Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Kỹ năng thuyết trình, thảo luận, tranh luận của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Ngày đăng: 03/12/2021   09:35
Mặc định Cỡ chữ
ThS Ngô Tự Nam - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là giảng viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng chuyên đề “Kỹ năng thuyết trình, thảo luận, tranh luận của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” diễn ra từ ngày 23/11 đến ngày 25/11/2021 do Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (lớp thứ hai).
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam, chia sẻ nội dung chuyên đề "Kỹ năng thuyết trình, thảo luận, tranh luận của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” với các đại biểu từ điểm cầu chính Trụ sở Bộ Nội vụ, ngày 24/11/2021.

 

KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Chia sẻ nội dung chuyên đề “Kỹ năng thuyết trình, thảo luận, tranh luận của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” tại Lớp bồi dưỡng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam nhấn mạnh tới mục đích, yêu cầu đối với thuyết trình của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, theo đó đại biểu HĐND thường sử dụng thuyết trình khi: 1) Thảo luận tại kỳ họp HĐND, nhằm nêu quan điểm của mình và thuyết phục đại biểu khác, cơ quan trình dự thảo nghị quyết về phương án, nội dung mà mình phát biểu. Đồng thời thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng để Nhân dân biết tới hoạt động của đại biểu; 2) Tiếp xúc cử tri, để đại biểu trình bày với cử tri các nội dung của buổi tiếp xúc (trình bày về chương trình, nội dung kỳ họp HĐND; báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu HĐND); 3) Tiếp công dân, để đại biểu giải thích chính sách, pháp luật và thuyết phục công dân về kết quả nghiên cứu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về yêu cầu đối với thuyết trình của đại biểu HĐND cấp tỉnh: Vị thế của người đại biểu vừa mang tính đại diện cho cử tri, vừa mang tính quyền lực nhà nước, nên thuyết trình của đại biểu HĐND phải đảm bảo các yêu cầu: 1) Ngôn từ chuẩn xác, sử dụng nhiều ngôn từ theo văn bản pháp luật. Trong phát biểu của đại biểu phải có căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, do vậy ngôn từ mang tính pháp lý, hạn chế sử dụng từ ngữ mang nhiều ý hiểu khác nhau; 2) Hạn chế sử dụng quan điểm cá nhân, bởi đại biểu đang đại diện cho cử tri để phát biểu. Trong phát biểu của đại biểu phải đảm bảo sự cân bằng giữa quan điểm cá nhân của đại biểu và quan điểm của đông đảo cử tri mà mình đại diện; 3) Tuân thủ nội quy, quy định về thuyết trình (tại kỳ họp HĐND, đại biểu phải tuân thủ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nội quy kỳ họp; trong tiếp xúc cử tri phải tuân thủ quy định về tiếp xúc cử tri và sự điều hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tại nơi tiếp công dân phải tuân thủ Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, nội quy phòng tiếp công dân…); 4) Mỗi hoạt động của đại biểu sẽ có người nghe khác nhau (về trình độ, số lượng, mục đích) nên thuyết trình cần phải thay đổi để phù hợp với từng đối tượng (trong kỳ họp là đại biểu HĐND; trong tiếp xúc cử tri là cử tri; trong tiếp công dân là một hoặc nhóm công dân).

Khi xây dựng bài thuyết trình nên đưa ra thông điệp để giúp người nghe ghi nhớ điều đại biểu muốn truyền tải một cách nhanh nhất, bởi thông điệp chính là công cụ hữu hiệu để chạm tới cảm xúc của người nghe. Bài thuyết trình cần cô đọng, rõ ý, giúp biểu đạt mục đích của thuyết trình rõ nhất và tạo được sự sẻ chia, đồng thuận của các đại biểu khác. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam lưu ý.

 

Việc thuyết trình của đại biểu HĐND cấp tỉnh thường được thực hiện theo các bước: 1) Chuẩn bị bài thuyết trình: thu thập, xử lý thông tin; xác định nội dung, phạm vi thông tin; xác định mục đích thuyết trình; xây dựng bài thuyết trình; chuẩn bị về tâm lý trước khi thuyết trình. 2) Tiến hành thuyết trình: đây là công đoạn quan trọng nhất, vì vậy đại biểu HĐND cần lưu ý đảm bảo thời gian thuyết trình, đánh giá phản ứng của người nghe và điều chỉnh bài thuyết trình. 3) Kết thúc thuyết trình: có thể tóm lược những nội dung chính của bài thuyết trình hoặc kết thúc bằng cách nói lời cảm ơn và có thể kết thúc bài thuyết trình bằng một câu hỏi gợi mở khiến người nghe cần phải suy nghĩ và tư duy).

Đại biểu HĐND cấp tỉnh cũng cần phải có kỹ thuật thuyết trình (kỹ thuật mở đầu bài thuyết trình, kỹ thuật sử dụng phi ngôn ngữ, kỹ thuật sử dụng giọng nói, kỹ thuật tác động tâm lý người nghe…).

Một số điểm lưu ý về kỹ thuật mở bài thuyết trình:

- Lựa chọn cách mở đầu vui vẻ, gây sốc, tò mò.

- Cách thức mở đầu bằng kể câu chuyện ngắn, đặt câu hỏi, đưa ra số liệu thống kê, tạo sự tương phản, chia sẻ cảm nghĩ của bản thân, trích dẫn một câu nói nổi tiếng…

- Ngoài sử dụng ngôn ngữ để mở đầu bài thuyết trình, có thể kết hợp với hình ảnh, bởi hình ảnh sẽ tác động tới người nghe mạnh mẽ, nhanh hơn là lời nói.

 

KỸ NĂNG THẢO LUẬN, TRANH LUẬN CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Chia sẻ với các đại biểu HĐND cấp tỉnh về kỹ năng thảo luận, tranh luận, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam nhấn mạnh: nếu thảo luận nhằm mục đích đưa ra quan điểm của đại biểu thì tranh luận nhằm mục đích bảo vệ quan điểm của đại biểu.

Việc thảo luận và tranh luận của đại biểu HĐND cần đảm bảo đúng đường lối của Đảng, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước; tập trung vào nội dung đang thảo luận, phát biểu rõ ý đề xuất, lý do đồng tình, không đồng tình; tuân thủ nội quy kỳ họp HĐND; tuân thủ sự điều hành của chủ tọa kỳ họp và thực hiện văn hóa nghị trường…

Một số lưu ý nên tránh trong thảo luận, tranh luận: 

- Đứng chống hai tay lên bàn. 
- Đọc văn bản chuẩn bị sẵn.
- Quên kiểm soát thời gian.
- Tranh luận về những vấn đề đại biểu chưa nắm rõ. 
- Chỉ trích và không lắng nghe ý kiến của đại biểu khác.
- Đặt cái “tôi” của đại biểu lên trên lợi ích của Nhân dân…

 

Để thực hiện thảo luận, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần thu thập thông tin, xử lý thông tin về đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; về nghị quyết của HĐND đã ban hành có liên quan để so sánh, đánh giá hiệu quả thi hành, tìm hiểu các chính sách đã được ban hành; những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm; từ tài liệu kỳ họp HĐND.

Đại biểu cũng cần lựa chọn vấn đề để nghiên cứu, thảo luận. Tốt nhất nên chọn những lĩnh vực thuộc thế mạnh của mình để nghiên cứu, phát biểu, thảo luận. Bên cạnh đó, đại biểu cần lưu ý lựa chọn vấn đề đang có nhiều ý kiến trong dư luận xã hội, vấn đề bức xúc của cử tri mà đại biểu tiếp thu được qua các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, bởi đại biểu phải mang được “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường. Vấn đề nào đại biểu thấy cần phát biểu mà mình chưa rõ thì phải tìm hiểu từ chuyên gia, báo chí, từ thực tiễn cuộc sống, điều này sẽ giúp nghị quyết khi được ban hành đi vào cuộc sống.

Để thực hiện tranh luận, đại biểu cũng phải thu thập và xử lý thông tin. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa xử lý thông tin trong tranh luận với xử lý thông tin trong phát biểu thảo luận, đó là THỜI GIAN. Trong thảo luận, đại biểu có rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, xử lý thông tin bằng nhiều phương pháp khác nhau để xây dựng bài phát biểu thảo luận. Ngược lại, trong tranh luận, đại biểu không có nhiều thời gian để xử lý thông tin, thường chỉ có 10 đến 20 phút để quyết định việc tranh luận hay không.

Nền tảng để đại biểu tranh luận phải là kiến thức sẵn có của đại biểu về nội dung HĐND đang thảo luận. Đại biểu chỉ nên tranh luận khi nắm vững vấn đề, tự tin vào kiến thức có sẵn của bản thân.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt cho phần tranh luận, đại biểu cần tiếp cận vấn đề tranh luận ở các góc độ khác nhau; xây dựng phương án tranh luận; đưa ra căn cứ thực tiễn, căn cứ khoa học minh chứng; tôn trọng ý kiến trái chiều, đặt mình vào hoàn cảnh đại biểu khác; không giữ định kiến; biết điểm dừng; giữ bình tĩnh; cố gắng tìm ra một quan điểm chung với đại biểu mà mình tranh luận…  

Trong phát biểu tranh luận, đại biểu cần lưu ý đảm bảo theo sự điều hành của chủ tọa phiên họp; tranh luận có văn hóa nghị trường; không nên có lời nói, phát biểu gay gắt; không công kích người mà mình tranh luận; tuân thủ các nguyên tắc tranh luận đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương./.

Trí Đức

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Tỉnh Tuyên Quang tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ

Ngày đăng 28/02/2024
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Bài viết khái quát những kết quả đạt được và đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Tuyên Quang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay

Ngày đăng 19/02/2024
Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là yếu tố quyết định đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đào tạo, bồi dưỡng là một trong các nội dung, chức năng cơ bản của quản lý nguồn nhân lực khu vực công hiện nay. Tuy nội hàm của “đào tạo” và “bồi dưỡng” không hoàn toàn đồng nhất, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là tổng thể các hoạt động được thực hiện một cách có kế hoạch, có hệ thống nhằm bổ sung tri thức, kỹ năng, động cơ, thái độ và hành vi, từ đó nâng cao hiệu quả công việc được giao của mỗi CBCCVC cũng như làm tăng lên mức độ đóng góp, cống hiến của họ đối với việc thực hiện mục tiêu của tổ chức, đơn vị.