Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 10/03/2021   15:53
Mặc định Cỡ chữ
Sau 07 năm thực hiện Luật Xuất bản cho thấy, hoạt động xuất bản đã đi vào nề nếp, góp phần khắc phục những hạn chế và phát huy tốt vai trò quản lý, định hướng phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành. Bài viết tập trung nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
 

1. Thực trạng quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

1.1. Hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật xuất bản

Sau khi Luật Xuất bản năm 2012 được ban hành, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức quán triệt và cụ thể hóa các nhiệm vụ quản lý nhà nước được quy định tại Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, đồng thời giao Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu xây dựng kế hoạch triển khai, hướng dẫn việc cấp đổi thủ tục hành chính theo quy định và tổ chức tiếp nhận, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Thành phố đã ban hành Quyết định số 3978/QĐ-UBND ngày 13/8/2015 về phê duyệt danh mục lập các dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn Thành phố; đẩy mạnh quảng bá xuất bản phẩm của các nhà xuất bản Thành phố ra nước ngoài… Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành hơn 2.218 văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai Luật Xuất bản và các văn bản có liên quan.

1.2. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành

Thành phố đã tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến cập nhật văn bản pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành dưới hình thức tập trung cấp thành phố từ 02 đến 03 đợt/năm; kết hợp thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành, khảo sát (hơn 300 đợt trên địa bàn 24 quận, huyện), phát hành văn bản tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật (26 văn bản) và các hoạt động tuyên truyền lồng ghép vào các sự kiện phát triển văn hóa đọc của Thành phố.

Tại tất cả các quận, huyện, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành được tổ chức thường xuyên, từng bước nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành như: tuyên truyền qua hệ thống phát thanh hơn 5.148.220 lượt; tổ chức hơn 100 hội nghị quán triệt; tuyên truyền dưới hình thức băng rôn, phướn; in ấn và phát hành dưới hình thức tài liệu không kinh doanh hơn 4.000 xuất bản phẩm; tuyên truyền; thông qua bản tin tại các đơn vị, trang thông tin điện tử và mạng xã hội (facebook, zalo…), trung bình hơn 340 lượt/29.960 lượt truy cập.

1.3. Hoạt động xây dựng, ban hành và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành xuất bản

- Đối với các đơn vị xuất bản: Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các nhà xuất bản cải tạo, nâng cấp, trang bị hệ thống thiết bị, ứng dụng khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên, cán bộ quản lý nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ kỹ năng biên soạn, biên tập tài liệu sách chính trị, lý luận phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thành phố. Đồng thời, tiếp tục duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm hàng năm, giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các đơn vị xây dựng, hoàn thiện quy định về đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách của Thành phố.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác, giao lưu, tăng cường hoạt động quảng bá giữa các nhà xuất bản với các nước trên thế giới thông qua hội chợ sách, triển lãm, trưng bày, hội thảo, hội nghị quốc tế. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng như: Lễ hội Đường sách Tết, các hoạt động triển lãm, giới thiệu sách, giao lưu tác giả nhân ngày Sách Việt Nam (21/4), Đường sách thành phố… được tổ chức bài bản, thu hút đông đảo độc giả tham gia.

- Đối với các cơ sở in: UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương ngành in là ngành công nghiệp phụ trợ từ cuối năm 2016. Theo đó, ngành in chính thức tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, sản phẩm của ngành in gắn liền với 04 nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ và đáp ứng nhu cầu tại chỗ và xuất khẩu. 

Năm 2019, Thành phố đã tổ chức triển lãm ngành in với quy mô 191 gian hàng (trong đó có 59 gian hàng máy móc thiết bị in ấn; 132 gian hàng máy móc ngành điện, thiết bị công nghiệp, tự động hóa) thu hút 3.912 lượt khách tham quan. Thành phố còn tổ chức hội thảo, tọa đàm nhằm huy động, lắng nghe các góp ý, kiến nghị và đề xuất các giải pháp tháo gỡ của các đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này đã tạo điều kiện, môi trường để kết nối doanh nghiệp, tạo thị trường cho doanh nghiệp trên địa bàn có cơ hội giao lưu, hợp tác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên kết, hỗ trợ để cùng phát triển. 

- Đối với đơn vị nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh: từ năm 2014, Thành phố đã xây dựng, vận hành phần mềm đáp ứng nhu cầu thường xuyên, liên tục trong nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh do 05 nhóm công ty, tập đoàn lớn thực hiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý và giải quyết nhu cầu nhập khẩu xuất bản phẩm số lượng lớn của doanh nghiệp trong thời gian qua cho thấy tính hiệu quả trong tiếp nhận, phân loại, thẩm định và trả kết quả, tiết kiệm thời gian, chi phí. 

1.4. Về giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản

Hiện nay, Thành phố đang thực hiện việc cấp phép xuất bản tài liệu không kinh doanh (trên 15 triệu bản/năm) và nhóm cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in và gia công in xuất bản phẩm cho nước ngoài. Trong đó, thẩm định và cấp phép thủ tục nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh khoảng 12.000 giấy phép/năm cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. 

Đã có 06/14 thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành hiện được thực hiện ở mức độ 3 và mức độ 4; Thành phố đang  tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của các thủ tục còn lại để sớm nâng cấp lên mức độ 3, mức độ 4 phù hợp thực tiễn và chủ trương chung của Trung ương và Thành phố. 

1.5. Về phân cấp quản lý nhà nước, phối hợp triển khai Luật Xuất bản

Xác định công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, phát hành là một hoạt động cần có sự phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, Thành phố luôn chú trọng việc duy trì, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai, đánh giá việc chấp hành Luật Xuất bản nhằm ghi nhận các ý kiến, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động của các đơn vị, cơ sở, tiến hành rà soát, hậu kiểm theo quy định của pháp luật và theo giấy phép đã cấp thuộc lĩnh vực xuất bản, phát hành.

Đồng thời, chủ động trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ với Bộ Thông tin và Truyền thông để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, in, phát hành. Định kỳ hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức giao ban xuất bản và thông tin định kỳ trong hoạt động xuất bản; qua đó UBND Thành phố kịp thời chỉ đạo, định hướng giải quyết các vấn đề quan trọng, phức tạp trong hoạt động xuất bản. 

1.6. Về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực xuất bản

Công tác thanh tra, kiểm tra được Thành phố luôn coi trọng. Qua hơn 07 năm thi hành Luật Xuất bản, Đội liên ngành phòng, chống in lậu Thành phố đã thanh tra, kiểm tra gần 200 tổ chức, cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính hơn 60 trường hợp với tổng số tiền phạt khoảng 1,2 tỷ đồng. Công tác hậu kiểm và công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện thống nhất đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, tái vi phạm.

2. Kết quả hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm 

2.1. Đối với hoạt động xuất bản

Thời gian qua, các nhà xuất bản luôn đồng hành cùng Thành phố thực hiện các nhiệm vụ chính trị và hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh doanh. Tháng 5/2019, lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí minh tham gia Hội sách quốc tế tại Saint Petersburg (Liên bang Nga) với sự tham dự của Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Văn nghệ, Nhà xuất bản Trẻ và trao tặng hơn 500 đầu sách cho cộng đồng người Việt Nam tại Saint Petersburg.

Bên cạnh việc thực hiện các đầu sách do Thành phố đặt hàng, các nhà xuất bản đã thực hiện đầu sách theo kế hoạch của từng đơn vị đúng theo quy định và đạt được những kết quả quan trọng. Bên cạnh các nhà xuất bản của Thành phố, có 04 nhà xuất bản thuộc các trường đại học; 28 chi nhánh nhà xuất bản trung ương và địa phương; 05 văn phòng đại diện nhà xuất bản nước ngoài; 141 đơn vị phát hành được xác nhận đăng ký hoạt động và hơn 600 cơ sở in được Sở Thông tin và Truyền thông cấp phép, xác nhận đăng ký hoạt động in. 

2.2. Đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm

Từ khi Luật Xuất bản năm 2012 có hiệu lực, Thành phố đã tổ chức triển khai đến các đơn vị, công ty phát hành sách trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển hoạt động kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm và chấp hành theo đúng quy định. Công ty Cổ phần phát hành sách Thành phố (Fahasa) tiếp tục là đơn vị phát hành dẫn đầu cả nước về quy mô và mô hình hoạt động kinh doanh, phát hành sách. Tính đến nay, Fahasa đã khai trương nhà sách thứ 111 trên cả nước, doanh thu tăng từ 1.961 tỷ (năm 2015) đến năm 2018 đạt 3.170 tỷ. Ngoài hệ thống nhà sách, hệ thống bán hàng trực tuyến có tốc độ tăng trưởng tốt từ 60 đến 70%, tận dụng tối đa việc bán sách, vận chuyển, giao sách đến tay người tiêu dùng với hình thức đa dạng, phong phú. 
Bên cạnh đó, nhiều mô hình doanh nghiệp hoạt động kinh doanh phát hành sách như Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam, Tiki.vn, Vinabook.com, Chi Book, Đại Trường Phát, Nhã Nam, Firstnews, Đông A, Saigonbook đã từng bước đáp ứng thị hiếu và giữ vị trí nhất định trong phân khúc thị trường phát hành sách. 

2.3. Đối với hoạt động in 

Đến nay, có khoảng 1.300 doanh nghiệp  hoạt động trong lĩnh vực in trên địa bàn Thành phố (theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư), chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước. Trong đó, số doanh nghiệp được cấp giấy phép và xác nhận đăng ký hoạt động là in trên 600 đơn vị (in xuất bản phẩm khoảng 300 doanh nghiệp). Doanh thu tăng trung bình hàng năm ngành in duy trì ổn định ở mức từ 6% đến 8%, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. 

Hiện nay, ngành in Thành phố có thể đáp ứng hầu hết nhu cầu in trong nước và bước đầu tiếp cận được thị trường quốc tế, nhận in gia công cho nước ngoài với chất lượng kỹ thuật cao, mẫu mã sản phẩm đa dạng, đạt chuẩn yêu cầu. Sản phẩm chủ yếu như in gia công lịch, sổ tay, sách tranh, ảnh, giáo trình ngoại ngữ… xuất khẩu đi các nước như Singapore, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…  

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể: công tác quy hoạch, sắp xếp các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành chưa phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực khác của Thành phố, dẫn đến một số đề án, dự án, chính sách thực hiện chưa hiệu quả. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành duy trì ở mức ổn định, ít đột phá. Công tác hỗ trợ chính sách cho ngành xuất bản, in và phát hành còn hạn chế, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xuất bản chưa theo kịp với công nghệ mới, chưa cụ thể hoá kịp thời chính sách cho phát triển sách điện tử Ebook, in gia công cho nước ngoài, định hướng tư tưởng, chính trị trong các nội dung xuất bản phẩm... 

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Một là, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.

Cần nghiên cứu xây dựng phần mềm dữ liệu danh sách các xuất bản phẩm cấm lưu hành, bị đình chỉ phát hành, vi phạm, bị tiêu hủy… để làm cơ sở pháp lý cho việc thẩm định, xem xét quyết định cấp phép danh mục xuất bản phẩm tổ chức triển lãm, hội chợ và phục vụ thống nhất cho công tác giám định, thẩm định liên quan trên cả nước. Đồng thời,  các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các quy định điều chỉnh, hướng dẫn quản lý hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm trên môi trường không gian mạng (điện tử); các quy định hướng dẫn kinh phí, tiêu chuẩn của chuyên gia có đủ trình độ để thẩm định, mức chi phí thẩm định, thống nhất biểu mẫu, quy trình thành lập Hội đồng thẩm định trong lĩnh vực nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh do UBND cấp tỉnh thực hiện; ban hành quy định hướng dẫn liên quan đến nội dung xuất bản phẩm có yếu tố, tính chất nhạy cảm trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, các nội dung gây hoang mang trong dư luận; ban hành quy định hướng dẫn định mức kỹ thuật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, làm cơ sở pháp lý trong thẩm định các dự án, hạng mục thực hiện trên địa bàn Thành phố; ban hành quy định hướng dẫn quản lý cơ sở in thực hiện dịch vụ liên quan đến in ấn nhưng không trực tiếp tham gia vào một hoặc đầy đủ các công đoạn in; ban hành quy định hướng dẫn việc đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo quy định của pháp luật.

UBND Thành phố cần chủ động ban hành các quy định, quy chế để tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, ví dụ như: Quy chế hoạt động của Văn phòng đại diện các nhà xuất bản hoặc các cơ sở phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Thành phố nhằm quản lý và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động hợp pháp và tuân thủ quy định của nước sở tại; Quy định về tiêu chuẩn chức danh tổng giám đốc, giám đốc, tổng biên tập, phó tổng biên tập, phó tổng giám đốc, phó giám đốc và biên tập viên của các nhà xuất bản trên địa bàn Thành phố.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Xuất bản trong các doanh nghiệp.

Cần duy trì tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý theo quy định của Luật Xuất bản dành cho người đứng đầu đơn vị xuất bản, in và phát hành. Để đảm bảo tính hiệu quả, sau khi hoàn thành khóa học, người đứng đầu các đơn vị, doanh nghiệp phải có kế hoạch triển khai phổ biến đến tất cả người lao động trong doanh nghiệp nhằm tăng cường hiệu quả công tác triển khai đưa Luật Xuất bản đi vào đời sống và sản xuất kinh doanh, góp phần giảm tình trạng vi phạm pháp luật và nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ đã được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, chưa có chiều sâu như hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động xuất bản chưa theo kịp với công nghệ mới, chưa cụ thể chính sách cho phát triển sách điện tử Ebook, in gia công cho nước ngoài. Hiện nay, các doanh nghiệp đang dần tiếp cận và thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 08/10/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố giai đoạn 2018-2020, trong đó có ngành in. Tuy nhiên, chính sách này chưa lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp tham gia. UBND Thành phố cần xem xét việc thực hiện thí điểm xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu về cơ sở in trên địa bàn theo hướng mã hóa cơ sở in đã được cấp giấy phép (lần đầu), nhằm kết nối thông tin, dữ liệu của các doanh nghiệp có mã ngành nghề kinh doanh in ấn, phát hành sách thống nhất trên một phần mềm. Đồng thời, cập nhật thông tin về cơ sở in được cấp mới và cập nhật dữ liệu thay đổi thông tin của doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo công khai danh sách cơ sở in, để tạo thuận lợi trong việc truy cập, tra cứu thông tin cơ sở in.

Bốn là, tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến, sự kiện để tạo môi trường kết nối giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ và hoạt động giao dịch thương mại điện tử trên môi trường không gian mạng, hoạt động liên quan đến các sản phẩm của ngành xuất bản, in và phát hành cũng đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, điều đó cũng đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành tìm kiếm và tham khảo các công nghệ mới để ứng dụng trong hoạt động của mình. Việc này hết sức cần thiết đối với nhiều đơn vị in, phát hành trên địa bàn Thành phố do quy mô chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ và thiết bị, máy móc lạc hậu, đã qua sử dụng nhiều năm, trình độ của đội ngũ công nhân kỹ thuật nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu một số thị trường có yêu cầu cao... 

Vì vậy, Thành phố cần có chính sách hỗ trợ trong việc kết nối và tổ chức các hoạt động xúc tiến, sự kiện để tạo sân chơi, môi trường để giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm và cập nhật quy chuẩn, xu thế của ngành giữa các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành trên địa bàn Thành phố với các đối tác trong cùng lĩnh vực ở các địa phương khác cũng như trên thế giới./.

-----------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Báo cáo sơ kết 07 thực hiện Luật Xuất bản 2012 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 9/2020.

2. Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Một số văn bản chỉ đạo và quản lý của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, Nxb Văn học, H.2018.

3. Khoa Xuất bản, Phát hành - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đào tạo cán bộ ngành kinh doanh xuất bản phẩm trong kỷ nguyên công nghệ số, Nxb Phụ nữ, tháng 3/2019.

4. Châu Úy Hoa, Truyền thông số và chuyển đổi mô hình xuất bản, Nxb CTQG-ST, H.2017.

5. Vũ Mạnh Chu, Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuất bản, Nxb Thông tin và Truyền thông, H.2019.

6. Nguyễn Thị Trang, Thời đại công nghệ số và cơ hội mở rộng đề tài cho ngành xuất bản Việt Nam, Tạp chí Nhịp cầu Tri thức, http://nhipcautri thuc.vn, ngày 10/01/2021.

 

TS Đặng Thành Lê, Học viện Hành chính Quốc gia

ThS Cao Thanh Hùng, Trường Đại học An ninh nhân dân

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát cần phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 15/04/2024
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND), đặc biệt là vấn đề giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị, PGS.TS Lê Minh Thông, ĐBQH khóa XIII cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phù hợp với đặc điểm và yêu cầu giám sát trong mô hình chính quyền đô thị, tạo cơ sở pháp lý cụ thể hơn để HĐND làm tốt chức năng giám sát của mình.

Phát huy vai trò của các tôn giáo trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh hiện nay

Ngày đăng 09/04/2024
Bài viết khái quát tình hình, kết quả và những hạn chế trong phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở tỉnh Tây Ninh trong thời gian tới.

Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Ngày đăng 01/04/2024
Xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đặc biệt, những biến động nhanh chóng, phức tạp của thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu đối với cán bộ phải giỏi về chuyên môn và có tâm thế năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Muốn đạt được điều đó, cần phải có những đánh giá tổng thể về quan điểm, thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hiện nay; từ đó đề xuất định hướng giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Đặc điểm lứa tuổi và vai trò của Đoàn Thanh niên trong thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi

Ngày đăng 25/03/2024
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu lực, hiệu quả những nội dung tại Nghị định số 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, cần làm rõ sự tác động của đặc điểm các lứa tuổi và dự báo xu hướng tâm sinh lý, hành vi… để tạo ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực tới quá trình thực thi chính sách. Trong đó, vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp là rất quan trọng, nhằm gia tăng hiệu quả và tác động xã hội theo mục tiêu của Nhà nước đã đề ra đối với thanh niên.

Tỉnh Nghệ An phát huy vai trò của các tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày đăng 21/03/2024
Trong những năm qua, Tỉnh ủy Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, giải pháp công tác tôn giáo, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội trên địa bàn. Chức sắc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn hoạt động ổn định, thuần túy tôn giáo, tuân thủ pháp luật và tích cực tham gia các phong trào do chính quyền phát động; tích cực đóng góp các nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được một số kết quả quan trọng.