Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Không chủ quan khi đã tiêm 2 mũi vắc xin!

Ngày đăng: 18/11/2021   16:52
Mặc định Cỡ chữ
Những ngày gần đây, số ca mắc mới trong cộng đồng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng. Mặc dù khi chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt có sự kiểm soát về dịch bệnh nhưng nhiều người dân đang có dấu hiệu chủ quan, buông lỏng.

Không nên cho rằng tiêm vắc xin thì sẽ miễn nhiễm với COVID-19 và an toàn tuyệt đối. Trên thực tế, khi bị nhiễm bệnh, những người đã tiêm vắc xin, nhất là tiêm đủ 2 mũi, tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt những người chưa được tiêm song không loại trừ có trường hợp vẫn chuyển nặng thậm chí tử vong.

Sau một thời gian TP Hồ Chí Minh duy trì số ca mắc mới dưới 3 con số thì những ngày gần đây, số ca mắc mới mỗi ngày trên địa bàn Thành phố đều cao nhất cả nước với trên 1.000 trường hợp (ngày 08/11 là 1.316 trường hợp; ngày 09/11 là 1.276 trường hợp; ngày 10/11 là 1.414 trường hợp; ngày 11/11 là 1.185 trường hợp). Cùng với đó, số bệnh nhân nhập viện cũng có dấu hiệu tăng. Cụ thể, ngày 06/11 có 908 bệnh nhân, ngày 07/11 là 953 bệnh nhân, ngày 08/11 là 1.001 bệnh nhân, ngày 09/11 là 1.095 bệnh nhân và ngày 10/11 là 1.228 bệnh nhân. Trong khi đó, số bệnh nhân xuất viện thường thấp hơn số nhập viện. Cụ thể, tương ứng những ngày trên số bệnh nhân xuất viện lần lượt là 800, 533, 832, 735 và 865.

Thêm nữa, theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, từ cuối tháng 9/2021, số ca bệnh nặng và tử vong ở Thành phố có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Số ca cần thở oxy và hồi sức dao động con số 1.800, không giảm hơn. Số ca thở máy xâm lấn dao động 230-250. Số ca tử vong giảm thấp nhất là 21 trường hợp vào ngày 31/10.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, qua theo dõi các ca bệnh nặng và các trường hợp tử vong trên địa bàn, thấy rằng, nhóm nguy cơ tử vong cao tập trung vào trường hợp mắc COVID-19 có bệnh nền, lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh nền nhưng nằm một chỗ lâu ngày và chưa tiêm vắc xin. BS Châu cũng nhấn mạnh, theo kết quả phân tích đối với một số bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm và đã tiêm vắc xin ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho thấy nhóm đã tiêm vắc xin có tỷ lệ bệnh nặng thấp hơn rõ rệt. Tuy nhiên, không phải là tiêm đủ 2 mũi vắc xin là không nhiễm bệnh, không tử vong.

Trong ngày 11/11, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 38 trường hợp tử vong (3 trường hợp từ các tỉnh lân cận chuyển lên), trong đó 34 trường hợp có bệnh nền. Số ca tử vong từ 18 - 50 tuổi là 2 trường hợp; 15 trường hợp tử vong từ 51 - 65 tuổi (39,5%); số ca tử vong trên 65 tuổi là 21 trường hợp (55%). Về tiền sử tiêm vắc xin thì có 20 trường hợp tử vong mà chưa tiêm vắc xin, trong đó có 12 trường hợp trên 65 tuổi, có bệnh nền, thậm chí có trường hợp nằm một chỗ nhiều năm nay.

Có 2 trường hợp tử vong đã tiêm 1 mũi vắc xin; 10 trường hợp tử vong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin (cả 10 trường hợp này đều trên 50 tuổi và có bệnh nền).

"Thông thường, trường hợp tử vong do COVID-19 rơi vào nhóm có bệnh nền, cao tuổi. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng, không loại trừ người trẻ tuổi, dù tiêm đủ vắc xin, có thể mắc bệnh nặng và tử vong. Các trường hợp này thuộc nhóm có cơ địa đặc biệt, gây cơn bão Cytokine. Có những người diễn biến rất nặng, dù chạy ECMO cũng không cứu được", BS Châu cho biết thêm.

Do đó, BS Châu khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.  Đặc biệt đối với những người trẻ khi tiếp xúc với bên ngoài nhiều cần thận trọng, tránh mang mầm bệnh về cho người thân, nhất là những người lớn tuổi trong gia đình.

Việc gia tăng số ca nhiễm mới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong những ngày gần đây không phải là hiện tượng gì bất thường, vì khi mở cửa, việc giao thương, tiếp xúc, đi lại tăng hơn, thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là điều có thể xảy ra. Đây cũng là vấn đề đã được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh dự báo trước.

Ngày 12/11, khi đề cập đến số ca COVID-19 trên địa bàn tăng trở lại, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP đã nêu rõ là thích ứng an toàn với dịch nên độ mở của các hoạt động xã hội, kinh tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến COVID-19. Nếu dịch giảm, màu xanh rộng hơn thì hoạt động được mở nhiều hơn. Ngược lại, vùng vàng, cam, đỏ tăng thì hoạt động phải hạn chế. Hiện số ca F0 tăng lại nên cần cẩn trọng trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp do vậy Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh tinh thần là phải chủ động phòng, chống dịch và việc này phải được làm hàng ngày, không được chủ quan, lơ là. Khi phát hiện F0, cơ quan chức năng phải xử lý ngay để không mang nguồn lây cho người khác. Người nhiễm cũng cần được cấp thuốc kịp thời để bệnh không chuyển nặng, tử vong.

Về công tác dự phòng, Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng phải tập trung hơn nữa để thành thói quen mới, thói quen tích cực và ý thức trong điều kiện bình thường mới.

Để kiểm soát tình hình dịch bệnh hiện nay, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương đặc biệt những nơi đang có nguy cơ tăng số ca nhiễm để theo dõi. HCDC cũng gửi đội đặc nhiệm xuống các địa phương kịp thời ngăn chặn sự gia tăng ổ dịch, cũng như theo dõi F0 bệnh nặng, giảm nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, hiện nay, Thành phố cũng tăng cường thêm các trạm y tế lưu động để hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp F0 đang cách ly tại nhà.

Và trong ngày 12/11, Sở Y tế Thành phố và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định kích hoạt lại mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" nhằm tăng cường tư vấn và hỗ trợ cho các F0.

Trên thực tế những ngày gần đây, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người có tâm lý rất chủ quan, lơ là trong phòng chống, dịch, thường xuyên tập trung đông người tại các khu vực trung tâm Thành phố; các hàng quán kinh doanh dịch vụ ăn uống không bảo đảm quy định phòng, chống dịch. Chính vì vậy, cùng với các biện pháp trên, công tác tuyên tryền cần được đẩy mạnh hơn nữa để người dân hiểu đúng về tình hình dịch bệnh, thích ứng an toàn linh hoạt nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tránh chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.