Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam 

Ngày đăng: 21/05/2021   16:20
Mặc định Cỡ chữ
Qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thành tựu đó là do Đảng và Nhà nước ta không ngừng mở rộng dân chủ và thực hiện dân chủ trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, tạo điều kiện giải phóng năng lực con người, khơi dậy và phát huy sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của Nhân dân. Sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng Dân” trên nền tảng nguyên tắc tập trung dân chủ là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển đất nước. 
Ảnh minh họa: Internet

Dân chủ và vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở 

Dân chủ là bản chất của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định rõ điều đó. Tại Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã ghi rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Cụ thể hóa Hiến pháp, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước đã ghi nhận các quyền dân chủ của Nhân dân như: Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân… Dân chủ đã được Đảng và Nhà nước ta xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước.

Nhận thức được yêu cầu cấp thiết phải thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” của Đảng thành quy định của Hiến pháp, pháp luật về làm chủ của Nhân dân trong xây dựng đất nước, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp đó, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thay thế cho Nghị định số 79/2003/NĐ-CP. 

Qua hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh số 34/2007 cho thấy một số nội dung của Pháp lệnh đã bộc lộ những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. Cụ thể, Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 thiếu những quy định rõ ràng về trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với những vấn đề quyết định khác với ý kiến của đa số cử tri và chế tài trong trường hợp vi phạm quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nhiều quy định của Pháp lệnh chỉ được thực hiện mang tính thủ tục, nặng về hình thức mà thiếu thực chất, không thu hút được sự quan tâm rộng rãi của người dân, nên không huy động được trí tuệ tập thể và sự đồng thuận của Nhân dân dẫn đến nhiều quyết định của chính quyền cơ sở khi đưa ra triển khai thực hiện không được Nhân dân đồng tình, thậm chí phản ứng, khiếu kiện kéo dài (nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án ở địa phương) do không giải quyết thỏa đáng vấn đề lợi ích của người dân và quy trình thực hiện thiếu công khai, dân chủ, vi phạm pháp luật nhưng đến khi xử lý lại gặp nhiều khó khăn do không có chế tài rõ ràng.

Theo các Nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 01/7/2021 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng sẽ thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) phường (riêng Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh còn thí điểm không tổ chức HĐND quận). Như vậy, quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở thông qua HĐND phường đã không còn. Do đó, phương thức thực hiện dân chủ ở các phường của các đô thị nói trên sẽ hoàn toàn khác với các đơn vị hành chính cùng cấp ở các địa phương khác. Theo quy định tại các Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội, khi không tổ chức HĐND phường thì quyền hạn được chuyển giao cho HĐND quận (ở những nơi không tổ chức HĐND quận thì chuyển giao cho HĐND thành phố trực thuộc Trung ương), trong khi đó, mỗi quận ở Hà Nội lại có hàng chục phường; Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có hàng chục quận và hàng trăm phường; mặt khác theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) thì số lượng đại biểu HĐND các cấp đều giảm đi so với nhiệm kỳ trước nên để đảm bảo thực hiện tốt hoạt động giám sát đối với số lượng lớn các đơn vị cấp dưới là một khó khăn đối với HĐND các thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và HĐND các quận ở Hà Nội. 

Như vậy, khi thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường ở một số thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2021 thì cần có cơ chế để thay thế chức năng giám sát của HĐND các đơn vị hành chính này. Trong trường hợp đó, hình thức làm chủ trực tiếp của người dân ở cơ sở càng trở nên quan trọng, có thể thay thế cho giám sát của HĐND quận, phường, nhất là khi các đô thị này đang triển khai xây dựng thành phố thông minh. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở trong xu hướng đô thị hóa 

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở cần nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với sự phát triển của địa phương; đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác những ưu điểm và hạn chế. Trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ cơ sở ở địa phương.

Hai là, để việc thực hiện dân chủ ở cơ sở hiệu quả cần thực hiện tốt các nguyên tắc cơ bản sau: thứ nhất, dân chủ phải đi đôi với trật tự, kỷ cương, người dân được làm những điều pháp luật không cấm, còn cán bộ, công chức chỉ được làm những điều pháp luật cho phép; thứ hai, giải quyết hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, tập thể và cá nhân; giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài và ngược lại. Mọi quyết sách của địa phương cần tính đến hài hòa tất cả các mặt lợi ích này. Đây là điều kiện căn bản để có thể thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, thông qua thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân; thứ ba, chính quyền địa phương cần công khai thông tin hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo và không hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân, ngoại trừ những vấn đề thuộc danh mục bí mật nhà nước. 

Bên cạnh việc công khai thông tin cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với những quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền ở cơ sở cần tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại với cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và thông tin phản ánh từ phía người dân, đồng thời tuyên truyền, giải thích về hoạt động của mình để dân hiểu, dân góp ý và dân giám sát, từ đó góp phần ngăn chặn các thế lực thù địch tìm cơ hội xuyên tạc, bịa đặt, kích động Nhân dân. 

Ba là, cần đổi mới nội dung và hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ đến mọi tầng lớp Nhân dân. Để giải quyết vấn đề này, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, tăng cường sử dụng mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi người dân, bởi đây là cách thông tin rất hiệu quả, ít tốn kém và phù hợp với xu hướng đô thị hóa hiện nay. Tuy nhiên, về nội dung tuyên truyền cần biên tập, chọn lọc thông tin sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và tập trung vào những vấn đề người dân địa phương quan tâm.

Về tổ chức hội nghị cử tri, cần đa dạng hóa hình thức, có thể kết hợp trực tiếp với trực tuyến và lấy ý kiến qua văn bản, qua mạng xã hội, qua email… để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là ở các vùng đô thị. Ngoài ra, có thể sử dụng cơ chế ủy quyền dân sự đối với các quyết định ở cơ sở cần sự tham gia của cử tri để mọi người dân đều được thực hiện quyền làm chủ của mình. Cần nghiên cứu, lựa chọn nhân sự bí thư chi bộ khu dân cư, tổ trưởng tổ dân phố và trưởng ban công tác Mặt trận tham gia vào ban quản trị nhà chung cư. Trên thực tế, ở các khu chung cư hiện nay, lợi ích của cư dân chủ yếu liên quan đến ban quản trị, trong khi đó vai trò của tổ chức đảng, tổ dân phố, tổ chức đoàn thể ở khu dân cư chưa phát huy hiệu quả, không thu hút được sự quan tâm của người dân, do vậy, các hội nghị ban quản trị, tổ dân phố có rất ít người tham gia. Nếu người đứng đầu các tổ chức này đồng thời được tín nhiệm tham gia ban quản trị thì việc thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân và sự quản lý của chính quyền cơ sở sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Bốn là, cần hoàn thiện các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền theo thẩm quyền cần rà soát, hệ thống hóa, pháp điển hóa toàn bộ những quy phạm pháp luật và của địa phương có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để sửa đổi, bổ sung những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với thực tế. 

Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn khi ban hành cần kết hợp những quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong các văn bản pháp luật liên quan và quy định cụ thể để người dân dễ thực hiện, không nên chỉ dừng ở mức luật khung hoặc quá nhiều dẫn chiếu đến các văn bản khác sẽ gây khó hiểu và khó thực hiện. Luật cần làm rõ những đặc trưng của việc thực hiện dân chủ ở các khu vực đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo để đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Đồng thời, cần bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình và chế tài đủ mạnh đối với những hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc làm trái quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở và giữa hệ thống chính trị các cấp đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. 

Hơn 20 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã tạo động lực quan trọng trong việc giải phóng tiềm năng, khơi dậy nội lực của Nhân dân đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy các ưu điểm, kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đổi mới nội dung, phương thức, đặc biệt là hoàn thiện các quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước./.

-----------------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

3. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.

4. Lê Trung Kiên, Đô thị hóa và sự biến đổi nhu cầu văn hóa của cư dân đô thị nước ta, Tạp chí Xây dựng và Đô thị, số 6/2009.

5. Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

 

ThS Bùi Thị Phương Liên - Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội

Tạp chí Tổ chức nhà nước số 5/2021

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.