Hà Nội, Ngày 24/04/2024

Đề xuất tuyển dụng không qua thi tuyển đối với đội viên Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng: 27/11/2020   20:14
Mặc định Cỡ chữ
Sáng nay 26/11/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ đã có cuộc họp với các địa phương chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Doãn Đức Hảo trình bày dự thảo Báo cáo kết quả triển khai Đề án 500 tại cuộc họp.

Trình bày dự thảo Báo cáo kết quả triển khai Đề án 500 tại cuộc họp, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên (Bộ Nội vụ) Doãn Đức Hảo cho biết: Thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 500 trí thức trẻ, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức triển khai các nội dung của Đề án một cách cụ thể và đồng bộ. Tháng 4/2014, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Đề án với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan; lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Bí thư Tỉnh Đoàn, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy của 34 tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án.

Để bảo đảm chế độ, chính sách cho các trí thức trẻ sau khi được tuyển chọn tham gia Đề án, Bộ Nội vụ đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 68/2014/TT-BTC ngày 05/4/2014 của Bộ Tài chính về việc Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ.

Hệ thống các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ từ công tác tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng đến phân công theo dõi, đánh giá đối với các đội viên Đề án khi về xã công tác được xây dựng đầy đủ, chi tiết, sát với thực tế và rõ trách nhiệm, giúp cấp ủy và chính quyền địa phương có cơ sở tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và thực tiễn của địa phương. Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan triển khai kịp thời theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, góp phần tuyển chọn các đội viên có phẩm chất đạo đức, năng lực tốt. 

Các địa phương quan tâm, tạo điều kiện để đội viên được học tập, bồi dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, phát huy năng lực, chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và quản lý nhà nước, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; được tạo điều kiện bồi dưỡng, rèn luyện và phấn đấu để trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quang cảnh cuộc họp

Tuy nhiên, một số địa phương có tư tưởng, quan niệm Đề án 500 là của của Trung ương, của Bộ Nội vụ, nên việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội viên là trách nhiệm của Trung ương, Bộ Nội vụ chứ không thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Do đó, một số địa phương chưa chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí, sử dụng đội viên sau khi kết thúc Đề án; chưa gắn công tác bố trí, sử dụng đội viên với công tác tuyển dụng công chức, viên chức của tỉnh, dẫn đến việc khi Đề án kết thúc, nhiều tỉnh không còn vị trí, biên chế để tuyển dụng đội viên Đề án.

Theo Quyết định số 1758/QĐ-TTg, sau khi đội viên hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 5 năm (đủ 60 tháng), căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện, đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật. 

Tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 500 trí thức trẻ, theo quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, sau khi hoàn thành nhiệm vụ 5 năm (đủ 60 tháng) tại xã, đội viên được xem xét tuyển dụng thành công chức cấp xã hoặc công chức cấp huyện trở lên theo hình thức tuyển dụng không qua thi tuyển. Tuy nhiên, theo một số quy định hiện hành, đội viên Đề án 500 trí thức trẻ không thuộc trường hợp đặc biệt được tuyển dụng không qua thi tuyển. Điều này khiến các tỉnh gặp khó khăn khi tuyển dụng đối với đối tượng đội viên Đề án thành công chức cấp xã, cấp huyện trở lên sau khi kết thúc Đề án. Mặt khác, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Nghị định số 34/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố) và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hầu hết các tỉnh đang dôi dư số lượng lớn cán bộ, công chức và phải ưu tiên xây dựng phương án giải quyết. Vì vậy, nhiều tỉnh không có nguồn biên chế để bố trí đội viên thuộc Đề án 500 trí thức trẻ. Đến nay, nhiều tỉnh chưa bố trí, sắp xếp công tác cho Đội viên Đề án sau khi hoàn thành 5 năm công tác tại xã.

Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Nội vụ Tỉnh ủy Hà Giang Lưu Đình Phát phát biểu tại cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Nội vụ Tỉnh ủy Hà Giang Lưu Đình Phát cho biết, Hà Giang có 22 đội viên và hiện đã bố trí được 7 đội viên, còn 15 đội viên chưa có phương án bố trí. Hà Giang đang gặp vướng mắc ở chỗ chưa có hướng dẫn tuyển dụng đối với các đội viên còn lại vào biên chế của huyện như thế nào. Ông Phát đề nghị Chính phủ và Bộ Nội vụ ban hành cơ chế tuyển thẳng không qua thi tuyển đối với các đội viên còn lại đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên Trương Ngọc Tuấn phát biểu tại cuộc họp.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên Trương Ngọc Tuấn cho biết, tỉnh đã tuyển chọn được 30 đội viên, đến nay 25 đội viên còn công tác, 5 đội viên đã nghỉ. Qua 5 năm triển khai Đề án, tỉnh mới sắp xếp được cho 7 đội viên vào làm công chức huyện, xã, còn 18 người chưa có phương án bố trí. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên cho rằng, các đội viên Đề án 500 đã được tuyển chọn kỹ lưỡng đầu vào, đa số học đại học hệ chính quy, được rèn luyện qua thực tiễn và có nhiều đóng góp cho địa phương thì không cần xét tuyển nữa mà tuyển thẳng vào công chức cấp xã, huyện, tỉnh nếu đủ điều kiện và hoàn thành nhiệm vụ.

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Lân phát biểu tại cuộc họp.

Bày tỏ lo lắng khi thấy trong 500 đội viên tham gia Đề án nhưng mới chỉ có 86 đội viên được tuyển dụng, còn hơn 400 đội viên chưa được bố trí công việc, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Lân cho biết: trong số, hơn 400 đội viên chưa được bố trí công việc chỉ có 91 đội viên được các địa phương có phương án bố trí, còn hơn 300 đội viên chưa có giải pháp sắp xếp sau khi kết thúc Đề án. Thực tế tại Kon Tum, Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương nhưng đến tháng 6 vẫn giữ nguyên 10 trường hợp công tác tại 10 xã của 4 huyện chưa bố trí được; từ tháng 7 đến nay mới sắp xếp được 3 trường hợp, còn 7 trường hợp vẫn chưa có phương án. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho rằng, Đề án thực hiện đúng thời điểm đang thực hiện các Nghị quyết của Đảng về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế nên việc bố trí cho đội viên là rất khó khăn. Các địa phương rơi vào tình trạng khó xử lý chứ không phải địa phương không hoàn thành trách nhiệm. Trước đây từ 21 cán bộ xã đến nay giảm chỉ còn 12 – 14 người, dù huyện có chỉ đạo nhưng xã không có cách nào làm được. Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum đề xuất tiếp tục kéo dài Đề án từ 01 đến 02 năm và thống nhất đề nghị tuyển thẳng các đội viên vào công chức xã, huyện, tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải phát biểu tại cuộc họp.

Nhận định về Đề án 500 tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Long Hải cho rằng, sau khi trúng tuyển và sắp xếp công tác về địa phương, các đội viên tham gia Đề án đã phát huy tốt năng lực, phẩm chất, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đây là nguồn nhân lực có chất lượng, sẵn sàng cống hiến lâu dài giúp cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Đề án triển khai tuyển chọn tại Lạng Sơn, trong 278 người chỉ có 24 người trúng tuyển. Hiện nay, Lạng Sơn còn 17 đội viên có nhu cầu được tuyển dụng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đồng tình với các ý kiến nêu ra khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí công tác cho các đội viên sau khi Đề án kết thúc chủ yếu vướng mắc về biên chế và cơ chế tuyển dụng. Vì vậy, ông Hải đề nghị, nếu Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ giải quyết 2 điểm vướng mắc này thì các địa phương sẽ thực hiện được ngay. Đồng thời, ông Hải mong muốn Bộ Nội vụ hướng dẫn rõ cách thức tuyển dụng và thời hạn sắp xếp bố trí các đội viên như thế nào để các em yên tâm công tác.

Giải đáp những băn khoăn về vấn đề tuyển dụng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết, việc tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết để tháo gỡ những trường hợp đặc thù này bằng việc tuyển dụng đặc cách hoặc tuyển thẳng những đội viên trong Đề án 500 trí thức trẻ là hoàn toàn làm được. Bởi vì, trước đây, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 về biên chế sự nghiệp giáo dục, y tế để tháo gỡ đội ngũ giáo viên, y bác sỹ còn đang rất thiếu thời điểm đó.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp và tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Đề án, trong đó làm rõ hiệu quả, kết quả thực hiện Đề án trong 5 năm qua, đặc biệt là những đóng góp về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nơi các đội viên được bố về công tác.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết, trong 500 đội viên tham gia Đề án có khoảng 64% là người dân tộc thiểu số. Vì vậy, Đề án cũng là chính sách phát triển nguồn nhân lực đồng bào thiểu số. Thứ trưởng đề nghị thống nhất thời hạn hai năm để các địa phương có phương án sắp xếp, dành tỉ lệ biên chế nhất định và có lộ trình để bố trí các đội viên.

Thứ trưởng cũng thống nhất phương án tuyển thẳng các đội viên đã hoàn thành nhiệm vụ của Đề án không qua thi tuyển, sát hạch nếu như địa phương bố trí được biên chế. Sau khi tổng kết Đề án, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép tuyển dụng không qua thi tuyển các đội viên còn lại của Đề án thành công chức cấp xã, cấp huyện trở lên hoặc viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh theo đúng quy định./.

Hoài Nga

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đồng ý kéo dài thời gian thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ

Ngày đăng 19/01/2021
Đó là phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngày 19/01/2021 tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (Chiến lược), Đề án 500 trí thức trẻ và Đề án bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ, công chức trẻ ở xã giai đoạn 2014 - 2020 (Đề án 567).

Những khó khăn trong việc bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 tại tỉnh Sơn La

Ngày đăng 31/12/2020
Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020 (Đề án 500) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước được triển khai thực hiện tại 34 tỉnh, nhằm tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới. Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.

Ninh Bình: Trí thức trẻ tiên phong, gương mẫu, tận tụy, sáng tạo

Ngày đăng 31/12/2020
Ngày 30/9/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1758/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án Thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500). Căn cứ trên nhu cầu của địa phương, sau khi tiến hành công tác tuyển chọn, tỉnh Ninh Bình đã lựa chọn được 06 trí thức trẻ, phân công về công tác tại 06 xã bãi ngang ven biển thuộc huyện Kim Sơn là các xã: Kim Mỹ, Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông. Trong đó có 04 đội viên phụ trách lĩnh vực Văn hóa – Xã hội, 02 đội viên phụ trách lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch.

Lâm Đồng: Hơn 85% tổng số đội viên được bố trí, tuyển dụng thành công chức cấp huyện

Ngày đăng 29/12/2020
Thực hiện Đề án "Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020” (Đề án 500) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyển chọn được 07 trí thức trẻ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tăng cường về các xã nghèo thuộc huyện Đam Rông. Sau 05 năm thực hiện Đề án, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí công tác cho 06/07 đội viên (chiếm tỷ lệ 85,7%).

Đội viên Đề án 500 trí thức trẻ xã Đắk Som phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực

Ngày đăng 30/12/2020
Là 1 trong 6 đội viên trúng tuyển tham gia Đề án 500 trí thức trẻ của tỉnh Đắk Nông, đội viên Lại Văn Sang được phân công về công tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, bố trí thực hiện công việc của chức danh công chức Văn phòng - Thống kê xã Đắk Som. Trong quá trình công tác tại cơ sở, đội viên Lại Văn Sang đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong nhiều lĩnh vực công tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.