Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân

Ngày đăng: 02/03/2021   10:14
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 01/3/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo các nghị định quy định chi tiết thi hành các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân.

Theo các Nghị quyết của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều tổ chức chính quyền theo một cấp thành phố, tức là quận, phường không có HĐND. UBND quận, phường là cơ quan hành chính.

Đối với TP Đà Nẵng, chính quyền địa phương ở phường thuộc quận không còn là một cấp chính quyền, mà chỉ là cơ quan hành chính thuộc UBND quận. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất như quy định đối với mô hình chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh, dự thảo Nghị định quy định biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức của UBND quận và do UBND quận quản lý, sử dụng.

Về chế độ, chính sách đối với công chức phường khi thuộc biên chế công chức của quận, theo Bộ Nội vụ, khi công chức cấp xã làm việc tại UBND phường được chuyển thành biên chế công chức do UBND quận quản lý và sử dụng thì chế độ, chính sách thực hiện như đối với công chức, không làm phát sinh các chế độ, chính sách mới.

Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 249 phường, trong đó có 198 phường loại I, 49 phường loại II và 2 phường loại III; TP Đà Nẵng có tổng cộng 45 phường, trong đó có 37 phường loại I, 8 phường loại II. Theo các quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và Nghị định số 34/2019/NĐ-CP thì số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường (trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường) ở TP Hồ Chí Minh trung bình khoảng 15,45 người/phường và TP Đà Nẵng trung bình khoảng 15,2 người/phường. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ cho rằng, việc quy định theo hướng số lượng bình quân biên chế mỗi phường là 15 người (có tính đến tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Chính phủ) là phù hợp.

TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của quận 2; quận 9 và quận Thủ Đức, với mục tiêu là xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông Thành phố nhằm phát huy những lợi thế về vị trí mang tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có để trở thành khu vực kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, việc nhập 3 quận để thành lập TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh sẽ giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó, các đơn vị hành chính cấp huyện, giảm số lượng các phòng chuyên môn, đồng thời giảm số lượng cấp trưởng, cấp phó của các phòng chuyên môn là phù hợp với chủ trương của Đảng, góp phần tinh gọn bộ máy. Do đó, theo Bộ Nội vụ, việc có thêm 1 phòng chuyên môn là Phòng Khoa học và Công nghệ là phù hợp với mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo và yêu cầu thực tiễn của thành phố.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý một số nội dung về việc xác định số lượng biên chế công chức làm việc tại UBND phường, về Trưởng công an, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự quận, Trưởng công an phường, về số lượng phó chủ tịch UBND thành phố thuộc TP Hồ Chí Minh…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần có khuôn khổ pháp lý để tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng hoạt động sớm. Đây là vấn đề mà 2 địa phương rất mong mỏi, nhất là TP Hồ Chí Minh vừa thành lập TP Thủ Đức với quy mô lớn (1,1 triệu dân), chiếm khoảng 11% GDP của cả nước.

Thủ tướng lưu ý một số nguyên tắc. Đó là các tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng phải đáp ứng được yêu cầu đặc thù của từng địa phương, nhưng cũng phải bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo quy định pháp luật.

“Từ việc thí điểm và áp dụng mô hình mới này, các đồng chí sẽ góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo tập trung, thống nhất của UBND, Chủ tịch UBND thành phố, phù hợp với đổi mới việc tổ chức hoạt động của quận, phường theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng người dân và doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói. “Sự năng động, thuận lợi, linh hoạt rất quan trọng đối với thực hiện các nghị quyết này ở Đà Nẵng cũng như TP Hồ Chí Minh khi không có HĐND ở quận, phường”. Thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị văn minh, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức.

Cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân, kể cả giải quyết việc làm và an toàn cho người dân. “Ý rất quan trọng mà chúng ta phải nhấn mạnh là một bộ máy hướng về người dân, nhanh chóng hơn, kịp thời hơn, thuận lợi hơn cho người dân”. Nguyên tắc nào thì cũng phải nâng cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Về nội dung hai dự thảo Nghị định, Thủ tướng thống nhất quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND với vai trò là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn quận, phường. Thực hiện chế độ thủ trưởng nhưng không được lạm quyền, cho nên phải có giám sát, bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng ở phường, quận khi thấy cần thiết.

Bộ Nội vụ cần chỉnh lý các quy định về cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường bảo đảm phù hợp với quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội.

Đối với TP Thủ Đức, Thủ tướng giao UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất mô hình quản lý của thành phố này.

Về chế độ công chức, Thủ tướng thống nhất quy định công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế công chức UBND quận.

Về vấn đề giám sát, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc, ở đâu có quyền lực thì phải có sự giám sát. Vậy khi không có HĐND quận, phường thì ai giám sát, Thủ tướng cho rằng, vai trò của HĐND thành phố, của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng, của Quận ủy rất quan trọng trong việc giám sát cấp quận, phường khi không có HĐND.

Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của Thường trực Chính phủ, các ý kiến tại cuộc họp hôm nay khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Chính phủ xem xét, ban hành để các thành phố kịp thời triển khai tổ chức bộ máy theo mô hình mới, phục vụ công tác bầu cử HĐND các cấp trong tháng 5 tới./.

Theo: baochinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính

Ngày đăng 27/03/2024
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 202/TTg-NN ngày 26/3/2024 về việc triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15. Theo đó, giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Thông tư quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính và hướng dẫn việc giải quyết trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính.

Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững

Ngày đăng 25/03/2024
Trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 25/3/2024 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, trong năm 2023, HĐND Thành phố đã thông qua 25 nghị quyết triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, là đòn bẩy hết sức hiệu quả để Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng cơ hội phát triển nhanh và bền vững.

Đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ

Ngày đăng 21/03/2024
Những năm gần đây, một số thế lực thù địch đã lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Tây Nam Bộ để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc nhằm mục đích chống phá Nhà nước Việt Nam, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”. Bài viết góp phần nhận diện và đấu tranh với âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hình thành “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ. 

Đến năm 2030, toàn tỉnh Lạng Sơn có 17 đô thị các loại

Ngày đăng 19/03/2024
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 19/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tạm dừng bầu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 5 huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng

Ngày đăng 19/03/2024
Tỉnh uỷ Lâm Đồng vừa có văn bản yêu cầu 5 huyện, thành phố tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động các chức danh lãnh đạo, quản lý, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.