Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: Xác lập nền tảng công dân số

Ngày đăng: 24/02/2021   14:02
Mặc định Cỡ chữ
Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội, tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ quản lý nhà nước.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng C06 Bộ Công an

Giảm giấy tờ, chi phí và thời gian của công dân

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 – Bộ Công an) cho biết: Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân là một trong 6 cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

“Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội”, Thiếu tướng Huệ cho biết. 

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính. Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. 

Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý di biến động dân cư, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

”Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ra đời cũng góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang lưu trữ tại các cơ quan hành chính”, Thiếu tướng Huệ nhấn mạnh.

Đến ngày 01/7/2021 cấp 50 triệu thẻ Căn cước công dân

Về kết quả thực hiện, Thiếu tướng Tô Văn Huệ cho biết: Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các đơn vị, địa phương đã bám sát kế hoạch của Bộ Công an với các mốc thời gian phải hoàn thành tính theo từng ngày và đến nay cơ bản hoàn thành những hạng mục công việc quan trọng.

Theo đó, đã tiến hành rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phục vụ 02 dự án. Tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an, Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt đầu tư, phê duyệt thiết kế chi tiết và dự toán của 02 dự án với nguyên tắc chung bảo đảm ”hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí”. Việc triển khai các gói thầu theo đúng quy định, đã triển khai thiết bị hàng hóa của Dự án tới Công an các đơn vị, địa phương bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ. Đồng thời, triển khai xây dựng, cải tạo, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm dữ liệu khang trang, hiện đại với nhiều hạng mục cơ bản đã được hoàn thành như các phòng chức năng, xây dựng hệ thống bản đồ số, hệ thống phần mềm quản lý nội bộ của Trung tâm…

Bộ Công an bố trí nguồn nhân lực và tổ chức đào tạo tập huấn về quy trình; chuyển giao công nghệ cho cán bộ, chiến sỹ tham gia dự án; hoàn thành việc thực hiện kéo đường truyền đến tận cấp xã. Cơ bản đã hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư, triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”; phối hợp với nhà thầu chuyển đổi, đồng bộ vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hoàn thành thiết kế chi tiết hệ thống phần mềm của hệ thống.

Đặc biệt, đã hoàn thành việc nghiên cứu, sản xuất thẻ Căn cước công dân mới có gắn chíp và mã QR với thiết kế mỹ quan, mang yếu tố lịch sử, truyền thống, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và nhất là bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Tổ chức triển khai thu nhận và cấp thẻ Căn cước công dân có gắn chíp trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến trước ngày 01/7/2021 cấp 50 triệu thẻ đối với các trường hợp đủ điều kiện được cấp thẻ.

Xác lập nền tảng công dân số 

Trả lời phóng viên, TS Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) nhấn mạnh: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng trong xác lập nền tảng công dân số, trong các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Qua đó, cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thời gian tới, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Công an, các bộ ngành và địa phương để tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công của các bộ ngành, địa phương để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giúp cắt giảm giấy tờ công dân trên cơ sở dữ liệu công dân điện tử. 

”Để cơ sở dữ liệu này ’sống’ thì việc cập nhật dữ liệu thông tin về công dân thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính của ngành công an, tư pháp rất quan trọng, quyết định sự thành công của việc duy trì, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm nguyên tắc ”đúng, đủ, sạch, sống”. 

Bên cạnh đó, cần quan tâm hoàn thiện hệ thống thể chế thông qua việc thực thi các phương án đơn giản hoá thủ tục hành chính giấy tờ công dân đã được thông qua tại 19 nghị quyết chuyên đề của Chính phủ theo Đề án 896.

* Bộ Công an cho biết, dự kiến chiều 25/02/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an sẽ tổ chức Lễ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất cấp và quản lý Căn cước công dân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ “hồ sơ giấy” sang “hồ sơ điện tử”./.

Theo: chinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.

Đồng Nai: Đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trả hồ sơ, trễ hạn

Ngày đăng 05/04/2024
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức vừa ký ban hành Chỉ thị về tăng cường trách nhiệm công vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.