Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Các nước phản đối mọi hành động làm gia tăng căng thẳng tại Biển Đông

Ngày đăng: 04/09/2021   09:11
Mặc định Cỡ chữ
Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/9 vừa qua. Theo đó, Trung Quốc đặt ra một loạt yêu cầu kiểm soát các tàu nước ngoài đi vào “vùng lãnh hải” của nước này. Nhiều nước đã phản đối quyết định này, xem đó là hành vi đi ngược lại luật tự do hàng hải và là bước đi nhằm độc chiếm Biển Đông.

Tàu hải quân Australia và Pháp phối hợp tuần tra trên Biển Đông tháng 4/2021.

Đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông

Bộ Quốc phòng Mỹ đã lên tiếng về việc Trung Quốc yêu cầu các tàu nước ngoài đi vào Biển Đông phải đăng ký với giới chức hàng hải nước này, khẳng định đây là mối “đe dọa nghiêm trọng” đối với tự do hàng hải và thương mại. Ông John Supple, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh Mỹ kiên quyết rằng bất cứ đạo luật hoặc quy định nào của quốc gia ven biển cũng không được vi phạm các quyền hàng hải và hàng không mà tất cả quốc gia đều được hưởng theo luật pháp quốc tế. Các yêu sách biển bất hợp pháp, trong đó có những yêu sách ở Biển Đông, đều gây ra mối đe dọa nghiêm trọng tới tự do của vùng biển này, trong đó có tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại hợp pháp không bị cản trở cũng như những quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ở Biển Đông và ven biển khác. Ông John Supple khẳng định: “Mỹ vẫn cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật định và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ngoài ra, theo Phó Đô đốc Mỹ Michael F. McAllister, các yêu cầu mới của Trung Quốc trên vùng biển này là trái với luật pháp - nguyên tắc quốc tế và cảnh báo: “Sẽ có bất ổn và xung đột nếu các yêu cầu này được thực thi. Theo ông, Biển Đông được ví như “siêu xa lộ hàng hải” với các hoạt động giao thương hàng hóa tấp nập. Do đó, hợp tác giữa các lực lượng tuần duyên trong khu vực là rất quan trọng để xây dựng sự quản trị hàng hải tốt. 

Quan ngại sâu sắc   

Giới chức Australia và Pháp bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và ủng hộ giải quyết hòa bình các vấn đề tại vùng biển này phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Đó là nội dung tuyên bố chung được các ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Pháp đưa ra sau cuộc gặp 2+2 theo hình thức trực tuyến.

Tuyên bố chung ngày 02/9 được đăng tải trên website của Ngoại trưởng Australia Marise Payne nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Australia “kiên quyết phản đối mọi hành động cưỡng ép hoặc gây bất ổn có thể làm gia tăng căng thẳng” tại Biển Đông. Các bộ trưởng nhấn mạnh: “Mọi bất đồng cần được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với UNCLOS 1982”. Ngoài ra, các bộ trưởng còn “tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế”, đồng thời nhất trí hợp tác hàng hải chặt chẽ hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuyên bố chung nhấn mạnh Pháp và Australia sẽ tăng cường hợp tác chung để triển khai chiến lược của mỗi bên tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời giữ vững cam kết với các đối tác trong khu vực, trong đó có Mỹ, để bảo đảm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các bộ trưởng hai nước cũng tái khẳng định rằng: “ASEAN và các cơ chế của hiệp hội cần đóng một vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng”.

Ngoài hợp tác song phương, tuyên bố chung hội nghị 2+2 giữa Pháp và Australia cũng nhấn mạnh tăng cường hợp tác ba bên với Ấn Độ trong các lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải cũng như môi trường biển, đồng thời nhất trí tăng cường đối thoại với các đảo quốc ở Thái Bình Dương./.

Theo: sggp.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nghiên cứu, bổ sung giải pháp phát triển hệ thống cảng biển để đẩy mạnh kinh tế biển

Ngày đăng 10/04/2024
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 148/TB-VPCP ngày 09/4/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:

Yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa

Ngày đăng 28/03/2024
Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, không có các hành động làm phức tạp tình hình, tuân thủ luật pháp quốc tế, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối các yêu sách trái luật pháp quốc tế của Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông

Ngày đăng 23/03/2024
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, lập trường của Việt Nam là luôn rõ ràng, nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần, theo đó Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ tất cả các yêu sách trái luật pháp quốc tế về vấn đề Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trong bãi Tư Chính: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích của mình

Ngày đăng 29/02/2024
Trước việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ: Việt Nam đang và sẽ kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trên biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Công tác quản lý nhà nước đối với huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng

Ngày đăng 05/02/2024
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là một nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc thực thi chủ quyền hợp pháp của quốc gia, góp phần phát huy khả năng, sức mạnh tổng hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo đất nước. Trong những năm qua, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực không ngừng, khắc phục những khó khăn, trở ngại để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với  huyện đảo Hoàng Sa - vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.