Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với những đổi mới mạnh mẽ về công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ

Ngày đăng: 05/05/2021   16:05
Mặc định Cỡ chữ
Trong công tác xây dựng ngành Ngoại giao trong sạch, vững mạnh, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã có công lao rất lớn. Với tầm nhìn chiến lược sáng suốt, sắc sảo; tư duy và cách làm rất mới mẻ, sáng tạo, đột phá, ông đã tạo ra một cuộc đổi mới toàn diện, thực sự cách mạng, xây dựng nên nền tảng mà đến nay Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục phát huy.
Ông Nguyễn Đình Bin phát biểu tại Tọa đàm "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại", ngày 16/4/2021.

Tại Tọa đàm "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại", ông Nguyễn Đình Bin chia sẻ về những đổi mới hết sức mạnh mẽ mà cá nhân ông đã trực tiếp trải nghiệm và thụ hưởng thành quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ quản lý và lãnh đạo.

Con người là cốt lõi của bộ máy. Cán bộ lãnh đạo, quản lý là xương sống của bộ máy ấy. Sau khi thống nhất nước nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngành Ngoại giao cũng bước vào thời kỳ mới, với nhiệm vụ chính trị khác trước, rất mới mẻ, nặng nề, phức tạp. Mặt trận ngoại giao có bước nhảy vọt. Rất nhiều nước thiết lập quan hệ với nước ta, xuất hiện nhu cầu đột biến về cán bộ ngoại giao, rất thiếu cán bộ, nhất là cán bộ nòng cốt, quản lý.

Trong thời kỳ trước, cán bộ ngoại giao, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý của Bộ Ngoại giao đều là cán bộ từ thời chống Pháp, được lựa chọn đưa về Bộ trên cơ sở có phẩm chất chính trị tốt, đã được thử thách qua kháng chiến là chính. Hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý được chuyển về Bộ không biết ngoại ngữ. Trong thời kỳ mới, việc tuyển chọn cán bộ quản lý như vậy không đáp ứng được yêu cầu công tác, cả về số lượng và chất lượng.

Để tháo gỡ vấn đề này, lãnh đạo Bộ, do Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đứng đầu, với đề xuất và sự tham gia trực tiếp, chủ yếu của Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, tại Nghị quyết về công tác xây dựng ngành, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 13 (tháng 02/1977) đã quyết định thực hiện chế độ tập sự cấp Vụ, theo nguyên tắc đào tạo cán bộ quản lý từ gốc, từ sớm, tập trung vào cán bộ trẻ.

Đây thực sự là một sáng kiến lịch sử về đổi mới công tác đào tạo cán bộ quản lý, một giải pháp đột phá, có tính cách mạng chưa từng thấy, không chỉ trong ngành Ngoại giao, mà cả trong lịch sử xây dựng bộ máy của Đảng và Nhà nước. Vì chế độ tập sự còn quá mới mẻ, quá cách mạng.

Thời kỳ ấy, cán bộ quản lý, lãnh đạo có thang lương riêng, hưởng lương chỉ theo bậc mà không kèm theo chỉ số phụ cấp theo chức vụ như bây giờ. Cán bộ, nhân viên hành chính thì có bảng lương khác, gồm 4 thang: nhân viên, cán sự, chuyên viên và chuyên gia; trong đó chuyên viên lại có 2 cấp: chuyên viên và chuyên viên cấp cao.

Để được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng thì không thể là cán sự, mà thấp nhất phải là chuyên viên bậc 1. Thế nhưng, chế độ tập sự cấp Vụ quy định lấy từ cán sự bậc 4. Để lên được chuyên viên bậc 1 phải qua 2 bậc cán sự 5 và cán sự 6. Vậy mà, một cán sự bậc 4, chỉ sau 2 năm tập sự mà được đề bạt thì được xếp lương Phó Vụ trưởng bậc 1, tương đương với chuyên viên bậc 2, tức lên 4 bậc lương liền; trong khi niên hạn tăng lương thời đó là: đại trà cán bộ, nhân viên, nếu không bị kỷ luật là 5 năm, diện rất ít xuất sắc là 4 năm, đặc biệt xuất sắc là 3 năm.

Việc triển khai được tiến hành rất khẩn trương, nghiêm túc. Cơ chế ba mặt mỗi đơn vị (lãnh đạo Vụ, Chi ủy, lãnh đạo Công đoàn) lựa chọn các cán bộ trẻ dưới 45 tuổi, có năng lực chuyên môn và tố chất quản lý phù hợp tiêu chuẩn tập sự, tiến hành họp toàn thể cán bộ, nhân viên, đánh giá từng trường hợp, rồi tiến hành bỏ phiếu kín, sau đó báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định. Việc lựa chọn ứng viên được thực hiện với tinh thần trách nhiệm rất cao, thậm chí có đơn vị sẵn sàng nhận không có ứng viên đủ tiêu chuẩn.

Cá nhân tôi khi nghe phổ biến về chế độ tập sự còn không tin, vì nó quá mới mẻ, quá cách mạng.

Cán bộ tập sự được đào tạo, bồi dưỡng trên cả 2 mặt quản lý và chuyên môn. Sau khi được lựa chọn, trong 2 năm tập sự, người tập sự được trao quyền và trách nhiệm quản lý đơn vị tương tự như một Phó Vụ trưởng. Sau mỗi 6 tháng, Vụ họp góp ý cho từng người. Sau 2 năm, họp đánh giá tổng kết, bỏ phiếu kín theo 3 mức A, B, C. Ai được quá 50% phiếu loại A thì được xem là đạt yêu cầu về mặt quản lý.

Về trình độ chuyên môn, ngoài được rèn luyện, bồi dưỡng, trưởng thành qua thực tế tập sự, Bộ mở lớp kiến thức ngoại giao, thực chất là bồi dưỡng sau đại học, gồm 4 môn: tình hình thế giới và quan hệ quốc tế, kinh tế quốc tế, luật pháp quốc tế và chính sách đối ngoại Việt Nam. Lớp do những chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo Bộ Ngoại giao giảng dạy. Kết thúc mỗi môn học, cán bộ tập sự phải làm bài tiểu luận và được chấm rất nghiêm túc, nếu đạt điểm trung bình trở lên ở cả 4 môn là đạt yêu cầu.

Cán bộ tập sự đạt đủ cả 2 tiêu chí sẽ được đề bạt. Ai không đạt thì thôi. Ai đạt yêu cầu về kiến thức ngoại giao, song còn điểm yếu về quản lý, nhưng được đánh giá là vẫn có triển vọng thì được tập sự tiếp 1 năm nữa.

Trong số 87 người lớp tập sự đầu tiên (1978- 1979) có 57 người được đề bạt và một số rất ít được tập sự thêm 1 năm.

Để bảo đảm công bằng, tạo điều kiện cho những cán bộ đủ năng lực, trình độ, nhưng quá tuổi quy định, hoặc đang công tác ở nước ngoài, không được tham gia lớp tập sự, Bộ đã đề ra chế độ đề bạt thường xuyên.

Khi làm Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ đạo tiếp tục hoàn chỉnh và triển khai rất mạnh mẽ chế độ tập sự cấp Vụ và từ kinh nghiệm tập sự cấp Vụ, năm 1984, đã ban hành và triển khai chế độ tập sự cấp Bộ, cũng trong 2 năm, theo các nguyên tắc tương tự mà từ đó đến nay vẫn được áp dụng.

Lớp tập sự Thứ trưởng đầu tiên có 6 người, các đồng chí Nguyễn Dy Niên, Vũ Xuân Áng, Lê Mai, Võ Văn Sung, Phan Doãn Nam và Lê Đức Căng (nhiều hơn số cần thiết để khích lệ tinh thần thi đua phấn đấu và lựa chọn được số ưu tú nhất).

Trong số đó, 2 đồng chí Nguyễn Dy Niên và Vũ Xuân Áng đã được đề bạt. Đồng chí Lê Mai được cử làm Đại sứ tại Thái Lan, sau khi về nước cũng được đề bạt. Còn đồng chí Lê Đức Căng sau này tuy không được đề bạt nhưng vẫn được phân công tham gia các cơ chế điều hành Bộ như một Thứ trưởng.

Khi đó, Ban Tổ chức Trung ương rất hoan nghênh kinh nghiệm này của Bộ Ngoại giao. Một số bộ, ngành đã tham khảo, vận dụng.

Trong 87 tập sự cấp Vụ đầu tiên, sau 1 năm được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng và được cử làm quyền Vụ trưởng và chưa đầy 1 năm sau đó, lại được bổ nhiệm Đại sứ tại Nicaragua, gây xôn xao dư luận trong ngành, vì còn rất trẻ (38 tuổi), lại chưa kinh qua chiến đấu, trong khi còn nhiều cán bộ kỳ cựu, từng trải khác.

Khi đó, Nicaragua đang bị Mỹ bao vây, chống phá quyết liệt. Phong trào cách mạng Trung Mỹ phát triển rất mạnh mẽ. Bạn rất cần tìm hiểu, tham khảo, học tập kinh nghiệm cách mạng Việt Nam. 

Khi trình trường hợp của tôi lên Ban Bí thư rồi Hội đồng Nhà nước đã có những ý kiến phản đối vì các lý lẽ nêu trên. Nhưng, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, với tư duy mới, quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, Bộ đã bảo vệ bằng các lập luận rất thuyết phục rằng tôi là người rất am hiểu khu vực Mỹ Latinh, nắm vững các bài học kinh nghiệm cách mạng Việt Nam, đã có bề dày phiên dịch cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước khi trao đổi với lãnh đạo Cuba và phong trào cách mạng Mỹ Latinh, lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha, làm việc trực tiếp với bạn, nên hoàn toàn có thể đảm đương được nhiệm vụ Đại sứ.

Còn băn khoăn về độ tuổi thì cũng được “hóa giải” một cách thật tình cờ nhưng cũng rất khách quan. Thời điểm đó, cuối tháng 4/1983, nhà lãnh đạo cao nhất của Nicaragua thăm Việt Nam còn nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Nhờ đó, tôi đã được Đảng và Nhà nước trao trọng trách và được Bộ tạo điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nicaragua, được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và đưa về Vụ Tổng hợp đối ngoại, nay là Chính sách đối ngoại.

Và chỉ ít tháng sau, lại được giới thiệu tham gia ứng cử vào Đảng ủy tại Đại hội Đảng bộ Bộ Ngoại giao. Tôi trúng cử với số phiếu cao nhất và thật bất ngờ lại được giao làm Bí thư Đảng ủy chuyên trách, dù chưa từng tham gia Đảng ủy bao giờ.

Rồi, chỉ mấy tháng sau, lại bất ngờ được bổ nhiệm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, khi chưa từng kinh qua công tác này. Tôi lại còn “quá trẻ” so với các cây đa cây đề trong Ngành được trao trọng trách đó trong thời kỳ lịch sử ấy.

Tôi cũng đã được chứng kiến rất nhiều trường hợp khác Bộ đã mạnh dạn, tin tưởng sử dụng cán bộ trẻ, linh hoạt và sáng tạo, theo tinh thần đổi mới rất mạnh mẽ của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, khi áp dụng các quy trình cán bộ của Đảng và Nhà nước để hướng đến mục tiêu triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Trong quản lý, đề bạt, điều động cán bộ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cũng rất dân chủ, đặc biệt coi trọng ý kiến của cơ sở như một căn cứ để ra các quyết định liên quan. 

Chế độ, chính sách là một yếu tố rất quan trọng trong công tác cán bộ; cần phải công bằng, khuyến khích cán bộ, nhân viên (CBNV) phấn đấu vươn lên. Trên lĩnh vực này, đặc biệt ấn tượng về tư duy mới, sự quyết đoán và quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối với CBNV, thể hiện qua một số việc sau.

Chỉ ít ngày sau khi nhận nhiệm vụ Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, quán triệt tinh thần chỉ đạo cần đổi mới chế độ, chính sách của Bộ trưởng, tôi đã nêu ra chủ trương và phương án sinh hoạt phí (SHP) mới cho CBNV công tác nhiệm kỳ ở các cơ quan đại diện, trên nguyên tắc đãi ngộ theo lao động, để thay thế chế độ SHP đã được thi hành trên hai chục năm, được quy định tại một Nghị định của Chính phủ, một chế độ phi lý tới mức Đại sứ lại hưởng thấp hơn một nhân viên bảo vệ, bởi vì chỉ căn cứ tuyệt đối vào lương của CBNV trước khi đi.

Sau khi trao đổi, đạt nhất trí trong đơn vị, trình và được Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đồng ý và quyết định cho thi hành ngay đối với CBNV trong ngành. Chỉ vài năm sau, các bộ, ngành khác cũng có CBNV đi luân chuyển đều xin được áp dụng, vì thấy rất hợp lý.

Và Chính phủ đã ban hành Nghị định mới cho thi hành chế độ ấy mà ngày nay vẫn tiếp tục được thực hiện, với các điểm bổ sung, áp dụng cho các đối tượng được mở rộng hơn.

Từ quy định niên hạn tăng lương thời kỳ đó và theo tinh thần cách mạng của chế độ tập sự cấp Vụ đã đề cập ở phần trên - một cán sự 4 chỉ sau 2 năm tập sự được đề bạt thì được tăng 4 bậc lương liền, tôi đã trực tiếp kiến nghị với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nâng lương chỉ sau 1 và 2 năm cho một số cán bộ đặc biệt xuất sắc và đã được Bộ trưởng đồng ý.

Trong ký ức của tôi, cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có công lao rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đối với đất nước; là tấm gương sáng toàn diện của một tư lệnh ngành; một nhà ngoại giao tài ba kiệt xuất, uyên bác; luôn nhìn xa trông rộng với tư duy tiên tiến, mới mẻ, đột phá; rất nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo, bản lĩnh, quyết đoán; luôn chủ động, trăn trở, tìm tòi và quyết tâm thực hiện cái mới; là bậc thầy cả trong nghiên cứu, tham mưu chiến lược và tác chiến, cũng như trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, sử dụng cán bộ và xây dựng toàn diện ngành Ngoại giao trong sạch, vững mạnh./.

 

Nguyễn Đình Bin - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao

Theo: baoquocte.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.