Hà Nội, Ngày 23/04/2024

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế

Ngày đăng: 27/04/2021   14:55
Mặc định Cỡ chữ
Sáng nay 27/4/2021, tại phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế. Ảnh: quochoi.vn

Theo Tờ trình số 25/TTr-CP ngày 20/01/2021 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tại phiên họp, Chính phủ nhận định, thành phố Huế là đô thị di sản, cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa nhưng hiện nay có quy mô diện tích quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, mật độ dân số toàn đô thị cao (7.222 người/km2), hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Một số tiêu chuẩn của đô thị đạt vượt trội so với quy định.

Việc mở rộng thành phố Huế là một bước cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/5/2014.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Huế vẫn còn một số phường có diện tích khá nhỏ (dưới 50% tiêu chuẩn); không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển bị phân tán, nhất là trong điều kiện đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Việc sắp xếp, sáp nhập một số phường thuộc thành phố Huế có diện tích tự nhiên nhỏ là cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Trong khi đó, thị trấn Thuận An và các xã Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân là điểm nút giao thông quan trọng, có lợi thế phát triển thương mại - dịch vụ, có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng hiện đại, đồng bộ với tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, mô hình chính quyền nông thôn không còn phù hợp.

Từ thực tế đó, việc thành lập các phường trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và dân số của các xã và thị trấn nêu trên là cần thiết nhằm tổ chức bộ máy chính quyền phù hợp trong quản lý điều hành và phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chính phủ cũng cho biết, việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trong Đề án đã có phương án cụ thể về việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã và giải quyết dôi dư khi thực hiện sắp xếp.

Hồ sơ, thủ tục xây dựng Đề án đã đáp ứng đủ theo quy định, Đề án đã được lấy ý kiến cử tri, kết quả được đa số cử tri tán thành. Đề án đã được HĐND các cấp có liên quan của tỉnh Thừa Thiên - Huế nhất trí, tán thành.

Trong sáng 27/4/2021, Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được tất cả các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua.

Mặc dù vậy, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý về một số vấn đề cần được tiếp tục quan tâm, bổ khuyết khi thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành việc triển khai các quy hoạch chung, quy hoạch vùng Thừa Thiên – Huế và phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch để có cơ sở cho việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả quá trình thực hiện.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4.947,10 km2 diện tích tự nhiên và dân số 1.163.610 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 6 huyện; 145 đơn vị hành chính cấp xã.

Khi thực hiện Nghị quyết vừa được thông qua, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thủy Vân, Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường Hương Hồ, Hương An và 4 xã Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang được điều chỉnh về thành phố Huế quản lý.

9 phường thuộc thành phố Huế được sắp xếp lại như sau: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Gia Hội.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Bình và Thuận Lộc để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Thuận Lộc.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 2 phường Phú Hòa và Thuận Thành để thành lập 1 phường mới lấy tên là phường Đông Ba.

Điều chỉnh 0,46km2 diện tích tự nhiên và dân số 7.548 người của phường Phú Thuận vào phường Tây Lộc; điều chỉnh 0,80km2 diện tích tự nhiên và dân số 4.926 người còn lại của phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa.

Thành lập 4 phường thuộc thành phố Huế, gồm: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở nguyên trạng các xã Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng và thị trấn Thuận An.

Như vậy, sau khi điều chỉnh địa giới và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện nhưng giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 145 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 141 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 xã và 1 thị trấn).

Riêng thành phố Huế sẽ có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (gấp gần 4 lần diện tích hiện tại) dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã).

Nghị quyết nêu trên có hiệu lực từ ngày 01/7/2021./.

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Ngày đăng 20/04/2024
Ngày 19/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 ngày 15/4/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Thẩm định dự thảo Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng

Ngày đăng 18/04/2024
Ngày 17/4, Bộ Tư pháp họp thẩm định Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng các đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày đăng 06/04/2024
Chiều 05/4/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về việc xây dựng các đề án: Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025.