Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân - nhìn từ hoạt động giám sát

Ngày đăng: 04/09/2021   17:08
Mặc định Cỡ chữ
Trong khoa học pháp lý, Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) được nhìn nhận là những cơ quan trong cùng một hệ thống, với nhiều tính chất gần gũi và tương tự với nhau[1], nhưng có sự độc lập nhất định để bảo đảm sự tôn nghiêm của vị trí cơ quan dân cử. Tuy nhiên, thực tế cũng đòi hỏi phải củng cố mối liên hệ giữa Quốc hội và HĐND, nhất là trong hoạt động giám sát, để tạo sự thống nhất trong cùng một hệ thống cơ quan dân cử. Để đáp ứng yêu cầu này, ngay trong phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp giám sát, hướng dẫn hoạt động của HĐND

Quốc hội có thẩm quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.

Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện không chỉ qua các hình thức giám sát tối cao thuộc thẩm quyền riêng của Quốc hội mà còn nằm trong cả các hình thức giám sát do các cơ quan của Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội thực hiện. Đối với HĐND, quy định của pháp luật hiện hành[2] không đặt ra vấn đề giám sát tối cao của Quốc hội hay giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội mà trực tiếp giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền giám sát, hướng dẫn hoạt động. Cơ sở lý luận cho điều này là ở chỗ: đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội là tầng cao nhất của bộ máy nhà nước bao gồm Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, những người đứng đầu các cơ quan này và các thành viên của Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giúp Quốc hội tổ chức thực hiện quyền giám sát tối cao theo sự phân công của Quốc hội[3]. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội không giám sát tới chính quyền địa phương mà chỉ nắm bắt, khảo sát, nghiên cứu tình hình và kiến nghị, yêu cầu[4]; đồng thời xem xét báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội[5].

Để cụ thể hóa thẩm quyền giám sát HĐND cấp tỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mục 2, Chương 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định các hình thức giám sát như: Xem xét báo cáo hoạt động của HĐND cấp tỉnh và xem xét nghị quyết của HĐND cấp tỉnh có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐND, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào Luật Khiếu nại, tố cáo.

Như vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với HĐND được thực hiện chủ yếu thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND và đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, phải kể đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 335/NQ-UBTVQH14 và Nghị quyết số 485/NQ-UBTVQH14 để triển khai công tác giám sát việc ban hành nghị quyết và hoạt động của HĐND cấp tỉnh từ đầu nhiệm kỳ (2016 - 2021) đến hết tháng 6/2017. Kết quả giám sát đã chỉ ra những vấn đề cần khắc phục như: việc tuân thủ quy trình ban hành nghị quyết chưa bảo đảm chặt chẽ theo trình tự luật định; việc tổ chức lấy ý kiến và đánh giá tác động của một số dự thảo nghị quyết còn hình thức; vẫn còn tình trạng chưa thống nhất cách hiểu về nghị quyết quy phạm pháp luật và nghị quyết cá biệt nên còn lúng túng trong xây dựng nội dung nghị quyết quy phạm pháp luật dẫn đến gửi hồ sơ đến các Ban của HĐND cấp thẩm tra còn chậm[6]…

Ngoài ra, thông qua các Hội nghị Thường trực HĐND 6 khu vực trên toàn quốc thường xuyên được Ban Công tác đại biểu tổ chức; các vấn đề tồn tại của các địa phương được đưa ra diễn đàn để cùng trao đổi, lắng nghe ý kiến và lĩnh hội chỉ đạo từ lãnh đạo Quốc hội.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cũng luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với HĐND, các Ban của HĐND cấp tỉnh, coi các Ban của HĐND “như cánh tay nối dài” của mình tại địa phương qua việc phối hợp tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát, hội nghị lấy ý kiến, tham vấn tại địa phương[7].

Tạo thống nhất trong nhận thức và hành động

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần được giải quyết để tăng cường hơn nữa mối liên hệ, nhất là trong hoạt động giám sát của Quốc hội đối với HĐND. Trong đó, về hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn chi tiết đối với hoạt động giám sát của HĐND, tạo sự thống nhất, đồng bộ, khoa học trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp; đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội với HĐND và đại biểu HĐND khi cùng thực hiện giám sát vấn đề nóng tại địa phương.

Bên cạnh việc chỉ xem xét báo cáo một cách thông thường như quy định tại Khoản 2, Điều 55, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cần phối hợp với các hoạt động giám sát khác của Mặt trận Tổ quốc theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII về việc Quốc hội cần “thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân”[8]. Ngoài ra, trong trường hợp HĐND chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình khi giám sát các vấn đề tại địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có hướng dẫn, yêu cầu báo cáo và kể cả xem xét trách nhiệm nếu có dấu hiệu bao che, buông lỏng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Thực tế vừa qua, công tác giám sát HĐND cũng chưa được tiến hành thường xuyên. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có một điểm nổi bật là đã tổ chức nhiều Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực. Tuy vậy, tính chất của Hội nghị không trực tiếp gắn với giám sát mà mang tính trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn nhiều hơn. Việc lập đoàn giám sát HĐND chỉ được tổ chức một lần theo Nghị quyết 335/NQ-UBTVQH14. Do đó, tới đây, cần thực hiện thường xuyên hơn, thậm chí là cần giám sát định kỳ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tại các địa phương cũng cần chủ động phối hợp với HĐND trong thực hiện quyền giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương, giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Mục 4, Chương II, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Cần tạo ra các cơ chế thích hợp để phát huy vai trò này của các Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân đại biểu Quốc hội.

Tăng cường giám sát HĐND là một trong những cách thức để Quốc hội có thể bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cơ quan quyền lực nhà nước; ngăn ngừa sự khác nhau trong cách hiểu về pháp luật ở các địa phương. Muốn vậy, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục; kết hợp nhiều hình thức giám sát cũng như phát huy tối đa vai trò của các chủ thể giám sát khác bên cạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

-------------------------------------

Ghi chú:

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.

[2] Khoản 7, Điều 74, Hiến pháp 2013.

[3] Điểm b, Khoản 1, Điều 4, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

[4] Trần Ngọc Đường, Quyền giám sát tối cao của Quốc hội và quyền giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 3/2003.

[5] Khoản 2, Điều 28, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

[6] https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=34381

[7] Báo cáo số 885/BC-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/6/2021 Tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.175.

 

TS Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Theo: daibieunhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.