Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Giải pháp nâng cao tỉ lệ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày đăng: 29/04/2021   15:31
Mặc định Cỡ chữ
Trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong thúc đẩy quyền chính trị của phụ nữ thể hiện ở những quy phạm pháp luật tiến bộ và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Đại biểu Quốc hội là nữ đã không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á và thế giới.

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ngày 20/01/2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với phụ nữ và bình đẳng giới từng bước được hoàn thiện, có nhiều tiến bộ. Nhiều văn bản pháp luật đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ, như: Luật Bình đẳng giới (năm 2006), Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2014)...

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đề ra mục tiêu cụ thể: "Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%" .

Tại khoản 3 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng quy định:

"Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm (35%) tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ".

Trong thời gian qua, nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định trong thúc đẩy quyền chính trị của phụ nữ thể hiện ở những quy phạm pháp luật tiến bộ và đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực chính trị. Đại biểu Quốc hội là nữ đã không ngừng tăng về số lượng và chất lượng; tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á và thế giới.

Trong Quốc hội, tỉ lệ nữ đại biểu các khóa XI là 27,3%, khóa XII là 25,76%, khóa XIII là 24,4%, khóa XIV là 26,8% (khóa XIV có 133 đại biểu Quốc hội nữ). Đặc biệt, khóa XIV có cả Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội đều là nữ.

Trong các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, tuy số lượng nữ đại biểu chiếm tỉ lệ thấp hơn so với nam giới, song hoạt động của nữ đại biểu Quốc hội đều được đánh giá cao. Nhiều đại biểu Quốc hội nữ đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của mình trong công việc, dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội, nhất là những vấn đề liên quan đến giáo dục, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình... Giúp cho những chính sách, pháp luật mang tính toàn diện, toàn dân, việc thực thi chính sách đáp ứng nhu cầu và lợi ích công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân.

Khi tham gia là đại biểu Quốc hội, hoạt động của các nữ đại biểu Quốc hội được đánh giá cao. Đại biểu Quốc hội nữ đã hăng hái tham gia phát biểu, tỏ rõ chính kiến của mình. Nhiều nữ đại biểu có trình độ, năng lực, bản lĩnh và tâm huyết, có tiếng nói ảnh hưởng trong hoạt động của cơ quan dân cử, được cử tri tin tưởng. Về trình độ chuyên môn, 100% nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV có trình độ đại học trở lên (tỉ lệ chung là 98,79%), trong đó 59,1% có trình độ trên đại học.

Việc phụ nữ tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta là điều kiện để phụ nữ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, nhất là những chính sách, pháp luật có liên quan đến nữ giới, nhằm bảo đảm cho những phụ nữ khác có điều kiện được bảo vệ quyền lợi và cơ hội tham gia hoạt động chính trị. Điều này sẽ tạo đà cho việc tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của nữ giới, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới.

Tuy nhiên, tỉ lệ cán bộ nữ vẫn còn khoảng cách so với chỉ tiêu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp to lớn của các tầng lớp phụ nữ. Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội các khóa gần đây chưa đạt chỉ tiêu theo Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới (35% nữ trong tổng số đại biểu Quốc hội). Vẫn còn một số tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội. Nhiều phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội không trúng cử.

Sở dĩ tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội chưa đạt được theo mục tiêu của Đảng và quy định của pháp luật, tình trạng người được giới thiệu ứng cử là nữ khó trúng cử do những nguyên nhân chủ yếu sau:

+ Còn tồn tại định kiến về nữ, xem thường phụ nữ hoặc cho rằng phụ nữ không nên tham gia chính trị.

+ Tình trạng người được giới thiệu ứng cử nữ tại nhiều địa phương phải gánh cùng lúc nhiều cơ cấu như dân tộc thiểu số, trẻ tuổi, ngoài Đảng... Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đại biểu nữ, do vậy cũng dẫn đến việc khó giới thiệu được những đại diện nữ vừa đảm bảo các cơ cấu trên lại vừa xuất sắc, có chất lượng để cử tri lựa chọn, bầu làm đại biểu Quốc hội.

+ Việc sắp xếp danh sách nam, nữ trong các đơn vị bầu cử tại địa phương không tương đương về trình độ, vị thế công tác, chính vì vậy nữ ứng cử viên khó trúng cử. Ví dụ cụ thể: Trong tổng số 182 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có tới 54 đơn vị (29,67%) sắp xếp ứng cử nam và nữ chênh lệch về trình độ, vị thế, dẫn đến nữ không trúng cử (1).

+ Tâm lý ngại phấn đấu, thiếu tự tin của một bộ phận không nhỏ cán bộ nữ; phong tục, tập quán; thiên chức làm mẹ, công việc nội trợ gia đình… cũng là nguyên nhân, rào cản đối với sự tham gia đại biểu Quốc hội của phụ nữ nói chung.

Một số giải pháp nâng cao tỉ lệ nữ trong bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Theo Báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2), tổng hợp chung cả nước sau khi kết thúc Hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (sau ngày 19/3/2021), tính chung ở cả Trung ương và địa phương thì tổng số người được đưa vào danh sách sơ bộ là 1.085 người (gồm 205 người cấp Trung ương và 880 người cấp địa phương).

Cơ cấu kết hợp chung của cả nước trong tổng số 1.085 người ứng cử thì phụ nữ ứng cử là 481 người (44,33%), đạt tỉ lệ cao nhất trong 4 khóa bầu cử Quốc hội gần đây. Tỉ lệ trên cho thấy một tín hiệu rất đáng mừng.

Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, để tăng cường nữ đại biểu trong Quốc hội, tiến đến chỉ tiêu 35% như Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đã đề ra, cần có những giải pháp toàn diện và quyết liệt hơn để đạt mục tiêu tăng cường tỉ lệ nữ giới trong Quốc hội khóa XV sắp tới, đó là:

Một là, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đặc biệt là tỉ lệ cơ cấu nữ. Ngay từ khi giới thiệu đại biểu ra ứng cử, các địa phương cần bảo đảm số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ít nhất ba mươi lăm phần trăm (35%) tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

Hai là, tăng cường vai trò của các cấp ủy đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong giới thiệu người ứng cử là nữ, phát huy dân chủ, phối hợp với hội Phụ nữ, Công đoàn… để giới thiệu những phụ nữ tiêu biểu, đáp ứng đủ điều kiện để ứng cử đại biểu Quốc hội.

Ba là, tuyên truyền sâu rộng trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Việc tham gia của phụ nữ sẽ góp phần xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần phát triển và tiến bộ xã hội, vì một đất nước phát triển toàn diện và bền vững.

Bốn là, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần chủ động, tích cực phát hiện, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các ngành; tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đề xuất chính sách cho cán bộ nữ, tạo nguồn phát triển cán bộ nữ...

Năm là, cần bảo đảm tỉ lệ nam, nữ ứng cử trong danh sách tại các đơn vị bầu cử tương đương về trình độ, vị trí, chức danh, tạo cạnh tranh công bằng trong bầu cử.

Sáu là, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tăng cường công tác giám sát bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, chú trọng nội dung tỉ lệ nữ ứng cử tại các địa phương và các đơn vị bầu cử. Đồng thời, có giải pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm tỉ lệ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của khoản 3 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Bảy là, để bình đẳng trong quy trình bầu cử thì bản thân phụ nữ phải nâng cao năng lực cũng như phát huy nội lực của mình. Cần nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong tham chính. Phụ nữ cần nỗ lực, chủ động nắm bắt cơ hội đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao năng lực bản thân về chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin để sáng tạo, cải tiến công việc. Phụ nữ cần tự tin, khẳng định mình, sẵn sàng và dám nhận nhiệm vụ, vượt khó để tiến bộ. Đồng thời, phụ nữ biết cân bằng giữa công việc và gia đình; tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp./.

------------------------------------

1. Theo TS. Vương Thị Hanh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (Cepew).

2. Báo cáo số 311/BC-MTTW-BTT ngày 25/3/2021 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

ThS Đặng Thị Kim Ngân - Ban Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Theo: tapchimattran.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm về sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày đăng 20/07/2021
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Cuộc bầu cử) là sự kiện chính trị, nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Với tỷ lệ 99,60% cử tri cả nước tham gia bỏ phiếu, Ngày bầu cử 23/5/2021 đã thực sự trở thành Ngày hội lớn của toàn dân; Cuộc bầu cử đã thành công toàn diện về mọi mặt, đảm bảo dân chủ, đúng pháp luật, bình đẳng, an toàn và tiết kiệm; đồng thời đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về ý nghĩa và sự thành công của Cuộc bầu cử.

499 người trúng cử đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày đăng 20/07/2021
Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, tất cả các thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có mặt đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết xác nhận 499 người trúng cử đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV.

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV - Tiền đề cho thành công toàn khóa

Ngày đăng 20/07/2021
Sáng 20/7/2021, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ nhất. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có phát phát biểu chỉ đạo quan trọng trong phiên khai mạc.

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngày đăng 15/07/2021
Sáng nay 15/7/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia tham dự Hội nghị.

Hội đồng thẩm định cấp bộ thông qua Tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngày đăng 13/07/2021
Ngày 10/7/2021, Bộ Nội vụ đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định cấp bộ Tài liệu bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Hội đồng).