Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Tỉnh Trà Vinh chú trọng công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

Ngày đăng: 29/04/2021   16:28
Mặc định Cỡ chữ
Trà Vinh là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với dân số hơn 1,28 triệu người; có bờ biển dài hơn 65km, có hai cửa sông quan trọng là Cung Hầu và Định An; là trung tâm về giao thông vận tải thủy, bộ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cửa ngõ xuất nhập khẩu của vùng, thuận lợi trong vận chuyển, tập kết hàng hóa, nguyên vật liệu. Trong đó, khu kinh tế Định An có cảng biển, khu phi thuế quan, kho vận logistics..., vừa đáp ứng nhu cầu xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến hàng hóa vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giao thương của doanh nghiệp, các chuyên gia, người lao động.

1. Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Trà Vinh

Theo số liệu năm 2018 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, lực lượng lao động trong độ tuổi có khả năng lao động thông qua đào tạo là 380.035 người, trong đó trình độ đào tạo nghề là 19.432 người; cao đẳng là 1.297 người, trung cấp là 502 người, số còn lại đã qua đào tạo sơ cấp và bồi dưỡng nghề(1). Nguồn cung lao động của tỉnh hiện nay khá lớn, nhưng số lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế còn rất ít, do thiếu kỹ năng, tay nghề; chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Tỉnh Trà Vinh xác định nhân lực chất lượng cao là nhân tố trung tâm, có vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2017-2020 cho thấy: “Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phát triển về quy mô, ngành nghề và chất lượng đào tạo: trong 03 năm, các cơ sở dạy nghề đào tạo được 52.334 lao động, trong đó trình độ cao đẳng nghề 3.195 lao động, trung cấp nghề 1.183 lao động, đào tạo ngắn hạn 47.965 lao động (do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các làng nghề, đào tạo từ các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật là 35.088 lao động gắn với tạo việc làm tại chỗ chiếm trên 90%); đào tạo cao đẳng, đại học từ Trường Đại học Trà Vinh được 10.301 sinh viên”(2).

Tính riêng trong năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 65,56%, trong đó tỷ lệ người lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,2% (tổng số lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh là 354.024 lao động, trong đó số người lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 110.455); cơ cấu lao động hợp lý, tỷ lệ lao động khu vực nông - lâm - ngư nghiệp là 44,5%, công nghiệp - xây dựng là 24,1% và dịch vụ là 31,4%; khoảng 16.000 lao động thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 2,94%(3). Đội ngũ công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chuyên môn đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao; có 100% công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đạt tiêu chuẩn chức danh theo quy định; trên 90% đội ngũ quy hoạch giữ chức danh lãnh đạo, quản lý đạt chuẩn bổ nhiệm chức danh theo quy định; có 361 cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo sau đại học; 164 công chức, viên chức được cử đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối tượng 2 và các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) nêu rõ: “Số người có trình độ đại học từ 14.743 người năm 2015 đã tăng lên 15.931 người (năm 2019), sau đại học từ 857 người tăng lên 1.859 người, tăng 2,2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 67%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%”(4). Những số liệu đó cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh có bước nâng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.  

Nghị quyết cũng xác định: tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế là một trong 06 nhiệm vụ trọng tâm được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Vì vậy, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng các mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình mới; hợp tác liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; phân tầng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mục tiêu đào tạo, khả năng đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Mặt khác, tỉnh Trà Vinh thực hiện xã hội hóa dạy nghề trên cơ sở củng cố các cơ sở nghề hiện có, phấn đấu thành lập mới các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, các hình thức dạy nghề tại các làng nghề; thực hiện thí điểm cho các tổ chức và cá nhân thuê cơ sở dạy nghề do Nhà nước đầu tư với giá ưu đãi nhằm hỗ trợ quá trình xã hội hóa ở những nơi kinh tế chưa phát triển, hoặc những cơ sở dạy nghề công lập hoạt động kém hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 15 cơ sở đào tạo nghề công lập theo các cấp trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng. Ngoài các cơ sở này, công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh còn được thực hiện theo phương thức truyền nghề, kèm nghề tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ; các hợp tác xã, tổ, nhóm sản xuất…

Trong giai đoạn 2016 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đã đào tạo hơn 76.000 người; trong đó, cao đẳng hơn 4.000 người, trung cấp hơn 2.400 người; sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, đào tạo thường xuyên, kèm cặp nghề, truyền nghề… hơn 70.000 người(5). Cùng với đó, các sở, ngành trong tỉnh còn tăng cường công tác thông tin trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động; nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm, nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, trình độ; gắn công tác hướng nghiệp với nhu cầu thị trường.

Tỉnh Trà Vinh đã chủ động tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, xây dựng đội ngũ cộng tác viên giới thiệu việc làm tại khóm, ấp, khu dân cư; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ giới thiệu việc làm. Khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập, hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và dịch vụ việc làm; lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, chú trọng hỗ trợ đào tạo đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp; vận động, thuyết phục lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp… Đã tổ chức đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; thường xuyên điều tra cung cầu lao động, thị trường lao động hàng năm, nhằm quản lý, cung cấp thông tin thị trường lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả việc thực hiện các chính sách, dự án, giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực ở Trà Vinh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế: trình độ học vấn của người lao động trong tỉnh còn thấp so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc còn chậm và thấp hơn so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nội dung chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết, chưa gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động và thực tiễn xã hội; trình độ và kỹ năng sử dụng ngoại ngữ của người lao động còn thấp… Đặc biệt, còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng nhanh và nâng cao toàn diện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là thiếu những chuyên gia trong các lĩnh vực nghiên cứu hoạch định chính sách, giảng viên đại học và dạy nghề.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới

Một là, chú trọng phát triển quy mô giáo dục hợp lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Cần tăng cường xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp ở các cấp học gắn với quy hoạch phát triển ngành nghề, hoàn thiện mạng lưới các trường trung học phổ thông, đầu tư có trọng điểm các trường trung cấp nghề, cao đẳng và đại học trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải gắn với mục tiêu phân luồng sau trung học cơ sở và liên thông giữa các cấp học. Đặc biệt, cần đổi mới phương pháp dạy và học để phát huy năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội, từng bước tiếp cận trình độ khoa học và công nghệ hiện đại cho người học. Cần xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình cải cách, đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục và đào tạo.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên có chất lượng.

Tiến hành rà soát, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên theo lộ trình phù hợp để đội ngũ giảng viên các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, tăng cường nâng cao nhận thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên. Đẩy mạnh đào tạo sau đại học ở nước ngoài một số chuyên ngành cần thiết với số lượng hợp lý; chú trọng liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học trong và ngoài nước tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ ngắn hạn cho cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương.

Ba là, tăng cường liên kết đào tạo và phát triển đào tạo nghề.

Các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh cần chủ động liên kết với các doanh nghiệp sử dụng lao động để hỗ trợ đào tạo, tư vấn dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Trong đó, tổ chức giao lưu, đối thoại chia sẻ với các học viên, sinh viên… phát huy tối đa năng lực trong học tập và công tác. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, dạy nghề, các tổ chức khoa học và công nghệ với các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước.

Thông tin đầy đủ, kịp thời và tuyên truyền về năng lực của các cơ sở đào tạo và cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp; phối hợp các hoạt động tư vấn nghề nghiệp tại cơ sở đào tạo, dạy nghề và tại doanh nghiệp, qua đó tạo điều kiện cho sinh viên, học viên, người lao động lựa chọn ngành nghề phù hợp. Phát huy hiệu quả việc tuyên truyền về công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về học nghề, lập nghiệp.

Bốn là, có chính sách đào tạo, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn đánh giá nhân tài, thành lập hội đồng đánh giá và tuyển chọn những học sinh năng khiếu, sinh viên tài năng và nhân tài. Khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các hình thức phù hợp để tìm kiếm và tiến cử nhân tài cho các cơ quan Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện để nhân tài có thể tự tiến cử. Thường xuyên tổ chức và kiểm tra, tuyển chọn những người có chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực một cách dân chủ, công bằng, công khai. Tỉnh cần tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia nhằm đào tạo và tìm ra những học sinh giỏi toàn diện. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường xã hội thuận lợi cho mọi người đều có cơ hội tốt nhất để học tập, rèn luyện, phát huy tài năng và cống hiến.

Năm là, huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Huy động nguồn lực của hệ thống chính trị nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân, trong đó tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò kiến tạo phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động, đầu tư phát triển sản xuất; phát triển kinh tế hợp tác, phát triển doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ, đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công tác đào tạo nghề vào các chương trình, kế hoạch hành động ngắn hạn, dài hạn, thực hiện lồng ghép vào các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm thích đáng trong việc đổi mới công tác quản lý, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác quản lý về nguồn nhân lực./.

-----------------------------------------

Ghi chú:

(1) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh, Báo cáo kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2018 và kế hoạch công tác năm 2019.

(2),(3) Tỉnh ủy Trà Vinh, Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Tỉnh ủy về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017-2020.

(4) Tỉnh ủy Trà Vinh, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tháng 11/2020, tr.49.

(5) Thanh Hòa, Trà Vinh nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, báo Dân tộc và miền núi điện tử, truy cập từ trang https://dantocmiennui.vn/tra-vinh-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nguon-nhan-luc-dap-ung-nhu-cau-xa-hoi/296814.html, cập nhật ngày 25/10/2020.

 

ThS Nguyễn Thanh Mộng, Trường Chính trị tỉnh Trà Vinh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hà Nội thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì phiên họp trực tuyến UBND thành phố tháng 4/2024 để xem xét một số nội dung theo Chương trình công tác năm 2024 và chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố.

Công bố Nghị quyết thành lập phường An Điền, phường An Tây và thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương

Ngày đăng 25/04/2024
Sáng 25/4/2024, tại tỉnh Bình Dương đã diễn ra Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập phường An Điền, phường An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tham dự buổi Lễ.

Tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu quả, giảm chi ngân sách

Ngày đăng 24/04/2024
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Tuyên Quang đã quan tâm sắp xếp tinh gọn bộ máy tổ chức hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giảm đầu mối, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hợp lý. Từ đó đã mang lại hiệu quả trong xử lý công việc, tránh chồng chéo, giảm chi từ ngân sách Nhà nước.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.