Hà Nội, Ngày 24/04/2024

Thu hút và sử dụng nhân tài: Công việc hệ trọng của Đảng hiện nay

Ngày đăng: 09/04/2021   16:42
Mặc định Cỡ chữ
Để triển khai thành công các chủ trương của Đảng, Nhà nước về trọng dụng và thu hút nhân tài trong giai đoạn mới, cần có kế hoạch, có lộ trình và bước đi cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và bố trí việc làm phù hợp cho người tài, từ đó huy động các nguồn lực cho phát triển. Đây là công việc hệ trọng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Trao đổi với báo chí về vấn đề trọng dụng và thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển đất nước, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Việc trọng dụng và thu hút nhân tài không phải bây giờ Đảng ta mới đặt ra mà trước đó, từ xa xưa, ông cha ta đã rất quan tâm đến việc sử dụng người tài khi quan niệm “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí mạnh thì đất nước thịnh, nguyên khí yếu thì đất nước suy. Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng và Bác Hồ tiếp tục truyền thống đó.

Ngay sau khi giành được độc lập, sợ Chính phủ nhìn chưa thấu hết cho nên Bác Hồ đã có thư gửi, đề nghị các cấp chính quyền trong cả nước phát hiện giúp những người tài năng và khi phát hiện được phải báo cáo ngay cho Chính phủ. Việc lựa chọn người tài phải song hành với lựa chọn người có đức, lấy đức làm gốc.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương. 

Phát hiện, sử dụng được người tài là rất khó

Theo ông Nguyễn Đức Hà, chỉ có người tài mới phát hiện được người tài và sử dụng được người tài. Nếu người lãnh đạo không phải là người tài năng, đức độ thì khó phát hiện người tài và không thể sử dụng và bố trí công việc cho người tài. Người đứng đầu mà gương mẫu, chỉn chu thì cơ quan, đơn vị đó sẽ phát triển; ngược lại người đứng đầu chưa gương mẫu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ của cả cơ quan.

“Bác Hồ là tiêu biểu nhất trong những lĩnh vực này. Bác nhìn người, chọn người và sử dụng người rất đúng. Bây giờ Đảng ta hay nói chọn đúng người, bố trí đúng việc là rất chính xác”, ông Nguyễn Đức Hà cho hay.

Nhìn người, sử dụng người chính xác sẽ phát huy được sở trường, khả năng, thế mạnh của mỗi người, hạn chế được những mặt khiếm khuyết của họ. Tuy nhiên không có người tài một cách toàn diện. Lựa chọn người tài, sử dụng đúng năng lực, phát huy hết sở trường, sở đoản của họ không phải là vấn đề đơn giản.

Mỗi giai đoạn lịch sử, xuất phát từ yêu cầu cách mạng, việc lựa chọn người tài phải phục vụ cho giai đoạn đó. Ông Nguyễn Đức Hà chỉ rõ thời kỳ chiến tranh, chọn người tài trong chiến đấu, phục vụ cho các cuộc kháng chiến chống đế quốc thực dân giành độc lập cho dân tộc. Khi hòa bình, tiến hành xây dựng và phát triển kinh tế hay trong giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước hiện nay, người tài phải đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và những lĩnh vực khác, yêu cầu phát hiện, sử dụng người tài càng quan trọng. Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng  đã nhấn mạnh vấn đề này, coi đây là khâu then chốt. Đặc biệt, Văn kiện Đại hội nhấn mạnh đến người tài trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý; tập trung vào lĩnh vực then chốt, mũi nhọn, những lĩnh vực gì phục vụ ngay cho sự nghiệp cách mạng giai đoạn này, cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Văn kiện Đại hội cũng nhấn mạnh làm thế nào để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước. Theo ông Hà, đây là điểm mới trong Văn kiện Đại hội Đảng lần này, kích thích nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nước.

Một chủ trương nữa mà Đảng, Nhà nước đặt ra là phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, dám đổi mới vì lợi ích chung, vì sự phát triển đất nước cường thịnh, vì ấm no hạnh phúc của nhân dân. Đây cũng là điểm nhấn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra.

Qua đó thấy được chúng ta không chỉ dừng lại ở việc phát hiện, lựa chọn người tài mà còn phải bồi dưỡng và trọng dụng họ để họ phát huy tài năng của mình. 

Theo ông Nguyễn Đức Hà, những người tài, tri thức tiêu biểu có nhân cách không coi lợi ích, vật chất là nhất mà quan trọng là sự đánh giá đối với họ cũng như môi trường và điều kiện làm việc dành cho họ.

Mất mát cán bộ là đau xót nhất

Nhắc lại nhiệm kỳ vừa qua, đã có hơn 100 cán bộ diện Trung ương quản lý phải xử lý kỷ luật; mấy chục Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương, mấy chục sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng, một trong nhiều nguyên nhân chính là những cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước đã không thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, buông lỏng, thậm chí vi phạm nguyên tắc tổ chức của Đảng.

“Rõ ràng có đồng chí cố tình vi phạm. Do đó, bài học rút ra từ thực tiễn là càng những việc khó, việc nhạy cảm thì càng phải thực hiện đúng các nguyên tắc của Đảng, càng phải mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong công tác cán bộ”, ông Nguyễn Đức Hà nói.

Có thể nói, quy định về công tác cán bộ rất rõ, mọi quyết định về công tác cán bộ đều phải được đưa ra thảo luận, bàn bạc tập thể và quyết định theo đa số. Đây chính là nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhưng nhiều cán bộ vi phạm vì lấy thẩm quyền người đứng đầu để quyết định tất cả, không có tính tập thể, không dân chủ. 

Theo ông Nguyễn Đức Hà, trong tất cả các vụ việc, mất mát cán bộ là đau xót nhất, là lớn nhất và gây thiệt hại nặng nề cho đất nước.

Coi trọng xây dựng đội ngũ cấp chiến lược

Từ nghiên cứu lý luận đến tổng kết thực tiễn, chúng ta thấy một vấn đề  phải đặc biệt nhấn mạnh là coi trọng xây dựng đội ngũ cấp chiến lược. Xây dựng đội ngũ cấp chiến lược chính là xây dựng đội ngũ tạo nên động lực to lớn, có sức lan tỏa rất nhanh, rất mạnh, phạm vi rất rộng. 

Ông Nguyễn Đức Hà cho biết đội ngũ cấp chiến lược không nhiều, chỉ khoảng 500-600 người nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì vai trò của họ có yếu tố quyết định đến vận mệnh, tương lai phát triển của đất nước. Vì vậy Trung ương đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xây dựng đội ngũ cấp chiến lược và vai trò của người đứng đầu.

Một trong những nội dung đổi mới và đánh giá cán bộ, nhất là đánh giá người đứng đầu là phải gắn và kết hợp với việc đánh giá cả tập thể và đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả địa phương, cơ quan, đơn vị đó.

Thứ hai là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao, người đứng đầu các cấp phải thực sự gương mẫu, thực sự nêu gương. 

Lần đầu tiên cả 3 cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng đều ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương”. Đầu tiên là Ban Bí thư ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương; tiếp theo là Bộ Chính trị ban hành quy định 55 về nêu gương. Sau đó cấp cao nhất là Ban Chấp hành Trung ương ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao với quan điểm chức vụ càng cao, càng phải gương mẫu.

Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ đảng viên mà còn là phương thức lãnh đạo của Đảng bởi Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng nhiều hình thức, trong đó có công tác cán bộ.

Theo ông Nguyễn Đức Hà, để triển khai thành công các chủ trương của Đảng, Nhà nước về trọng dụng và thu hút nhân tài trong giai đoạn mới, cần có kế hoạch, có lộ trình và bước đi cụ thể để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và bố trí việc làm phù hợp cho người tài, từ đó huy động các nguồn lực cho phát triển. Đây là công việc hệ trọng của Đảng trong giai đoạn hiện nay./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Để Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống và thực hiện có hiệu quả

Ngày đăng 20/04/2024
Với vị trí, vai trò quan trọng của cơ sở, để thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có hiệu quả, phải thực hiện dân chủ từ cơ sở. Trong những năm qua, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, Nhân dân được bàn và quyết định những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được bảo vệ. Việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở... góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.