Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Phát huy dân chủ để xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ngày đăng: 06/07/2021   10:36
Mặc định Cỡ chữ
Với những thuộc tính căn bản và quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dân chủ xã hội chủ nghĩa hoàn toàn tương dung với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự tương dung đó được quy định từ trong chính bản chất và mục tiêu tối cao, thống nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là đều phục vụ vô điều kiện nhân dân lao động. Nhân dân là chủ thể, là trung tâm của mọi sự phát triển, và mọi sự phát triển đều xoay quanh nhân dân lao động. Đó chính là mục tiêu đồng thời là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu và động lực phát triển

Quan hệ giữa nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện, giữa cái bất biến và cái khả biến trong tổng thể sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Không có nền dân chủ xã hội chủ nghĩa không thể có chủ nghĩa xã hội, càng không thể có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển một cách đúng đắn - với tư cách là một trong những phương tiện quan trọng, một động lực to lớn và mạnh mẽ - để đẩy nhanh tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.  

Sự thống nhất hữu cơ giữa mục tiêu và phương tiện

Sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là thước đo sự trưởng thành của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà biểu hiện cao nhất và tập trung nhất là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Nhà nước thay mặt Nhân dân giữ quyền quản lý và điều hành vĩ mô nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa - với tư cách chỉ là phương tiện - nhằm phục vụ Nhân dân thì sự tương dung đó càng trở nên chặt chẽ, càng bảo đảm sự thống nhất hữu cơ giữa mục tiêu và phương tiện trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta. Nhà nước càng trở nên chủ động hơn trong việc thực thi chức năng và nhiệm vụ quản lý nền kinh tế, xã hội đất nước và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa càng thể hiện công năng, sức mạnh đúng hướng, tập trung, hiệu quả. Qua đó, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa càng được bảo đảm phát triển vững chắc và hoàn thiện không ngừng.  

Hơn bao giờ hết, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với tất cả sự mới mẻ, phức tạp của nó đã và đang đặt ra cho chúng ta không ít vấn đề, đòi hỏi một cách nhìn đúng đắn, một con đường phù hợp, hiệu quả, trên cơ sở xác lập những điều kiện cần và đủ bảo đảm thực thi thành công tiến trình dân chủ hóa xã hội chủ nghĩa - mục tiêu, động lực phát triển của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Ưu thế và thách thức của kinh tế thị trường với dân chủ xã hội chủ nghĩa

Kinh tế thị trường tồn tại một cách khách quan và tất yếu, với sự đầy đủ và phức tạp những thuộc tính hai mặt thuận và nghịch. Chỉ có một cái không tất yếu là, không phải dưới bất cứ thể chế chính trị - xã hội nào, nó cũng phát huy tác dụng hoặc gây tác hại như nhau một cách khách quan. Trong rất nhiều nhân tố thuận và nghịch của nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nổi bật mấy vấn đề sau:

Một là, vận hành một cách khách quan theo quy luật giá trị, quy luật cung - cầu... và các quy luật kinh tế khác một cách hết sức năng động;

Hai là, chi phối hoạt động của bất cứ thể chế chính trị - xã hội nào (trên phạm vi quốc gia, dân tộc, thậm chí toàn cầu...) mà nó có liên quan hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp một cách tự nhiên và nhất loạt...;

Ba là, tạo ra sự phân hóa một cách tất nhiên và nhanh chóng về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái: bất bình đẳng và bình đẳng, giàu và nghèo, phát đạt và phá sản; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, tài nguyên...;  

Bốn là, hiệu ứng kinh tế và xã hội do nó tạo ra một cách tức thì, với quy mô rộng, tốc độ nhanh và khôn lường...;   

Năm là, là động lực (hoặc phản động lực) hết sức to lớn và mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc nói riêng, của nhân loại nói chung.

Dù muốn hay không, trong xu thế toàn cầu hóa, trước hết về kinh tế, với quy mô ngày càng rộng lớn, tốc độ ngày càng mạnh mẽ và mức độ ngày càng sâu sắc như "cơn lốc", là quy luật khách quan, không gì ngăn nổi và không ai cưỡng được. Và, dù muốn hay không, các nước dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo đều hoặc là bị "cơn lốc" đó cuốn hút vào hoặc là chủ động tham gia vào "cơn lốc" đó và hứng chịu những hậu quả hoặc kết quả rất khác nhau, tùy thuộc vào thái độ và nỗ lực của mỗi nước. 

Có thể nói, đó là một kịch tính mang tầm vóc và ý nghĩa toàn cầu. Nhưng, xét trên nhiều bình diện, toàn cầu hóa không chỉ là một quá trình kinh tế hay công nghệ đơn thuần, ở bề nổi của các quá trình này, mà nhìn ở tầng sâu hơn, đây thực chất là một cuộc xâm nhập, đấu tranh giữa các nước với nhau hết sức đa diện, cả về kinh tế - chính trị, kinh tế - xã hội lẫn văn hóa - tư tưởng rất gay gắt, thậm chí khốc liệt, với các thời cơ bứt phá và nguy cơ thành bại luôn biến động, chuyển hóa khôn lường.

Xử lý vấn đề này, Đảng ta nhận thức rõ: Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh; và từ đó đã quyết định: Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Đó là một quyết sách đúng đắn mang tầm chiến lược. Một mặt hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan và xu thế thời đại; mặt khác, nhạy cảm đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại của đất nước trên con đường phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh hiện nay. Và, đó không chỉ là nhận thức, là nguyên tắc, là phương châm chỉ đạo mà còn là quyết tâm, là con đường, là sự hoạch định đúng đắn, mạch lạc bước đi chiến lược và sách lược bảo đảm tiến trình chủ động xây dựng và phát triển kinh tế thị trường phát triển đúng hướng, mạnh mẽ và vững chắc. 

Điều đó càng cho thấy, việc phát huy tác dụng những mặt thuận và hạn chế, khắc phục những mặt nghịch của nền kinh tế thị trường đến đâu, một phần cơ bản và quyết định phụ thuộc vào năng lực chủ quan và phương lược hành xử của các thể chế chính trị - xã hội, các quốc gia, dân tộc... đối với nó. Và chúng ta không phải là ngoại lệ.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế hiện nay, vai trò, sự ảnh hưởng và hiệu ứng của nó càng nhanh, mạnh và sâu sắc. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của chúng ta không nằm ngoài những cơ hội và những thách thức đó trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với xung lực là kinh tế tri thức, vì sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đúng đắn và vì sự phát triển của chính nó góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

 

TS Nhị Lê, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản
 

Theo: daibieunhandan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.