Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Nghiên cứu hiệu quả vaccine COVID-19 sau tiêm chủng

Ngày đăng: 24/02/2021   10:40
Mặc định Cỡ chữ
Theo nghiên cứu, vaccine do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất giúp giảm nguy cơ lây nhiễm tới hơn 70% ngay từ mũi đầu tiên và tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2.

Đây là kết quả dựa trên dữ liệu của Cơ quan Y tế England công bố ngày 22/02/2021. Theo đó, hai cuộc nghiên cứu riêng rẽ ở vùng England và Scotland của Vương quốc Anh cho thấy vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả ngay từ mũi đầu tiên trong việc chặn chuỗi lây lan và giảm số bệnh nhân nhập viện điều trị.

Trường hợp người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 song vẫn nhiễm virus SARS-CoV-2 đều không xuất hiện triệu chứng nặng dẫn tới nguy cơ tử vong hay cần nhập viện điều trị.

Đối với những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên, tỉ lệ bệnh nhân COVID-19 nhập viện và tử vong đã giảm tới 75%.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock đánh giá những số liệu báo cáo trên đã cho thấy hiệu quả của vaccine và đây là bằng chứng thuyết phục cho thấy vaccine của Pfizer có hiệu quả cao trong phòng chống dịch COVID-19.

Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 với số ca tử vong lên tới 120.757 ca.

Anh cũng là nước đầu tiên thế giới tiến hành tiêm chủng hồi tháng 12/2020 và đến nay đã có hơn 17 triệu người được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, tương đương 1/3 số người cao tuổi ở nước này.

Trong khi đó, nghiên cứu tại Scotland cho thấy vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca/Oxford đã giúp giảm số ca nhập viện tại địa phương này sau mũi tiêm chủng đầu tiên.

Nghiên cứu do Đại học Edinburgh dẫn đầu thực hiện cho thấy ở tuần thứ 4 sau khi tiến hành tiêm chủng mũi đầu tiên, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị đã giảm tới 85%. Trong đó, vaccine của AstraZeneca/Oxford được xác định giảm nguy cơ tới 94%.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu bệnh nhân và chương trình tiêm chủng vaccine thực tế, tiến hành phân tích gói dữ liệu của toàn bộ 5,4 triệu dân số Scotland trong thời gian từ ngày 08/12/2020 đến 15/02/2021.

Trong thời gian này, có 1,14 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng cho 21% dân số tại xứ này. Trong đó, số người tiêm chủng vaccine của Pfizer là 650.000 người và vaccine của AstraZeneca/Oxford là 490.000 người.

Giáo sư Aziz Sheikh, người đứng đầu nghiên cứu, đánh giá đây là những kết quả khích lệ và giúp con người thêm niềm tin và sự lạc quan vào tương lai. Theo ông, cần triển khai công tác tiêm chủng mũi đầu tiên trên toàn giới để hỗ trợ giải quyết vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng hiện nay.

Bồi thường cho trường hợp gặp phản ứng phụ do vaccine

Trong thông báo ngày 22/02, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác đã nhất trí khởi động chương trình bồi thường cho các trường hợp gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại 92 nước nghèo trên thế giới, bao gồm các nước nghèo tại châu Phi và Đông Nam Á.

WHO cho biết chương trình No-Fault Compensation là cơ chế đầu tiên và duy nhất trên quy mô toàn cầu bồi thường các trường hợp chịu ảnh hưởng của vaccine.

Đối tượng được bồi thường là những người tham gia tiêm chủng loại vaccine được phân phối theo Chương trình phân phối vaccine toàn cầu (COVAX) do WHO dẫn đầu.

Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 30/6/2022, trong đó bồi thường một cách nhanh chóng, công bằng và minh bạch cho những cá nhân gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm chủng, tránh các vụ kiện pháp lý mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc. Hồ sơ yêu cầu bồi thường sẽ được tiếp nhận qua cổng điện tử www.covaxclaims.com từ ngày 31/3/2021.

WHO khẳng định toàn bộ vaccine được phân phối trong COVAX đều phải được cấp phép lưu hành hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp để xác thực độ an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, việc phát sinh các trường hợp gặp phản ứng phụ là điều khó có thể tránh khỏi, tương tự các loại thuốc dù được cấp phép lưu hành, song nhiều trường hợp hiếm hoi vẫn gặp phải những phản ứng phụ nghiêm trọng.

Chương trình bồi thường sẽ do ESIS, một chi nhánh của Chubb Limited, công ty bảo hiểm đa quốc gia có trụ sở tại Zurich (Thụy Sĩ), điều hành. Theo WHO, nguồn quỹ bồi thường sẽ do Liên minh Vaccine Gavi đảm nhận thông qua khoản phí tính trên tất cả các liều vaccine COVID-19 được phân phối qua COVAX.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh thỏa thuận này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn và tạo dựng niềm tin đối với vaccine cứu sống mạng người - vốn là điều mà người dân nhiều nước đang quan ngại và cản trở công tác tiêm chủng tại nhiều nước./.

Theo: chinhphu.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Kinh nghiệm quốc tế về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư và một số khuyến nghị cho Việt Nam

Ngày đăng 22/03/2024
Nhận diện và phòng ngừa tham nhũng (PNTN) là một vấn đề cần được ưu tiên nghiên cứu, đặc biệt trong một số lĩnh vực quan trọng liên quan tới các dịch vụ công cơ bản như y tế hay giáo dục, từ đó, giúp các cơ quan liên quan tham khảo trong quá trình tham mưu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư.

Vận dụng các mô hình văn hóa trong quản lý giáo dục

Ngày đăng 11/03/2024
Hiện nay, hệ thống giáo dục cần được quản lý theo hướng mở rộng để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở các lứa tuổi khác nhau và đáp ứng yêu cầu học tập nâng cao trình độ của đội ngũ nhân lực bảo đảm phát triển bền vững. Đồng thời, trong xu thế phát triển xã hội hiện nay đòi hỏi các tổ chức phải trở thành “tổ chức học tập”, “đơn vị học tập” và “xã hội học tập”. Do đó, quản lý không giản đơn là việc thực hiện các chức năng hành chính mà quản lý luôn bao gồm việc xây dựng văn hóa tổ chức theo các mô hình như “ba tầng cấp, bốn chiều cạnh văn hóa” và mô hình “các loại hình văn hóa”(1). Cách tiếp cận quản lý theo mô hình văn hóa không thay thế mà bổ sung làm phong phú và đa dạng cho các cách tiếp cận lý thuyết quản lý đối với các loại tổ chức trong xã hội ngày nay. 

Bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia và những gợi mở đối với Việt Nam

Ngày đăng 27/02/2024
Trong những năm gần đây, vấn đề để lộ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số ở Việt Nam rất đáng báo động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến mỗi cá nhân, cũng như của xã hội. Bài viết nghiên cứu việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số của một số quốc gia trên thế giới, đây là những kinh nghiệm và gợi mở đối với Việt Nam để tiếp tục có giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trên môi trường số hiện nay. 

Mô hình thành phố thuộc tỉnh của một số quốc gia trên thế giới

Ngày đăng 05/02/2024
Trên thế giới, mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh hay tiểu bang khá đa dạng. Về cơ bản, các nước trên thế giới nghiêng theo cơ chế Hội đồng - Thị trưởng và cùng song hành hoạt động trong mục tiêu quản trị địa phương. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào quy định của pháp luật chung của một quốc gia hay hệ thống pháp luật riêng của tiểu bang hoặc tỉnh có năng lực tự quản cao mà mô hình thành phố thuộc tỉnh ở mỗi quốc gia lại có những hình thức khác nhau. Bài viết này tổng hợp một số mô hình chính quyền thành phố thuộc tỉnh ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, đồng thời đưa ra một số gợi mở đối với Việt Nam trong thời gian tới.

Châu Á chạy đua tìm kiếm nhân tài nước ngoài

Ngày đăng 30/01/2024
Các nước châu Á đang tăng tốc trong cuộc chạy đua tìm kiếm nhân tài nước ngoài với hàng loạt chính sách ưu đãi hấp dẫn được đưa ra, như thu nhập cao, mức thuế hấp dẫn, thủ tục nhập cư đơn giản.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.