Hà Nội, Ngày 17/04/2024

Bình Dương: Đồng bộ hóa dịch vụ công trực tuyến

Ngày đăng: 11/11/2021   13:35
Mặc định Cỡ chữ
Trong giai đoạn “bình thường mới”, việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 là việc làm cấp thiết. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện DVCTT nhằm tạo sự đồng bộ, dễ tiếp cận cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Cán bộ cấp xã giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua phần mềm chuyên dùng, một cách làm hay trong giai đoạn “bình thường mới”.

Hoàn thành các chỉ tiêu DVCTT

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương, đến nay tổng số thủ tục hành chính của tỉnh là 1.942, cấp tỉnh 1.557, cấp huyện 258, cấp xã 127. Trong đó, tỉnh đã triển khai DVCTT là 1.598, có 1.000/1.598 dịch vụ công có biểu mẫu điện tử tương tác (gọi tắt là e-Form); 619/1.598 dịch vụ công có phát sinh hồ sơ. Tỉnh đã có 719 dịch vụ công tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Lộ trình thực hiện cung cấp tất cả DVCTT trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh trong năm 2021, cụ thể như sau: Trước ngày 26/11/2021, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 2 lên mức độ cao hơn trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Trước ngày 26/12/2021, thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Ngày 01/01/2022, vận hành chính thức dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng DVCTT của tỉnh.

Mục tiêu hiện nay của tỉnh là hoàn thành các chỉ tiêu về DVCTT tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025. Cùng với đó là thực hiện mục tiêu cung cấp và triển khai thực hiện 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.

Trước mục tiêu này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 tại các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. DVCTT mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan hành chính được triển khai bảo đảm không trùng lặp với các DVCTT mức độ 3, mức độ 4 do các cơ quan Trung ương đã triển khai theo ngành. UBND tỉnh yêu cầu xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 và chất lượng DVCTT trong phạm vi toàn tỉnh.

Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị triển khai nhằm hoàn thiện Cổng dịch vụ công của tỉnh đáp ứng việc cung cấp DVCTT mức độ 4; thực hiện kết nối, tích hợp Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thanh toán đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc, định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành...

Những việc cần làm ngay

Vấn đề đặt ra là để đồng bộ hóa DVCTT, bảo đảm người dân dễ tiếp cận và thực hiện thì các sở, ban, ngành phải làm gì? Trước đòi hỏi này, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, chuẩn hóa, thống nhất quy trình theo lộ trình; hoàn thiện chức năng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và của tỉnh gắn với việc phát hành biên lai thu phí điện tử; đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, doanh nghiệp phục vụ hỗ trợ điền thông tin đã có sẵn trong cơ sở dữ liệu vào biểu mẫu điện tử. Sở Thông tin và Truyền thông chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, nâng cấp, bảo đảm Cổng DVCTT của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về chức năng, tính năng kỹ thuật, vận hành thông suốt; thực hiện tích hợp, kết nối hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng Dịch vụ công của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các phần mềm nghiệp vụ và các hệ thống thanh toán đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh.

UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh phối hợp triển khai tập huấn việc tái cấu trúc, xây dựng quy trình thủ tục hành chính triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4; tập huấn, hướng dẫn nhân sự một cửa các cấp thực hiện DVCTT, tính pháp lý hồ sơ điện tử. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền thanh từ cơ sở để tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiệp vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định của pháp luật. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán (VNPAY, VNPT Pay, Momo) tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt bảo đảm phù hợp theo quy định.../.

Theo: mic.gov.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.

Đồng Nai: Đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trả hồ sơ, trễ hạn

Ngày đăng 05/04/2024
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.905 quy định kinh doanh

Ngày đăng 03/04/2024
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa tổng số 2.905 quy định kinh doanh.

Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Ngày đăng 03/04/2024
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 51/QĐ-BCĐCCHC ngày 27/4/2022 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.