Hà Nội, Ngày 17/04/2024

Bài 2: Từ "Bác sĩ doanh nghiệp" tới Tổ phản ứng nhanh "Ba nhất"

Ngày đăng: 08/12/2021   10:58
Mặc định Cỡ chữ
Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn là yêu cầu luôn được tỉnh Bắc Ninh đặt ra nhằm đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang (người mặc áo kẻ caro) kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh và phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

Từ mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” của những năm trước, trong bối cảnh dịch bệnh, Bắc Ninh đã nâng cấp thành "Tổ phản ứng nhanh ba nhất” với phương châm: “Tư vấn hiệu quả nhất-Giải quyết nhanh nhất-Chống dịch an toàn nhất”.

Theo tinh thần “Bắc Ninh đồng hành với doanh nghiệp”, từ năm 2016, Bắc Ninh đã cho ra đời sáng kiến “Bác sĩ doanh nghiệp”.

Trong quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Bắc Ninh trước đây, các cơ quan Nhà nước đã thực hiện nhiều hình thức thu thập và giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc phát sinh chưa được giải quyết triệt để.

Khảo sát của tỉnh Bắc Ninh cho thấy, kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhiều khi phụ thuộc vào thiện chí của cán bộ cụ thể. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thường thiếu kiến thức quản trị chuyên nghiệp, hoạt động theo kinh nghiệm và đôi khi thiếu tự tin, đồng thời sợ liên lụy đến tranh chấp pháp lý hoặc sợ làm “mất lòng các cơ quan Nhà nước”. Do đó, việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp thực sự có vai trò to lớn trong hỗ trợ họ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cần có Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, để Tổ công tác hoạt động hiệu quả, cần có cơ quan độc lập thu thập những thông tin từ doanh nghiệp; theo dõi đánh giá chất lượng việc giải quyết kiến nghị, hỗ trợ doanh nghiệp; tư vấn, đề xuất những biện pháp, áp dụng  cơ chế, chính sách pháp luật trong giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp; tổng hợp tình hình và trách nhiệm giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp của các sở, ngành để báo cáo đầy đủ, khách quan thông tin với UBND tỉnh.

Do đó, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp Bắc Ninh” là văn phòng độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước, do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh vận hành, có chức năng tư vấn, “chẩn đoán”, đề xuất với chính quyền tỉnh về phương án; phối hợp, đôn đốc giải quyết dứt điểm, nâng cao hiệu quả trong việc giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật của doanh nghiệp.

Hoạt động của mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” rất đa dạng, tập trung vào kết nối với cơ quan chính quyền để giải quyết các vướng mắc trong thực hiện pháp luật cho doanh nghiệp, tạo lòng tin cho doanh nghiệp; giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động của Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp do Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh là Tổ trưởng.

Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức các buổi đối thoại và hỗ trợ tư vấn, tiếp nhận thông tin, kiến nghị qua mọi phương tiện như gọi điện, tin nhắn, email và gần đây là nhóm Zalo; tổng hợp, đề xuất phương án giải quyết và chuyển các kiến nghị, khó khăn vướng mắc gửi đến các cơ quan Nhà nước; theo đuổi đến khi có kết quả giải quyết. Các cơ quan cũng hướng dẫn nâng cao năng lực của chính doanh nghiệp, hiểu biết về pháp luật, quyền tự bảo vệ lợi ích của mình; hướng dẫn doanh nghiệp cách thức tiếp cận với cơ quan Nhà nước để đạt hiệu quả (nhận biết cơ quan giải quyết vướng mắc, phong cách, thái độ phục vụ…).

Cùng với đó, xây dựng cơ chế theo dõi giải quyết triệt để khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp: khuyến khích doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc trao đổi để nắm bắt chi tiết, kèm theo hồ sơ tài liệu; làm việc với các cơ quan chức năng; tập hợp và chuẩn bị công cụ pháp lý để đề xuất cách giải quyết với người đứng đầu sở, ngành, địa phương. Xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp phản ánh về những cuộc kiểm tra, thanh tra trùng lắp, có dấu hiệu thiếu tường minh, cán bộ thanh tra không thực hiện đúng quy trình để kịp thời phản ánh với cấp có thẩm quyền và phòng ngừa.

Phương châm của mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” là “thân thiện, lắng nghe, thấu cảm, tận tâm”, mục tiêu cao nhất là hiệu quả trong giải quyết phản ánh kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên tinh thần “nói thật, làm thật”, “sự việc cụ thể, thông điệp lớn”, tạo không gian khác biệt trong trợ giúp doanh nghiệp.

Nhiều trường hợp, “Bác sĩ doanh nghiệp” trực tiếp đến doanh nghiệp để ghi nhận, tìm hiểu cụ thể. Một số trường hợp kiến nghị có tính chất phức tạp của doanh nghiệp có sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, cùng thành viên Tổ công tác và đại diện các sở, ban, ngành trực tiếp đến trụ sở doanh nghiệp làm việc, có phương án giải quyết kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Những hành động cụ thể của lãnh đạo tỉnh giúp các doanh nghiệp yên tâm và tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của tỉnh. Hình thức hỗ trợ nào cũng đều khẳng định rõ: việc phản ánh hoặc gửi kiến nghị không chỉ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Bắc Ninh thân thiện, an toàn và minh bạch hơn.

Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần để Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh đứng thứ 4 toàn quốc năm 2019; đến nay thu hút vốn FDI đạt hơn 20 tỷ USD và có hơn 20.700 doanh nghiệp; nhiều chỉ số phát triển kinh tế nằm trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước.

Phiên bản mới: “Tổ 3 nhất”, “Chat với doanh nghiệp”

Năm 2021, với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, Bắc Ninh là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng dịch bệnh trên địa bàn nhanh chóng được khống chế, tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường mới từ tháng 7/2021. Để thực hiện mục tiêu kép phòng, chống dịch và tăng trưởng kinh tế, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn, bao quát hơn được đặt ra nhằm đẩy mạnh khôi phục phát triển kinh tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới.

Từ tháng 7/2021, UBND tỉnh đã nâng cấp mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” thành Tổ phản ứng nhanh “Ba nhất” nhằm kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ, giảm thiểu tác động của đại dịch, bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Điểm nổi bật trong hoạt động của Tổ là cách thức ứng dụng công nghệ thông tin và xử lý ngay được kiến nghị, vướng mắc, giải đáp chính sách.

Tổ phản ứng nhanh “Ba nhất” có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin phản ánh, trực tiếp đến từng thành viên thông qua các hệ thống công nghệ thông tin đa phương tiện để hỗ trợ nhanh, trực tiếp tới từng vụ việc cụ thể, từng khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Từng sở, ban, ngành, UBND cấp huyện/thị xã/thành phố thành lập các bộ phận phản ứng nhanh để kết nối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, giải quyết kịp thời những vướng mắc tại thực tế hiện trường. Hỗ trợ triển khai công tác phòng, chống COVID-19 an toàn nhất trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Tổ hoạt động theo nguyên tắc thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả trong phối hợp hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước. Tổ không thay thế trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong phòng, chống dịch COVID-19. Các trường hợp xử lý dịch bệnh tại doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy trình tác nghiệp đã được ban hành.

Phương tiện hoạt động, thông tin, báo cáo của Tổ hỗ trợ phản ứng nhanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin: doanh nghiệp quét mã QR để tham gia Tổ nhận thông tin pháp lý cần thiết nhất và đặt câu hỏi, cơ quan Nhà nước sẽ trả lời, hỗ trợ qua các phương tiện điện thoại, Zalo, và văn bản…

Tổng hợp số liệu về kênh Zalo của Tổ phản ứng nhanh ba nhất (tính từ ngày 27/7 đến ngày 22/11/2021) cho thấy doanh nghiệp quan tâm và tin tưởng vào mô hình này. Cụ thể, số người quan tâm: 5.500 lượt, trong đó khoảng 4.500 doanh nghiệp và người kinh doanh. Số lượng tin nhắn (thắc mắc, kiến nghị, đề xuất, …) gửi đến 950 tin, trong đó có 570 tin đã được giải đáp.

Doanh nghiệp phản hồi tích cực

Theo lãnh đạo Công ty Samsung, mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp” là một trong những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp có hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhất được áp dụng tại tỉnh Bắc Ninh.

Ngay từ những ngày đầu Samsung xây dựng nhà máy, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập tổ công tác hỗ trợ Công ty Samsung giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc. Gần đây, trong giai đoạn vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, nhóm “Bác sĩ doanh nghiệp” dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế của tỉnh cũng luôn thường trực, sẵn sàng đối thoại, cùng doanh nghiệp đưa ra phương án tối ưu.

Với những hoạt động và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả như mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp”, theo lãnh đạo Samsung, Bắc Ninh sẽ còn là điểm đến thu hút nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Samsung cũng mong muốn mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi ở các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Công ty TNHH Hanwha Techwin Security Việt Nam cho biết đã được hưởng những ưu đãi, tư vấn thiết thực từ mô hình “Tổ phản ứng nhanh 3 nhất”. Những ngày đầu thành lập, Công ty lo ngại về những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nhân lực nhưng ngay lập tức công ty đã đảm bảo được nguồn nhân lực kịp thời nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và đến nay công ty có một nguồn nhân lực chất lượng cao ổn định. Ngoài ra, các hạ tầng trong khu công nghiệp liên quan tới điện, nước… đều được bảo đảm nên Công ty không gặp khó khăn trở ngại nào trong quá trình sản xuất.

Vẫn theo Công ty TNHH Hanwha Techwin Security Việt Nam, khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sản xuất kinh doanh, Bắc Ninh đã luôn hỗ trợ hết sức, góp phần rất lớn giúp công ty đạt được mục tiêu sản xuất. Các cơ quan quản lý đã chủ động tạo các nhóm liên hệ trên mạng xã hội để liên kết với hàng nghìn doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Từ đó, những thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh đã nhanh chóng được truyền đạt tới doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Bắc Ninh cũng rất khẩn trương trong việc tiêm vaccine cho công nhân và hỗ trợ các chuyên gia nhập cảnh kịp thời. Nhờ những hỗ trợ tích cực này mà sản lượng năm 2021 của công ty tăng 50% so với năm 2020, công ty đang hoạt động ổn định mà không có ca nhiễm nào./.

Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (GRDP) ước tăng 6,08% so với năm 2020; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%; xuất khẩu hàng hóa tăng 18,7%; dư nợ tín dụng tăng 16,9%; sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất tăng 5,4%; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch bệnh triển khai khẩn trương tích cực; an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ước thu ngân sách Nhà nước của tỉnh đạt 31.110 tỷ đồng, vượt 11,7% dự toán năm; trong đó, thu nội địa ước đạt 23.710 tỷ đồng, vượt 6,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 7.400 tỷ đồng, vượt 34,1% dự toán,…

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.