Hà Nội, Ngày 28/03/2024

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu hoạch định chính sách ở các bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng: 05/02/2021   15:34
Mặc định Cỡ chữ
Chính sách ban hành có chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội; ngược lại, chính sách không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và của người dân. Quá trình hội nhập và toàn cầu hóa cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống của người dân; xu hướng dân chủ hóa đời sống xã hội và trình độ dân trí ngày càng cao đòi hỏi việc xây dựng và ban hành chính sách phải mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Ở mỗi giai đoạn phát triển của xã hội, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách luôn được các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt quan tâm.

1. Thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách ở Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến năm 2018, tổng số cán bộ, công chức của các bộ, cơ quan ngang bộ làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định chính sách là 5.138 người (trong đó có 475 người làm việc tại Bộ Tư pháp; 472 người làm việc tại Vụ Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 4.191 người làm việc tại các đơn vị chuyên môn thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ). Về cơ bản, cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật ở các cơ quan Trung ương được đào tạo chính quy với 1.929 người có trình độ đại học và 3.030 người có trình độ sau đại học(1).

Qua kết quả khảo sát cho thấy gần 99% cán bộ, công chức ở các bộ được giao nhiệm vụ xây dựng chính sách đều được đào tạo bài bản, chính quy và có trình độ đại học trở lên. Trải qua quá trình tham mưu xây dựng chính sách đội ngũ nhân lực này không chỉ có trình độ mà còn tích lũy được kinh nghiệm trong quá trình làm việc thực tế. Chất lượng đội ngũ nhân lực đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng dự thảo các chính sách có chất lượng trong thời gian qua.

Đội ngũ cán bộ, công chức của các đơn vị khác (không phải Vụ Pháp chế) thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan chuyên môn chủ yếu được đào tạo từ các chuyên ngành khác. Số lượng được đào tạo chuyên ngành luật chỉ chiếm 27% trong tổng số cán bộ, công chức tham gia xây dựng, soạn thảo, thẩm định chính sách ở các bộ, cơ quan ngang bộ.

Có một thực tế là, các cơ quan, đơn vị chưa có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng chính sách, đặc biệt là chính sách đãi ngộ và sử dụng hiệu quả cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng. Tình trạng một số cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài sau đó không trở về hoặc trở về, nhưng lại chuyển sang công tác ở lĩnh vực khác ngày càng phổ biến, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám và lãng phí nguồn nhân lực.

Chất lượng hoạch định chính sách một phần được đánh giá thông qua tỷ lệ tán thành của các đại biểu Quốc hội. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, các bộ và cơ quan ngang bộ đã tiến hành tham mưu hoạch định chính sách và điều chỉnh 23 chính sách của Nhà nước trên tất cả các ngành và lĩnh vực mà các bộ quản lý. Trong 23 chính sách được tham mưu hoạch định và điều chỉnh có 08 chính sách được thông qua (đạt tỷ lệ 37,5%), đây là kết quả quan trọng mà các bộ, cơ quan ngang bộ đã giành được.

Kết quả hoạch định chính sách ở các bộ được đánh giá thông qua tỷ lệ tán thành của Quốc hội như sau:

Bảng 1: Các dự thảo luật được thông qua giai đoạn 2016 - 2018

STT

Luật được thông qua

Tỷ lệ tán thành (đơn vị %)

Tỷ lệ không tán (đơn vị %)

Tỷ lệ không bỏ phiếu (đơn vị %)

1

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

84,58

2,03

0,2

2

Luật Đấu giá tài sản

84,41

2,57

0

3

Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư

83,16

7,3

2,03

4

Luật Quốc phòng (sửa đổi)

88,30

0,82

0,21%

5

Luật An ninh mạng

86,86

3,08

5,75

6

Luật Tố cáo (sửa đổi)

96,30

0,21

0

7

Luật Cạnh tranh (sửa đổi)

95,28

1,03

0

8

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

93,83

0,21

0,41

Nguồn: Quốc hội Việt Nam

Số liệu trên cho thấy, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, Quốc hội đã thông qua 04 chính sách mới được các bộ xây dựng. Tỷ lệ ủng hộ đối với các chính sách này rất cao, từ 84,41% đến 86,86% số đại biểu tham dự; thể hiện tính thời sự của các chính sách và chất lượng tham mưu hoạch định chính sách. Trong số 08 chính sách được thông qua, có 04 chính sách được các bộ tham mưu và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước và được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao, thể hiện qua tỷ lệ ủng hộ của số đại biểu tham dự bỏ phiếu tán thành chiếm từ 83,16% đến 96,3%.

Bảng 2: Dự thảo luật dự định thông qua và cho ý kiến giai đoạn 2016 – 2018

STT

Luật dự định thông qua

Dự luật cho ý kiến

1

Luật Cảnh sát biển Việt Nam

Luật Giáo dục (sửa đổi)

2

Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Luật Kiến trúc

3

Luật Đặc xá (sửa đổi)

Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

4

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học

Luật Đầu tư công (sửa đổi)

5

Luật Chăn nuôi

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự

6

Luật Trồng trọt

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

7

Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

 

8

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

 

9

Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch

 

Nguồn: Quốc hội Việt Nam

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2018, các bộ đã tiến hành tham mưu hoạch định và sửa đổi 15 chính sách, trong đó có 09 chính sách dự kiến thông qua trong kỳ họp tiếp theo; 06 chính sách được tham mưu hoạch định và trình xin ý kiến Quốc hội. Điều này thể hiện quá trình hoạch định chính sách của các bộ khá chặt chẽ, khách quan và dân chủ.

Trong những năm qua, Bộ Tư pháp đã kiểm tra và phát hiện hàng nghìn văn bản trái pháp luật, trong đó có những văn bản khi ban hành đã gặp nhiều phản ứng của dư luận. Ví dụ, Thông tư số 45/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về giấy tờ hành khách có thể xuất trình khi làm thủ tục đi máy bay nội địa đã loại bỏ các loại giấy tờ như: thẻ đảng viên; thẻ nhà báo; giấy phép lái xe; thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay; thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam, bị dư luận phản ứng khá gay gắt. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp nhận định, việc loại bỏ một số giấy tờ nêu trên nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý.

Đánh giá chung, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hoạch định chính sách còn có những hạn chế, chưa đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu thực tiễn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã chỉ rõ: “Một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, nhất quán; còn có biểu hiện lợi ích cục bộ, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”.

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia hoạch định chính sách

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia quá trình hoạch định chính sách, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực làm công tác xây dựng và hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách đãi ngộ và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, xây dựng chính sách sau khi đã được đào tạo, bồi dưỡng. Có chính sách thu hút cán bộ, công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài trở về làm công tác hoạch định chính sách, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực.

Hai là, cần quan tâm đúng mức đến việc xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức làm công tác xây dựng chính sách, soạn thảo, thẩm định chính sách của bộ, ngành quản lý. Kế hoạch đào tạo phải cụ thể, gắn với tình hình quản lý thực tế tại các bộ. Chương trình đào tạo cần phù hợp với năng lực của người tham gia hoạch định chính sách và điều kiện thực tiễn. Sau đào tạo các bộ cần có đánh giá chính xác năng lực đang có và năng lực cần đạt được trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng và hoạch định chính sách, để từ đó lựa chọn những người có năng lực, trình độ cao tham gia vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách.  

Ba là, cần có chiến lược tuyển dụng cán bộ, công chức có trình độ cao về chuyên ngành pháp luật. Sau khi tuyển dụng, cần sắp xếp, tạo điều kiện cho đội ngũ này được làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, bắt đầu từ cơ sở, để tích lũy kinh nghiệm và các kiến thức thực tế khi tiến hành tham mưu, kiến nghị hoạch định chính sách phù hợp với thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương và vấn đề chính sách cần hoạch định mang tính thời sự, cấp thiết, được sự đồng thuận của người dân với tư cách là người trực tiếp chịu tác động của chính sách và hưởng thụ chính sách. Đồng thời, những người tham gia quá trình hoạch định chính sách có thể đưa ra những kiến nghị phù hợp, tránh việc xây dựng chính sách không sát với thực tế, chính sách ban hành chồng chéo làm lãng phí nguồn lực và gây sự bức xúc không đáng có trong nhân dân. Điều quan trọng là, đội ngũ công chức tham gia quá trình hoạch định chính sách phải là những người chí công vô tư, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm, biết vượt qua thử thách về lợi ích để không tạo kẽ hở nhằm trục lợi, “tham nhũng chính sách”.

Bốn là, cần sắp xếp tổ chức bộ máy xây dựng và hoạch định chính sách cho phù hợp, có thể tiến hành hoạch định các chính sách theo dự án. Mỗi dự án cần lựa chọn chuyên gia giỏi về vấn đề cần hoạch định và có năng lực quản lý tốt. Đối với các chuyên gia, người đứng đầu các bộ, cơ quan, đơn vị cần trực tiếp lựa chọn, phân công nhiệm vụ; đội ngũ này có trách nhiệm báo cáo trực tiếp tiến độ của dự án với người đứng đầu. Đội ngũ những người tham gia dự án xây dựng và hoạch định chính sách cần được lựa chọn, tuyển dụng và được hưởng lương, thù lao tương xứng với công việc được giao.  

Xây dựng và hoạch định chính sách là bước đầu tiên trong một chuỗi các hoạt động liên quan đến quá trình ban hành các chính sách của Nhà nước, có vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng chính sách. Do đó, đội ngũ xây dựng và hoạch định chính sách phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, khả năng khái quát, đánh giá vấn đề. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham gia xây dựng và hoạch định chính sách cần được thực hiện đồng bộ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước./.

-----------------------------------------------

Ghi chú:

(1) Bộ Tư pháp (2019), Báo cáo đánh giá 03 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XI về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

2. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. Nxb Từ điển Bách khoa, Từ điển Bách khoa Việt Nam, H.2011.

 

ThS Nguyễn Thị Hoa, ThS Nguyễn Văn Phú - Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.

Công chức và vấn đề quản trị bản thân

Ngày đăng 05/03/2024
Cấu trúc quản trị bản thân và điều chỉnh nhận thức, hành vi của công chức trong hoạt động công vụ rất đa dạng. Môi trường công vụ với những hoạt động, quan hệ của công chức tạo nên các yếu tố cấu trúc kiểm soát nhận thức và hành động của họ. Bài viết phân tích các vấn đề tự do và khuôn khổ, quản trị bản thân của công chức hiện nay.

Một số khuyến nghị khi xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng

Ngày đăng 27/02/2024
Chính quyền đô thị là mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với xu hướng của thế giới. Ở Việt Nam, mô hình này đã được triển khai và thí điểm triển khai thực hiện 03 thành phố trực thuộc trung ương gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Hải Phòng là thành phố cảng biển quan trọng, trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học thương mại và công nghệ thuộc Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển đô thị của thành phố Hải Phòng đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; đồng thời đặt ra yêu cầu tất yếu phải xây dựng mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Bài viết phân tích đặc trưng đô thị của thành phố Hải Phòng, những thuận lợi và khó khăn của thành phố khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị và một số khuyến nghị về xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.

Xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra - từ thực tiễn hoạt động của Thanh tra Bộ Nội vụ

Ngày đăng 27/02/2024
Thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động thanh tra là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của cơ quan thanh tra được pháp luật quy định để xem xét, kết luận nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể trong hoạt động thanh tra. Từ thực tiễn của Thanh tra Bộ Nội vụ, bài viết khái quát thực trạng việc thực hiện thẩm quyền và đề xuất một số giải pháp nhằm xác định thẩm quyền của các cơ quan thanh tra nhà nước trong trong hoạt động thanh tra.  

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.