Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Vai trò của chính quyền địa phương ở một số nước trên thế giới trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng: 05/10/2021   10:45
Mặc định Cỡ chữ
Biến đổi khí hậu (BĐKH) vừa là thách thức chung đối với cộng đồng quốc tế, vừa là của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bài viết trình bày vai trò của chính quyền địa phương ở một số quốc gia trong ứng phó với BĐKH và đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam về vấn đề ứng phó với BĐKH theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII "Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu".
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những điểm chung về vai trò của chính quyền địa phương ở một số quốc gia điển hình về ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ nhất, thành lập cơ quan trợ giúp chính quyền địa phương trong lĩnh vực ứng phó BĐKH. 

Đây là điểm chung của chính quyền địa phương (CQĐP) ở hầu hết các nước. Tháng 12/1997, thành phố Tokyo (Nhật Bản) đã thành lập Tổng bộ phòng, chống sự ấm lên toàn cầu để phụ trách điều phối và thực thi chính sách ứng phó BĐKH, dựa trên cơ sở Nghị định thư Kyoto để thực hiện những biện pháp ngăn chặn sự ấm lên trên toàn cầu. Tháng 10/2002, Thủ đô London (Anh) đã thành lập một Trung tâm nghiên cứu trực thuộc Cơ quan hợp tác BĐKH London để nghiên cứu những vấn đề lớn về BĐKH mà địa phương đang đối mặt, xác định lĩnh vực và nhiệm vụ ưu tiên trong ứng phó với BĐKH của CQĐP. 

Năm 2008, thành phố New York (Hoa Kỳ) đã thành lập Ủy ban Tư vấn ứng phó BĐKH bao gồm các nhà khoa học, kiến trúc sư, chuyên gia chính sách công, chuyên gia bảo hiểm để thực hiện đánh giá tác động và rủi ro đối với các quyết định đầu tư và dự án đầu tư; đánh giá và dự báo về lũ lụt, các công trình hồ đập, đề xuất kiến nghị nhằm giảm thiểu rủi ro; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính quyền trong thực hiện các dự án, chính sách về ứng phó BĐKH. Năm 2008, thành phố Vancouver (Canada) thành lập Tổ công tác liên ngành về thích ứng BĐKH để tham mưu, đề xuất với CQĐP về các chính sách, chiến lược, dự án trong ứng phó và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền trong thực hiện các chính sách về ứng phó với BĐKH.

Thứ hai, ban hành chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên cơ sở khung khổ pháp luật của chính quyền Trung ương. 

Pháp luật của chính quyền Trung ương về ứng phó với BĐKH thường tập trung ở hai phương diện cơ bản là giảm phát thải và thích ứng với BĐKH. Tương tự, chiến lược, chương trình và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của CQĐP cũng tập trung vào hai phương diện sau: 

Một là, về giảm nhẹ BĐKH. CQĐP nhiều nước trên thế giới coi trọng hai phương diện cơ bản, gồm: 1) Xác định rõ mục tiêu giảm phát thải với chỉ tiêu định lượng rõ ràng để xác định nghĩa vụ, trách nhiệm của CQĐP và các tổ chức trong ứng phó với BĐKH, vừa để CQĐP và các tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện các biện pháp ứng phó BĐKH. Ví dụ, chính quyền thành phố New York (Mỹ) đã xác định mục tiêu đến năm 2030 giảm tỷ lệ phát thải toàn thành phố xuống còn 30% so với năm 2005; mục tiêu của các cơ quan chính quyền là đến năm 2021 giảm mức phát thải xuống còn 1/3 so với năm 2005. Chính quyền thành phố London (Anh) xác định mục tiêu giảm phát thải đến năm 2020 từ 26-30% so với năm 1990; đến năm 2050 giảm 60% so với năm 1990. Tháng 3/2008, chính quyền thành phố Tokyo (Nhật Bản) đã ban hành “Kế hoạch kiểm soát môi trường Tokyo” với mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ phát thải còn 25% so với năm 2000; 2) Xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên trong giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời sử dụng các biện pháp tích cực nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Mặt khác, CQĐP nhiều nước đều xác định rõ lĩnh vực ưu tiên trong giảm phát thải khí nhà kính trên các lĩnh vực như năng lượng, đất đai, kiến trúc, xây dựng và giao thông. Cụ thể, để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chính quyền thành phố New York khuyến khích phát triển năng lượng mới theo hướng thân thiện với môi trường, cải thiện hệ thống cung ứng điện, giảm thiểu ô nhiễm trong lĩnh vực công nghiệp, mở rộng việc sử dụng nguyên liệu có thể phân hủy. Từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay, việc sử dụng năng lượng ở thành phố London từng bước chuyển sang sử dụng điện và khí tự nhiên là chủ yếu. Báo cáo việc sử dụng năng lượng năm 1999 của thành phố này cho thấy, việc sử dụng khí tự nhiên chiếm trên 50%, năng lượng điện chiếm 1/5. Năm 2012, chính quyền thành phố London tập trung vào việc phát triển “điện xanh”. Chính quyền thành phố Tokyo đã đưa ra các biện pháp như tiết kiệm việc sử dụng năng lượng của xe hơi, tiết kiệm năng lượng của hộ gia đình, tiết kiệm việc sử dụng năng lượng trong các công sở; khuyến khích sử dụng khí tự nhiên, năng lượng mặt trời, điện gió. 

Bên cạnh đó, CQĐP ở nhiều nước thực hiện các biện pháp như: coi trọng nghiên cứu và phát triển xe hơi tiết kiệm năng lượng; quan tâm sử dụng sản phẩm thay thế; cải thiện môi trường giao thông, khích lệ việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng; cải tạo hệ thống tiết kiệm điện năng ở các kiến trúc, nhà ở cũ; đảm bảo nghiêm ngặt tiêu chuẩn tiết kiệm điện năng đối với các công trình kiến trúc và nhà ở xây dựng mới, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; “xanh hóa” hình thức bên ngoài của các công trình kiến trúc và nhà ở; đồng thời coi trọng việc nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng cho xã hội và người dân. 

Hai là, CQĐP ở các nước đề ra chiến lược, kịch bản và chương trình hành động nhằm thích ứng với BĐKH. Năm 2011, chính quyền thành phố London đã thông qua Chiến lược thích ứng BĐKH(1) với mục tiêu chủ yếu là nâng cao năng lực ứng phó với các sự kiện thời tiết cực đoan và chất lượng cuộc sống của cư dân. Trong đó, hành động phòng ngừa là bước đầu tiên, thông qua biện pháp điều chỉnh kết cấu và quy hoạch không gian như tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng để giảm thiểu tần suất phát sinh của những rủi ro, mức độ ảnh hưởng của lũ lụt, nâng cao tiêu chuẩn phòng lũ. Hành động chuẩn bị là nhận biết thời cơ và thách thức nhằm hạ thấp mức độ thiệt hại của BĐKH đối với khu dân cư, chẳng hạn như đánh giá rủi ro lũ lụt, hệ thống cảnh báo sớm, cơ chế bảo hiểm, nâng cao ý thức của người dân... Hành động phản ứng là các biện pháp khẩn cấp, như cung cấp chỗ ở cho người dân không còn chỗ ở do thiên tai. Hành động phục hồi là hệ thống các biện pháp nhằm nhanh chóng phục hồi những tác động tiêu cực của BĐKH, như xây dựng lại kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ tư vấn cho người dân gặp phải khó khăn do thiên tai... 

Chính quyền thành phố Vancouver (Canada) là một điển hình trong việc đề ra chiến lược ứng phó với BĐKH ở địa phương với nhiều biện pháp nhằm nỗ lực ứng phó cũng như thích ứng với BĐKH. Theo đó đã xác định 50 biện pháp hành động cụ thể nhằm thích ứng với BĐKH, nhất là ứng phó với các tình huống như lũ lụt, nước biển dâng, thời tiết cực đoan, nắng nóng, nhiệt độ cao... Năm 2013, chính quyền thành phố Rotterdam (Hà Lan) đã ban hành “Chiến lược thích ứng BĐKH Rotterdam” để đề ra các biện pháp ứng phó với các hiện tượng BĐKH như nước biển dâng, khô hạn và nắng nóng... 

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính theo chiều ngang nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các chính sách ứng phó với BĐKH. 

Phối hợp là việc xử lý các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của tổ chức, là quá trình kiểm soát hành vi và quyết định của cá nhân, tổ chức nhằm thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu tổng thể của tổ chức(2). Trong nội bộ cơ quan hành chính, cơ chế phối hợp thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi vì, do thực hiện sự phân công về chuyên môn, cơ cấu tổ chức, mục tiêu chính sách và phương thức hoạt động nên giữa các cơ quan hành chính khác nhau có sự khác biệt rất lớn. Điều này dễ nảy sinh xu hướng “chủ nghĩa cục bộ” cũng như khó phối hợp, hoặc chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ. 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ứng phó với BĐKH, CQĐP ở nhiều nước đặc biệt coi trọng việc tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính theo chiều ngang. Cụ thể là: 1) Thành lập cơ quan phối hợp liên ngành. Trong mô hình này, ngoài việc tăng cường vai trò chỉ đạo, điều phối của người đứng đầu cơ quan thẩm quyền chung, nhiều nước còn thiết lập Ủy ban hoặc cơ quan điều phối liên ngành ở cấp độ địa phương nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hành chính trong ứng phó với BĐKH; 2) Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan hành chính. Theo đó, để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các cơ quan hành chính cùng cấp trong thực hiện một số nội dung công việc liên quan đến ứng phó với BĐKH, cần coi trọng việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan để hợp tác thực hiện một số công việc liên quan đến ứng phó với BĐKH, cũng như trong cung ứng dịch vụ công.

Thứ tư, thực hiện các chính sách và biện pháp tài chính nhằm phát huy nguồn lực của nhiều bên, nhất là của doanh nghiệp trong ứng phó với BĐKH. 

Điểm chung trong nội dung này là coi trọng việc phát huy vai trò và sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chiến lược, chính sách, thông qua các chính sách và biện pháp tài chính phù hợp. Ở Vương quốc Anh, để có thể thực hiện được mục tiêu ứng phó với BĐKH, chính quyền Trung ương và địa phương coi trọng thực hiện các chính sách và biện pháp tài chính sau: 1) Đầu tư ngân sách nhà nước để thực hiện các dự án, chương trình nghiên cứu và phát triển công nghệ tiết kiệm năng lượng, các dự án thí điểm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; 2) Chính sách thu thuế, nhất là thuế BĐKH, thuế tiêu hao năng lượng... nhằm mục đích góp phần kiểm soát phát thải khí nhà kính; 3) Trợ cấp và hỗ trợ tài chính từ chính quyền nhằm thúc đẩy việc tiết kiệm năng lượng. 

Ở Nhật Bản, chính quyền Trung ương và địa phương đều coi trọng thực hiện đồng thời các chính sách và biện pháp tài chính, như: 1) Trực tiếp đầu tư ngân sách cho ứng phó BĐKH, tập trung vào các lĩnh vực hoạch định chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH; nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ tiết kiệm năng lượng; xây dựng dự án thí điểm; giảm lãi suất cho vay và bảo lãnh đối với các khoản vay tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ cho các gia đình có thu nhập thấp trong tiết kiệm năng lượng; cung cấp thông tin và giáo dục công chúng...; 2) Hỗ trợ, trợ cấp tài chính, bảo lãnh và kiểm toán năng lượng. Chính phủ và chính quyền địa phương thông qua các ngân hàng hoặc công ty tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ để trợ cấp và cho vay với lãi suất thấp đối với các doanh nghiệp đầu tư tiết kiệm năng lượng. Các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn hưởng lãi suất cho vay được vay khoản tín dụng với thời hạn từ 01 đến 30 năm, với mức lãi suất 2,2%. Doanh nghiệp thực hiện các dự án đổi mới công nghệ liên quan đến cải tạo thiết bị hiện có, giảm thiểu mức tiêu hao nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng tái tạo... được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi đặc biệt của nhà nước. 

Bên cạnh đó, chính quyền còn đứng ra bảo lãnh đối với các khoản vay của doanh nghiệp liên quan đến đổi mới công nghệ, tiết kiệm năng lượng của doanh nghiệp, xây dựng, cải tạo kiến trúc, công trình tiết kiệm năng lượng...; ủy quyền cho Trung tâm tiết kiệm năng lượng các cấp thực hiện việc kiểm soát năng lượng đối với một số lĩnh vực, doanh nghiệp và nhà máy quan trọng nhằm đảm bảo mức tiêu hao nhiên liệu ở mức cho phép; chính sách miễn giảm thuế thu nhập, khấu hao nhanh đối với thiết bị tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng; thực hiện thu thuế môi trường và thuế năng lượng phù hợp đối với từng loại đối tượng nhằm tiết kiệm sử dụng năng lượng; mua sắm của khu vực công. Trên cơ sở “Luật mua sắm xanh” ban hành năm 2000, Nhật Bản quy định việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị, sản phẩm phục vụ cho hoạt động của khu vực công phải đảm bảo tiêu chuẩn thân thiện với môi trường, có lợi cho bảo vệ môi trường.

Thứ năm, phát huy vai trò, sự tham gia của nhiều bên trong thực hiện chiến lược, biện pháp; đồng thời coi trọng việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các địa phương khác, các nước khác trong ứng phó với BĐKH. 

Năm 2001, chính quyền thành phố London đã thiết lập “Quan hệ đối tác biến đổi khí hậu London” với thành viên là đại diện của hơn 30 cơ quan, tổ chức khác nhau, gồm các cơ quan chính quyền như quy hoạch, tài chính, bảo vệ môi trường, y tế; các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan truyền thông báo chí, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội... Bên cạnh vai trò chủ yếu của chính quyền, chính quyền thành phố Rotterdam (Hà Lan) cũng coi trọng phát huy sự tham gia của doanh nghiệp, cư dân, các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan nghiên cứu trong xây dựng và thực thi các chính sách ứng phó với BĐKH. 

Vào năm 2005, Thụy Điển đã tiến hành đợt điều tra, khảo sát đối với tất cả CQĐP trong ứng phó với BĐKH; tập trung vào việc CQĐP các cấp tiến hành hợp tác như thế nào với các tổ chức, cá nhân trong địa phương cũng như giữa địa phương với các cá nhân, tổ chức ở bên ngoài(3). Kết quả cho thấy, có 72% CQĐP cho rằng đã hình thành nên mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan chính quyền cùng cấp cũng như mạng lưới hợp tác giữa CQĐP với các tổ chức khác (doanh nghiệp và các tổ chức xã hội). Có 65% CQĐP cho rằng, thông qua mạng lưới hợp tác này, CQĐP hợp tác và kết nối với các chủ thể khác và 38% CQĐP cho rằng họ thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức trong phạm vi địa phương mình. Đồng thời, có 1/5 số CQĐP được hỏi cho rằng, họ triển khai quan hệ hợp tác với các tổ chức, đối tác ở nước ngoài trong thực hiện các dự án nhằm giảm nhẹ BĐKH. 

Chính quyền thành phố Vaxjo (Thụy Điển) rất coi trọng việc phát huy sự tham gia của trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan nghiên cứu trong thực hiện các dự án nghiên cứu nhằm giảm nhẹ BĐKH, như dự án nghiên cứu tăng cường sử dụng năng lượng sinh học thay thế cho năng lượng dầu khí. Bên cạnh đó, thành phố Vaxjo còn coi trọng việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với các tổ chức ở trong nước và quốc tế trong triển khai thực hiện các dự án nhằm giảm nhẹ BĐKH. Chính quyền thành phố Vaxjo là một trong 05 chính quyền phối hợp với các CQĐP khác thực hiện dự án “Thách thức đối với chính quyền địa phương”. 05 chính quyền địa phương tham gia thực hiện dự án này đã cùng với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào năng lượng dầu khí, góp phần giảm phát khí thải. Đến nay, đã có hơn 20 CQĐP ở Thụy Điển hợp tác thực hiện các dự án giảm nhẹ tác động của BĐKH. 

Một số gợi mở đối với Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH

Một là, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của CQĐP trong ứng phó với BĐKH. 

CQĐP có vai trò rất quan trọng trong quản trị địa phương nói chung và quản trị BĐKH nói riêng. Nói cách khác, việc quản trị tốt BĐKH phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện vai trò và trách nhiệm của CQĐP. Thực tiễn nhiều nước cho thấy, CQĐP đã nhận thức được vai trò của mình trong ứng phó với BĐKH, từ đó xác lập được quan điểm phát triển bền vững, chủ động đề ra chiến lược, kịch bản phù hợp nhằm ứng phó có hiệu quả với BĐKH. Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần vào thực hiện thành công mục tiêu ứng phó với BĐKH của quốc gia. 

Thứ hai, CQĐP cần coi trọng đúng mức việc xây dựng chiến lược, kịch bản BĐKH, cũng như nâng cao chất lượng các chiến lược, chính sách về ứng phó với BĐKH. 

Hầu hết CQĐP ở các nước trên thế giới đều coi trọng việc chủ động đề ra chiến lược, kịch bản cụ thể nhằm ứng phó với BĐKH; chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng các chiến lược, kịch bản trong ứng phó với BĐKH. Nhìn chung, chiến lược và kịch bản ứng phó của các nước tập trung vào hai phương diện chủ yếu là giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH. Do đó, ở Việt Nam, CQĐP cần đánh giá khách quan, khoa học và đầy đủ những tác động ảnh hưởng của BĐKH cũng như khung thể chế hiện hành để đề ra chiến lược, kịch bản ứng phó với BĐKH phù hợp. Trong chiến lược, kịch bản cần coi trọng đúng mức cả nội dung giảm nhẹ và nội dung thích ứng với BĐKH. Đối với các địa phương chịu sự tác động nhiều mặt của BĐKH, cần coi trọng hơn việc đề ra các kịch bản phù hợp. Để nâng cao chất lượng chiến lược, kịch bản ứng phó với BĐKH, cần coi trọng phát huy sự tham gia của các tổ chức tư vấn và các nhà khoa học.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan cùng cấp của CQĐP trong quản trị BĐKH.

Tổ chức bộ máy phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị của CQĐP đối với BĐKH là một điểm chung được các nước trên thế giới coi trọng. Từ kinh nghiệm này, CQĐP ở Việt Nam cần kiện toàn tổ chức bộ máy quản trị ứng phó với BĐKH theo hướng thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng hoặc Ủy ban liên ngành về ứng phó với BĐKH; xác định rõ hơn, đầy đủ hơn phạm vi, thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường trong quản lý nhà nước về BĐKH. Có thể thành lập Hội đồng hay Ủy ban tư vấn về BĐKH ở chính quyền cấp tỉnh.

Thứ tư, có chính sách phù hợp nhằm huy động nguồn lực tài chính của doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động ứng phó với BĐKH. 

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, để có nguồn lực tài chính cần thiết thực hiện chiến lược, chính sách trong ứng phó BĐKH, cần phải có chính sách tài chính phù hợp, nhất là tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước và thực hiện đồng bộ các chính sách tài chính, thuế, tín dụng, hỗ trợ, tài trợ, bảo lãnh, mua sắm trong khu vực công… để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu ứng phó với BĐKH. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước, cần rà soát và hoàn thiện các chính sách, biện pháp tài chính, tín dụng nhằm huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội cho việc thực hiện các mục tiêu ứng phó với BĐKH.

Thứ năm, phát huy vai trò và sự tham gia của Nhân dân, các đoàn thể xã hội và các tổ chức quốc tế trong ứng phó với BĐKH. 

Để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu trong ứng phó với BĐKH, CQĐP ở các nước trên thế giới còn rất coi trọng sự tham gia của người dân, các đoàn thể xã hội cũng như tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế. Đối với Việt Nam, cần tăng cường tuyên truyền trong Nhân dân về tác động và hậu quả của BĐKH, cũng như có phương thức phù hợp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Nhân dân và các đoàn thể xã hội trong ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, CQĐP cần tăng cường phối hợp, kết nối với nhau cũng như tăng cường hợp tác với các địa phương các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn lực, tiến bộ khoa học kỹ thuật cho việc thực hiện các mục tiêu trong ứng phó với BĐKH./.

--------------------

Ghi chú:

(1) Greater London Authority (GLA) (2011), Managing risk and increasing resilience: The mayor’s climate change adaptation stratege, http://london.gov.uk.

(2) Nguyễn Trọng Bình (2021), Quản trị công trên thế giới và ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, tr.56.

(3) Eva Gustavsson, Ingemar Elander & Mats Lundmark (2006), Multi-level governance, networking cities and climate change. Six European Urban & Regional Studies Conference, 21st-24th September 2006 Comwell Hotel, Roskilde, Denmark./.

 

TS Nguyễn Trọng Bình - Học viện Chính trị khu vực IV, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phần Lan dự kiến cắt giảm lương hưu

Ngày đăng 14/04/2024
Chính phủ Phần Lan không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm lương hưu để cải thiện tài chính công.

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay.