Hà Nội, Ngày 16/04/2024

Việt Nam đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022

Ngày đăng: 18/06/2021   12:46
Mặc định Cỡ chữ
Triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin quy mô lớn nhất trong lịch sử tại Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định, chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 lần này có nhiều điểm mới, nhưng vấn đề an toàn tiêm chủng vẫn luôn được đặt lên hàng đầu.

Trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc xin COVID-19 và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc với sự tham gia của nhiều lực lượng như y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế  Nguyễn Thanh Long cho biết chiến dịch tiêm chủng quốc gia vắc xin phòng COVID-19 lần này có nhiều điểm đặc trưng và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người tiêm.

Phóng viên (PV): Được biết, Bộ Y tế đang chủ trì chiến dịch quốc gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. Bộ trưởng cho biết những điểm cơ bản của chiến dịch này?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có những điểm đặc trưng khi được triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường.

Chiến dịch tiêm chủng lần này được thực hiện tại các điểm tiêm chủng đã triển khai lâu nay, nhưng khác là có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách thuận lợi và dễ dàng nhất.

Một điểm mới nữa là chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành và đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải cùng đồng hành với Bộ Y tế để triển khai chiến dịch này.

Bên cạnh đó, một điểm rất quan trọng của chiến dịch này đó là sự triển khai đồng loạt ở tất cả các địa phương. Chúng tôi cho rằng đó là một yếu tố hết sức quan trọng giúp cho thành công của chiến dịch tiêm chủng lần này.

PV: Thưa Bộ trưởng, có phải trong chiến dịch tiêm chủng lần này việc ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai mạnh và đồng bộ nhất?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Trong chiến dịch này, công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng trong triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói rằng, thời gian qua, chúng ta đã triển khai rất tốt công nghệ thông tin vào phòng, chống dịch. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khỏe điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua tin nhắn. Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân thông tin về địa điểm tiêm cũng như thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.

Cán bộ tiêm chủng cũng sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử để quản lý người được tiêm chủng thông qua hệ thống phần mềm do Bộ Y tế phát triển cùng Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tất cả các cơ sở tiêm chủng triển khai nội dung này.

Sổ sức khỏe điện tử này đồng bộ hoá cả kết quả tiêm chủng và thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để cơ quan y tế quản lý và xử trí kịp thời.

PV: Mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 lần này là tiêm được cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam. Tại sao lại đặt ra mục tiêu như vậy, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng. Muốn có miễn dịch cộng đồng thì việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vaccine.

PV: Vậy để đảm bảo an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đã có những chuẩn bị như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Có thể nói, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác), Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.

Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở Việt Nam đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe, họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm.

Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe và được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm.

Bên cạnh đó, các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm.

Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu xử lý kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa về bổ sung chỉ tiêu biên chế

Ngày đăng 16/04/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu xử lý kiến nghị của tỉnh Khánh Hòa về bổ sung chỉ tiêu biên chế cho cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang và Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa theo quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

Mỗi bộ, ngành, địa phương cần bố trí ít nhất 01 vị trí việc làm chuyên trách về thông tin đối ngoại

Ngày đăng 16/04/2024
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 47/NQ-CP ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025

Ngày đăng 13/04/2024
Sáng 13/4/2024, tại tỉnh Hòa Bình, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025.

Thủ tướng đồng ý đề nghị về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và Quốc tế lao động 01/5/2024

Ngày đăng 12/04/2024
Ngày 12/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2450/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng 30/4 và ngày Quốc tế lao động 01/5/2024.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc ấn tượng trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Ngày đăng 12/04/2024
Ngày 11/4, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) Đặng Hoàng Giang đã có buổi làm việc với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres để trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế đang nổi lên hiện nay.