Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Những vấn đề đặt ra qua việc triển khai thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã

Ngày đăng: 08/02/2021   11:07
Mặc định Cỡ chữ
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, nước ta có tới 6.191/11.160 đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số (chiếm 55,46%) trong đó có 5.106 xã (gồm 1.922 xã miền núi vùng cao; 3.173 xã đồng bằng, trung du; 11 xã hải đảo), 794 phường (gồm 422 phường thuộc quận; 327 phường thuộc thành phố thuộc tỉnh; 45 phường thuộc thị xã) và 291 thị trấn(1). Căn cứ tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến từ năm 2019 đến năm 2021 sẽ sắp xếp lại 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số; tiếp đó, xem xét để sáp nhập trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 10.603 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 1.716 phường, 604 thị trấn và 8.283 xã)(2).

1. Những khó khăn, vướng mắc đặt ra khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã

Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên, lãnh thổ.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính thì tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp xã ở nông thôn có quy mô dân số ở xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 8.000 người trở lên. Diện tích tự nhiên xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên; xã không thuộc miền núi, vùng cao từ 30 km2 trở lên. 

Với tiêu chuẩn này, khi thực hiện sáp nhập các xã khu vực nông thôn, miền núi sẽ gặp nhiều vấn đề như địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác… Khoảng cách về địa lý giữa các hộ trong thôn, xã là rất lớn, có nơi từ đầu thôn đến cuối thôn khoảng 6 đến 7km, từ bản này đến bản kia từ 13 đến 15km; khoảng cách địa lý từ nhiều hộ gia đình đến trung tâm thôn, bản và trung tâm của xã rất xa, dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức họp, tuyên truyền vận động, sinh hoạt cộng đồng... Mặt khác, một số xóm, tổ dân phố ở vùng đồng bằng có quy mô số hộ gia đình không bảo đảm điều kiện theo quy định, nhưng do không nằm liền kề nhau nên không thể sáp nhập được; thậm chí một số xóm, tổ dân phố phải chia tách để sáp nhập vào nhiều xóm, tổ dân phố khác nhau nên gặp khó khăn khi lấy ý kiến cử tri trong quá trình thực hiện. 

Thứ hai, những đặc thù về tôn giáo, tín ngưỡng.

Tính đến tháng 11/2019, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo với hơn 26 triệu tín đồ; hơn 57 nghìn chức sắc. Có gần 30 nghìn cơ sở thờ tự tôn giáo, 45 nghìn cơ sở tín ngưỡng, 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo(3). Số tín đồ tôn giáo ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là nông dân (ước tính số tín đồ là nông dân của Phật giáo và Công giáo chiếm 80 đến 85%, của đạo Cao Đài, Hòa Hảo là 95%, của đạo Tin Lành là 65%) và vẫn tiếp tục gia tăng ở các tôn giáo, ở các khu vực kinh tế kém phát triển, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã tại địa phương đã xuất hiện những mâu thuẫn phát sinh liên quan đến đất đai thờ tự, nơi sinh hoạt tôn giáo, hình thức sinh hoạt tôn giáo; những bất ổn như tách, lập giáo họ, chuyển nhượng, hiến đất xây nơi thờ tự trái phép, đòi đất đai, nhà thờ… Đặc biệt, một số biểu hiện lợi dụng việc sáp nhập để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động giáo dân, quần chúng nhân dân tại nhiều địa bàn, dẫn đến các hoạt động phản ứng, gây rối, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Nếu các địa phương không làm tốt công tác tư tưởng, dân vận chính quyền thì những mâu thuẫn nêu trên rất dễ phát sinh.

Thứ ba, những đặc thù về lịch sử, truyền thống, dân tộc, văn hóa, phong tục, tập quán.

Sự khác biệt về phong tục, tập quán của người dân thuộc các dân tộc khác nhau là một khó khăn lớn khi thực hiện sáp nhập. Do đó, cần có giải pháp cụ thể để gìn giữ được các giá trị truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Ở nhiều vùng, tư tưởng dòng họ ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên rất khó hòa nhập, khó chấp nhận việc sáp nhập vào làng, xã mới. Làng, ấp, thôn, buôn, bản ở Việt Nam đều có tên gọi cụ thể và gắn với lịch sử. Việc đặt tên làng, xã sau sáp nhập cũng khó khăn, vì hầu hết người dân muốn giữ tên truyền thống đã gắn bó lâu đời. Việc bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước của các làng, xã sau sáp nhập cũng là điều khó khăn, vì trước đó các làng xã cũ đều có quy ước, hương ước riêng.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà văn hóa nào làm điểm trung tâm của một số  thôn, xóm cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Với phạm vi, quy mô dân số lớn hơn, các nhà văn hóa trước đây  không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi đó những khó khăn về kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa mới, khu vui chơi, các thiết chế văn hóa ở xóm, tổ dân phố mới cũng được đặt ra cần được tháo gỡ...

Thứ tư, về bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Ngoài việc quan tâm đến quyền bình đẳng giữa các dân tộc, ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng đồng bào dân tộc ít người để kích động gây chia rẽ, xâm hại đến an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính thì việc hình thành và điều chỉnh các quy tắc, quy phạm mới ở những đơn vị mới sáp nhập cần phải được quan tâm. Những quy định chung về trật tự, vệ sinh, nếp sống văn minh; tuân thủ những quy định của pháp luật và phong tục, tập quán, sinh hoạt cần sớm hoàn thiện và được mọi người thừa nhận, chung tay thực hiện. 

Những bức xúc, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân trong quá trình tiến hành sáp nhập, nếu không được kịp thời khắc phục sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh trật tự của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dẫn đến người dân còn tâm lý lo ngại khi sáp nhập sẽ khó khăn, xáo trộn trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan.

2. Một số giải pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn trong việc thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã 

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hiểu việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cũng như việc sáp nhập các thôn, xóm, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để thấu hiểu và nhận được sự đồng thuận của quần chúng nhân dân. 

Trên thực tế, có những xã, phường là địa danh lịch sử, truyền thống văn hóa rất quan trọng đối với người dân đã gắn bó, sinh sống lâu đời tại đây; hoặc có những xã, phường do vị trí địa lý không thể sắp xếp một cách cơ học... Do đó nơi nào thuận lợi, hội đủ điều kiện thì các cấp chính quyền phải có phương án phù hợp với đặc thù của địa phương để thực hiện; nơi nào phức tạp khó khăn hơn thì cần có lộ trình cụ thể, và phải luôn lắng nghe ý kiến từ phía người dân.

Hai là, cần rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn điều chỉnh về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc thay đổi giấy tờ có liên quan như: sổ hộ khẩu, chứng minh thư, căn cước công dân... Bên cạnh đó, cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chức danh, số lượng và mức phụ cấp cho đội ngũ cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau khi sáp nhập. 

Ba là, cần tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức khi tiến hành việc thực hiện sáp nhập, kiện toàn tổ chức bộ máy. Các cơ quan Trung ương cần sát sao cùng với địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh; tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy trình giải thể, sáp nhập, thành lập chi bộ đảng, các đoàn thể theo quy định sau khi thực hiện việc giải thể, sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới; hướng dẫn việc tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. 

Đặc biệt, cần có những giải pháp phù hợp để xử lý vấn đề dôi dư cán bộ, công chức khi tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Trong quá trình thực hiện phải thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật, đồng thời phải đảm bảo hợp tình, hợp lý. 

Bốn là, cần nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định về sử dụng chung tài sản công như: nhà văn hóa các phường, xã, nhà đa năng các trường học đồng thời là nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố, xóm…; xem xét ban hành cơ chế bán đấu giá tài sản là nhà văn hóa của thôn, tổ dân phố để xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với quy mô thôn, tổ dân phố được tổ chức lại sau khi sáp nhập. Nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện quy chế khoán kinh phí hoạt động của một số tổ chức ở xã, thôn, tổ dân phố, bảo đảm linh hoạt, thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương theo hướng một tổ chức có thể phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, một chức danh có thể kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ để đạt mục tiêu giảm tối đa việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước. 

Năm là, trong quá trình sáp nhập cần chú ý đến những đặc thù về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; trong đó cần quan tâm đến tính hài hòa giữa văn hóa truyền thống và đặc thù của mỗi vùng miền, nhất là đối với các tín ngưỡng, tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cần tích cực vận động quần chúng, các tín đồ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo thực hiện tốt phong trào sống tốt đời, đẹp đạo để vừa làm tốt việc đạo, vừa góp phần xây dựng đất nước. Chủ động tổ chức những buổi giao lưu, gặp gỡ để giúp các tổ chức xã hội hòa nhập sau sáp nhập, nhằm tạo sự đồng thuận góp phần chung tay, đoàn kết xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh./. 

--------------------------------------------

Ghi chú:

(1) http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Ban-viec-sap-nhap-cac-huyen-xa-chua-dat-50-tieu-chuan/341086.vgp.

(2) Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nội vụ năm 2020.

(3) http://cand.com.vn/Nhan-quyen/Viet-Nam-luon-bao-dam-su-da-dang-hoa-hop-va-binh-dang-ton-giao-622959/.

 

TS Nguyễn Thị Thu Hòa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Ths Phạm Thị Thúy Hồng, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.