2019, có 02 dự án lớn đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Yên Phong II-C và VSIP Bắc Ninh II được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây là những tiền đề để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tham mưu công tác phát triển cơ sở hạ tầng

- Hạ tầng giao thông: tỉnh Bắc Ninh đã vận dụng linh hoạt các nguồn lực để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Vốn đầu tư công trình giao thông giai đoạn 2014-2018 từ ngân sách nhà nước tỉnh đạt 5.191 tỷ đồng, nguồn vốn theo hợp đồng BT đạt 2.340 tỷ đồng. Các công trình trọng điểm, tiêu biểu được đầu tư như cầu Bình Than, quốc lộ 38, đường 287 Yên Phong - quốc lộ 18, cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 295B, đường tỉnh 286 đi Đông Anh - Hà Nội, đường tỉnh TL277, nút giao quốc lộ 1A - quốc lộ 38... tạo điều kiện để Bắc Ninh kết nối với các tỉnh lân cận, thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu và quyết định đầu tư.

Ngoài các KCN tập trung, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 43 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 18,22 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 08 dự án với số vốn tăng là 8,5 triệu USD.

- Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp: hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung với tổng diện tích 6.397,68 ha. 11/16 KCN được cấp giấy phép đầu tư và quyết định thành lập với tổng diện tích quy hoạch 4.523,60 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê 3.156,17 ha. Riêng trong giai đoạn 2014-2018, có thêm KCN Quế Võ III và KCN Thuận Thành II đi vào hoạt động, nâng tổng số KCN là 10/16 KCN với diện tích đất quy hoạch 3.696,94 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 2.609,40 ha, đã cho thuê 1.747,77 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch đạt 66,79%. Theo quy hoạch bổ sung đến năm 2030, Bắc Ninh có 29 cụm công nghiệp, trong đó 24 cụm đã thành lập và hoạt động, 05 cụm đang trong quá trình triển khai. Đến nay, có 18/24 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút trên 800 doanh nghiệp thứ cấp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hạ tầng bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin; hạ tầng điện, nước; hạ tầng nhà ở, y tế, giáo dục, đào tạo cũng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. 

Tham mưu cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút nguồn vốn FDI, hàng năm, tỉnh Bắc Ninh ban hành các văn bản, các kế hoạch cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh, duy trì và cải thiện các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX).

Tại Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh có 243/402 thủ tục hành chính của 17 sở, ban, ngành thực hiện tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả “4 tại chỗ”. Thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đều giảm so với quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 70%. Trung tâm hành chính công tại các huyện, thị xã, thành phố cũng được đưa vào áp dụng. Cổng dịch vụ công trực tuyến tích hợp hệ thống một cửa điện tử dùng chung toàn tỉnh Bắc Ninh được khai trương và đưa vào sử dụng từ tháng 01/2017 với 335 dịch vụ mức độ 3 và mức độ 4, giúp người dân và doanh nghiệp có thể làm việc với các cơ quan hành chính nhà nước ở mọi nơi, mọi lúc. Đến hết năm 2020, có 707 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được đưa vào sử dụng.

Những đóng góp của cơ quan tham mưu và đội ngũ công chức quản lý nhà nước về FDI đã đem lại kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn 2014-2020 của tỉnh Bắc Ninh. Nếu như năm 1997, khi khi tái lập tỉnh chỉ có 04 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 177,6 triệu USD, thì lũy kế đến hết năm 2020, đã thu hút 1.369 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 17,58 tỷ USD (1.281 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 17,29 tỷ USD), đưa Bắc Ninh nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Tính riêng giai đoạn 2014-2018, đã thu hút 869 dự án với tổng vốn sau điều chỉnh là 11,01 tỷ USD (802 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 10,68 tỷ USD), chiếm 62,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn tỉnh, gấp 1,67 lần so với giai đoạn 1997-2013(2). 

- Về ngành, lĩnh vực: các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 13/21 ngành, lĩnh vực; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất với 630 dự án, tổng vốn đầu tư 10,29 tỷ USD, chiếm 93,4% tổng vốn đầu tư giai đoạn, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 409,05 triệu USD (chiếm 3,7%), vận tải kho bãi 145,41 triệu USD (chiếm 1,32%)(3). 

- Về hình thức đầu tư: các dự án đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài, với 839 dự án (chiếm 96,55% tổng số dự án đầu tư vào tỉnh trong giai đoạn) và vốn đầu tư  là 10.497,58 triệu USD (chiếm 95,3% tổng vốn đầu tư giai đoạn)(4). Còn lại là các dự án đầu tư theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh.

- Về đối tác đầu tư: giai đoạn 2014-2018 có 32/34 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký đầu tư là 8,84 tỷ USD (chiếm 80,24% tổng vốn đầu tư giai đoạn); Singapore với 598,07 triệu USD (chiếm 5,43% tổng vốn đầu tư giai đoạn); Nhật Bản với 317,56 triệu USD (chiếm 2,88% tổng vốn đầu tư giai đoạn) và một số quốc gia như Trung Quốc, Samoa, Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan(5)...

Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng tỉnh Bắc Ninh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 91 dự án mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 184,72 triệu USD (bằng 31,73% tổng vốn đầu tư đăng ký cùng kỳ năm 2019); điều chỉnh tăng vốn cho 51 dự án với số vốn điều chỉnh tăng thêm là 211,37 triệu USD, bằng 50,45% tổng vốn đầu tư điều chỉnh cùng kỳ năm 2019; điều chỉnh giảm vốn cho 03 dự án với số vốn giảm là 1,12 triệu USD; tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 394,97 triệu USD(6). 

Trong các KCN tập trung, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 48 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 166,5 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 43 dự án với số vốn tăng thêm là 202,87 triệu USD; điều chỉnh giảm vốn cho 03 dự án với số vốn giảm là 1,12 triệu USD.

2. Những nhiệm vụ đặt ra đối với quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bắc Ninh

Với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực then chốt, lan tỏa thúc đẩy doanh nghiệp đồng hành trong phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện thành công mục tiêu đó, những nhiệm vụ đặt ra đối với quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Bắc Ninh là: 

Một là, thực hiện tốt công tác tham mưu về quy hoạch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng.

Cần rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến 2030. Tập trung triển khai lập quy hoạch gắn với việc tích hợp các quy hoạch thành phần và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Công khai, minh bạch các quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; triển khai Chương trình phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh, Chương trình phát triển nhà ở đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hoàn thiện hạ tầng các KCN, đẩy nhanh tiến độ triển khai KCN mới, lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cụm công nghiệp.

Hai là, tham mưu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả quản trị hành chính công các cấp, duy trì và cải thiện các Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DDCI). Rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thiết lập tổng đài hỗ trợ, giải đáp cho doanh nghiệp và người dân. Duy trì tổ chức đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp hàng năm; tăng cường cơ chế đối thoại có hiệu quả giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý các vướng mắc.

Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng đội ngũ đội ngũ công chức quản lý nhà nước về FDI chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đổi mới chế độ công chức, công vụ. Nâng cao công tác hỗ trợ doanh nghiệp đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; phát huy vai trò hỗ trợ của “Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp”, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” và các trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, việc làm, hỗ trợ KCN...

Ba là, tiếp tục hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức và hoạt động xúc tiến đầu tư.

Cần tiếp tục củng cố các đối tác đầu tư chiến lược (Hàn Quốc, Nhật Bản), mở rộng các đối tác đầu tư thuộc khu vực Đông Âu, Mỹ Latinh và châu Phi… đẩy mạnh thu hút đầu tư của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thông qua các tập đoàn đa quốc gia. Tăng cường xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư mới, đồng thời thực hiện xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua việc giới thiệu các hoạt động thành công và ổn định của các nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh đến với các nhà đầu tư khác.

Chủ động thu hút đầu tư nước ngoài có mục tiêu, chuyển từ chính sách “mở cửa” sang “gõ đúng cửa”. Hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các ấn phẩm, tài liệu, danh mục dự án kêu gọi đầu tư FDI. Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức và vai trò của đơn vị đầu mối thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; tăng chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về FDI.

Chú trọng tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác hội nhập kinh tế quốc tế và công chức quản lý nhà nước về FDI thông qua việc tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế do các bộ, ngành Trung ương tổ chức. Xây dựng “Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập” theo hướng mở và linh hoạt, đảm bảo quy mô, cơ cấu hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương trong thời gian tới. Cần tham mưu các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Bắc Ninh phù hợp với xu thế phát triển ngành nghề mới trên nền tảng Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các cơ quan liên ngành cần giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư theo thỏa thuận: tiến độ, vốn thực hiện... kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo hộ lao động, việc sử dụng lao động theo đúng quy định của Luật Lao động về độ tuổi, bảo vệ môi trường... tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra về công nghệ, máy móc thiết bị của các dự án đầu tư nước ngoài. Kiên quyết xử lý vi phạm của doanh nghiệp, dự án có vi phạm, đặc biệt là vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. 

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được đổi mới phương thức hoạt động theo hướng chuyển từ hình thức thanh kiểm tra của từng cơ quan, đơn vị sang thanh kiểm tra liên ngành; từ kiểm tra trực tiếp sang giám sát thông qua thiết lập hệ thống thông tin và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước; gắn với mục đích hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật. 

Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền đối với người lao động về tinh thần hợp tác và kỷ luật lao động; không để xảy ra các cuộc đình công tự phát gây mất ổn định trong các doanh nghiệp. Mọi tranh chấp cần được giải quyết nhanh chóng, chính xác, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài và người lao động phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam./.

----------------------------------------------

Ghi chú: 

(1) Báo cáo Tổng kết công tác đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2016-2020 của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh.

(2),(3),(4),(5),(6) Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh các năm từ 2014-2020 và 6 tháng đầu năm 2021

 

Nguyễn Trọng Bình, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2024

Ngày đăng 18/03/2024
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. 

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024

Ngày đăng 13/03/2024
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2024, thời gian hoàn thành trước ngày 15/3/2024. Chậm nhất trong năm 2024 phải hoàn thành việc nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu của Nghị định số 107/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Kiện toàn tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp hiện nay

Ngày đăng 13/03/2024
Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước. 

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp để xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 06/03/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 yêu cầu các bộ, ngành trung ương cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc xây dựng Đề án sắp xếp của từng địa phương cũng như quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC; làm tốt công tác truyền thông dưới nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cả về nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan, bị tác động và ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp.

Thủ tướng phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày đăng 04/03/2024
Ngày 04/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 220/QĐ-TTg phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.