Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Công tác quản lý nhà nước đối với tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ ở Việt Nam

Ngày đăng: 17/02/2021   15:24
Mặc định Cỡ chữ
Trong những năm qua, sự đóng góp của người dân trong việc công bố, giới thiệu những tài liệu lưu trữ có giá trị vào công cuộc đấu tranh pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và phục vụ công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, giáo dục đã cho thấy tiềm năng lưu giữ tài liệu trong cộng đồng là rất lớn. Tuy nhiên, để những tài liệu đó được chia sẻ rộng rãi, vừa phát huy được các giá trị tích cực mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, tránh mất mát, hủy hoại tài liệu, hạn chế tối đa khả năng gây hại của việc sử dụng trái phép thông tin trong tài liệu thì các cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp phù hợp và hiệu quả.

1. Những giá trị của tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ

Tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ là tài liệu do cá nhân hoặc nhóm cá nhân có quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình tạo ra, sưu tầm hay nhận được, không phân biệt về nội dung và hình thức vật lý của tài liệu, được lựa chọn để lưu trữ. Vì vậy, các loại tài liệu lưu trữ này có những giá trị cơ bản sau:

Thứ nhất, chứa đựng thông tin quá khứ. 

Thông tin quá khứ trong tài liệu lưu trữ gồm những sự kiện, hiện tượng đã diễn ra hoặc xảy ra đồng thời với việc tạo ra tài liệu, được phản ánh trong tài liệu. Thông tin quá khứ trong tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ thể hiện ở hai cấp độ:

- Thông tin tự thân của tài liệu: đây là thông tin mà tài liệu được tạo ra để truyền tải. Ví dụ, thông tin trong cuốn nhật ký gồm các nội dung diễn ra hàng ngày được người viết ghi chép lại; thông tin trong thư của người chiến sĩ thể hiện những sự kiện, tâm tư, tình cảm muốn chia sẻ với người thân ở quê nhà…

- Ý nghĩa của tài liệu thông qua ý kiến chủ quan của người tiếp nhận thông tin, vì người tiếp nhận thông tin có cách đánh giá riêng và được diễn giải dưới góc nhìn của riêng họ hoặc tùy thuộc vào mục đích sử dụng tài liệu cũng như thông tin trong tài liệu lưu trữ. Ví dụ, một cuốn nhật ký, hồi ký có thể là vật kỷ niệm khi lưu giữ trong gia đình, nhưng có thể trở thành bằng chứng cho quá trình trăn trở sáng tác của một nghệ sĩ trong các công trình nghiên cứu phê bình nghệ thuật.

Thứ hai, có giá trị lưu giữ.

Đặc điểm này được gọi là tính được lựa chọn của tài liệu. Hiểu theo cách khác, tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ được coi là tài liệu lưu trữ khi chúng có giá trị và được lựa chọn để lưu giữ lại. Việc lựa chọn này được thực hiện bởi người lưu giữ (nếu lưu giữ tại gia đình), hoặc cán bộ lưu trữ (nếu hiến tặng, bán cho cơ quan lưu trữ). Thông thường, chủ sở hữu hay người (nhóm người) đang lưu giữ tài liệu tại gia đình, tại cộng đồng là chủ thể chọn lọc đầu tiên đối với tài liệu trước khi cơ quan lưu trữ có thể tiếp cận. Tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ được tạo ra để phục vụ các mục đích sử dụng như giấy chứng nhận sở hữu tài sản, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy khen, nhật ký nghiên cứu, bản thảo tác phẩm… nên được lưu giữ để phục vụ cho các mục đích đó. Sau khi hoàn thành mục đích sử dụng, những tài liệu này có thể có giá trị cho nghiên cứu tiểu sử cá nhân, lịch sử nhóm người, lịch sử dân tộc, nên chúng có giá trị lịch sử, cần được các cơ quan lưu trữ đánh giá và có biện pháp quản lý.  

Thứ ba, không thuộc sở hữu của Nhà nước.

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Nội dung quyền sở hữu tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ được xác định thông qua quá trình hình thành, quản lý tài liệu và mục đích sử dụng tài liệu, cũng như quy định của pháp luật theo từng thời kỳ. Tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ được cá nhân, nhóm cá nhân tạo ra, sưu tầm, nhận được và lưu giữ theo nguyện vọng và bằng các phương tiện, nguồn lực của họ, để thực hiện mục đích của riêng họ nên những tài liệu này hoàn toàn do họ sở hữu.

Ngoài ra, những tài liệu do cá nhân, gia đình, dòng họ mua về, trao đổi bằng nguồn lực của riêng dòng họ hoặc có được dưới hình thức khác một cách hợp pháp cũng được coi là thuộc sở hữu của công dân. Hiện nay, đang còn một số vướng mắc, bất cập đối với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan lưu trữ là những tài liệu do cơ quan nhà nước tạo ra nhưng đang do cá nhân, gia đình, dòng họ lưu giữ và không xác minh được nguồn gốc hình thành tài liệu (ví dụ như các châu bản, bản đồ của triều đình phong kiến) đang thuộc quyền chiếm hữu của một số gia đình hoàng tộc cũ hoặc nhà sưu tầm. 

Thứ tư, đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung.

Đặc điểm này thể hiện rõ so với các tài liệu lưu trữ nhà nước. Nếu các tài liệu của Nhà nước được tạo theo những quy chuẩn nhất định về hình thức trình bày và cách diễn đạt thì tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ không bị bó hẹp trong một dạng thức nào. Nếu các văn bản của Nhà nước thể hiện hoạt động quản lý của chính quyền với văn phong hành chính có phần khuôn sáo và nguyên tắc thì tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ đem đến nhiều sắc thái cảm xúc, gần gũi hơn với đời sống con người và nhiều chi tiết sinh động, khiến cho lịch sử được tạo ra từ các nguồn tài liệu đó trở nên cuốn hút hơn. Ví dụ, thư gửi nhà, nhật ký, hồi ký, lịch sử qua lời kể, ghi chép hành trình… đều là tiếng nói của những người trong cuộc, thể hiện góc nhìn của nhân chứng lịch sử dù họ tình cờ hay hữu ý trở thành nhân chứng. 

Thứ năm, không nhất quán về hình thức và thiếu toàn vẹn về nội dung.

Do các đặc thù luôn gắn liền với cá nhân trong quá trình từ lúc tạo ra đến lúc lựa chọn để lưu giữ lại, tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ chịu sự chi phối hoàn toàn bởi quan điểm, cách đánh giá chủ quan của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm lưu giữ tài liệu. Tài liệu có thể bị sửa chữa, thay đổi về cả hình thức và nội dung, thậm chí bị làm sai lệch ngay từ lúc được tạo ra trước khi được giao lại cho cơ quan lưu trữ để phục vụ sử dụng rộng rãi. Cá nhân hay nhóm người làm ra tài liệu có thể cố ý để lại những thông tin không chính xác để dẫn đến nhận thức khác về một vấn đề nào đó. Trường hợp này xuất hiện ở một số gia phả dòng họ vì khi soạn gia phả, các dòng họ đều muốn tạo ra nhiều công trạng, thành tích cho các cá nhân nổi bật nên đã ghi thêm những chi tiết thiếu chân thực. 

2. Đặc điểm của tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ

2.1. Đối với tài liệu lưu trữ cá nhân 

Đây là tài liệu chứa đựng thông tin cá nhân, có trong nội dung tài liệu lưu trữ cá nhân, có thể được hiểu đồng nghĩa với dữ liệu cá nhân, là những điều, tin tức có nội dung liên quan, thuộc về một con người tự nhiên và được ghi nhận, thể hiện trong các vật mang tin do cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân tạo ra sao cho từ việc sử dụng một hoặc kết hợp nhiều điều, tin tức đó có thể nhận diện, xác định được người đó là cá nhân nào trong xã hội.

Thông tin cá nhân liên quan mật thiết đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật về lưu trữ tài liệu cá nhân, bao gồm các quyền chính đáng của cá nhân được pháp luật bảo vệ, nhất là quyền về bí mật dữ liệu cá nhân, quyền bí mật đời tư, bí mật gia đình. Tuy nhiên, không phải mọi mong muốn giữ bí mật của cá nhân đối với thông tin của mình đều được đáp ứng vô điều kiện do có thể bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật để trở thành quyền của cá nhân đó, được pháp luật xác lập, ghi nhận, thừa nhận và bảo vệ. 

Với cách tiếp cận này, có thể hiểu thông tin bí mật của cá nhân là những thông tin cá nhân có khả năng gây nguy hại tới thân thể, vật chất, tinh thần của cá nhân đó mà họ được quyền giữ kín theo quy định của pháp luật.

2.2. Đối với tài liệu lưu trữ gia đình, dòng họ

Tài liệu lưu trữ gia đình, dòng họ là những ghi chép lịch sử các hoạt động xã hội như quản lý tộc vụ, sắp xếp thế hệ, ban hành gia quy, thờ cúng tổ tiên, gìn giữ gia phả... của dòng họ và các thành viên trong dòng họ ấy, đồng thời là đối tượng truyền tải của văn hóa gia đình, dòng họ. Những tài liệu này thường bao gồm nhật ký, thư từ, bản thảo, khế ước, hóa đơn, bia khắc, ảnh chụp, di chúc, gia phả và sách vở... Những tài liệu lưu trữ được hình thành bởi các gia đình, dòng họ cũng có những đặc điểm riêng biệt. 

Tài liệu lưu trữ của gia đình, dòng họ có một số đặc trưng riêng, bao gồm:

- Tính huyết thống: tài liệu lưu trữ gia đình, dòng họ thể hiện rõ mối quan hệ gia đình, huyết thống giữa các thành viên. Thông qua những tài liệu này, các nhà nghiên cứu phả hệ có thể xác định được sự liên quan giữa các cá nhân, một số đặc tính di truyền của nhóm người, biểu hiện bệnh lý hoặc yếu tố ưu việt. Do đó, các nghiên cứu cũng có thể tham khảo để xác định mối quan hệ giữa các thành viên và sự ảnh hưởng của nó cùng các yếu tố khác thuộc về truyền thống gia đình đến các cá nhân kiệt xuất…

- Thuộc quyền sở hữu của một nhóm người và có tính kế thừa hợp pháp: những tài liệu này được hình thành bằng nhiều cách, trong đó có những tài liệu như thần tích, thần sắc, văn bia… do chính quyền tạo ra, nhưng được nhiều thế hệ của dòng họ lưu giữ, được coi là đồ gia bảo, gia truyền và việc quản lý, sử dụng phải có sự đồng thuận của cả gia đình, dòng họ. Những tài liệu do nhiều thế hệ cùng tạo ra như các gia phả, lịch sử dòng họ, các ghi chép, băng đĩa hình, ảnh chụp về các hoạt động của dòng họ cũng được quản lý, sử dụng theo nguyên tắc chung của gia đình, dòng họ. Việc bàn giao quyền quản lý, sử dụng tiếp tục các tài liệu của dòng họ, của gia đình dựa trên quan hệ huyết thống và quy tắc chung của gia đình, dòng họ, đa phần được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là căn cứ chính xác định tính chất sở hữu của những tài liệu lưu trữ này. 

- Tính đặc thù: trong tài liệu lưu trữ gia đình, dòng họ có thông tin về cá nhân như các mối quan hệ cá nhân, nhân thân, các thông tin về sức khỏe, tài chính và các yếu tố riêng tư khác cần được bảo vệ khỏi sự lợi dụng để trục lợi bất hợp pháp. Với các gia đình, dòng họ có hoạt động kinh tế chung, hoạt động chuyên môn như các doanh nghiệp gia đình, các gia đình có thành viên là các chuyên gia về cùng một lĩnh vực… tài liệu lưu trữ gia đình còn chứa đựng thông tin về bí mật kinh doanh, bí mật sản xuất, chế tạo, các phát minh, sáng chế, thành tựu nghiên cứu, sáng tạo của mỗi thành viên và của cả gia đình. Ví dụ, một số dòng họ cũng có hoạt động kinh tế chung, có những khoản đóng góp, quản lý quỹ và ngân sách chung… mà người ngoài dòng họ không nên và không cần biết. Những nội dung đó tạo nên đặc thù riêng của thông tin trong tài liệu của gia đình, dòng họ và cần được bảo vệ hợp pháp. 

3. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ 

Với đặc thù của các tài liệu lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ, công tác quản lý nhà nước đối với các loại tài liệu này cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, tôn trọng quyền sở hữu của chủ sở hữu: dựa trên quá trình hình thành và các đặc tính của tài liệu cùng với quy định hiện hành của pháp luật về sở hữu, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng các hình thức chuyển đổi sở hữu hợp lý hoặc đề xuất mô hình quản lý kết hợp giữa nhà nước và tư nhân để không vi phạm các quyền của chủ sở hữu đã được pháp luật công nhận.

Hai là, tôn trọng quyền riêng tư: cần xây dựng cơ chế pháp lý và quy định pháp luật phù hợp để quản lý tài liệu và thông tin trong tài liệu sao cho các bí mật cá nhân được bảo toàn.

Ba là, đánh giá đúng khu vực không gian để bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu một cách tốt nhất: mỗi tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ được tạo ra trong những không gian, thời gian nhất định, có ý nghĩa với những cộng đồng người cụ thể nên việc quản lý tài liệu tại khu vực địa lý nào, do cơ quan lưu trữ cấp nào chịu trách nhiệm chính sẽ ảnh hưởng đến việc phát huy giá trị tài liệu đó. Công ước Quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990, đã quy định rõ: “Thừa nhận gia đình là một tế bào tự nhiên và cơ bản của xã hội và có quyền được xã hội và nhà nước bảo vệ”(1).

Vì vậy, để bảo vệ các tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ cũng như việc quy định các quyền và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình, dòng họ khi tham gia các quan hệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến lịch sử gia đình, dòng họ cũng như những tài liệu lưu trữ ghi chép lại lịch sử đó. Quản lý nhà nước về lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp, không chỉ căn cứ trên hệ thống pháp luật hiện hành và mục tiêu của Nhà nước, mà cần phải phân tích, đánh giá về giá trị của các tài liệu lưu trữ, thông tin trong tài liệu trên cơ sở chuyên môn về lưu trữ học khi sử dụng tài liệu./. 

---------------------------------

Ghi chú:

(1) Đại hội đồng Liên hợp quốc, Công ước Quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990 (Điều 44).

Tài liệu tham khảo:

1. Lã Thị Duyên (2020), Quản lý nhà nước tài liệu lưu trữ cá nhân, gia đình, dòng họ ở Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ mã số ĐT.07/20, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chủ trì.

2. Lã Thị Duyên, “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm ở trong nước - Những vấn đề đặt ra”, Tạp chí Lưu trữ Việt Nam, số tháng 11/2012.

3. Phạm Thị Diệu Linh (2019), Chính sách quản lý tài liệu lưu trữ nhân dân ở Việt Nam, luận án tiến sĩ chuyên ngành Lưu trữ học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

4. Phạm Thị Diệu Linh (2011), Quản lý nhà nước về công tác lưu trữ tại thành phố Hà Nội - thực trạng và giải pháp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mã số CS.2011.05, do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì.

 

Lã Thị Duyên - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ

Phạm Thị Diệu Linh - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.