Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Thực hiện có hiệu quả nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013

Ngày đăng: 03/11/2020   15:01
Mặc định Cỡ chữ
Khoản 2, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Như vậy, bên cạnh việc quy định cụ thể hơn về phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước thì đây là lần đầu tiên Hiến pháp nước ta quy định về nguyên tắc kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan thực thi quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết nhằm có những giải pháp thực hiện tốt hơn nữa nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước của Hiến pháp năm 2013.

1. Xây dựng bộ máy nhà nước hợp lý, hoạt động hiệu lực và hiệu quả 

“Một nhà nước có hiệu lực, hiệu quả là nhân tố thiết yếu cho việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cũng như các quy định và thể chế cho phép thị trường phát triển mạnh mẽ và con người có đời sống khoẻ mạnh hơn, hạnh phúc hơn”(1). Xây dựng bộ máy nhà nước hợp lý, hoạt động hiệu lực và hiệu quả là nội dung cốt lõi của việc tạo lập thể chế chính trị, thể chế nhà nước hiện đại. Đây là vấn đề lý luận và thực tiễn về chính thể, các hình thức tổ chức nhà nước trong lịch sử lập hiến gần 250 năm của các quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng trong suốt 75 năm qua. Tuy không có một khuôn mẫu chung cho mọi thể chế nhà nước trên thế giới, nhưng ngày nay, phần lớn các thể chế chính trị của các quốc gia đều hàm chứa trong đó những giá trị, những nguyên tắc chung của chính thể dân chủ (dân chủ tư sản hoặc dân chủ xã hội chủ nghĩa).

Theo cách tiếp cận này, cần quán triệt những vấn đề có tính nguyên tắc: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị cần thực hiện với quyết tâm chính trị cao. Những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện. Những vấn đề chưa đủ rõ thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Những chủ trương đã thực hiện, nhưng thực tiễn khẳng định là không phù hợp thì điều chỉnh, sửa đổi ngay”(2). 

Lý luận và thực tiễn cho thấy: để thực hiện và bảo đảm nguyên tắc: “… Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(3), các định chế liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy quyền lực (quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước) luôn đề cao tính tập trung, thống nhất. Điều này được thể hiện qua việc Hiến pháp năm 2013 đã xác định hợp lý hơn thẩm quyền của các cơ quan đại diện của Nhân dân là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.  

Việc xử lý các mối quan hệ trên thực chất là hoàn thiện hơn nữa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” để bảo đảm mục tiêu “quyền lực thuộc về Nhân dân” và để thực hiện có hiệu quả hơn nữa nguyên tắc hiến định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(4).

2. Về nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan quyền lực nhà nước

Một là, về tính thống nhất (tập trung) của Nhà nước.

Tính thống nhất của Nhà nước ta được thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ bản chất đến mục tiêu; biểu hiện tập trung nhất là sự bảo đảm ở Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. 

Điều đó cũng có nghĩa là xác lập tính nhất nguyên của chính thể cộng hòa xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và minh định vai trò của đảng cầm quyền - tính chính đáng của lực lượng cầm quyền. Việc thiết kế hình thức tổ chức nhà nước phải hướng ưu tiên vào việc bảo đảm quá trình vận hành của bộ máy nhà nước nhằm thể hiện rõ sự “phân công, phối hợp” và để “kiểm soát” giữa các nhánh quyền lực nhà nước; là giải quyết mối quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, bảo đảm cho bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời có thể ngăn ngừa và xử lý kịp thời các bất cập phát sinh (nếu có).

Hai là, về thẩm quyền của Quốc hội. 

Xuất phát từ nguyên tắc hiến định “... tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân” (khoản 2, Điều 2 Hiến pháp năm 2013), và “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân” (Điều 2 Hiến pháp năm 2013), cho nên trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Trong đó, Quốc hội là thiết chế do Nhân dân bầu ra, còn các cơ quan và cá nhân đứng đầu trong bộ máy hành pháp và tư pháp do Quốc hội bầu ra hoặc phê chuẩn (nghĩa là trên cơ sở nhân dân ủy quyền cho Quốc hội). 

Vì vậy, Quốc hội được coi là thiết chế trung tâm, có vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất...” (Điều 69 Hiến pháp năm 2013). Điều này cho phép khắc phục những quan niệm đơn giản và phiến diện khi cho rằng nếu xem Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thì vô hình chung quyền lực của các cơ quan hành pháp, tư pháp đều “thấp hơn” so với cơ quan lập pháp và mâu thuẫn với nguyên tắc phân công, phối hợp, đặc biệt là nguyên tắc kiểm soát giữa quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp do Hiến pháp năm 2013 quy định. 

Quyền giám sát tối cao của Quốc hội có quan hệ rất chặt chẽ với các quyền khác. Qua hoạt động giám sát sẽ giúp đánh giá kết quả hoạt động lập pháp có phù hợp với thực tiễn hay không để bổ sung, hoàn thiện, phát huy vai trò của quyền lập pháp. Nếu quyền lập pháp và quyền “quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”(5) của Quốc hội được thực hiện tốt sẽ là điều kiện để thực hiện tốt hơn quyền giám sát tối cao. 

Quyền giám sát tối cao của Quốc hội có tác động tích cực đến quyền hành pháp, qua đó giúp phát hiện yếu tố tích cực để phát huy, nhân rộng và những sai sót để kiến nghị với Chính phủ sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Đồng thời, quyền này còn tác động đến hoạt động tư pháp của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy, giám sát tối cao (ở bộ máy cấp Trung ương) là để giúp cho việc thực hiện hành pháp và quyền tư pháp có hiệu quả hơn; đồng thời cũng giúp khắc phục những thiếu sót (nếu có) trong tổ chức và hoạt động của quyền hành pháp và quyền tư pháp. 

Ba là, về mô hình tổ chức của cơ quan hành pháp.

Cần đánh giá những ưu điểm và hạn chế trong mô hình tổ chức, phương thức hoạt động và cả cơ chế phối hợp giữa cơ quan hành pháp với các thiết chế trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để thể hiện rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hiệu quả phối hợp với các thiết chế trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Qua đó giúp cho cơ quan hành pháp có thêm sức mạnh, khả năng giải quyết những vấn đề của quản lý nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

Bốn là, về quyền tư pháp. 

Cần tiếp tục nghiên cứu, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân, việc thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp năm 2013 để tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức Tòa án cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp.

Tương tự, cần tiếp tục khẳng định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đồng thời làm rõ hơn nguyên tắc hoạt động của Viện kiểm sát khi thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức Viện kiểm sát cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.

Năm là, cần quy định cụ thể để nhân dân và các tổ chức đại diện của nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền phản biện xã hội, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước.

Trong thể chế dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nhân dân có quyền phản biện xã hội, kiểm soát, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước; phản biện xã hội đối với dự thảo các quyết sách của Nhà nước và giám sát hoạt động của Nhà nước nói chung, các tổ chức và cá nhân nắm giữ các trọng trách trong bộ máy quyền lực nhà nước nói riêng.  

Hoạt động phản biện xã hội và giám sát của Nhân dân có thể được thực hiện gián tiếp bởi các đại biểu do mình bầu ra - đại biểu Quốc hội hoặc bằng hoạt động phản biện xã hội, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hoặc cử tri phản ánh trực tiếp với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thông qua những quy định cụ thể. 

Trong thực tế, các hoạt động trên đã được cụ thể hóa trong Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa XI quy định về việc Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, để nội dung các quyết định được hiện thực hóa, cần tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức đoàn thể phát huy được quyền giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả hơn./.

-----------------------------------

Ghi chú:

(1) Ngân hàng thế giới, Nhà nước một thế giới đang chuyển đổi, Nxb CTQG, H.1998, tr.13.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H.2013, tr.113.

(3),(4),(5) Hiến pháp năm 2013, Nxb CTQG-ST, H.2014.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Tâm - Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.