Hà Nội, Ngày 23/04/2024

Diễn văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trong Lễ Độc lập ngày 02/9/1945

Ngày đăng: 01/09/2021   23:58
Mặc định Cỡ chữ
Trân trọng giới thiệu đoạn trích Diễn văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiếp sau bản "Tuyên ngôn Độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trong Lễ Độc lập ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Thưa đồng bào,

Sau mấy chục năm tranh đấu quyết liệt chống bọn cướp nước, chúng ta đã gặp được thời cơ thuận lợi là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai này. Bắt đầu từ năm 1940, nhân dân ta sửa soạn đứng lên đuổi người Pháp, rồi người Nhật, để lấy lại nền Độc lập. Trong vòng bí mật, các tổ chức cách mạng của Mặt trận Việt Minh đã lan tràn trong nước, ở nơi rừng xanh núi đỏ; các bộ đội du kích đã phát triển và tiến tới một khu giải phóng gồm sáu tỉnh miền Thượng du và Trung du Bắc Kỳ thành lập Việt Nam giải phóng quân đã mở đầu việc kiến thiết nước Nam mới. Rốt cuộc tổng khởi nghĩa đã đoạt Chính quyền về tay nhân dân và thực hiện sự thống nhất quốc gia từ cửa Nam Quan đến mũi Cà Mau. Trải muôn ngàn nỗi gian lao nguy hiểm, trong đó biết bao nhiêu chiến sĩ anh dũng của chúng ta đã hy sinh cho Tổ Quốc, chúng ta mới có ngày nay. Giờ này, mấy chục vạn đồng bào có mặt ở đây, cũng như hai mươi triệu đồng bào ở khắp nước, đều hồi hộp, phấn khởi dưới bóng cờ đỏ sao vàng và cùng với Chính phủ thề hi sinh đến cùng để giữ đất nước, chúng ta tuyên bố với thế giới cái quyền sống và cái kết quả cuộc chiến đấu của dân tộc ta, nó là một sự thực không ai có thể chối cãi được.
 
- Nước Việt Nam độc lập đã xuất hiện.
 
- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập.
 
Sự nghiệp to tát đó sở dĩ thực hiện được là nhờ ba nguyên nhân:
 
Nguyên nhân thứ nhất là cuộc phấn đấu của các bậc tiên liệt đã đầu rơi rỏ máu trong bảy tám mươi năm dưới gót sắt của bọn xâm lược tàn ác, hoặc tại pháp trường, hoặc trong lao tù, hoặc ngoài mặt trận.
 
Nguyên nhân thứ hai là sự đoàn kết của các phần tử tiền phong trước đây và của toàn dân trong lúc này.
 
Nguyên nhân thứ ba là trào lưu dân chủ toàn thế giới. Sự đại thắng của Mặt trận chống phát xít đã có ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của nước ta. Nhật đầu hàng đồng minh tức là kẻ thù của ta đã đổ.
 
Tuy vậy nước Việt Nam độc lập và Dân chủ Cộng hòa mới vào ở những ngày đầu, hãy còn non nớt, nên chúng ta cần phải làm cho nó chóng đi đến bước trưởng thành, vững chãi, không có sức nào lấn át, lay chuyển được.
 
Do đó, Mặt trận Việt Minh vốn đã mở rộng, lại biến thành hẳn một phong trào cứu quốc của toàn thể nhân dân, trong đó tất cả mọi đoàn thể, tất cả mọi cá nhân có ý chí phụng sự quốc gia đều đứng lên cùng gánh vác nhiệm vụ nặng nề là làm thực hiện sự đoàn kết của toàn dân chống mọi mưu mô xâm lược. Một Chính phủ Lâm thời có đại biểu của đủ các giới tham dự đã thay cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng mà Quốc dân đại hội do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã cử ra.
 
Chính phủ Lâm thời bây giờ là ý chí của toàn quốc chứ không phải là ý chí của một tổ chức chính trị nào. Từ khi thành lập, nó đã kêu gọi quốc dân đoàn kết thêm, bố trí cuộc chiến đấu mạnh mẽ thêm. Tinh thần của nhân dân ta ngày càng cao, lực lượng của nhân dân ta ngày càng lớn. Trung, Nam, Bắc cùng một lòng. Sĩ, Công, Nông, Thương, Binh cùng chung một chí. Cả đến các giáo sĩ đạo Phật và Cơ đốc, cả đến vua Bảo Đại cũng đã nhiệt liệt hưởng ứng, tình nguyện góp sức đánh quân thù. Chính phủ Lâm thời là do sự đoàn kết, phấn đấu của nhân dân mà xuất hiện, nó lại làm cho sự đoàn kết, phấn đấu ấy sâu, rộng hơn nữa.
 
Để tăng gia và củng cố sự đoàn kết và phấn đấu ấy, chỉ nay mai Chính phủ Lâm thời sẽ ra Sắc lệnh triệu tập Quốc hội theo nguyên tắc dân chủ. Các đại biểu của Quốc hội đều do dân bầu theo lối phổ thông đầu phiếu. Quốc hội sẽ đem lại cho chúng ta một Hiến pháp và một Chính phủ chính thức.
 
Trong lúc chờ Quốc hội, Chính phủ Lâm thời có nhiệm vụ phải thi hành ngay những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế.
 
Về nội trị, chính sách của Chính phủ Lâm thời là thống nhất và đoàn kết. Sự phân biệt Trung, Nam, Bắc sẽ không còn. Sự chia rẽ các dân tộc trên dải đất Đông Dương sẽ mất hẳn. Những người lầm lỗi mà biết quay lại con đường chính sẽ được tha thứ. Tài sản và sinh mệnh của đồng bào ngoại quốc bao giờ cũng được tôn trọng. Chỉ có một điều đáng nêu cao là chính quyền của nhân dân kiên quyết bảo đảm tự do và hạnh phúc của nhân dân.
 
Bởi chú trọng đến điều đó nên một mặt Chính phủ đã bắt đầu đặt sự liên lạc mật thiết giữa Trung ương và các địa phương để thi hành một chính sách duy nhất cho khắp nơi, đặng tránh những hiểu nhầm hoặc lạm dụng, một mặt Chính phủ đã sửa soạn nâng cao ý thức của quần chúng bằng tuyên truyền, cổ động và giáo dục để quần chúng biết "giữ” và biết "dùng” quyền tự do dân chủ đã giành được.
 
Về quân sự, đội quân Giải phóng thành lập trong những ngày lưu huyết trên chiến khu và đã ghi được những thành tích rực rỡ, đang chỉnh đốn và mở rộng thành Quân đội Quốc gia đủ mạnh mẽ để bảo vệ nền Độc lập và Chính phủ Dân chủ Cộng hòa.
 
Việc đào tạo những cán bộ quân sự để chỉ huy quân đội chính thức cùng là du kích và dân quân sẽ tổ chức cấp tốc để đối phó với tình thế.
 
Mưu mô xâm lăng của đế quốc Pháp đang đe dọa chúng ta, nhưng với sự đoàn kết, hi sinh của toàn dân ở đàng sau những đội quân cảm tử, chúng ta tin là chúng ta sẽ thắng. Và nhất định chúng ta sẽ đập nát tất cả những cùm xích mà bọn xâm lược chực đeo vào cổ dân tộc ta một lần nữa.
 
Về kinh tế, sự bóc lột của Pháp và Nhật đã làm cho nền kinh tế nước ta nguy ngập. Năng lực sản xuất bị nạn độc quyền kìm hãm, những ngành công nghiệp bị chế biến thành những cơ quan chế tạo vật phẩm chỉ hữu dụng cho bọn quân phiệt, những đường mối thương mại bị nạn đầu cơ tích trữ làm cho rối bét. Ngày nay để phục hưng nền kinh tế, có người tưởng Chính phủ phải quốc hữu hóa tất cả các công cuộc kinh doanh. Và hơn nữa, Chính phủ còn khuyến khích, nâng đỡ tư nhân trong những công cuộc kinh doanh to tát.
 
Về tài chính, chúng tôi cũng không ngần ngại gì mà tuyên bố ngay rằng tình hình rất đáng lo ngại và chắc chắn là Chính phủ sẽ gặp nhiều sự khó khăn. Nhưng Chính phủ đang trù tính những phương pháp vượt qua những khó khăn ấy.
 
Mặc dầu những nỗi khó khăn mà Chính phủ đã lường trước được, Chính phủ cũng sẽ thi hành dần dần những điều mà quốc dân mong mỏi như bãi bỏ thuế thân, thuế chợ để giúp cho sinh kế của người nghèo được dễ dàng.
 
Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng các công cuộc kiến thiết và nhất là việc gây dựng đội quân quốc gia cần đến nhiều tiền. Cho nên để bù lại chỗ hao hụt của ngân quỹ, tất cả phải có những phương sách đặc biệt như công trái, lạc quyên, đặt thuế lợi tức.
 
Trong những cách giải quyết ấy, Chính phủ trông cậy một phần lớn vào lòng ái quốc của đồng bào. Và chúng tôi tin rằng giờ phút nghiêm trọng này không còn một ai không nhận rõ là nước mất thì nhà cũng phải tan, nền Độc lập và chế độ Dân chủ Cộng hòa lung lay thì quyền lợi của riêng mình cũng sẽ không toàn vẹn. Quân thù mà trở lại đây được thì đừng nói là tự do của đồng bào, ngay đến tài sản của đồng bào cũng bị giày xéo.
 
Về văn hóa, Chính phủ đã lấy lượng khoan hồng mà đối đãi những nhà văn, nhà báo trước kia đi lạc đường. Ty Kiểm duyệt còn tạm giữ là để tránh những việc thông tin hay tuyên truyền có hại đến những việc ngoại giao hay nội trị biến chuyển hàng ngày. Nhưng rồi đây, khi tình hình chính trị đã sáng tỏ, quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, sẽ ban bố ngay.
 
Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cưỡng bách, bậc trung học sẽ không có học phí, học trò nghèo sẽ được cấp học bổng. Việc giảng dạy hết sức thiết thực sẽ đặc biệt chú trọng đến sự rèn luyện đức tính cần thiết trong cuộc đời đoàn thể rộng rãi và năng lực về kỹ thuật cần lao của con người. Trong thời gian rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh éo le này chúng ta cũng quả quyết tiến hành.
 
Một nền học thuật quốc gia sẽ xây dựng ngay và sẽ bắt đầu bằng việc thiết lập những ban chuyên môn nghiên cứu về từng ngành hoạt động tinh thần. Những tập quán, phong tục đồi bại, phản tiến bộ sẽ bị triệt bỏ cũng như tất cả những văn chương uế tạp bông lông đầu độc dân chúng!
 
Về cứu tế, nạn lụt hiện thời đặt chúng ta trước một vấn đề lớn lao có thể ảnh hưởng đến chính trị. Đó là vấn đề ngay bây giờ phải nuôi sống hàng triệu nạn nhân hiện không có gì ăn và một hai tháng nữa phải tiếp tế cho dân những tỉnh thiếu gạo vì mất mùa. Cố nhiên là Chính phủ phải đảm nhận cái trọng trách giữ cho nạn chết đói khỏi trở lại tàn sát đồng bào như mấy tháng trước đây.
 
Nhưng các nhà hằng sản ở khắp nơi trong nước cũng nên coi việc cứu giúp đồng bào như một bổn phận thiêng liêng chẳng những vì nhân đạo mà còn vì tương lai dân tộc.
 
Về ngoại giao, dư luận rất chú ý đến những phái bộ Đồng minh đã lục tục tới Hà Nội, và ai nấy đều băn khoăn về những kết quả ngoại giao của Chính phủ.
 
Trước hết chúng tôi mong muốn quốc dân hãy nhận tình thế một cách trầm tĩnh để tránh những xu hướng quá lạc quan, hay quá bi quan.
 
Chính sách ngoại giao của chúng ta dựa vào hai yếu tố: một là hoàn cảnh quốc tế, hai là lực lượng của chúng ta.
 
Hoàn cảnh quốc tế hiện thời có nhiều điều thuận lợi cho cuộc giải phóng dân tộc ta. Từ Hiến chương Đại Tây Dương cho đến các hiệp định Tê-hê-răng, Y-an-ta, Cựu Kim Sơn, nguyên tắc dân tộc tự quyết đã được nêu cao. Các cường quốc trong Mặt trận Dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho nền hòa bình thế giới, thì không có lý gì ngày nay lại để cho đế quốc Pháp đem quân đến gây chiến tranh với nước Việt Nam độc lập. Các cường quốc trong Mặt trận Dân chủ đã tuyên bố chiến đấu cho sự bình đẳng giữa các nước, thì chẳng có gì lại giúp cho đế quốc Pháp trở lại đè nén, bóc lột dân Việt Nam.
 
Chúng ta và cả thế giới không thể tưởng tượng được rằng sau khi đã tự ý đứng về phe Đồng minh đánh phát xít Nhật ở Đông Dương, sau khi đã góp xương máu vào cuộc chiến đấu của Đồng minh, trên Mặt trận Thái Bình Dương, chính chúng ta lại bị Đồng minh coi như sẽ phải ở dưới ách nô lệ của bọn thực dân Pháp là bọn đã bằng lòng cho phát xít Nhật chiếm đóng Đông Dương để làm căn cứ tiến công Phi-Luật-Tân, Mã Lai, Miến Điện, Hoa Nam, đã hàng phục phát xít Nhật, cộng tác với phát xít Nhật suốt thời kỳ chiến tranh. Kịp đến khi Nhật bị nguy hiểm, cướp đoạt cả quyền hành để tiện đối phó với Đồng minh, thì bọn Pháp tính đến việc chốn chạy hay đầu hàng hơn là chống lại. Trái lại, dân chúng Việt Nam đã hăng hái nổi lên đánh Nhật ở Thượng du và Trung du Bắc Kỳ, đã gây phong trào bài Nhật, bất hợp tác với Nhật ở khắp trong nước.
 
Chúng ta lại cần nói cho Đồng minh biết rằng suốt trong ba năm trời, Việt Minh luôn luôn kêu gọi người Pháp ở Đông Dương hợp tác kháng Nhật, thì họ, chẳng những đã làm lơ, mà còn thẳng tay đàn áp, bắt bớ, bắn giết những chiến sĩ chống phát xít. Ấy thế mà mỗi khi thắng trận gặp bọn Pháp bị Nhật cầm tù, chúng ta đều giải phóng cho họ...

Thưa đồng bào,

Rồi đây tất cả mọi phương diện, nhất là về ngoại giao, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Chúng ta không ỷ lại vào ai hết. Chúng ta cũng không cần một sự may mắn nào, chúng ta phải tự lo liệu để định đoạt lấy số phận của chúng ta. Muốn cho nội trị hòa hảo, ngoại giao thắng lợi, chúng ta phải mau mau gây một lực lượng bằng sự thống nhất, đoàn kết, bằng sự rèn luyện chiến đấu hy sinh, bằng những hành động ủng hộ Chính phủ một cách thiết thực.
 
Trong lúc này, chia rẽ, hoài nghi, lãnh đạm đều là phản quốc. Trong lúc này, tâm trí mỗi người dân phải hướng cả về sự chiến đấu cho nền độc lập, sự lo lắng của mỗi người phải là một sự lo lắng chống ngoại xâm. Chỉ có thế mới thoát được họa diệt vong, mới tránh được ách nô lệ.

Hỡi đồng bào thân yêu, con cháu của Trần Quốc Tuấn, của Lê Lợi hãy đứng dậy, xếp chặt đội ngũ để đợi lệnh của Chính phủ Lâm thời...
 
Dân tộc Việt Nam đòi độc lập, tự do, bình đẳng đến cùng. Đòi bằng ngoại giao, ôn hòa chẳng được thì ta hãy tuốt gươm. Chúng ta sẵn sàng nhận tất cả mọi sự có thể xảy đến. Chúng ta có thể không mạnh bằng kẻ địch, song chúng ta sẽ thắng kẻ địch như ông cha chúng ta đời Trần. Chúng ta có thể thua năm mười trận, nhưng thắng lợi nhất định sẽ về tay chúng ta.
 
Dù sao đi nữa, chúng ta quyết chí, nỗ lực chiến đấu thì nhất định chúng ta duy trì được những thắng lợi ngày hôm nay. Đúng như lời ông Ru-dơ-ven, sự áp bức và tàn bạo đã làm cho chúng ta biết tự do nghĩa là gì.
 
Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta sẽ đem hết của cải, xương máu ra xây đắp, tô điểm non sông, làm cho nước Việt Nam yêu quý của chúng ta lại được tươi sáng, phú cường sau bao năm lầm than kiệt quệ.
 
Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh một trận cuối cùng để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc./.
---------------------------- 

(Tiêu đề do Tạp chí Tổ chức nhà nước đặt)

Theo: tuyengiao.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Triển lãm trực tuyến "Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ”

Ngày đăng 22/04/2024
Triển lãm trực tuyến "Điện Biên theo dòng lịch sử qua tài liệu lưu trữ” sẽ được công bố từ 9h30 ngày 26/4/2024 tại địa chỉ: archives.org.vn; facebook.com/luutruquocgia1; dienbien.gov.vn; snv.dienbien.gov.vn nhằm giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh từ các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử và Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu Hán - Nôm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp và một số cơ quan, đơn vị tỉnh Điện Biên phản ánh lịch sử tỉnh Điện Biên từ thuở sơ khai đến nay, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố. 

Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin

Ngày đăng 22/04/2024
Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin là một trong những yếu tố, cơ sở lý luận quan trọng, bảo đảm thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Những cống hiến nổi bật của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với cách mạng Việt Nam

Ngày đăng 19/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong, Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (01/6/1904 - 01/6/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến nổi bật của đồng chí Hoàng Đình Giong đối với cách mạng Việt Nam theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Đình Giong do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày đăng 18/04/2024
Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày đăng 17/04/2024
Sáng 17/4, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).