Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới

Ngày đăng: 29/01/2021   14:40
Mặc định Cỡ chữ
Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; song, nhờ sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong thành tựu chung đó, có sự đóng góp tích cực của Bộ Nội vụ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác tôn giáo, tín ngưỡng và sự chung tay đóng góp của các tổ chức tôn giáo, của chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam.

1. Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam năm 2020

Năm 2020, các hoạt động tôn giáo diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ pháp luật, theo đúng Hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và thực hiện theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc. Quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn; khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống đại dịch COVID-19 và hướng dẫn của các cơ quan chức năng về phòng, chống dịch.

Chính quyền các cấp đã quan tâm hướng dẫn, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của Giáo hội, tạo sự đồng thuận trong chức sắc tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Một số tổ chức tôn giáo đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ và tiến hành sửa đổi Hiến chương để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Quan hệ quốc tế của các tôn giáo đã góp phần thúc đẩy ngoại giao nhân dân. Các tổ chức tôn giáo ở trong nước ngày càng có quan hệ chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài. Quan hệ Việt Nam - Vatican có tiến triển, hai bên đã thống nhất chủ trương nâng cấp quan hệ lên Đặc phái viên thường trú theo lộ trình chặt chẽ, đảm bảo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và các thông lệ ngoại giao quốc tế. Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Tòa thánh Vatican đang tiếp tục trao đổi về các nội dung trên và chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 9 quan hệ Việt Nam - Vatican.

2. Kết quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020

2.1. Công tác tham mưu xây dựng chính sách, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời đề xuất xử lý đối với tình hình phức tạp về tín ngưỡng, tôn giáo mới phát sinh, cụ thể là: tham mưu xây dựng “Báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2011-2020 và đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021-2030, kế hoạch 05 năm 2021-2025” phục vụ xây dựng báo cáo của Tiểu ban Kinh tế - xã hội tại Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng; tham mưu bổ sung những điểm mới về tín ngưỡng, tôn giáo cho dự thảo Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng; báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP…

Bộ Nội vụ đã báo cáo Quốc hội khóa XIV kết quả giải quyết kiến nghị liên quan đến công tác tôn giáo của cử tri; hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới; tổng kết việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020; triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020; ban hành kế hoạch sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP…

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các địa phương đã bám sát chỉ đạo của cấp trên, chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền cùng cấp chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các văn bản quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; thực hiện tốt công tác tuyên truyền đối với chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia thực hiện chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; đấu tranh, phản bác các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa.

2.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng và pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được đổi mới, đẩy mạnh thông qua Trang thông tin điện tử và Tạp chí Công tác tôn giáo; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng các phóng sự, chương trình tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo; vai trò của các tổ chức tôn giáo tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Qua đó khẳng định tính đúng đắn trong đường lối, chính sách, pháp luật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; kịp thời định hướng dư luận xã hội về tình hình và công tác tôn giáo; đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch và các đối tượng xấu.

Đã tiến hành kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP; triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Nội vụ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng; xây dựng quy trình xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; in ấn văn bản pháp luật, tài liệu hỏi đáp pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức 11 hội nghị cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành với 2.977 lượt người tham dự; 04 hội nghị cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo với 625 người tham dự; cấp phát 5.342 bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đại biểu tham dự hội nghị. Đã xây dựng 02 bộ tài liệu môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam để triển khai giảng dạy trong các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động ban hành Chương trình công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2020; đề xuất UBND cùng cấp ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương; kế hoạch kiểm tra công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức 277 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho 77.004 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo; tổ chức 809 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 162.571 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo (trong đó, có 189 lớp cho 20.500 chức sắc; 620 lớp cho 142.071 tín đồ).

2.3. Công tác thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

2.3.1. Công tác quản lý, hướng dẫn các hoạt động tôn giáo

Bộ Nội vụ đã chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Cụ thể, đã chủ động thiết lập kênh liên lạc online với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo để trao đổi và hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị thường niên, đại hội và các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo theo đúng Hiến chương, Điều lệ và quy định của pháp luật, đã lựa chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội là người có uy tín, gắn bó với chính quyền. Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ có Quyết định ban hành Chương trình, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện giảng dạy môn học Lịch sử Việt Nam và môn học Pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo.

Thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo trong tình hình mới, Bộ Nội vụ đã chỉ đạo duy trì và phát huy cơ chế làm việc giữa Ban Tôn giáo Chính phủ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để lắng nghe các kiến nghị; trao đổi, thống nhất giải quyết những vấn đề còn vướng mắc giữa Nhà nước và Giáo hội; tổ chức 02 phiên làm việc với Hội đồng Giám mục Việt Nam để triển khai một số công tác đối với Công giáo Việt Nam; tổ chức 03 phiên làm việc với Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam để chấn chỉnh các hoạt động lệch chuẩn tâm linh xảy ra tại một số cơ sở thờ tự Phật giáo.

Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ đã trực tiếp làm việc với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và lãnh đạo Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; chỉ đạo các vụ chuyên môn làm việc với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Lãnh đạo Giáo hội Công giáo và các tổ chức, hệ phái Tin lành bày tỏ “Lễ Phục sinh năm 2020 là lễ Phục sinh đáng nhớ nhất của đồng bào giáo dân”. Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh và Sở Nội vụ ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, tín đồ các tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đạt kết quả tích cực.

Cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đã tăng cường nắm tình hình, chủ động tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương quan tâm giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của các tổ chức tôn giáo, xử lý các vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo; xem xét cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo xây dựng Hiến chương, Điều lệ và thực hiện các thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo; qua đó đã tạo được sự tin tưởng của các tôn giáo đối với cấp ủy và chính quyền...

2.3.2. Công tác phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

Bộ Nội vụ đã chủ động trao đổi thông tin với các cơ  quan hữu quan để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo. Trong thời gian dịch COVID-19, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp với Bộ Y tế làm việc với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam các địa phương; làm việc với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Công giáo; chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai các mặt công tác đối với hoạt động của các hiện tượng tôn giáo mới, “tà đạo”, “đạo lạ”…

Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã ký kết “Chương trình phối hợp công tác về tôn giáo, tín ngưỡng đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Ban (Phòng) Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu với Sở Nội vụ trình UBND cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Nội vụ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng trên địa bàn.

2.4. Công tác đối ngoại tôn giáo

Trong bối cảnh dịch COVID-19, các hoạt động đối ngoại tôn giáo được duy trì theo hình thức trực tuyến. Vòng đối thoại nhân quyền Việt Nam - Mỹ lần thứ 24 được tổ chức theo hình thức trực tuyến được Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Mỹ Sam Brownback đánh giá là cuộc đối thoại nhân quyền thành công nhất từ trước đến nay, hai bên đã cởi mở, thẳng thắn chia sẻ thông tin, tình hình về các vụ việc được nêu ra trên tinh thần xây dựng, hiểu biết lẫn nhau.

Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an triển khai công tác vận động, đấu tranh với các quốc gia và tổ chức có quan điểm khác tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam; xây dựng lập luận về tự do tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại. Chủ động duy trì quan hệ đối thoại với Tòa thánh Vatican về tình hình Công giáo tại Việt Nam; làm việc với Đại sứ Mỹ và Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam để thông tin về tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam; cung cấp các thông tin chính thống, phục vụ đấu tranh nhân quyền với các thế lực thù địch vu cáo Việt Nam về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ Nội vụ, trong năm 2020, các tổ chức tôn giáo đã tạm dừng cử các đoàn đi hoạt động tôn giáo ở nước ngoài và hạn chế các đoàn tôn giáo nước ngoài từ vùng dịch vào Việt Nam hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19. Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các tỉnh tiếp giáp với Lào, Campuchia, Trung Quốc.

2.5. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo

Trong năm 2020, đã tiến hành 02 cuộc thanh tra chuyên ngành việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An; 02 cuộc kiểm tra về nội dung này tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Thanh Hóa; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về tôn giáo cho công chức Ban Tôn giáo Chính phủ; đôn đốc UBND các địa phương thực hiện Thông báo kết luận thanh tra chuyên ngành về tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đã tổ chức tiếp và hướng dẫn công dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để đơn thư tồn đọng; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xử lý, giải quyết theo thẩm quyền.

Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu cho UBND cấp tỉnh ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chứa đựng quy phạm pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn trình tự, thủ tục giải quyết các vấn đề đối với hoạt động của các tổ chức tôn giáo trực thuộc...

3. Một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2021

Một là, nghiên cứu nội dung Văn kiện Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng liên quan đến quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Văn kiện của Đảng. Tổ chức thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã được phê duyệt năm 2021; chủ động nắm bắt, dự báo tình hình để có biện pháp quản lý hiệu quả, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề phức tạp liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Hai là, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo đóng góp cho xã hội. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Sơ kết 03 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP của Chính phủ; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan tạo sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Hướng dẫn các tổ chức tôn giáo tổ chức đại hội, đại hội đồng nhiệm kỳ theo quy định, đảm bảo nguyên tắc lựa chọn những chức sắc có đạo hạnh, uy tín, có tinh thần yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc tham gia vào ban lãnh đạo các tổ chức tôn giáo. Tiếp tục duy trì cơ chế làm việc định kỳ giữa Ban Tôn giáo Chính phủ với Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và lãnh đạo một số tổ chức Tin Lành, Cao Đài... Tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động Phật giáo Nam tông Khmer theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bốn là, tăng cường vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Chủ động phối hợp giải quyết có hiệu quả các vấn đề phức tạp liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời ngăn chặn hoạt động của hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới cực đoan; chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo. Triển khai công tác đối với Tòa thánh Vatican; công tác đối với các nhân sự giám mục, nhất là các giáo phận đang khuyết hoặc có các giám mục đã đến tuổi nghỉ hưu.

Năm là, tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, nổi cộm về đất đai liên quan đến tôn giáo. Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát hiện trạng đất đai của các tổ chức tôn giáo; rà soát, hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở thờ tự tôn giáo. Rà soát, đánh giá hoạt động đào tạo chức sắc của các cơ sở đào tạo của tôn giáo, không để đào tạo “không đúng quy định” hoặc xuất cảnh ra nước ngoài tham gia đào tạo trái phép.

Sáu là, đẩy mạnh công tác đối ngoại về tôn giáo, chủ động tham gia các diễn đàn về tôn giáo quốc tế và khu vực; chủ động thông tin về tình hình tôn giáo tại Việt Nam để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại. Tiếp tục hỗ trợ hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; giúp đỡ, hướng dẫn các tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế theo đúng quy định. Phối hợp với các bộ, ngành chủ động xây dựng lập luận phản bác luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Việt Nam về lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.  

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; định hướng các hoạt động tôn giáo theo đúng thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc và quy định của pháp luật.  

Tám là, tăng cường nghiên cứu khoa học, trọng tâm là các vấn đề nóng, cấp thiết đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay để phục vụ hoạch định và ban hành chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Chín là, tham mưu với Chính phủ kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo các cấp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XII, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước tín ngưỡng, tôn giáo; hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các tổ chức tôn giáo, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia./.

 

TS Vũ Chiến Thắng - Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.