Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Tôn giáo trong đời sống văn hóa, xã hội đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Nguyên hiện nay

Ngày đăng: 14/10/2021   09:55
Mặc định Cỡ chữ
Những thập niên gần đây, tôn giáo du nhập và phát triển mạnh trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên. Các giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn tôn giáo có những tác động tích cực, làm phong phú đời sống văn hóa ở Tây Nguyên. Các tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội (giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo), khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Bên cạnh những tác động tích cực, cũng có những tác động làm biến đổi các mối quan hệ và thiết chế xã hội truyền thống, bị các thế lực thù địch lợi dụng gây biến động phức tạp về chính trị, xã hội.
Ảnh minh họa: sinh hoạt Công giáo tại Tây Nguyên.

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng của Việt Nam. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên có 47/54 dân tộc Việt Nam cùng sinh sống, trong đó chiếm tỷ lệ lớn gồm các dân tộc: Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng,... Tín ngưỡng truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên là tín ngưỡng đa thần, tiêu biểu là các loại hình tín ngưỡng thờ thần (Yang), tín ngưỡng liên quan đến sản xuất, tín ngưỡng vòng đời người,...

Trong bối cảnh mới của dân tộc và thời đại, nhiều phong tục, tập quán, nghi lễ tín ngưỡng truyền thống của các DTTS Việt Nam nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng đã tỏ ra không còn phù hợp và đang dần mai một hoặc trở thành gánh nặng kinh tế đối với đồng bào. Sự mai một và suy giảm vai trò của hệ thống tín ngưỡng đa thần truyền thống khiến một bộ phận đồng bào DTTS ở Tây Nguyên thiếu vắng điểm tựa tâm linh, đây là một trong những lý do đồng bào tìm đến với các tôn giáo.

Hiện nay, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng đa thần truyền thống, ở Tây Nguyên còn có sự hiện diện của các tôn giáo như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao Đài và một số hiện tượng tôn giáo mới. Công giáo hiện có 391.385 tín đồ(1) là người dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Ê Đê, Mnông, Cơ Ho, Mạ, Chu Ru. Tin lành có 563.556 tín đồ(2) ở các dân tộc Ê Đê, Mnông, Gia Rai, Chơ Ro, Ba Na, Chu Ru, Giẻ Triêng. Phật giáo có 14.716 tín đồ(3) trong các dân tộc Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Ê Đê, Mnông, Chơ Ro, Mạ, Cơ Ho. Đạo Cao Đài có khoảng 100 tín đồ người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới như: Hà Mòn, Pơ khắp Brâu, Amí Sara, Canh tân Đặc sủng, Cây Thập giá Chúa Jêsu Krist, Giáo hội Tin lành Đấng Christ Việt Nam,...

Khi phát triển vào vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, các tôn giáo như Tin lành, Công giáo, Phật giáo với những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của mình đã có những tác động tích cực nhất định vào sự phát triển của đời sống văn hóa - xã hội.

- Đạo đức tôn giáo góp phần giáo dục cho đồng bào DTTS.

Khi tôn giáo phát triển trong các cộng đồng DTTS, những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo, những điều khuyên răn trong cách ứng xử của con người với đấng siêu nhiên, với tự nhiên, giữa con người với con người, và con người với chính bản thân mình trong giáo thuyết của các tôn giáo vừa có những nét tương đồng, vừa có những điểm khác biệt, mới mẻ so với hệ giá trị tín ngưỡng truyền thống, tạo nên sức hút, góp phần thay đổi một số quan niệm, chuẩn mực đạo đức và lối sống của đồng bào. Đồng bào theo các tôn giáo tự giác tuân thủ những lời răn dạy, tích cực tu dưỡng đạo đức, sống hướng thiện, yêu thương gia đình, yêu thương đồng loại, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Thực tế cho thấy, trong các cộng đồng dân tộc theo tôn giáo ở Tây Nguyên không có tình trạng bỏ vợ, bỏ chồng không chính đáng, không có tình trạng ngược đãi, bạo hành trong gia đình, các loại tệ nạn xã hội ít xảy ra.

Qua khảo sát đánh giá sự chuyển biến trong đời sống đạo đức cá nhân của đồng bào theo tôn giáo, có 66,67% trong số 450 cán bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã ở khu vực Tây Nguyên trả lời cho rằng các tôn giáo góp phần giáo dục tinh thần bình đẳng, hướng thiện(4). Thực tế cho thấy, đạo đức tôn giáo đã góp phần duy trì đạo đức xã hội trong một bộ phận đồng bào, góp phần hướng đồng bào đến hệ giá trị mới phù hợp với những giá trị và chuẩn mực của xã hội hiện đại, chân - thiện - mỹ.

- Góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Khi du nhập, phát triển vào vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên, một số tôn giáo với những nghi lễ giản đơn, tiết kiệm đã góp phần thay đổi những quan niệm, tập tục lạc hậu, những nghi lễ rườm rà, tốn kém trong sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, góp phần thay đổi nếp sống văn hóa của đồng bào theo hướng tiến bộ hơn, văn minh hơn. Trẻ em được quan tâm, khuyến khích học hành nâng cao trình độ học vấn, các gia đình, buôn làng, cộng đồng được hướng dẫn tổ chức cuộc sống văn minh hơn. Kết quả khảo sát trong 302 người theo tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên (Phật giáo 77; Công giáo 153 và Tin lành 72) cho thấy: có 50,95% tín đồ cho rằng, theo tôn giáo không phải thực hiện nhiều nghi lễ rườm rà tốn kém; 78,15% cho rằng quy định không được uống rượu say của tôn giáo là phù hợp; 98,34% cho rằng tôn giáo hướng dẫn giữ gìn vệ sinh, môi trường(5).

Tham gia tôn giáo, đồng bào thay đổi lối sống, phù hợp với điều kiện mới, đặc biệt trong bộ phận đồng bào theo Công giáo và đạo Tin lành. Đồng bào theo Công giáo và đạo Tin lành khi ốm đau không còn mời thày mo, thày cúng về đuổi ma, trừ tà mà đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh; cưới hỏi, tang ma được thực hiện theo các nghi lễ tôn giáo, tiết kiệm hơn và từ bỏ nhiều nghi lễ, tập quán lạc hậu.

Một cán bộ làm công tác tôn giáo ở tỉnh Kon Tum cho biết: “Trước đây, trong lễ cưới, lễ tang, lễ bỏ mả, người dân tộc giết trâu bò ăn uống no say vài ba ngày. Nhưng ngày nay, nhờ sự tuyên truyền của các linh mục, mục sư, tình trạng nói trên đã hạn chế rất nhiều, hiện tượng giết mổ trâu bò, rượu chè dài ngày gần như không còn trong người dân tộc theo đạo”(6).

Qua khảo sát ở khu vực Tây Nguyên, có 67,11% cán bộ cho rằng, tôn giáo góp phần tích cực vào ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo vệ môi trường; 73,34% cho rằng tôn giáo góp phần giảm bớt tệ rượu chè, cờ bạc, hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi; 58,67% cán bộ cho rằng tôn giáo khuyên người dân đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh(7).

Tham gia tôn giáo, đồng bào cũng tham dự các hoạt động cộng đồng cầu nguyện, tu học, có thời gian thư giãn, mở rộng quan hệ xã hội, có thêm sự động viên, tương trợ nhau khi khó khăn, có thêm kiến thức mới. Kết quả khảo sát cho thấy, 90,73% tín đồ tôn giáo cho rằng, tôn giáo đem lại cho họ sự an ủi về tinh thần, tâm linh; 89,74% tín đồ cho rằng, theo tôn giáo giúp họ mở rộng các mối quan hệ; 89,73% cho rằng được chia sẻ khi khó khăn, hoạn nạn và 80,53% cho rằng có thêm kiến thức mới để làm ăn(8).

 Có thể thấy, những giá trị văn hóa tôn giáo được một bộ phận đồng bào DTTS ở Tây Nguyên tiếp nhận và thực hành trong cuộc sống, từ đó góp phần đẩy lùi những hủ tục, tập quán lạc hậu.

- Tôn giáo góp phần bảo lưu giá trị văn hóa dân tộc.

Cùng với quá trình mở rộng ảnh hưởng, các tổ chức tôn giáo đã có những cách thức, biện pháp để từng bước hội nhập, tiếp nhận trở lại những giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.

Với đường hướng hội nhập văn hóa, Công giáo đang từng bước nỗ lực đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên bằng cách đào tạo các chức sắc, chức việc người dân tộc; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, dạy tiếng dân tộc cho đồng bào; tổ chức trưng bày hiện vật văn hóa các dân tộc; cho phép tín đồ thực hành một số sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống; sử dụng cồng chiêng và mặc trang phục truyền thống trong các lễ hội tôn giáo hay các buổi lễ ở nhà thờ,... Nhiều nhà thờ Công giáo hòa trộn kiến trúc phương Tây và nét kiến trúc nhà rông, hoa văn truyền thống của các DTTS đã được xây dựng ở Tây Nguyên.

Phật giáo cũng bước đầu có những biến đổi để thích nghi với bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Đã có những mái chùa được thiết kế theo mái nhà rông như chùa Khánh Lâm, chùa Huệ Chiếu ở Kon Tum. Trong dịp lễ Phật đản năm 2019, đồng bào ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã sử dụng voi Tây Nguyên rước ảnh Phật về các buôn làng.

Trong sinh hoạt của đạo Tin lành, cồng chiêng cũng được sử dụng ở một số điểm nhóm,...

Có thể nói, xu thế hội nhập văn hóa dân tộc đã mang lại cho tôn giáo ở Tây Nguyên một diện mạo riêng, đồng thời góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa Tây Nguyên, làm phong phú văn hóa - nghệ thuật Việt Nam.

- Tôn giáo có những đóng góp tích cực trong công tác xã hội, từ thiện.

Cùng với quá trình truyền giáo, mở rộng ảnh hưởng, thời gian qua, các tôn giáo đã đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên. Ở một số nơi, tổ chức tôn giáo đã xây dựng được cơ sở giáo dục trường mầm non, dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở lưu trú cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức phòng khám và phát thuốc miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tại tỉnh Lâm Đồng, các tổ chức tôn giáo hiện có 86 cơ sở giáo dục mầm non tư thục (Công giáo 85, Phật giáo 1); có 4 cơ sở dạy nghề; hàng chục cơ sở lưu trú cho học sinh, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; 20 cơ sở bảo trợ xã hội(9). Tại chùa Bửu Châu (Thành phố Pleiku), tỉnh Gia Lai có trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng hơn 50 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Tại chùa Phổ Minh (thành phố Buôn Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk có trung tâm dưỡng lão và phòng khám Đông - Tây y),...

- Tôn giáo tham gia tích cực vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Những năm qua, các tôn giáo cũng tham gia tích cực vào phong trào bảo vệ môi trường do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động. Sau khi ký cam kết tham gia bảo vệ môi trường, các tổ chức tôn giáo trong vùng đã từng bước thực hiện, đưa vào chương trình hoạt động, bước đầu tạo được những hiệu ứng tích cực, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong đồng bào các dân tộc. Một số địa phương vùng đồng bào DTTS Tây Nguyên đã hình thành những mô hình bảo vệ môi trường có ý nghĩa, như mô hình xây dựng giáo xứ, giáo họ “An toàn, sáng - xanh - sạch - đẹp” ở giáo xứ Thánh Mẫu, Phường 7, thành phố Đà Lạt, giáo xứ Phi Liêng, huyện Đam Rôn; khu dân cư bảo vệ môi trường của Mục sư Ha Thương ở thôn Đa Hoa, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng,...(10)

Bên cạnh những đóng góp tích cực, cụ thể, thiết thực, sự mở rộng ảnh hưởng của tôn giáo ở Tây Nguyên cũng gây không ít tác động tiêu cực tới đời sống văn hóa, xã hội của đồng bào.

Đa phần tín đồ theo các tôn giáo thì hầu như từ bỏ những sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, niềm tin vào các “Yang” trong tín ngưỡng truyền thống được thay thế bằng niềm tin tôn giáo. Cùng với việc từ bỏ sinh hoạt tín ngưỡng đa thần, một bộ phận lớn tín đồ Công giáo và Tin lành cũng đồng thời từ bỏ các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống. Nhà rông không còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa quan trọng đối với tín đồ Công giáo và Tin lành, thay vào đó là thường xuyên đến nhà thờ, nhà nguyện. Số tín đồ Công giáo và Tin lành tham gia các lễ hội truyền thống của dân tộc cũng không nhiều. Khảo sát cho thấy, chỉ có 42/153 tín đồ Công giáo (chiếm 27,45%) và 28/77 tín đồ Tin lành (chiếm 38,89%) có tham gia lễ hội dân tộc. Trong khi đó, số lượng tín đồ của 2 tôn giáo này tham gia các lễ hội tôn giáo chiếm tỷ lệ cao (75,16% ở tín đồ Công giáo và 62,5% ở tín đồ đạo Tin lành)(11). Có 70,67% số cán bộ ở khu vực Tây Nguyên được hỏi cho rằng tôn giáo có tác động đến phong tục, lễ hội truyền thống của dân tộc(12).

Sự phát triển tôn giáo đã làm gia tăng sự đa dạng của xã hội Tây Nguyên, đã từng gây nên những mâu thuẫn, bất hòa giữa các nhóm cộng đồng, gây ra rất nhiều khó khăn thách thức cho công tác quản lý nhà nước. Đó là mâu thuẫn do sự khác biệt niềm tin giữa những người theo và không theo đạo; giữa cộng đồng người Mông theo đạo Tin lành di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên với các cộng đồng cư dân tại chỗ; mâu thuẫn trong các hệ phái cùng tôn giáo và giữa các tôn giáo trong cạnh tranh, phát triển tín đồ;... Mặc dù những mâu thuẫn này hiện đã phần nào được giải quyết, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.

Bên cạnh đó, dưới tác động của tôn giáo, thiết chế buôn làng truyền thống ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Ở nhiều buôn làng theo Công giáo và đạo Tin lành, thiết chế tôn giáo tồn tại song trùng với thiết chế buôn làng truyền thống, khiến cho thiết chế buôn làng trở nên lỏng lẻo hơn, thậm chí bị phá vỡ, vai trò của già làng và các giá trị của luật tục bị suy giảm; truyền thống cộng đồng dựa trên những giá trị văn hóa dân tộc bị suy yếu. 

Sự phát triển nóng của tôn giáo vào vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn gây nên những phức tạp về an ninh chính trị và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Đó là những hoạt động lợi dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị, như những cuộc biểu tình, bạo loạn liên quan đến Tin lành Đề ga xảy ra năm 2001, 2004 và các cuộc biểu tình xảy ra các năm sau đó ở nhiều địa phương trong khu vực; lợi dụng hiện tượng Hà Mòn để mưu đồ ly khai, thành lập nhà nước tự trị ở Tây Nguyên những năm gần đây; sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, trong đó có những hiện tượng hoạt động trái thuần phong mỹ tục, mê tín dị đoan,...

Một số kiến nghị, khuyến nghị từ nghiên cứu thực tiễn

Đối với Đảng, Nhà nước: Tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia đóng góp vào các lĩnh vực của đời sống văn hóa, xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, đồng bộ các quy định pháp luật về khai thác, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo.

Đối với các địa phương ở Tây Nguyên: Các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong công tác dân tộc, tôn giáo, thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; định hướng hoạt động tôn giáo tuân thủ pháp luật; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho tôn giáo hội nhập văn hóa dân tộc, khôi phục không gian văn hóa truyền thống, bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa gắn với sinh hoạt tôn giáo. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh hiệu quả với các hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục đích ngoài tôn giáo.

Các tổ chức tôn giáo ở Tây Nguyên cần cụ thể hóa đường hướng hoạt động của giáo hội, tích cực hội nhập văn hóa, khuyến khích và thúc đẩy tín đồ phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý chặt chẽ hoạt động của chức sắc, chức việc, tín đồ, bảo đảm hoạt động tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật. Các chức sắc, nhà tu hành cần gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; luôn trau dồi đạo đức, giữ gìn phẩm hạnh, là những tấm gương sáng trong tu học và hành đạo để tín đồ noi theo học tập. Đồng thời, chức sắc, nhà tu hành cần chủ động, tích cực truyên truyền, vận động tín đồ chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; hướng dẫn đồng bào thực hành đạo đức tôn giáo trong xây dựng cuộc sống, bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống và cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc./.

---------------------------------

Ghi chú:

(1), (3) Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Vụ Dân tộc-Tôn giáo: Tổng hợp số lượng tín đồ tôn giáo khu vực Tây Nguyên tính theo tôn giáo và người theo tôn giáo (tính đến tháng 11/2016), Buôn Ma Thuột, ngày 09/12/2016.

(2) Ban Dân vận Trung ương: Số liệu thống kê Tin lành (tính đến tháng 3/2017), Hà Nội, 2017, dẫn theo: Nguyễn Thanh Xuân, “Những biến đổi của đạo Tin lành ở Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6/2019, tr.104.

 (4), (5), (6), (7), (8), (11), (12) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tư liệu khảo sát, điền dã của đề tài: Những vấn đề mới trong tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay, thực hiện tại Đắk Lắk, Kon Tum, Lâm Đồng các năm 2018-2020.

(9) Đặng Xuân Hồng: Hoạt động an sinh xã hội của các tổ chức tôn giáo ở tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị về chủ trương và giải pháp (Ban Tôn giáo Chính phủ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Quản lý Nhà nước đối với nguồn lực của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam hiện nay - Thực trạng và giải pháp, Hà Nội, 2019.

(10) http://danvan.vn/Home/Cong-tac-ton-giao/7248/Lam-Dong-Cac-ton-giao-tich-cuc-tham-gia-giu-gin-an-ninh-trat-tu.

 

PGS.TS Hoàng Thị Lan - Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Theo: lyluanchinhtri.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.