Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam

Ngày đăng: 02/11/2021   10:38
Mặc định Cỡ chữ
Ngày 01/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển Việt Nam.
Nguồn: internet

Chỉ thị nêu rõ, để khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý khu bảo tồn biển hiện nay, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án làm cơ sở khoa học đề xuất thành lập mới, mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển và phục hồi, phát triển các hệ sinh thái biển. Đôn đốc, hướng dẫn địa phương khẩn trương thành lập, quản lý khu bảo tồn biển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chỉ đạo lực lượng Kiểm ngư tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản, xử lý các hành vi vi phạm tại các khu bảo tồn biển và trên các vùng biển. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về hệ thống khu bảo tồn biển; nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính bền vững cho khu bảo tồn biển, ban hành lượng giá giá trị của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đề xuất phương án thu chi phí dịch vụ hệ sinh thái biển tại các khu bảo tồn biển.

Thực hiện nhiệm vụ điều tra, thu thập sổ liệu về đa dạng sinh học trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam theo đúng chủ trương đã được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 cùa Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương trong công tác thành lập, quản lý khu bảo tồn biển; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo tồn tại địa phương. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân và xã hội, đặt biệt người dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển bằng các phương thức đa dạng và phù hợp với văn hóa địa phương.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển; kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực phát triển hệ thống khu bảo tồn biển; tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học trong các khu bảo tồn biển. Có chế độ đãi ngộ, khen thường kịp thời đổi với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, sáng kiến góp phần giữ gìn, phát triển các khu bảo tồn biển. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác quản lý khu bảo tồn biển trong phạm vi cả nước. Hằng năm, tổ chức đánh giá việc thực hiện Chỉ thị này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Các bộ, ngành liên quan chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giao khu vực biển; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển; kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động nhận chìm ở biển, hoạt động lấn biển, hoạt động khai thác khoáng sản trên biển để hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng xấu đen môi trường biển, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác điều tra tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo làm cơ sở đề xuất thành lập mới, mở rộng hệ thống khu bảo tồn biển. 

Bộ Công an: Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển; phối hợp rà soát, thẩm định các dự án tại các khu vực biển, đảo, tránh tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, khu bảo tồn biển và an ninh quốc phòng.

Bộ Quốc phòng: Tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn biển trên các vùng biển, hải đảo theo quy định của pháp luật; nâng cao năng lực và tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng phó các sự cố môi trường trên các vùng biển, hải đảo; phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của các bộ, ngành khác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, cân đối bố trí vốn đầu tư phát triển để đầu tư cho các khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật đầu tư công.

Bộ Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách nhà nước tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền cân đối bố trí kinh phí chi thường xuyên hằng năm theo pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý các khu bảo tồn biển theo quy định.

Bộ Ngoại giao: Tăng cường chỉ đạo công tác ngoại giao, tuyên truyền đối ngoại để thu hút nguồn vốn tài trợ đầu tư từ nước ngoài trong lĩnh vực bảo tồn biển, bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Bộ Thông tin và Truyền thông: Tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở về vai trò, tầm quan trọng của bảo tồn biển; các gương người tốt, việc tốt trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của Nhân dân; phản ánh trung thực, tạo nhận thức và hành động thống nhất trong đấu tranh, phòng ngừa đối với các hành vi vi phạm pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến khách du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học biển, di sản văn hóa. 

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp bảo tồn biển, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương:

Đẩy nhanh việc điều chỉnh diện tích, ranh giới các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển để phù hợp với quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Tổ chức rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến khu bảo tồn biển, đặc biệt là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển, dự án nuôi trồng hải sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay. Kiên quyết thu hồi diện tích biển, đảo, ven đảo thuộc các dự án vi phạm pháp luật, không thực hiện đúng nội dung được phê duyệt. Không cấp phép các dự án đầu tư phát triển trên phần diện tích đã quy hoạch thành lập khu bảo tồn biển, khu vực có phân bố của các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn...

Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban quản lý khu bảo tồn biển trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý khu bảo tồn biển. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng xâm phạm khu bảo tồn biển, gây ô nhiễm môi trường và hủy hoại hệ sinh thái biển, khai thác nguồn lợi hải sản trái phép tại các khu bảo tồn biển. Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để giáo dục, phòng ngừa các vi phạm liên quan đến khu bảo tồn biển. Bổ sung nguồn lực về con người, kinh phí cho Ban quản lý khu bảo tồn biển để thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm quy định tại Điều 11 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP.

Xây dựng, phê duyệt kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển định kỳ hằng năm, 5 năm, 10 năm làm cơ sở bố trí chi ngân sách nhà nước cho Ban quản lý khu bảo tồn biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, đảm bảo hoạt động có hiệu quả; xây dựng, phê duyệt đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu bảo tồn biển để chủ động quản lý tốt các hoạt động du lịch, tránh tác động xấu đến khu bảo tồn biển.

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, tổng hợp thông tin đề xuất các khu vực biển đáp ứng tiêu chí thành lập khu bảo tồn biển theo quy định tại Điều 15 Luật Thủy sản để bổ sung danh mục khu bảo tồn biển tại Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Bố trí lực lượng kiểm ngư tại các khu bảo tồn biển để tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật tại các khu bảo tồn biển. Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương để hỗ trợ cộng đồng ngư dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn biển chuyển đổi nghề từ đánh bắt, khai thác nguồn lợi hải sản gần bờ sang các nghề khác, nhằm giảm áp lực lên khu bảo tồn biển, đảm bảo hiệu quả công tác quản lý khu bảo tồn biển./.

Quỳnh Anh

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghiên cứu, bổ sung giải pháp phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển

Ngày đăng 10/04/2024
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 148/TB-VPCP ngày 09/4/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Ngày đăng 28/03/2024
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối các yêu sách trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Ngày đăng 23/03/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách trái luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong bãi Tư Chính: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích của mình

Ngày đăng 29/02/2024
Trước việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng 05/02/2024
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc thực thi chủ quyền hợp pháp của quốc gia, góp phần phát huy khả năng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Trong những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn, trở ngại để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với  huyện đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.