Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Thiết thực mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở Hà Nam​

Ngày đăng: 14/06/2021   16:47
Mặc định Cỡ chữ
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở Hà Nam đã tạo ra một số chuyển biến tích cực ở các cấp chính quyền cơ sở.
Mô hình "Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” tại xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân nhận được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân. 

Ngày 13/6/2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam đã triển khai xây dựng điểm mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” đối với chính quyền cấp xã tại 14 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Với tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm đã phối hợp chặt chẽ với Khối Dân vận cùng cấp, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình theo trình tự các bước, đảm bảo nội dung và phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương.

Tại các trụ sở hành chính cơ sở, các đơn vị đều quan tâm bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) ở vị trí thuận lợi; có phòng tiếp dân riêng; các trang thiết bị như máy vi tính, bàn làm việc, camera giám sát đối với cán bộ, công chức được quan tâm đầu tư đầy đủ nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân khi đến giải quyết công việc.

Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thực hiện, mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” đã tác động, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, nhận thức, phong cách làm việc, phục vụ Nhân dân trong mỗi cán bộ, công chức cơ quan, chính quyền cấp xã, nhất là vai trò, trách nhiệm, uy tín của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở hầu hết các đơn vị đã nâng lên, được người dân ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.

Từ những kết quả bước đầu đã đạt được và tính thiết thực của mô hình, ngày 30/10/2020, Tỉnh ủy Hà Nam đã có Công văn số 32/CV/TU chỉ đạo triển khai, nhân rộng mô hình trên trong toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, 109/109 xã, phường, thị trấn của tỉnh Hà Nam đều đã triển khai, thực hiện mô hình này.

Với việc cam kết thực hiện tốt nội dung khẩu hiệu “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cảm ơn) và “3 thể hiện” (Tôn trọng: trong quan hệ giao tiếp. Văn minh: lịch sự, văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc. Gần gũi: trong quan hệ giải quyết công việc nhanh chóng) và “5 không” (không hách dịch, cửa quyền; không quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà Nhân dân; không tham ô, lãng phí; không né tránh trách nhiệm; không chậm trễ giải quyết hồ sơ, công việc),... đại đa số cán bộ, công chức, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương ở Hà Nam trong giao tiếp, ứng xử với người dân đều có thái độ lịch sự đúng mực, gần gũi, thân thiện.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, 58 tuổi ở tiểu khu Bình Tiến, thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục) cho biết: từ khi địa phương thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, tôi nhận thấy cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa trong quá trình tiếp xúc giải quyết công việc cho người dân đã có sự niềm nở, cởi mở thân thiện hơn; ai cũng luôn sẵn sàng quan tâm giải thích cho dân những vấn đề chưa rõ về các TTHC theo quy định của Nhà nước. Tận tình hướng dẫn, giúp đỡ Nhân dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng trong ngày. Trường hợp thiếu giấy tờ thì hướng dẫn và gửi bảng kê các loại giấy tờ cần thiết về chuẩn bị đầy đủ để không phải đi lại nhiều lần.

Thực tế ở xã Hợp Lý, huyện Lý Nhân chúng tôi thấy, địa phương còn thành lập Tổ hướng dẫn làm TTHC cho người dân vào thứ ba và thứ năm hằng tuần. Ghi nhận ý kiến, đa số người dân nơi đây bày tỏ sự hài lòng với những đổi mới của chính quyền địa phương để xử lý các TTHC theo hướng nhanh, tiện lợi, khoa học, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân.

Đồng chí Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục cho biết: sau thời gian 2 năm thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, địa phương đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các tầng lớp nhân dân. Chúng tôi luôn xác định việc thực hiện tốt mô hình cũng như đặt sự hài lòng của người dân thành mục tiêu phấn đấu của chính quyền thân thiện là một trong những tiêu chí quan trọng cần tập trung, bởi nó vừa cải thiện đáng kể mối quan hệ giữa chính quyền với người dân vừa đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đồng thời giúp địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác…

Theo kết quả lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 1 cửa ở các địa phương cho thấy: mức độ “rất hài lòng” chiếm tỷ lệ % rất cao, có 03 đơn vị đạt tỷ lệ tuyệt đối 100% và 10 đơn vị đạt tỷ lệ từ 50% trở lên; mức độ “hài lòng” chiếm tỷ lệ thấp và ngày càng giảm dần, mức độ “không hài lòng” chỉ còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ (2%).

Đánh giá kết quả giải quyết TTHC theo 3 mức độ (trước thời hạn, đúng thời hạn, không đúng thời hạn) cho thấy tổng số hồ sơ TTHC mà người dân, tổ chức đề nghị được giải quyết theo thẩm quyền ở các địa phương được trả trước thời hạn chiếm tỷ lệ cao, cụ thể: xã Mộc Bắc, phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên) đạt 100%; hai xã của huyện Kim Bảng là Tân Sơn 98%; xã Thanh Sơn 99%; xã Hợp Lý (Lý Nhân) 98,8%; xã Tiên Tân và xã Liêm Chung (Phủ Lý) 92%; xã An Đổ 83% và thị trấn Bình Mỹ (huyện Bình Lục) 77% ; xã Liêm Cần (huyện Thanh Liêm) 100%...

Ngoài ra, nhiều nơi ở tỉnh Hà Nam, người đứng đầu chính quyền địa phương còn quan tâm, chú trọng đến việc tổ chức trao, gửi các loại thư đến người dân với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã làm cho người dân cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ, động viên kịp thời của chính quyền địa phương khi gia đình có việc vui cũng như việc buồn, nhất là đối với thư chúc mừng hạnh phúc, mừng thành viên mới, thư chia buồn được dư luận và Nhân dân quan tâm, đồng tình, đánh rất giá cao…

Đồng chí Đinh Văn An, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam cho biết: việc xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ” ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã mang lại hiệu quả thiết thực, được người dân ghi nhận, tin tưởng. Hiện tại, 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh Hà Nam đều đã triển khai nhân rộng mô hình, qua đó đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong tác phong, lề lối làm việc, nhận thức trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, từng bước mang đến sự hài lòng cho người dân địa phương. Điều đó cũng cho thấy, việc triển khai mô hình là thiết thực, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính các cấp chính quyền, đặc biệt là đơn vị xã, phường, thị trấn.

Với mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”, nội dung công tác dân vận thể hiện bắt đầu từ những hành động cụ thể, đơn giản, như: cử chỉ, sắc thái, lời cảm ơn, lời chúc mừng, lời xin lỗi,… qua đó tạo dựng, củng cố mối gắn kết chặt chẽ, sự tin cậy, đồng cảm, chia sẻ giữa chính quyền và Nhân dân. Với nhận thức đó, thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hà Nam sẽ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ hơn nữa những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện mô hình – đồng chí Đinh Văn An nhấn mạnh.

Có thể thấy, sự thân thiện của cán bộ, công chức chính quyền địa phương đã tạo ra tâm lý thoải mái cho người dân, giúp họ cởi mở hơn trong giao tiếp, ứng xử, phối hợp tốt hơn trong giải quyết công việc, tạo nên sự khác biệt so với trước đây. Cùng với nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, quần chúng nhân dân cũng có điều kiện thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội, tích cực tham gia đóng góp ý kiến về một số nội dung cách thức thể hiện cho phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương để mô hình phát huy hiệu quả hơn, để cùng nhau xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương../. 

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng các đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày đăng 06/04/2024
Chiều 05/4/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về việc xây dựng các đề án: Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025.