Hà Nội, Ngày 17/04/2024

Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc

Ngày đăng: 28/11/2021   21:38
Mặc định Cỡ chữ
Sau 35 năm tiến hành Đổi mới đất nước (1986-2021); 28 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (năm 1993) về công tác thanh niên trong thời kỳ mới; 13 năm triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là đã xây dựng được thế hệ thanh niên có đạo đức, nhân cách, tri thức, sức khỏe, tư duy năng động và hành động sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc và của Đảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh minh họa: internet

Từ tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng, phát huy sức trẻ của thanh niên

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến vai trò của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng, cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”(1). Thanh niên đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”(2).

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí của thanh niên, xác định thanh niên là lực lượng xung kích cách mạng, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Đảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc. Đồng thời, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua mỗi thời kỳ, dù bất cứ hoàn cảnh nào các thế hệ thanh niên đều hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của mình.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(3). Đây là những dấu mốc mục tiêu có ý nghĩa trọng đại của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Để phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, vấn đề “căn cốt” có tính quyết định là xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ có bản lĩnh chính trị, trí tuệ và sức khỏe, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”(4). Đây là quan điểm đúng đắn, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ ngày thành lập. Từ Nghị quyết Đại hội lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII là một chủ trương quan trọng, có tính chất quyết định, làm chuyển biến mạnh mẽ tình hình thanh niên, công tác đoàn và phong trào thanh niên. Các cấp ủy đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị, toàn xã hội thực hiện tốt hơn công tác thanh niên và chăm lo xây dựng Đoàn Thanh niên… Kế thừa những thành tựu và nhất quán quan điểm đối với phát triển thanh niên, Đảng và Nhà nước đã căn cứ vào điều kiện thực tế trong nước cũng như xu thế của thế giới để xây dựng và ban hành Luật Thanh niên, Chiến lược phát triển thanh niên và nhiều chính sách về công tác thanh niên, tạo điều kiện, cơ hội cho thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Công tác đoàn và phong trào thanh niên từng bước phát triển, mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên được mở rộng; số thanh niên trở thành đoàn viên, đảng viên ngày càng tăng, tạo nên một lực lượng thanh niên hùng hậu và xung kích.

Đến xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Nhằm cụ thể hóa những quy định trong Luật Thanh niên năm 2020; tinh thần, quan điểm, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về thanh niên; phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các chỉ số phát triển thanh niên toàn cầu và khu vực ASEAN…, ngày 24/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1331/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (Chiến lược), với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có ý chí tự cường, tự hào dân tộc; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng vươn lên xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ. Phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế. Phát huy tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện và nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Chiến lược đề ra 06 nhóm mục tiêu cụ thể: 1) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên; 2) Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; 3) Nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho thanh niên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao; 4) Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên; 5) Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; 6) Phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, Chiến lược đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: 1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp; 2) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thanh niên; 3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật; 4) Tăng cường cung cấp dịch vụ, hoạt động hỗ trợ thanh niên; 5) Nguồn lực thực hiện Chiến lược; 6) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thực hiện Chiến lược; 7) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chiến lược; 8) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể và thanh niên.

Như vậy, từ những quy định rất chi tiết, chặt chẽ trong Luật Thanh niên năm 2020 và tinh thần chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã thể hiện quan điểm nhất quán, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước về thanh niên của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp… nhằm xây dựng, phát huy vai trò của thanh niên thực sự là lực lượng xã hội to lớn, xung kích, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hoàn thành kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, vững bước trên con đường phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế./.

---------------------------

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.298.

(2) Sđd, tập 5, tr.216.

(3),(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQG-ST, H.2021, tr.326-327, tr.136.

Lê Doãn Sơn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Khởi động Tháng Thanh niên năm 2022 của tuổi trẻ Việt Nam

Ngày đăng 01/03/2022
Năm nay, Tháng Thanh niên có chủ đề “Tuổi trẻ sáng tạo”, được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khởi động vào sáng 01/3/2022 tại Hà Nội với hàng loạt hoạt động xung kích, tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội có tổng giá trị gần 2 tỷ đồng.

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam

Ngày đăng 26/02/2022
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, ngày 25/02/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 282/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

Quảng Bình: Bổ sung mới 03 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Công tác thanh niên

Ngày đăng 23/02/2022
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính bổ sung mới trong lĩnh vực Công tác thanh niên thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ. Cụ thể:

Triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2022

Ngày đăng 16/02/2022
Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản số 439/BNV-CTTN về hướng dẫn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2022.

Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2022

Ngày đăng 08/02/2022
Nhằm theo dõi tình hình thi hành pháp luật, xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngành Nội vụ, năm 2022, tiến hành theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành các quy định của pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên tại 04 bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.