Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn khu vực Tây Nguyên

Ngày đăng: 25/12/2020   18:21
Mặc định Cỡ chữ
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khu vực Tây Nguyên có sự chuyển biến rõ nét, với hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật xã hội được đầu tư đồng bộ, cùng sự sẵn sàng chung tay của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới.
Những con đường bê tông được điểm tô hoa lá hai bên là hình ảnh dễ nhận thấy ở khắp các buôn làng Tây Nguyên.

Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo vùng nông thôn của khu vực Tây Nguyên có nhiều khởi sắc. Những tuyến giao thông được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, đời sống người dân ngày càng được nâng cao… Tất cả đã làm nên một gam màu sáng trong bức tranh nông thôn ở vùng Tây Nguyên này. 

Về xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đúng vào dịp người dân vừa thu hoạch xong vụ mùa nên gia đình nào cũng phấn khởi. Bộ mặt nông thôn của xã biên giới này hoàn toàn đổi khác, từ huyện vào đến trung tâm xã và đến các buôn làng đã có đường nhựa, đường cấp phối; nhà cửa khang trang, kiên cố. Các công trình trường học, trạm y tế, thủy lợi, nước sạch… được xây dựng và phát huy hiệu quả. Đây là kết quả của gần 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã Ia Nan.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Nan Bùi Thị Thanh cho biết, năm 2011, khi xã bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã chỉ đạt 5 tiêu chí.  Đến cuối năm 2020, xã Ia Nan đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 41 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3%.

Cũng như nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bây giờ đã mang diện mạo mới, với những tường rào xây gọn gàng, mọi con đường đều được đổ bê tông. Hai bên đường được điểm tô bởi nhiều loài hoa sặc sỡ. Ông Y Măt BYă, người dân trong buôn cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại nhiều đổi thay, từ trong suy nghĩ của mỗi người đến hiệu quả cụ thể trên ruộng vườn, nương rẫy.

“Tôi thấy buôn làng đổi thay rất nhiều, bà con bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, trồng xen nhiều loại cây trên vườn cà phê. Những nhà không có đất thì đi làm thuê, làm mướn, biết tiết kiệm tiền để sắm sửa trong gia đình, học hỏi nhau cách chi tiêu hợp lý”- ông Y Măt Byă chia sẻ. 

Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, tư duy làm kinh tế của người dân thay đổi, cuộc sống dần ổn định thì vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cũng được chú trọng. Từ Dự án bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên đến Lễ hội thổ cẩm mới được tổ chức với quy mô cấp Quốc gia tại tỉnh Đắk Nông vừa qua đã góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.

Đến nay, tỉnh Gia Lai có 02 đơn vị cấp huyện là thành phố Pleiku và thị xã An Khê có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018; thị xã An Khê đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, tỉnh Kon Tum cũng có 4 huyện là Đắk Hà, Đắk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy đạt mục tiêu về số xã Nông thôn mới.

Đến cuối năm 2020, dự kiến tỉnh Lâm Đồng sẽ có 109/116 xã và ít nhất 06 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh Đắk Nông đã có huyện Đak R’lấp hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôm mới và tại tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột cũng đang chờ kết quả công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Những kết quả ấy là bằng chứng cho thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở khu vực Tây Nguyên 10 năm qua đã và đang được triển khai tích cực, và đem lại hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, cũng như giữ gìn văn hóa truyền thống của các dân tộc khu vực Tây Nguyên./.

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Hội Phụ nữ tỉnh Long An chung tay xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng 26/12/2023
Tính đến hết tháng 10/2023, tỉnh Long An có 121/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm trên 75% số xã trong toàn tỉnh, đạt 85,2% kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có 30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 04/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đạt được kết quả này là có sự đóng góp rất lớn của các cấp hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở; khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ tỉnh Long An trong nhiệm vụ xây dựng NTM nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trong giai đoạn hiện nay.

Một số kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới và những giải pháp cho giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tiền Giang

Ngày đăng 26/12/2023
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang luôn xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và kiện toàn bộ phận giúp việc các cấp theo vị trí, chức danh công tác phù hợp với tình hình nhân sự, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững

Ngày đăng 26/12/2023
Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được tỉnh Khánh Hòa xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, trọng tâm là chủ động triển khai linh hoạt phát triển chính quyền số và phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động cộng đồng, góp phần hoàn thành mục tiêu xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM nâng cao đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Cà Mau triển khai mạnh mẽ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng 18/12/2023
Mục tiêu tổng quát của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương tình OCOP) là phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn để nâng cao thu nhập cho người nông dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch ở nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Tỉnh Bình Dương đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng nông thôn mới thông minh

Ngày đăng 20/12/2023
Đến nay, tỉnh Bình Dương đã có 41/41 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 100%; có 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 70%; 3/6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh có 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao với 49 chủ thể. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2022 đạt hơn 76 triệu đồng/người/năm.