Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Đào tạo nhân tài trong thời kỳ mới

Ngày đăng: 14/10/2021   09:45
Mặc định Cỡ chữ
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài theo định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, việc đào tạo nhân tài có ý nghĩa chiến lược. Trên cơ sở khái quát kinh nghiệm tuyển mộ, chiêu dụng nhân tài trong lịch sử dân tộc, bài viết đề xuất một số phương hướng xây dựng lộ trình đào tạo nhân tài của Việt Nam hiện nay, trong đó việc xác định rõ các tiêu chí về chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới các khâu đào tạo nhân tài, như: đổi mới hình thức tìm kiếm, phát hiện người tài; xây dựng cơ chế thu hút người tài; đào tạo nhân tài gắn với sử dụng... có ý nghĩa then chốt.

Ảnh: Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt năm 2019.

1. Vấn đề nhân tài

Thế nào là nhân tài? Quan niệm của cha ông ta thời xưa thường gọi nhân tài là “hiền tài”. Cách gọi “hiền tài” thể hiện trọn vẹn cả hai mặt “đức - tài” của một con người. Nhân tài là người vừa có đức, vừa có tài nổi trội ở trong một cộng đồng người nhất định, có những cống hiến, đóng góp thực sự cho sự phát triển của cộng đồng đó. Nhân tài là sản phẩm tinh hoa của một xã hội, cộng đồng. Có nhân tài ở tầm cộng đồng của nhóm dân cư. Có nhân tài ở tầm quốc gia. Có nhân tài ở tầm quốc tế. Có nhân tài chỉ trong một mặt/một lĩnh vực cụ thể.

Nhân tài có vai trò như thế nào? Các triều đại phong kiến Việt Nam đều quan niệm rằng, hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí mạnh thì quốc gia hưng thịnh, nguyên khí yếu thì quốc gia suy yếu. Từ thời nhà Lý, Văn Miếu ở thành Thăng Long đã được lập năm 1070 để thờ Khổng Tử, đến năm 1076 lập Quốc Tử Giám và mở khoa thi đầu tiên. Người đỗ tiến sĩ được khắc ghi vào bia đá đặt trên rùa đá.

Nhân tài xuất hiện từ đâu? Người hiền tài có thể do bẩm sinh, do năng khiếu mà có tài nghệ trong một lĩnh vực nào đó; nhưng phần nhiều người hiền tài do tu dưỡng, tự học tập, tự rèn luyện, qua quá trình được đào tạo, bồi dưỡng mà nên; có người hội tụ cả hai yếu tố trên. Trong thời kỳ phong kiến, các khoa thi mở ra (từ năm 1075 đến năm 1919) theo nền giáo dục Nho học, sĩ tử tham gia thi tự do, có sĩ tử tự học hoặc học ở các trường làng, rồi thi đỗ. Sau khi thi, người đỗ được bổ nhiệm làm quan tùy theo mức đỗ đạt ở từng khoa thi. Qua thi cử ở thời phong kiến, nhân tài gồm những người có trình độ học vấn cao sau các kỳ thi: thi hương, thi hội, thi đình. Trong quá trình làm quan, “nhân tài” có thể được thăng - giáng theo kết quả trong hành động thực tế, nghĩa là cái tài của người đó luôn luôn được kiểm nghiệm, thử thách trong thực tiễn. Thường là người có công được thưởng bổng lộc (chứ không phải người có công lại đem chức tước ra mà thưởng); người có tài được thăng chức hoặc được sử dụng vào chức vụ thích hợp hơn để người đó phát huy tác dụng tốt hơn nữa tài năng của mình; người vừa có công, vừa có tài có khi vừa được thưởng bổng lộc và vừa được thăng chức.

Trong dân gian, hiền tài được biểu hiện theo cách riêng mà cộng đồng dân cư công nhận. Đó có thể là những ông thầy đồ tự mở lớp dạy học; những người tài đức trong một lĩnh vực cụ thể do tự học, tự rèn luyện nhưng không đi thi, mà ở ẩn nơi làng quê hoặc là người có “tài lẻ” (những nghệ nhân chẳng hạn). Họ đem cái tài đó mưu sinh, đồng thời giúp ích cho đời.

Chính sách của Nhà nước đối với nhân tài? Dưới chế độ chính trị mới từ năm 1945 khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề nhân tài ở các điểm sau: (1) Quý trọng nhân tài; (2) Chú ý phát hiện những người tài và những người có khả năng trở thành nhân tài; (3) Đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; (4) Sử dụng nhân tài; (5) Đề ra và thực thi chính sách làm cho nhân tài ngày càng nhiều, tạo động lực để nhân tài cống hiến có hiệu quả cho đất nước. Hồ Chí Minh đã để lại nhiều điểm sáng khi cảm hoá, quy tụ, sử dụng được nhiều nhân tài để quản trị, xây dựng đất nước, kể cả những nhân sĩ, những người trí thức cũ, những quan lại của chế độ phong kiến. Nhân tài, dưới sự tập hợp của Hồ Chí Minh, là những người yêu nước, vì nghĩa, vì dân, vì nước.

2. Đào tạo nhân tài trong thời kỳ mới

a) Đổi mới nhận thức về đào tạo nhân tài

Đào tạo nhân tài là một khâu trong chuỗi tạo ra nhân tài. Không thể cho rằng, những học viên của Trường viết văn Nguyễn Du (trước đây) sau khi tốt nghiệp thì đều chắc chắn thành nhà văn, nhà thơ (trừ người đó vốn đang là nhà văn, nhà thơ đi học trường này). Cũng như vậy, không phải ai vào học lớp dự nguồn cho khóa nào đó của Trung ương Đảng rồi sẽ thành ủy viên Trung ương Đảng; sinh viên của những lớp đào tạo cử nhân tài năng của một số trường đại học khi tốt nghiệp rồi thì sẽ thành nhân tài; những em được đào tạo từ tấm bé ở các trung tâm thể thao, khi tốt nghiệp rồi thì ai cũng thành nhân tài trong lĩnh vực thể thao, v.v..

Công việc đào tạo người tài để đạt được kết quả tốt còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong chuỗi công việc. Có thể sẽ là: (1) phát hiện người có khả năng sẽ trở thành nhân tài; (2) Lựa chọn đưa những người đó đi đào tạo; (3) Xây dựng chương trình đào tạo cho phù hợp với hoàn cảnh, yêu cầu, đối tượng; (4) Đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu; (5) Có phương pháp đào tạo tích cực; (6) Có cơ sở vật chất phù hợp; (7) Quản lý đào tạo tốt; (8) Ý thức tự rèn luyện, tự học tập của học viên, v.v. Trong đó, việc phát hiện đúng người để đưa đi đào tạo là công việc xuất phát có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

b)  Xác định rõ yêu cầu của việc xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Khi hội nhập quốc tế diễn ra mạnh, sự nghiệp xây dựng đất nước ta trong môi trường quốc tế diễn ra trong sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt, rất có thể mức độ và hệ số rủi ro sẽ rất lớn và dày hơn. Để chấp nhận vượt qua thách thức, nguy cơ, đòi hỏi người Việt Nam phải có những phẩm chất và năng lực vượt trội so với thời kỳ trước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, bởi vì con người vừa là sản phẩm tự nhiên, đồng thời là chủ thể để xây dựng một chế độ xã hội mới theo sự mong muốn của cộng đồng nhất định, nó vừa là kết quả khi xem xét ở góc độ này, nó cũng vừa là nguyên nhân khi xem xét ở góc độ khác. Nhưng, dù xem xét ở góc độ nào con người vẫn chiếm vị trí trung tâm, là nhân tố quyết định tới việc xây dựng một xã hội mới.

Vận dụng quan điểm trên, chúng ta có thể thấy rằng, muốn có xã hội 4.0 thì phải có con người 4.0. Nhiều quốc gia đang xây dựng những “thành phố thông minh”. Muốn có thành phố thông minh thì phải có con người thông minh. Muốn thế thì phải giao sự nghiệp này cho nhữngngười thông minh (hiền tài).

Để có người Việt Nam tài năng đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong hội nhập toàn cầu thì nguồn nhân lực phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản sau: (1) Có sức khỏe tốt (hiểu sức khỏe là cả về thể chất và tinh thần, theo đúng quan niệm của Hồ Chí Minh và của UNESCO); (2) Có tinh thần yêu nước; (3) Có đạo đức tốt (bao gồm cả đạo đức nghề nghiệp); (4) Có kỹ năng sống (bao gồm cả trí lực và kỹ năng trong công việc); (5) Có trách nhiệm công dân; (6) Con người Việt Nam có những tố chất cơ bản của “công dân toàn cầu” trong thế giới phẳng và trong hội nhập quốc tế. Muốn cạnh tranh thì phải có sức mạnh, có thế mạnh, biết nắm lấy mọi cơ hội thuận lợi của Thiên - Địa - Nhân để có được thế chân vạc Thời - Thế - Lực. Con người Việt Nam trong cuộc sinh tồn và phát triển, phải đi lên bằng sức mạnh cạnh tranh đúc kết từ sức mạnh nội tại kết hợp với yếu tố bên trong và bên ngoài, biết biến ngoại lực thành nội lực. Để làm được những công việc đó thì rất cần nhiều người tài năng có đủ phẩm chất và năng lực.

c) Đổi mới giáo dục - đào tạo

Ưu tiên cho công tác giáo dục - đào tạo. Giáo dục và đào tạo không chỉ là quốc sách hàng đầu mà còn là sinh mệnh của dân tộc. Xét đến cùng, những khuyết điểm, hạn chế của người Việt Nam nói chung, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nói riêng, đều là do những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mà ra. Có lý khi cho rằng(1): tất cả công dân, dù sau này có là nhân tài, là tướng tá, bộ trưởng hay nguyên thủ quốc gia cũng đều là sản phẩm của nền giáo dục và đào tạo. Muốn có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến thì giáo dục và đào tạo phải là ngành tiên phong, phải là ngành cần ưu tiên ở mức cao nhất. Có một triết lý được nhiều người thừa nhận: muốn dự đoán tương lai đất nước, hãy nhìn vào giáo dục và đào tạo; muốn đánh giá nền giáo dục và đào tạo, hãy nhìn vào thái độ ứng xử đối với nhà giáo(2).

Sự cố gắng của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện cơ bản trong Chiến lược phát triển giáo dục, ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng như trong Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, sau đó Chính phủ đã ra Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31/12/2014 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW. Đặc biệt gần đây nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Song, trên thực tế, việc thực hiện các nghị quyết, chiến lược trên còn nhiều hạn chế. Hàng chục năm qua, mỗi năm Nhà nước đã chi khoảng 20% ngân sách cho giáo dục. Đó là chưa kể kinh phí xã hội chi trả cho các dịch vụ giáo dục. Con số đó là không nhỏ nếu đem so sánh với các ngành khác. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận về giáo dục và đào tạo, vẫn còn nhiều bất cập và rào cản từ cơ chế, chính sách, trong đó phải kể đến cả sự bất cập về nhân sự cán bộ chủ chốt. Nhiều người cảnh báo rằng, lãng phí trong kinh tế có thể chỉ gây thiệt hại nhất thời với con số nhất định, nhưng lãng phí trong giáo dục không chỉ mất tiền, mà có thể đánh mất cả tương lai. Chỉ riêng việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa đã cho thấy có rất nhiều vấn đề bất cập trong nền giáo dục của nước ta hiện nay.

Để thực hiện một cách có hiệu quả quan điểm/nguyên tắc của Đảng coi giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu, cần có đột phá về nhân sự lãnh đạo ngành. Nên bố trí người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo như bố trí người đứng đầu cho ba ngành như lâu nay (ngoại giao, quốc phòng, an ninh). Trong tình hình hiện nay, càng không thể chấp nhận được ngành sư phạm không được coi trọng. Các trường sư phạm chính là các “máy cái” ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Ở nhiều nước, những thí sinh được tuyển vào học trong các trường sư phạm phải là những người đạt điểm cao (điển hình nhất là ở phần Lan và ở Pháp).

Tích cực hơn nữa trong việc làm trong sạch môi trường văn hóa đạo đức. Tại sao lại đặt vấn đề như vậy? Logic tất yếu này cũng tương tự tư duy của Hồ Chí Minh khi Người viết bài báo Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng (năm 1969). Một số người góp ý với Người về tên của bài báo rằng, nên đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước vế “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người tiếp thu về đặt tên bài báo, nhưng trong nội dung vẫn đặt vế quét sạch chủ nghĩa cá nhân lên trước vế nâng cao đạo đức cách mạng, vì Người cho rằng phải quét sạch rác rưởi trong nhà trước đã. Nếu môi trường văn hóa đạo đức bị ô nhiễm thì rất khó hoặc không thể nào xây dựng được con người Việt Nam tài năng một cách thuận lợi được. Nói như câu ngạn ngữ của nước ngoài: nếu trong môi trường như thế mà làm việc tốt thì như con lạc đà chui qua lỗ kim. Vậy, xét về mặt nào đó thì môi trường văn hóa đạo đức trong sạch chính là điều kiện quan trọng cho cả quá trình đào tạo nhân tài Việt Nam.

Xây dựng cơ chế khuyến khích người Việt Nam trở thành chuyên gia chứ không bị hút vào con đường quan chức. Nếu không có được cơ chế này thì việc đào tạo nhân tài chỉ là lý thuyết trên giấy. Trước hết, phải bỏ hết đặc quyền, đặc lợi cho những người có chức quyền. Đặc quyền sinh ra đặc lợi; đặc lợi kích thích đặc quyền. Chức quyền và đặc lợi như hình với bóng làm xô lệch chuẩn mực đạo đức. Điều mà nhiều nước làm được là khi gặp phải tình huống nào đó, quan chức dễ dàng từ chức, thì ở nước ta, việc từ chức rất khó. Vì vậy, muốn đào tạo nhân tài, hướng người tài đi vào lĩnh vực chuyên sâu, chuyên môn, trở thành chuyên gia xuất sắc thì phải bỏ đi đặc quyền, đặc lợi. phải loại bỏ đặc quyền, đặc lợi thì mới mong có nhiều nhân tài, người giỏi phấn đấu trở thành nhân tài.

Phát hiện những người có khả năng trở thành người tài để đưa đi đào tạo (tạo nguồn).Nhân tài ở nước ta hiện nay thiếu hay không thiếu? Trả lời cho câu hỏi này không dễ. Trong các trí thức, trong các quan lại của chế độ cũ, với con mắt quan sát tài tình và với cái tâm lành, cái trí sáng của Hồ Chí Minh thì Người vẫn nhìn thấy nhiều nhân tài để sử dụng cho công cuộc xây dựng chế độ mới.

Do đó, cần có cơ chế phát hiện những người có khả năng để đào tạo nhân tài. Hiện nay, ở nước ta còn nặng về lấy phiếu tín nhiệm. Lấy phiếu cũng cần, nhưng tùy trong các trường hợp nhất định. Trong việc tìm người tài mà lấy phiếu thì không phù hợp. Việc tìm người tài ở nước ta nên áp dụng kinh nghiệm một số nước đã và đang làm, nghĩa là không ngồi trong phòng lạnh đọc hồ sơ, lý lịch ứng viên, mà phải lặn lội đi tìm người có khả năng để tạo nguồn. Thứ hai, môi trường đào tạo cũng là một điều kiện để đào tạo nhân tài.

Đổi mới toàn bộ công tác đào tạo. Nói đến công tác đào tạo nói chung và đào tạo nhân tài Việt Nam nói riêng là nói đến một chuỗi các khâu liên hoàn và có quan hệ chặt chẽ với nhau, từ khâu tuyển chọn đầu vào cho đến quản lý, môi trường, chương trình, giáo trình, đội ngũ thầy cô giáo, phương pháp dạy và học, cơ chế sát hạch, đánh giá. Ngay cả đầu tư tiền thì cũng phải đầu tư cho tương xứng. Hồ Chí Minh là người triệt để thực hành tiết kiệm, nhưng về lĩnh vực huấn luyện cán bộ Người đưa ra ý kiến rằng, không được bủn xỉn, coi đồng tiền to như cái nống. phải thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh ghi trong Sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc, tháng 9/1949: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. 50 năm sau, năm 1996, trong Báo cáo Delord về tầm nhìn giáo dục thế kỷ XXi của UN-ESCO có ghi: Learning to know (Học để biết), Learning to work (Học để làm việc), Learning to live together (Học để chung sống với nhau), Learning to be (Học để làm người).

Cũng với tinh thần như vậy, theo phương pháp thực sự bắt tay vào việc để thực hiện tốt 5 điểm mấu chốt mà Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tháng 5/2021: (1) Học thật, thi thật, nhân tài thật; (2) Nhìn nguyên nhân vướng mắc của ngành Giáo dục do chủ quan là chủ yếu; (3) Làm việc thực chất, chống hình thức phô trương; (4) Những vấn đề đã “chín”, thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, được đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; (5) Chuyển tư duy giáo dục từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực toàn diện.

Đào tạo phải gắn liền với sử dụng nhân tài. Trong quá trình sử dụng lại tiếp tục được đào tạo, nghĩa là quá trình đào tạo là quá trình liên tục. Cần đào tạo không chỉ ở trường lớp mà còn trong thực tế cuộc sống, trong công việc. Việc đào tạo phải gắn liền với việc sử dụng thì người được đào tạo mới phát huy được tác dụng tích cực, mới dần trở thành nhân tài. Ở đây, cần chú trọng tới môi trường mà người tốt nghiệp ra công tác. Nếu không như vậy thì trong thực tế có trường hợp khi học tập thì đạt kết quả xuất sắc, nhưng khi công tác trong thực tế không thể nào trở thành nhân tài được./.

---------------------------------

(1)  Bộ Giáo dục muốn tăng lương nhà giáo thì phải làm được những việc dưới dạy, http://giaoduc.net.vn.

(2)   Chúng tôi đồng cảm với ý kiến của bà Olga Yurievna, Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Liên bang Nga khi cho rằng: “Bộ trưởng quan trọng nhất trong chính phủ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Y tế nếu tồi thì cùng lắm chỉ gây khó khăn cho người dân khám chữa bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe. Bộ trưởng Bộ Kinh tế nếu tồi thì cùng lắm là làm chậm sự phát triển kinh tế. Nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục nếu tồi thì phá hoại cả tương lai của đất nước và của quốc gia”. Những năm 60 của thế kỷ XX, trước thành tựu khoa học và kỹ thuật vượt trội của Liên Xô, Tổng thống Mỹ lúc này là John Kennedy cho rằng: “Chúng ta thua người Nga bắt đầu từ ghế nhà trường” (Dẫn theo https://www.planet-kob).

 

GS.TS Mạch Quang Thắng - Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: lyluanchinhtri.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.