Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí hiện nay

Ngày đăng: 18/06/2021   13:50
Mặc định Cỡ chữ
Sự ra đời của Báo “Thanh niên” khởi đầu cho sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 05/02/1985, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52-QĐ/TW lấy ngày 21/6 hằng năm là Ngày Báo chí Việt Nam. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị đồng ý gọi Ngày Báo chí Việt Nam là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nền báo chí nước nhà.
Ảnh minh họa

Lịch sử ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với báo chí. Báo chí trở thành công cụ đắc lực của Đảng để khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đến với lực lượng cách mạng; báo chí trở thành một trong những vũ khí sắc bén của các lực lượng cách mạng do Đảng lãnh đạo, tổ chức các cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Đảng ta luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của báo chí, đồng thời luôn bảo đảm giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối và xuyên suốt của Đảng với báo chí. Theo thống kê của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong 30 năm đổi mới (1986 - 2016), Đảng ta đã ban hành 48 nghị quyết, kết luận, chỉ thị về lĩnh vực báo chí - xuất bản, trong đó, lĩnh vực báo chí, truyền thông là 22 văn bản. Cùng với đó, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 35 văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật đối với lĩnh vực báo chí - xuất bản, trong đó, lĩnh vực báo chí, truyền thông là 21 văn bản.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”(1).

Trải qua 96 năm (1925 - 2021) đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống báo chí, truyền thông nước ta đã phát triển nhanh, mạnh cả về loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật và công nghệ, đội ngũ, trình độ; báo chí, truyền thông ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo cáo tổng kết công tác báo chí năm 2020: công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với các sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng “báo hóa” ở các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp; quy hoạch báo chí được triển khai cơ bản bảo đảm tiến độ (năm 2020 cả nước có 779 cơ quan báo chí, giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019), đội ngũ người làm báo đông đảo với hơn 40 nghìn người, trong đó có hơn 20 nghìn người được cấp Thẻ Nhà báo. Sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam là kết quả của sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, quản lý của Nhà nước, cùng với sự phát triển đất nước trong thời đại công nghiệp 4.0.

Trong hoạt động, các cơ quan báo chí đã tích cực, chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp, đội ngũ phóng viên, biên tập viên được tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền trong tình hình mới; các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của Nhân dân; góp phần quan trọng cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Với Việt Nam, lợi ích quốc gia, dân tộc và mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng đều tập trung “xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công Chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là Chủ nghĩa Cộng sản. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”(2). Do vậy, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam vừa phải tuyên truyền, phổ biến mục đích, mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vừa phải tuyên truyền đấu tranh trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với Nhân dân. Người nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hoà bình thế giới là nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Người khẳng định: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”(3). Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(4). 

Báo chí là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, đấu tranh vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân... Quan điểm đó của Đảng được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII và XIII của Đảng đều chỉ rõ: các cơ quan báo chí, truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam.

Đảng lãnh đạo báo chí, truyền thông là tất yếu. Song Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, gồm quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo, truyền thông; quyền tự do tiếp cận và nhận thông tin; quyền tự do cá nhân và tổ chức được bảo vệ trước báo chí và truyền thông. Tuy nhiên, đã và đang xuất hiện một số cơ quan báo chí có biểu hiệu phai nhạt lý tưởng, xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, đưa tin, bài có tính chất “giật gân”, “câu view, câu like”.

Hệ thống báo chí, truyền thông chưa hợp lý, còn chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực. Sự chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý của cơ quan nhà nước có lúc, có nơi chưa theo kịp với quy mô, tốc độ, trình độ phát triển và thực tế hoạt động báo chí, truyền thông. Một số cơ quan báo chí chưa làm tốt chức năng định hướng tư tưởng và dư luận xã hội, đẩy lùi tiêu cực, sản phẩm báo chí chưa thực sự lôi cuốn, hấp dẫn công chúng; chưa phát hiện, cổ vũ, nhân rộng và làm lan tỏa những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, những mặt tích cực của đời sống xã hội.

Hiến pháp năm 2013 và Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về quyền “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một số cơ quan báo chí và phóng viên có tư tưởng cổ súy cho “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” thái quá, mà quên rằng mặc dù đề cao “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, “tự do lập hội” nhưng phải trong khuôn khổ pháp luật và không được đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhiều tạp chí điện tử, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp, nhiều trang mạng xã hội đã bị “báo hóa” ... dẫn đến vi phạm quy định pháp luật, bị cơ quan quản lý nhà nước về báo chí truyền thông xử phạt.

Để phát huy tính tích cực, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của công tác báo chí, truyền thông trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác báo chí, truyền thông:

Một là, tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, truyền thông thông qua đường lối, chủ trương, chiến lực phát triển; công tác cán bộ, cơ chế, chính sách. Đảng lãnh đạo báo chí thông qua các cơ quan nhà nước, thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm thành luật pháp, chính sách đối với báo chí.

Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng và quyền tự do, dân chủ của Nhân dân.

Hai là, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng cơ quan chủ quản và cơ quan báo chí. Chủ động phát hiện tiêu cực, hạn chế của cơ quan báo chí, của phóng viên, biên tập viên; coi trọng công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan báo chí và phóng viên, nhà báo.

Ba là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phóng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan báo chí. Nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị của đội ngũ quản lý báo chí. Coi trọng và thường xuyên triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và công tác phát triển Đảng tại cơ quan báo chí.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với báo chí thông qua chiến lược đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí toàn quốc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí song hành nâng cao năng lực kiến tạo và phát triển của các cơ quan báo chí.

Bốn là, thường xuyên nâng cao đạo đức, chuyên môn nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và kiến thức về quan hệ quốc tế cho đội ngũ người làm báo, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập viên phải nghiêm túc thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trong đó: trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của Nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm là, đổi mới hoạt động của các cơ quan báo chí trực tiếp dưới dự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng; đi đầu về thông tin chính trị, định hướng dư luận xã hội tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Cùng với đó, các cơ quan nhà nước cũng cần triển khai thực hiện tốt quy chế phát ngôn, chia sẻ, cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan báo chí theo tinh thần Nghị định số 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, để tăng tính hiệu quả thông tin, truyền thông, định hướng dư luận xã hội. Cấp ủy đảng, chính quyền cơ quan chủ quản báo chí tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả trong việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025./.
__________________________

Ghi chú:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr 146, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội năm 2021.

(2) Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, trang 4-5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011.

(3) Sđd, tập 3, tr.168.

(4) Sđd, tập 12, tr.166.

Nguyễn Văn Vỹ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày đăng 18/04/2024
Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày đăng 17/04/2024
Sáng 17/4, tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 - 01/5/2024).

Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên "cột mốc vàng" lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày đăng 17/04/2024
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "Dù bom đạn xương tan, thịt nát. Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Cam kết mạnh mẽ, nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

Ngày đăng 16/04/2024
Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế.

Nhiều đóng góp có giá trị vào Đề cương chi tiết Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới

Ngày đăng 15/04/2024
Sáng 15/4, Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.