Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Một số văn bản pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày đăng: 30/11/2020   16:28
Mặc định Cỡ chữ
Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTH thuốc lá) ngày 18/6/2012. Tiếp đó, ngày 25/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020, Chiến lược với mục tiêu giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc tiến tới giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Cùng với Luật PCTH của thuốc lá, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật, đồng thời ban hành Thông tư, Chỉ thị, Kế hoạch thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ảnh minh họa: Internet

Một số văn bản quy phạm pháp luật về Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

1. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTH thuốc lá):

Luật PCTH thuốc lá có 5 Chương và 35 Điều, quy định các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp các sản phẩm thuốc lá và các biện pháp đảm bảo thực hiện Luật PCTH thuốc lá. 

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTH thuốc lá quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các bộ, cơ quan ngang bộ khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của thuốc lá; phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá tại địa phương.

Về trách nhiệm xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật PCTH thuốc lá quy định: Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; nếu dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng quy định thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Bộ Công an có trách nhiệm tổ chức việc xử lý vi phạm đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.

Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. 

Bộ Quốc phòng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm đối với hành vi kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thuộc khu vực biên giới và lĩnh vực được phân công phụ trách. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tổ chức việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách. Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức, chỉ đạo, bố trí lực lượng và phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, kinh doanh thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm thuộc địa bàn quản lý.

2. Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”.

Mục tiêu của Chiến lược đến năm 2020 nhằm giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam; giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên (từ 15 - 24 tuổi) từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; trong nam giới từ 47,4% năm 2011 xuống 39% năm 2020; trong nữ giới xuống dưới 1,4%; tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc. Chiến lược đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện mục tiêu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại thuốc lá; tổ chức và nhân lực; tài chính.

3. Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về một số biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

Nghị định quy định chi tiết thi hành Khoản 4 Điều 12, Khoản 7 Điều 15, Khoản 2, Khoản 4 Điều 17 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về điều kiện thành lập và tổ chức hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá, chuyển địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và tăng diện tích in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. 

Nghị định quy định trách nhiệm thực hiện của Bộ Y tế: tổ chức triển khai và hướng dẫn hoạt động cai nghiện, tư vấn cai nghiện thuốc lá; ban hành quy trình cai nghiện thuốc lá; chỉ đạo các cơ sở y tế triển khai hoạt động lồng ghép tư vấn nhanh của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về cai nghiện thuốc lá cho người nghiện thuốc lá...

Nghị định cũng quy định trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Nghị định này.

4. Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá

Nghị định Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá về: điều kiện sản xuất, mua bán thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, đầu tư vùng trồng và kinh doanh nguyên liệu thuốc lá, tiêu thụ sản phẩm thuốc lá; xuất khẩu, nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên phụ liệu thuốc lá và sản phẩm thuốc lá; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; Đầu tư sản xuất sản phẩm thuốc lá, chế biến nguyên liệu thuốc lá, liên doanh sản xuất thuốc lá, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp sản xuất thuốc lá; Sản xuất, gia công thuốc lá xuất khẩu; chế biến, gia công chế biến nguyên liệu thuốc lá xuất khẩu; Kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước, công bố sản lượng thuốc lá được phép sản xuất và nhập khẩu.

Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh thuốc lá. 
 

5. Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế 

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Từ Điều 23 đến Điều 27 Nghị định quy định xử phạt về PCTH thuốc lá bao gồm: Vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá, vi phạm quy định về bán thuốc lá, vi phạm quy định về ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá, vi phạm quy định về cai nghiện thuốc lá, vi phạm quy định khác về PCTH thuốc lá.

Những người có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực y tế gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Thanh tra y tế; Quản lý thị trường, Công an nhân dân. Thẩm quyền xử phạt của các cơ quan khác gồm: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, cơ quan Thuế, Cục trưởng Cục Hóa chất, Thanh tra các ngành: Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tài chính và các cơ quan khác có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình quản lý được quy định tại Nghị định này.

Nghị định quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt; Công chức, viên chức thuộc ngành y tế, bảo hiểm xã hội đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính có trách nhiệm lập biên bản và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ Điều 22 đến Điều 33 Nghị định quy định về hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc lá.

Người có thẩm quyền xử phạt gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; Quản lý thị trường; Công an nhân dân, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Thanh tra chuyên ngành. 

Nghị định quy định trách nhiệm thi hành của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.

7. Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT-BYT-BCT ngày 08/02/2013 của Bộ Y tế và Bộ Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá.

Thông tư nhằm hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam. Về vị trí in cảnh báo sức khỏe, Thông tư quy định cảnh báo sức khỏe phải được in trên mặt chính trước và mặt chính sau của bao bì thuốc lá, in song song sát với rìa trên của bao bì thuốc lá. Diện tích in cảnh báo sức khỏe phải chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá.

Về trách nhiệm thi hành, Thông tư quy định: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh thuốc lá tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch này. Bộ Y tế (giao Cục Quản lý khám, chữa bệnh), Bộ Công Thương (giao Vụ Khoa học công nghệ) chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công Thương hướng dẫn, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch này tại địa phương.

8. Quyết định số 47/2013/QĐ-TTg ngày 29/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Quyết định quy định việc thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ, Nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ; Căn cứ, phương pháp tính và quản lý, thu nộp khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá, Quản lý nhà nước đối với Quỹ PCTH thuốc lá.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định địa vị pháp lý, tên gọi, trụ sở, con dấu, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ tài chính, kế toán của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

9. Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 28/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường thực thi quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Y tế.

Chỉ thị số 05/CT-BYT yêu cầu các cơ quan đơn vị trong ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá, Luật PCTH thuốc lá; tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Luật PCTH thuốc lá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định cấm hút thuốc lá tại địa điểm công cộng. Bộ trưởng Bộ Y tế giao trách nhiệm cụ thể cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế./.

Gia Hưng

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá và trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương

Ngày đăng 05/12/2023
Nghị định số 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá và Nghị định số 106/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP đã quy định rõ các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc lá và trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan, địa phương về kinh doanh thuốc lá.

Trách nhiệm của một số bộ, ngành, địa phương trong triển khai Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030

Ngày đăng 30/11/2023
Tại Quyết đinh số 568/QĐ-TTg ngày 24/5/2023 Phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (Chiến lược), Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chiến lược.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030

Ngày đăng 03/11/2023
Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra, thực hiện các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và cam kết về phát triển bền vững đến năm 2030; bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói thuốc lá của người dân. Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 (Chiến lược). 

Mục đích, nhiệm vụ và nguyên tắc sử dụng của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá

Ngày đăng 26/10/2023
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 quy định rõ: Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Quỹ) là quỹ quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và chịu sự quản lý nhà nước về tài chính của Bộ Tài chính. Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ. Định kỳ 02 năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ.

Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử

Ngày đăng 29/05/2023
Thế hệ trẻ cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng, để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.