Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Lâm Đồng: những kết quả tích cực sau 5 năm tăng cường cải cách hành chính

Ngày đăng: 29/05/2021   20:03
Mặc định Cỡ chữ
Nhiều giải pháp được tỉnh Lâm Đồng đưa ra cho giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phấn đấu tiếp tục giữ vững vị trí trong nhóm địa phương trong cả nước có chất lượng điều hành tốt.

Tinh gọn bộ máy
 
Theo Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương. 
 
 Bên cạnh thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND tỉnh; Lâm Đồng còn thực hiện việc sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong các sở, ban, ngành. Từ năm 2016 đến cuối năm 2020, đã có 9 cơ quan, đơn vị các sở gồm: Tài chính; Công thương; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông vận tải; Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện việc sắp xếp lại; giảm được 20 phòng chuyên môn và 1 chi cục trực thuộc Sở Xây dựng.
 
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 777 đơn vị, giảm 54 đơn vị so với năm 2016; trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh là 8 đơn vị, giữ nguyên như năm 2016; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan chuyên môn và tổ chức tương đương thuộc UBND cấp tỉnh là 123 đơn vị, giảm 31 đơn vị so với năm 2016; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện 646 đơn vị, giảm 23 đơn vị so với năm 2016.
 
Tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện tốt việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh đã thực hiện sắp xếp 10 đơn vị hành chính cấp xã bao gồm 6 đơn vị hành chính cấp xã dưới 50% cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; 1 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện khuyến khích và 3 đơn vị hành chính cấp xã liền kề. Sau khi sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng giảm 5 xã, còn 142 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. 
 
Với cấp thôn, tỉnh Lâm Đồng cũng thực hiện việc sáp nhập 318 thôn, tổ dân phố chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thành lập mới 153 thôn, tổ dân phố, giảm 165 thôn, tổ dân phố. Hiện toàn tỉnh còn 1.376 thôn, tổ dân phố.
 
Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
 
Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện việc quản lý và sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng quy định. Biên chế công chức và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được giao đúng theo số biên chế công chức và số lượng người làm việc đã được Bộ Nội vụ thẩm định và HĐND tỉnh phê duyệt.
 
Hằng năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch biên chế hành chính, số lượng người làm việc trên cơ sở bản mô tả, xác định rõ vị trí việc làm, gắn với thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). 
 
Việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC đã được các cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện, trong đó các đơn vị đã chủ động xây dựng đề án tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và xác định tỉ lệ tinh giản đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế. 
 
Với biên chế công chức, năm 2016 toàn tỉnh được giao 2.773 biên chế; đến năm 2020 là 2.540 biên chế, giảm 233 biên chế, đạt tỷ lệ 8,4% so với năm 2016. Bên cạnh đó, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao năm 2016 là 29.045 người; đến năm 2020 còn 27.196 người, giảm 1.849 người, đạt tỷ lệ 6,37% so với năm 2016.
 
Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Lâm Đồng đã giải quyết cho cán bộ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 26/NĐ-CP đối với 45 trường hợp; tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 113/2018/NĐ-CP đối với 442 trường hợp, với tổng kinh phí thực hiện hơn 48 tỷ đồng.
 
Tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn này cũng thực hiện tốt việc đào tạo, quản lý đội ngũ CBCCVC; công tác quy hoạch, bổ nhiệm được thực hiện đúng theo quy định, trong đó bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 127 trường hợp thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 51 trường hợp quản lý doanh nghiệp nhà nước. 
 
Cùng đó việc sắp xếp, bố trí CBCCVC theo đề án vị trí việc làm đã được các đơn vị trong tỉnh nghiêm túc thực hiện. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đã được phê duyệt, các sở, ngành, địa phương đã tiến hành xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm, đồng thời thực hiện bố trí, sắp xếp, quản lý công chức theo đúng quy định.
 
Trong những năm qua đã làm tốt công tác đánh giá CBCCVC theo đúng quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các nghị định hướng dẫn thi hành. Hiện tỉnh đang thí điểm phần mềm đánh giá công chức tại Sở Nội vụ, Sở Y tế và UBND huyện Đức Trọng; sau khi tổng kết, đánh giá sẽ hoàn thiện phần mềm để triển khai rộng trong tỉnh.
 
Tỉnh Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương trong nước thực hiện việc tuyển dụng công chức trên máy tính. Trong năm 2008, tỉnh đã tuyển được 205 công chức làm việc trong cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng đang thực hiện việc quản lý CBCCVC trên phần mềm đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có 30.400 hồ sơ được nhập vào hệ thống; hiện các đơn vị đang rà soát thông tin và nhập liệu các hồ sơ còn lại.
 
Phấn đấu trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt 
 
Trong giai đoạn 2021- 2025, theo Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng, tỉnh vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra; nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
 
Lâm Đồng sẽ tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; nâng cao ý thức, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC trong việc xây dựng chính quyền các cấp liêm chính, trong sạch, vững mạnh; cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phấn đấu giữ vững vị trí trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “tốt”.
 
Tỉnh cũng tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và cấp huyện; xây dựng kế hoạch biên chế hành chính, số lượng người làm việc hàng năm trên cơ sở bản mô tả, xác định rõ vị trí việc làm; thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; chuyển đổi thêm ít nhất 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ về tài chính.
 
Đồng thời, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch của tỉnh; tiếp tục rà soát quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2020 - 2025, chú ý phát hiện những cán bộ ưu tú, xuất sắc, cán bộ trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý; kiên quyết thay thế những cán bộ có trình độ, năng lực yếu, phẩm chất đạo đức kém, không chờ hết nhiệm kỳ và thời hạn bổ nhiệm lại, không điều động, bổ nhiệm lại CBCC bị kỷ luật từ cơ quan này sang cơ quan khác.
 
Tỉnh cũng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở và ở các ngành, các cấp từ cơ quan Đảng, đoàn thể sang cơ quan Nhà nước và ngược lại; tiếp tục thực hiện cơ chế tuyển chọn qua thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên khi có chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương./.

Theo: baolamdong.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.