Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Lương hưu phải bảo đảm cuộc sống

Ngày đăng: 11/05/2021   09:37
Mặc định Cỡ chữ
Lương hưu lâu nay là nguồn tài chính vô cùng quý giá của đại đa số người nghỉ hưu. Ai mà không mong chờ đến ngày được thêm đồng ra đồng vào, loại trừ một số ít sống bằng nguồn tài sản riêng hoặc dựa vào con cái thành đạt. Phương châm “nhiều no, ít đủ” luôn thường trực trong kế hoạch chi tiêu mỗi tháng của họ.

8 nhóm đối tượng, 2 phương án

Thực tế, số người không có lương hưu ở nước ta rất nhiều do trước đó không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vì là lao động tự do, đóng BHXH không đủ số năm theo quy định hoặc bỏ dở chừng vì nhiều lý do.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng với 8 nhóm đối tượng trong vòng 2 tháng, tính từ ngày 18/3. Ý kiến của các bộ, ngành sẽ có đồng thuận và không đồng thuận, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng để báo cáo Chính phủ.

Phương án 1, thời điểm tăng được thực hiện từ ngày 01/7/2021, mức tăng 10%. Đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm ước hơn 3 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng cuối năm 2021 là trên 189.000 tỷ đồng.

Phương án 2, thời điểm tăng được thực hiện từ ngày 01/01/2022 với mức tăng 15%. Đối tượng được điều chỉnh từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm ước khoảng 3,1 triệu người, dự kiến kinh phí tăng thêm trong năm 2022 là trên 215.000 tỷ đồng.

Sau khi phân tích các ưu, nhược điểm, Bộ LĐ-TB&XH chọn phương án 2, vì không quá tạo ra áp lực cho ngân sách Nhà nước khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn ra phức tạp.

Theo đó, mức tăng 15% nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát và chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế của ba năm 2019, 2020 và năm 2021 do trong năm 2020 và năm 2021 không thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH; đồng thời, điều chỉnh trên thấp hơn mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH trong 3 năm 2019, 2020 và năm 2021 (khoảng gần 17%), và phù hợp với tốc độ tăng trưởng đầu tư của quỹ BHXH.

Nếu dự thảo Nghị định được thông qua, khoảng 426.000 người đang hưởng mức dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tăng.

Quan tâm, nhưng quan trọng là theo hướng nào?

Những ai trong quá trình đi làm tham gia đóng BHXH ở mức cao thì được hưởng ở mức cao là chuyện bình thường. Thế nên xem ra luồng ý kiến của những người lương hưu thấp cho rằng, khi đi làm người đóng BHXH cao cũng đồng nghĩa với mức lương cao, đã được hưởng nhiều năm rồi, nên khi về hưu cần có mức chung như nhau (tính theo số năm công tác) chưa thực sự thuyết phục.

TS Phạm Đình Thành, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, thuộc BHXH Việt Nam cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH không nên đưa ra 2 phương án này mà điều chỉnh theo hướng khác. Cụ thể, cứ tới thời điểm 1/7 hàng năm thì xem xét điều chỉnh lương hưu như đã thực hiện từ lâu nay.

Bài toán đặt ra ở đây là tăng lương hưu vừa phải đảm bảo sự công bằng về chính sách vừa phải khắc phục bất cập về sự chênh lệch mức lương hưu quá lớn hiện nay (thấp nhất là 1,49 triệu đồng/tháng và cao nhất hơn 100 triệu đồng/tháng - đó là người đàn ông từng làm ở cơ sở liên doanh nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh và có thời điểm nhận mức lương tháng gần 250 triệu đồng).

Khi thực hiện cùng một mức tăng theo tỷ lệ chung cho mọi người, dễ tính toán, phân chia nhưng lại khiến người lao động có mức lương hưu thấp nản lòng, dẫn đến gia tăng số lượng hưởng BHXH một lần. Đây thực sự là một bất cập chưa có lời giải.

Ông Thành cho rằng nên chia theo các nhóm có mức tiền lương khác nhau với tỷ lệ điều chỉnh theo thứ tự giảm dần đối với nhóm có mức lương hưu cao hơn, hoặc có thể xác định mức tiền lương điều chỉnh bằng số tiền tuyệt đối và cũng giảm dần với nhóm có mức lương cao hơn; hoặc mọi người hưởng lương hưu đều có sự điều chỉnh bù trượt giá cùng một tỷ lệ, còn phần phân phối lại thành quả phát triển kinh tế cần có sự chia sẻ giữa những người hưởng.

Bộ Tư pháp, trong góp ý của mình nêu Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội chưa bố trí nguồn kinh phí để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng năm 2021 cũng như năm 2022. Do đó, cả hai phương án trên còn thiếu cơ sở, căn cứ và chưa đủ điều kiện đảm bảo về nguồn lực tài chính để bảo đảm thi hành sau khi Nghị định được ban hành.

Cùng với đó, dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn, ngân sách Nhà nước khó khăn và mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa được điều chỉnh.

Ở góc độ cá nhân, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH cho 8 nhóm đối tượng trên, cho rằng nên ủng hộ phương án nào có lợi hơn cho người hưởng. Cụ thể, phương án tăng từ 01/7/2021 có tính đáp ứng kịp thời nhưng tỷ lệ lại thấp, còn đến năm 2022 thì người lao động được hưởng mức cao hơn là 15%, nhưng lại chậm hơn 6 tháng.

Bởi lẽ, lương hưu phải bảo đảm cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối tượng có lương hưu thấp đại đa số là người lao động trực tiếp chứ không phải cán bộ, công chức. Những đối tượng này lúc đi làm đã khó khăn rồi, khi về hưu với mức lương thấp, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, theo lẽ tự nhiên, nhiều người về hưu sức khoẻ suy giảm, tốn kém chi phí khám và điều trị. Vì vậy, việc tăng tiền lương hưu cho những đối tượng trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

“Thực tế nếu có điều kiện, nên tăng từ 01/7 với mức 15% là hợp lý, nhưng rõ ràng để cân đối được ngân sách trong bối cảnh hiện nay là hơi khó…”, ông Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Đức Thành, 68 tuổi, trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, thương binh hạng 3/4 (tương ứng mức thương tật 45%), hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng là 2,2 triệu đồng, vợ là lao động tự do nên cuộc sống tuổi già của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng nhưng vẫn không thể đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người.

“Ngay khi được biết thông tin về dự thảo nói trên, những người hưởng chế độ như chúng tôi vô cùng vui mừng vì đó là chủ trương phù hợp với thực tế, đặc biệt trong thời điểm mà dịch bệnh xảy ra khiến đời sống của hàng vạn người lớn tuổi gặp khó khăn. Nếu thêm 200.000 đồng/tháng cũng chẳng là bao so với mức tăng của nhiều mặt hàng, giá cả nói chung hiện nay, nhưng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước”, một cựu chiến binh tham gia cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972 chia sẻ.

Xét cho cùng, việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho bất cứ ai cũng đều rất trân quý trong giai đoạn dịch bệnh, thiên tai liên tục diễn ra. 

Dự thảo nêu 8 nhóm đối tượng, Nghị định chính thức có thể thay đổi cho phù hợp với ý kiến đóng góp, nhưng rõ ràng mọi chính sách khi đi vào cuộc sống đều khó có thể đáp ứng tối đa mọi nhu cầu, yêu cầu, đòi hỏi một cách chính đáng của người thụ hưởng.

Trước thực tế của ngân sách và nỗ lực ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn của hệ thống pháp luật, câu chuyện “đóng và hưởng - nghĩa vụ và quyền lợi” với 2 "nhân vật chính" là người lao động - người sử dụng lao động và bối cảnh cả chặng đường hàng chục năm “bắt buộc và tự nguyện tham gia đóng BHXH” xem ra vẫn còn nhiều kỳ./.

Theo: dangcongsan.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.