Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Bàn về vận nước của Việt Nam

Ngày đăng: 01/03/2021   15:36
Mặc định Cỡ chữ
Có thể khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Mọi lĩnh vực trong phát triển kinh tế, chính trị, xã hội đều có những thành tựu to lớn, kể cả trong thể thao, văn hóa, giáo dục… đều dành được thành tích cao trong khu vực và trên thế giới; những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới là cơ sở để khẳng định vận nước của Việt Nam đã đến lúc hưng thịnh, dựa trên những yếu tố cơ bản, đó là:

Khi cuộc sống, niềm tin của người dân được củng cố

Ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, thu non sông về một mối, Việt Nam bước vào giai đoạn kiến thiết đất nước với vô vàn khó khăn, thử thách bởi thù trong, giặc ngoài; hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc; sự bao vây cấm vận, nền kinh tế phát triển ì ạch của thời bao cấp… dẫn đến phần lớn cuộc sống của người nông dân là thiếu ăn. 

Từ khi đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới (năm 1986), mặc dù nước ta phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng khu vực và thế giới và rất nhiều vấn đề trong nước cần phải giải quyết. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế dần được nâng lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể, nếu GDP bình quân đầu người năm 1991 là 188 USD thuộc nhóm các nước thấp nhất, năm 2011 là 1.260 USD, gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình (thấp) của thế giới thì đến năm 2016 là 2.050 USD, bằng 10,9 lần so với năm 1991.

Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 của khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt khoảng 7,3% và của khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,0%; tỉ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ (bao gồm xây dựng) theo giá cơ bản trong GDP tăng từ mức 73% năm 2015 lên khoảng 75,4% năm 2020. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỉ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015(1). Bên cạnh đó, trong năm 2020 Việt Nam chính thức thương mại hóa dịch vụ 5G và có mặt ở nhiều nước trên thế giới; Tập đoàn Vingroup có những sản phẩm, đặc biệt là những chiếc xe hơi “made in Vietnam” chính thức ra nhập thị trường toàn cầu… và rất nhiều các sản phẩm, hàng hóa của người dân, doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã có vị trí, thị phần vững chắc ở các quốc gia “khó tính”, đấy là minh chứng cho trí tuệ con người Việt Nam. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Điều này là do Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách đúng đắn, phát triển theo hướng tự do hóa, ưu tiên nguyên lý thị trường, trong đó đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong mọi tầng lớn nhân dân, đặc biệt là lớp trẻ. Bên cạnh đó, Chính phủ rất quan tâm đến nâng cao Chỉ số Vốn con người (HCI), năm 2019 Việt Nam xếp thứ 48/157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Cũng trong cuối năm 2019, Ngân hàng Thế giới nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang tỏa nắng ở Việt Nam”(2).

Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua hai đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, nhưng chúng ta đều kiểm soát thành công, không để lây lan rộng ra cộng đồng; hoàn thành mục tiêu kép của Chính phủ đề ra (kiểm soát tốt dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội), cụ thể, kinh tế Việt Nam tăng 2,91%, là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có tăng trưởng dương, được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Có được kết quả này là do Đảng và Nhà nước ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sẵn sàng hy sinh những lợi ích kinh tế ngắn hạn để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, thể hiện một thể chế chính trị dân chủ, “Bao nhiêu lợi ích đều thuộc về dân, bao nhiêu quyền cũng là của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, điều này đã nhận được sự đồng thuận và ủng hộ cao trong nhân dân. Vì vậy, niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Từ những phân tích, đánh giá về thời cơ, tiềm lực, có thể khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ bứt tốc bắt đầu từ năm 2021. Một số chuyên gia kinh tế thế giới đều có chung nhận định rằng: Việt Nam hiện là quốc gia có nền kinh tế phát triển nổi bật nhất châu Á, những người sở hữu khối tài sản có khả năng đầu tư hơn 30 triệu USD tăng lên mức 13% trong 05 năm qua, vượt ngưỡng 10.000 người. Với tốc độ như vậy, năm 2026 tỷ lệ gia tăng lớp người thượng lưu sẽ vượt trội so với Trung Quốc, Ấn Độ, lọt vào danh sách hàng đầu thế giới.

Mặt khác, những chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được Đảng và Nhà nước ta đã và đang triển khai là đúng đắn, phù hợp với xu hướng của thế giới, được nhân dân đồng tình, tin tưởng rất cao. Vì vậy, với nhận định vào năm 2045 Việt Nam sẽ lọt vào nhóm 20 nước (G20) có nền kinh tế lớn trên thế giới là có cơ sở.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 22/11/2020. Ảnh: internet

Uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên thế giới

Kể từ khi nước ta bước vào công cuộc đổi mới và mở cửa hội nhập với thế giới, chưa bao giờ Việt Nam được chú ý “với thái độ vị nể” như ngày nay. Việt Nam đang từng bước trở thành một chủ thể chủ động trên chính trường quốc tế, ngày càng tham gia tích cực và có trách nhiệm, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể, đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020; lần thứ ba làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 với chủ đề mà Việt Nam đưa ra là: “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Với thông điệp “chủ động thích ứng” có ý nghĩa là cần linh hoạt điều chỉnh trước các diễn biến trong tình hình quốc tế và khu vực, thách thức đan xen những cơ hội, như sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhất là Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra; thách thức về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, dịch bệnh.v.v.

Hiện nay, Việt Nam là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức quốc tế; là đối tác chiến lược với 17 nước; đối tác toàn diện với 13 nước và có quan hệ ngoại giao với 188 nước trong tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Liên hợp quốc; có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên thế giới, điển hình như: Hiệp định Thương mại tự do (FTA); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA); Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).v.v.

Điểm nổi bật là, ngoại giao Việt Nam có nhiều tiến triển quan trọng trên chính trường quốc tế, đặc biệt là các thể chế đa phương khu vực và thế giới. Ngoại giao Việt Nam đã trở nên tự tin, thể hiện được bản sắc dân tộc và thúc đẩy lợi ích của Việt Nam tốt hơn. Minh chứng là Thủ đô Hà Nội đã được chọn là nơi diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai vào tháng 02/2019. Điều này cho thấy quốc tế, nhất là các nước lớn đã thừa nhận năng lực tổ chức các hội nghị thượng đỉnh cấp cao của Việt Nam, cũng như vai trò, hình mẫu của một quốc gia hòa bình, hòa giải các vấn đề phức tạp trên thế giới.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đủ đức, đủ tài

Vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây thực sự là đáng báo động, bởi mức độ ngày càng nghiêm trọng, quy mô ngày càng lớn hơn. Nguyên nhân là do chúng ta chưa hoàn thiện về thể chế; sự tha hóa của không ít cán bộ, công chức kể cả trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án… có nguy cơ đe dọa tới sự tồn vong của chế độ, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đến nay, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước đã tăng cao, bởi vì chúng ta đã có những người lãnh đạo “đủ tâm, đủ tầm” quyết tâm trong việc phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã rất quyết liệt với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “bất kể người đó là ai” và xác định công tác phòng, chống tham nhũng là bước đột phá trong công tác xây dựng Đảng.

Vì vậy, đã có nhiều vụ “đại án” được đưa ra điều tra, truy tố, xét xử, trong đó có cả những người là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều người đang giữ những chức vụ cao, cả những người đã nghỉ hưu nếu có sai phạm trước đó cũng bị đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh được người dân đồng tình ủng hộ rất cao.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cũng được đặc biệt quan tâm, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 26-/NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiêm vụ”. Nhằm thực hiện, triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả những vấn đề đã nêu trong Nghị quyết số 26 về công tác cán bộ, ngày 25/02/2019 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 179-QĐ/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ. Ngoài ra, có rất nhiều các quy định về cán bộ và công tác cán bộ đã được ban hành, nhằm xây dựng được những người đủ đức, đủ tài để phục vụ nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa qua đã thành công rất tốt đẹp. Đây là kỳ Đại hội hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn, vì vậy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức, có tài”(3).

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lọc cẩn thận, nghiêm túc nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, chúng ta đã lựa chọn được những người được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực sự là những người đủ đức, đủ tài để cùng chung tay xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Đặc biệt, Đại hội Đảng XIII đã nhấn mạnh “dân là gốc”, thể hiện quyết tâm chính trị thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bởi vì, đời sống của người dân có được nâng cao, giàu có thì lòng dân mới yên ổn, tin tưởng, đồng lòng cùng toàn Đảng xây dựng, phát triển đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người giữ vị trí lãnh đạo cấp cao, những người đứng đầu Đảng, Nhà nước cần có một đường lối lãnh đạo sáng suốt, “anh minh” làm những việc có lợi cho dân, những việc có hại đối với dân phải hết sức tránh; đối với cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ không được tham ô, tham nhũng, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp… Tóm lại, không được làm trái với những quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; những chuẩn mực đạo đức.v.v, sẽ tạo nên sự tin tưởng, đồng lòng của người dân vào Đảng, vào chế độ, từ đó đất nước được thịnh trị. Đó chính là những yếu tố tạo nên vận nước của Việt Nam. 

Đặc biệt, hiện nay những chính sách của Đảng đang tiếp tục được cụ thể hóa phù hợp với thực tiễn đời sống; những quyết tâm trong cải cách hành chính, nhất là cải cách về thủ tục hành chính đã góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như kích thích, khuyến khích mọi người dân vươn lên làm giàu chính đáng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát: “Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững...”(4). Với niềm của người dân được củng cố; uy tín của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế và có những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước đủ đức, đủ tài quy tụ lại thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra - đó chính là VẬN NƯỚC của chúng ta trong giai đoạn hiện nay./.

--------------------------------------

Ghi chú:

(1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, tr.2.

(2) Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), về phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2019.

(3) Bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 14/5/2020.

(4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tr.42.

Lê Doãn Sơn - Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng

Ngày đăng 23/04/2024
Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của công tác nhân sự, đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước.

Quyết tâm lớn, giải pháp mạnh, đồng tình của người dân!

Ngày đăng 16/04/2024
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn, xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược. Tuy nhiên, đây là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng nên phải tính toán kỹ lưỡng, quyết tâm lớn, giải pháp mạnh và có sự đồng tình của người dân.

Ghép tên xã theo kiểu "công bằng máy móc" sẽ tạo ra những cái tên nực cười

Ngày đăng 15/04/2024
Nếu cứ “công bằng” theo kiểu ghép máy móc tên 2 xã được sáp nhập, chúng ta sẽ tạo ra những cái tên bị nhiều người đánh giá là buồn cười như “Đôi Hậu” ở Nghệ An.

Cảnh giác trước những luận điệu giả danh phản biện xã hội

Ngày đăng 09/04/2024
Phản biện xã hội là một hình thức thể hiện tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Ở Việt Nam, phản biện xã hội ngày càng được mở rộng nhằm thúc đẩy việc xây dựng nhà nước pháp quyền và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, cũng như phát huy trí tuệ cộng đồng. Tuy nhiên một số tổ chức, cá nhân đã và đang lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước gây bức xúc dư luận, đòi hỏi cần phải kịp thời vạch trần và lên án.

Để không hổ thẹn với dân, với chính mình

Ngày đăng 04/04/2024
Trong cuộc sống, có làm ắt có đúng có sai, nhất là những công việc khó khăn, phức tạp, nhạy cảm tác động đến nhiều người. Nhưng nếu chỉ vì sợ sai, sợ bị xử lý, sợ phải chịu trách nhiệm mà chùn bước, thì không xứng đáng là cán bộ, đảng viên, không xứng đáng với niềm tin của nhân dân.