Hà Nội, Ngày 28/03/2024

5 kinh nghiệm của Đắk Lắk trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Ngày đăng: 13/05/2021   17:28
Mặc định Cỡ chữ
Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên là 13.125km2, dân số gần 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 35,7% dân số toàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh có 20 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 13 đảng bộ huyện, 1 đảng bộ thành phố, 1 đảng bộ thị xã; 1 đảng bộ khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh; 3 đảng bộ lực lượng vũ trang và 1 đảng bộ cơ sở Trường Đại học Tây Nguyên; có 701 tổ chức cơ sở đảng (với 409 đảng bộ và 292 chi bộ). Thời gian qua, Đắk Lắk triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW rất bài bản, khoa học, cẩn trọng và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Tích cực triển khai các văn bản chỉ đạo

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn về về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kịp thời ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bám sát các chủ trương, quy định, hướng dẫn của Trung ương và chương trình của Tỉnh ủy, các địa phương, đơn vị đã tập trung rà soát, sắp xếp thu gọn đầu mối bên trong các cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể trong toàn hệ thống chính trị; thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh... gắn với rà soát, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan và tinh giản biên chế, giảm chức danh lãnh đạo, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi hành chính.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung sắp xếp theo hướng giải thể các đơn vị yếu kém, không cần thiết; sáp nhập các đơn vị có nhiệm vụ tương đồng; chuyển đổi các đơn vị có điều kiện thành các đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính hoặc thành các công ty cổ phần... nhằm thực hiện mục tiêu giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế theo quy định, chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định trong khu vực này.

Một số kết quả 

Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xác định lộ trình để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã thực hiện chủ trương Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 15/15 đơn vị; 6 đơn vị thực hiện chủ trương Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc. Tại thời điểm trước khi sắp xếp, có 75 cấp trưởng ban, 145 cấp phó trưởng ban; hiện nay số lượng cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc của cấp ủy cấp huyện là 75 cấp trưởng ban, 129 cấp phó trưởng ban. Chuyển bộ phận khám, chữa bệnh từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh về Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở sáp nhập 5 Trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh, giảm 5 cấp trưởng, 10 cấp phó.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp lại tổ chức các phòng và tương đương bên trong các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, giảm đầu mối bên trong từ 1 đến 2 phòng. Riêng đối với Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh đã sắp xếp giảm từ 5 phòng xuống còn 3 phòng, Văn phòng HĐND tỉnh giảm 1 phòng. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp y tế, giảm 1 phòng thuộc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, giảm 1 khoa thuộc Trường Cao đẳng y tế, giảm 3 trường tiểu học….

Thực hiện Quy định số 04-QĐi/TW ngày 25/7/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ban Đảng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy sắp xếp lại đầu mối, tinh giản biên chế. Theo đó, đã giảm số lượng cấp phó của các ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy từ 18 phó xuống còn 15. Trên cơ sở sắp xếp lại các phòng chức năng, tinh giản biên chế, đã triển khai thực hiện Đề án Văn phòng phục vụ chung; tham mưu xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và mối quan hệ công tác của các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy (trước thời điểm thực hiện Quy định số 04-QĐi/TW, các phòng thuộc cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy là 30 phòng, sau khi sắp xếp hiện nay còn 24 phòng, giảm 6 phòng). Hiện nay các cơ quan đã sắp xếp, giảm số lượng các phòng, phó trưởng phòng theo quy định.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, toàn tỉnh Đắk Lắk đã giảm 945 biên chế, trong đó khối Đảng, đoàn thể: 34 người; khối quản lý nhà nước: 102 người; khối sự nghiệp: 809 người, đạt 19,79% kế hoạch so với số biên chế phải tinh giản đến năm 2021.

Tỉnh đã tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm 02 lãnh đạo cấp sở (01 giám đốc Sở Công thương, 01 phó Giám đốc Sở Y tế), tổ chức thi tuyển trưởng phòng cấp sở; đồng thời triển khai việc thí điểm tuyển chọn chức danh bí thư cấp ủy 02 huyện Buôn Đôn và Lắk thông qua việc bảo vệ chương trình hành động trước khi tiến hành quy trình đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ để Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, đến nay tỉnh đã có 14/15 bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời đối với những tổ chức đảng chịu tác động của việc điều chỉnh, bố trí sắp xếp tổ chức bộ máy. Kịp thời xử lý dứt điểm các vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn; nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, bất cập, tránh để xảy ra điểm nóng. Làm tốt công tác tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách cho các đồng chí không đủ tuổi tái cử cấp ủy, tránh để xảy ra tiêu cực, gây tâm tư, bức xúc cho cán bộ, đảng viên.

Một số kinh nghiệm

Một là, tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện.

Hai là, thực hiện sáng tạo, thận trọng và đồng bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; quyền và lợi ích của cán bộ, đảng viên là tiêu chí được đặt lên hàng đầu; đồng thời thực hiện nghiêm, nhất quán quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Ba là, quán triệt đầy đủ, kịp thời chính sách tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị. Đổi mới thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đi đôi với thực hiện tinh giản biên chế, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến huyện, đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Bốn là, thực hiện đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp, khung năng lực từng vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở để tuyển dụng, phân công, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm vào kết quả, hiệu quả hoạt động và công tác của cơ quan, đơn vị; đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, tập trung dân chủ. Đồng thời, thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức và hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ.

Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, qua đó phát huy tính chủ động, tích cực của tập thể, cá nhân./.

Theo: xaydungdang.org.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.

Sự đa dạng của thực tiễn ảnh hưởng đến hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật - một số đề xuất

Ngày đăng 07/03/2024
Văn bản quy phạm pháp luật là một trong những khái niệm trụ cột của khoa học pháp lý và không phải là một vấn đề mới. Tuy nhiên, việc xác định và quản lý văn bản quy phạm pháp luật đã trải qua quá trình phát triển và có nhiều thay đổi, đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc định rõ hình thức và nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật xuất phát từ các vấn đề thực tiễn của các bộ, ngành… Vì vậy, việc nghiên cứu, xem xét các vấn đề thực tế để ban hành văn bản là điều cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và xã hội.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ hiện nay

Ngày đăng 27/02/2024
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh quyết liệt giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ được Đảng, Nhà nước ta tiến hành đã thu được những kết quả đáng khích lệ, để phát huy những kết quả đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh để phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Xây dựng văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số

Ngày đăng 01/03/2024
Với sự thay đổi nhanh chóng và sự phát triển không ngừng của công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, các khái niệm về không gian mạng, môi trường số ngày càng trở nên hiện hữu và tác động trực tiếp, nhiều mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến đội ngũ cán bộ Đoàn, đội ngũ cán bộ trẻ, thường xuyên tiếp xúc và tương tác với thanh niên. Từ đó, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ Đoàn trên môi trường số cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm định hướng và giải quyết.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.