Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

Ngày đăng: 22/10/2021   08:15
Mặc định Cỡ chữ
Từ ngày 12/10 đến 14/10/2021, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 (lớp thứ nhất). TS Bùi Đức Thụ - nguyên Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) là giảng viên trực tiếp tham gia bồi dưỡng chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.
TS Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) chia sẻ nội dung chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” với các đại biểu từ điểm cầu chính Trụ sở Bộ Nội vụ, ngày 14/10/2021. 

 

GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Chia sẻ nội dung chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” tại Lớp bồi dưỡng trực tuyến đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, TS Bùi Đức Thụ khẳng định: giám sát là nhiệm vụ quan trọng của HĐND và đại biểu HĐND; đồng thời cũng chính là công cụ để HĐND phát huy được quyền lực, vai trò của mình ở địa phương, nâng cao vị trí người đại biểu dân cử tại địa phương. Chỉ có thông qua giám sát, hoạt động chính quyền mới có thể xem xét việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể để từ đó hoàn thiện bộ máy quản lý, khuôn khổ pháp lý để cách thức vận hành bộ máy hoàn thiện hơn.

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 quy định: Giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh là việc đại biểu HĐND cấp tỉnh theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý thông qua các hoạt động: 1) Chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp. 2) Giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp. 3) Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương. 4) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Giám sát của đại biểu HĐND là hoạt động có mục đích: giúp HĐND, đại biểu HĐND nắm bắt được tình hình thực tiễn của địa phương, thông qua đó, có thêm những căn cứ để HĐND thực hiện chức năng quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền; kịp thời phát hiện những gương tốt, điển hình tiên tiến, những vấn đề mới hoặc sai lệch (nếu có) để có những biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo cho những quy định của pháp luật được thực hiện đúng, có hiệu lực, hiệu quả.

Hoạt động giám sát của đại biểu HĐND phải đảm bảo các yêu cầu: 1) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; 2) Đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, hiệu quả; 3) Không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát.

Đối tượng, nội dung, hình thức giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh

Về đối tượng và nội dung giám sát của đại biểu HĐND cấp tỉnh: 1) Tiến hành chất vấn đối với Chủ tịch UBND, ủy viên của UBND (là người đứng đầu cơ quan thuộc UBND), Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp bằng cách gửi văn bản chất vấn đến các đối tượng này. 2) Giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp huyện. Trường hợp phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, đình chỉ việc thi hành bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật. 3) Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương (tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương). 4) Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, đồng thời thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết. Trong thời hạn do pháp luật quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu HĐND biết kết quả giải quyết; trường hợp không đồng ý với việc giải quyết, đại biểu HĐND có quyền gặp người có thẩm quyền giải quyết hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết để yêu cầu giải quyết hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Về hình thức giám sát của đại biểu HĐND, là tự mình thực hiện hoạt động giám sát hoặc tham gia hoạt động giám sát do HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tổ chức.

Nội dung chuyên đề “Kỹ năng giám sát của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” được kết nối từ điểm cầu chính Trụ sở Bộ Nội vụ đến các điểm cầu HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

KỸ NĂNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ GIÁM SÁT CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Một là, kỹ năng chất vấn

Chất vấn là việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu.

Hoạt động chất vấn có thể được thực hiện thông qua một trong hai hình thức: văn bản hoặc chất vấn trực tiếp tại phiên họp HĐND.

Chất vấn bằng văn bản là việc đại biểu HĐND viết phiếu chất vấn và gửi trước tới Thường trực HĐND để gửi tới người bị chất vấn. Thời điểm gửi là giữa hai kỳ họp hoặc ngay trước kỳ họp. Nếu gửi ngay trước kỳ họp thì câu hỏi phải phù hợp với nội dung của kỳ họp.

Chất vấn trực tiếp tại phiên họp HĐND là việc đại biểu HĐND đặt câu hỏi trực tiếp cho người bị chất vấn trong phiên họp. Khi thực hiện hình thức này, cần tránh trường hợp lấy câu hỏi bằng văn bản gửi trước để làm câu hỏi chất vấn trực tiếp vì như vậy sẽ là tạo điều kiện để người bị chất vấn được chuẩn bị trước.

Câu hỏi chất vấn thường chứa các nội dung như: nêu vấn đề cần hỏi, yêu cầu người bị chất vấn làm rõ; nêu thực trạng, vụ việc xảy ra, yêu cầu người bị chất vấn giải trình về trách nhiệm của bản thân đối với vấn đề được nêu ra; yêu cầu người bị chất vấn đưa ra hướng xử lý vấn đề...

Chất vấn không có nghĩa đại biểu hỏi để biết thông tin mà phải hỏi để tìm ra giải pháp. Chất vấn chỉ có ý nghĩa khi người chịu trách nhiệm phải đưa ra được phương hướng để giải quyết các vấn đề tồn tại và nêu rõ thời gian để khắc phục những vấn đề đó. TS Bùi Đức Thụ chia sẻ.

Để thực hiện tốt hoạt động chất vấn, đại biểu HĐND cấp tỉnh nên thực hiện theo trình tự sau:

Chuẩn bị chất vấn: đại biểu HĐND cần lựa chọn vấn đề chất vấn, hiểu sâu về nội dung chất vấn, xác định người bị chất vấn và trách nhiệm người bị chất vấn. Đồng thời, dự báo được câu trả lời của người bị chất vấn để từ đó tìm thêm thông tin nhằm có thể truy vấn thêm.

Trình bày chất vấn tại phiên họp: đại biểu HĐND cần chú ý đặt câu hỏi chất vấn phù hợp với nội dung chất vấn mà HĐND đã quyết định; đảm bảo thời gian đặt câu hỏi chất vấn đã được quy định; thể hiện thái độ của mình với nội dung chất vấn; dùng phép so sánh, tương phản để làm nổi bật vấn đề chất vấn... 

Hoạt động sau phiên chất vấn: Để người trả lời chất vấn thực hiện lời hứa trước HĐND sau khi trả lời chất vấn, đại biểu HĐND cần sử dụng linh hoạt các quyền của đại biểu đã được pháp luật ghi nhận (gặp gỡ trực tiếp, yêu cầu trả lời, tiếp tục chất vấn ở kỳ họp sau, đề nghị Thường trực HĐND có ý kiến, HĐND thảo luận tại kỳ họp…); sử dụng phương tiện báo chí như một kênh gây sức ép. 

Hai là, kỹ năng giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp

Quy trình chung thực hiện giám sát quyết định của UBND cấp tỉnh và nghị quyết của HĐND cấp huyện gồm hai bước cơ bản sau:

Bước 1: Chuẩn bị nội dung, kế hoạch và thủ tục cho hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật với các nội dung: thu thập thông tin, nội dung, xác định địa bàn cần giám sát; xây dựng kế hoạch giám sát; quyết định thành lập Đoàn giám sát; phổ biến kế hoạch giám sát.

Bước 2: Triển khai các hoạt động giám sát gồm các nội dung: xem xét, đánh giá báo cáo; yêu cầu đối tượng giám sát giải trình; đi thực tế tại cơ sở.

Theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, các bước trên được cụ thể hóa đối với việc xem xét văn bản thuộc thẩm quyền giám sát của HĐND cấp tỉnh và thực hiện theo trình tự: 1) Đại diện Thường trực HĐND trình bày tờ trình; 2) HĐND thảo luận; 3) Người đứng đầu cơ quan đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình bày bổ sung những vấn đề có liên quan; 4) HĐND ra nghị quyết về việc xem xét văn bản.

Ba là, kỹ năng giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương

Trong việc thực hiện hoạt động giám sát thi hành pháp luật ở địa phương, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần nắm vững những nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định: 1) Thực hiện đúng nội dung, kế hoạch giám sát. 2) Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và khôi phục lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bị vi phạm; trường hợp cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc đại biểu HĐND không đồng ý với việc giải quyết thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. 3) Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc hoạt động giám sát, đại biểu HĐND báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND cùng cấp.

Bốn là, kỹ năng giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân

Để có thể giám sát được việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND cấp tỉnh cần nắm rõ quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại được quy định trong Luật Khiếu nại năm 2011, thời hạn giải quyết tố cáo được quy định trong Luật Tố cáo năm 2018. 

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại phải được thực hiện theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời. Việc giải quyết tố cáo phải đảm bảo kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn cho người tố cáo; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

Để tránh trường hợp “giám mà không sát, sát mà không giám”, ngoài công tác đào tạo, bồi dưỡng thì mức độ chủ động, nhạy bén và bản lĩnh của từng đại biểu HĐND với các vấn đề của địa phương là vô cùng quan trọng. Đại biểu HĐND cần có “phông nền” về pháp luật vững vàng đề phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ đó tham mưu giúp địa phương hoàn thiện các cơ chế, chính sách, phương thức quản lý và xử lý sai phạm. Nguyên Phó Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Bùi Đức Thụ nhấn mạnh./.

Trần Kiên

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phát triển tư duy phản biện của giảng viên lý luận chính trị để xây dựng môi trường thông tin lành mạnh

Ngày đăng 22/04/2024
Trong bối cảnh tác động đa chiều của khoa học và công nghệ hiện đại, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo nên một cục diện mới về tần suất, chủng loại, số lượng và quy mô của thông tin. Trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, “thông tin là tài nguyên quan trọng nhất”(1), đã lan tỏa sức mạnh mà không có phương tiện nào khác có thể thay thế được vai trò quan trọng của nó trong thời đại ngày nay. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo, các trường đại học ở Việt Nam cần có môi trường thông tin thuận lợi nhằm tăng cường “sức đề kháng” cho các chủ thể giáo dục trước sự tác động, xâm nhập mạnh mẽ, nhanh chóng của những nguồn tin độc hại. Trong đó, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh là điều kiện cần thiết cho sự phát triển phẩm chất, năng lực sư phạm, trực tiếp góp phần phát triển tư duy phản biện (TDPB) của giảng viên lý luận chính trị (LLCT) đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.

Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc trong thực thi công vụ

Ngày đăng 21/04/2024
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Nông Thị Hà đã chủ trì buổi nghiệm thu đề tài cấp bộ: Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đo lường hiệu suất công việc đối với công chức của Ủy ban Dân tộc (UBDT) trong thực thi công vụ (Bộ chỉ số KPI). Tham dự buổi nghiệm thu đề tài có các thành viên Hội đồng nghiệm thu, đại diện một số vụ, đơn vị của UBDT và một số nhà khoa học.

Hướng dẫn về tiêu chuẩn quản lý nhà nước đối với các trường hợp có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính

Ngày đăng 06/04/2024
Bộ Nội vụ cho biết, trường hợp có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị - hành chính trước ngày 30/6/2022 thì thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2021/NĐ-CP, theo đó không phải hoàn thiện tiêu chuẩn về quản lý nhà nước tương ứng trong trường hợp tiêu chuẩn chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý có quy định.

Tỉnh Long An xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp cao và năng lực sáng tạo

Ngày đăng 26/03/2024
Long An là tỉnh nằm ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với vị trí vừa tiếp giáp, vừa là cửa ngõ nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên rất thuận lợi trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xác định xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, địa phương của tỉnh Long An luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và có nhiều giải pháp, chính sách để thu hút, thúc đẩy đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội

Ngày đăng 08/03/2024
Chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là một trong những nhân tố quyết định, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và xây dựng hệ thống chính trị cấp cơ sở trong sạch, vững mạnh. Từ phân tích thực trạng, bài viết đưa ra các giải pháp để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở của thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.