Hà Nội, Ngày 19/04/2024

Hội thảo Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa

Ngày đăng: 23/10/2020   15:46
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 23/10/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa” (Hội thảo) để đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng từ xa cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ đổi mới.

PGS. TS Triệu Văn Cường, Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dự và chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có TS Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ); đại diện lãnh đạo và chuyên viên theo dõi công tác đào tạo, bồi dưỡng của Ban Tổ chức Trung ương, một số bộ, ngành, sở Nội vụ, trường chính trị một số tỉnh khu vực phía Bắc và một số cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bộ, ngành Trung ương; đại diện một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; lãnh đạo và chuyên viên Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Bộ Nội vụ).

PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp nhằm đạt mục tiêu của cải cách hành chính hiệu quả, chất lượng trong cách thức hoạt động, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước. Trong đó, công nghệ thông tin tham gia vào tất cả các nhiệm vụ của cải cách hành chính, được thể hiện rõ nhất trên hai phương diện: (1) Trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan hành chính nhà nước, giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau; (2) trong giao dịch với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và dịch vụ hành chính công. 

Thứ trưởng nhấn mạnh, đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng từ xa cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm đa dạng hóa hình thức bồi dưỡng, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp bồi dưỡng tiên tiến, hiện đại góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời nâng cao chất lượng và đảm bảo thống nhất trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến; phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của người học; cung ứng dịch vụ bồi dưỡng kiến thức, vị trí việc làm, kỹ năng lãnh đạo quản lý theo hình thức đào tạo trực tuyến theo quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Triệu Văn Cường cũng cho biết, theo số liệu tổng hợp, hiện nay đã có gần 10 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành và một số trường chính trị và hơn 20 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và học trực tuyến hoặc một phần các chương trình dành cho cán bộ, công chức, viên chức. 

Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo làm rõ những kết quả đạt được và đề xuất giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, trong đó cần tập trung phân tích những vấn đề sau:

Một là, sự cần thiết đào tạo, bồi dưỡng bằng loại hình từ xa.

Hai là, vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc ban hành quy định chung về bồi dưỡng từ xa.   

Ba là, Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức thí điểm bồi dưỡng từ xa dành cho các bộ, ngành, địa phương như thế nào?

Bốn là, xác định các điều kiện về cơ sở vật chất, giảng viên và các yêu cầu khác khi triển khai đào tạo, bồi dưỡng loại hình từ xa.

Năm là, cơ chế phù hợp trong quản lý tài chính tổ chức bồi dưỡng theo hình thức từ xa. 

Sáu là, mô hình triển khai hiệu quả (qui định kết hợp giữa hình thức bồi dưỡng trực tiếp với từ xa).

TS Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lại Đức Vượng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cho biết: Qua thực tế một số cơ quan, đơn vị đã và đang triển khai đào tạo, bồi dưỡng từ xa hay trực tuyến đều cho thấy những lợi ích khác nhau, thậm chí có thể đạt kết quả cao hơn so với phương pháp học truyền thống do đào tạo, bồi dưỡng từ xa có tính tương tác cao, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn ở mọi lúc, mọi nơi, cũng như đưa ra nội dung học tập phù hợp, thích ứng với từng người, trong điều kiện về mặt thời gian, không gian, giãn cách xã hội. Với nhiều ưu điểm của việc học từ xa, hiện nay không chỉ có nhiều cơ quan nhà nước, các tổ chức giáo dục và các trung tâm đào tạo lựa chọn, mà còn có nhiều doanh nghiệp cũng đang áp dụng để đào tạo nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhân viên, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Đối với hình thức bồi dưỡng trực tuyến điện tử (E-learning), các bài giảng được ghi hình trước, được lưu trữ tại một máy chủ. Các bài giảng sẽ được giảng viên hoặc quản trị viên đăng tải lên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến. Học viên sử dụng các thiết bị công nghệ như máy tính bàn, laptop hay điện thoại thông minh truy cập vào hệ thống để theo dõi các bài giảng dưới định dạng video clips. Hệ thống cũng cho phép các học viên trao đổi, thảo luận, làm bài thi, bài khảo sát trực tuyến từ xa mọi lúc, mọi nơi. Giảng viên và học viên có thể giao tiếp qua mạng bằng nhiều hình thức như gửi tin nhắn, tham gia diễn đàn trên hệ thống...

Cán bộ quản lý lớp được cấp 01 tài khoản quản lý trên hệ thống bồi dưỡng trực tuyến, được quản trị hệ thống phân quyền, thực hiện các nhiệm vụ: phổ biến lịch giảng, nội quy lớp học tới các học viên; ghi danh từng học viên vào lớp; cài đặt thời gian truy cập hệ thống cho từng học viên; theo dõi trạng thái trực tuyến của học viên; giám sát thời lượng truy cập hệ thống của học viên và giảng viên đảm bảo đúng theo lịch học; thực hiện, tổng hợp khảo sát chất lượng giảng viên và lớp học trên hệ thống trực tuyến; gửi thông báo các nội dung liên quan đến lớp học qua phần tin nhắn trên hệ thống...

Đối với hình thức bồi dưỡng ứng dụng hội nghị truyền hình, giảng viên giảng dạy trực tiếp tại điểm cầu đặt tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Các học viên tập trung tại các điểm cầu để nghe giảng, tham gia phát biểu, trao đổi, thảo luận. Mỗi điểm cầu cần có một cán bộ kỹ thuật thực hiện việc duy trì kết nối, đảm bảo vận hành hệ thống thông suốt. 

Cán bộ quản lý lớp thực hiện việc ghi danh học viên như hình thức học trực tiếp. Việc phổ biến lịch giảng, nội quy lớp học có thể thực hiện bằng hình thức thông báo qua email của các học viên. Việc điểm danh, xác định thời lượng tham gia lớp học của học viên cần thực hiện trực tiếp tại các điểm cầu, đảm bảo tính xác thực. Việc khảo sát chất lượng lớp học, thông báo các nội dung liên quan có thể sử dụng các nền tảng đối thoại trực tuyến phổ biến như Google Drive, Zalo... hoặc hệ thống bồi dưỡng trực tuyến E-learning.

Trao đổi, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá chất lượng, thực trạng hoạt động, nội dung thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo loại hình từ xa từ thực tế đơn vị trong thời gian qua và định hướng trong thời gian tới. 

Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Đăng Quế phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Nguyễn Đăng Quế, các ứng dụng học từ xa được xem là giải pháp hiệu quả trong việc phòng, chống dịch Covid-19 mà vẫn đảm bảo hoạt động bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp quá trình đổi mới và phát triển nền công vụ quốc gia. Các hình thức bồi dưỡng mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng mạnh mẽ. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng từ xa cho cán bộ, công chức, viên chức là xu thế tất yếu trong kỷ nguyên số và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hiện nay, góp phần giải quyết nhiều thách thức, hạn chế của đào tạo, bồi dưỡng truyền thống. Học viện Hành chính Quốc gia đã triển khai chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên theo hình thức từ xa và đang dần chứng tỏ được lợi thế trong hoạt động bồi dưỡng cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức trên phạm vi toàn quốc. Học viện Hành chính Quốc gia đề xuất mở rộng bồi dưỡng từ xa ngạch chuyên viên, chuyên viên chính và tương đương trên cơ sở áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ, tạo ra cơ hội học tập tại chỗ cũng như lựa chọn lộ trình tương thích, giúp người học có thể tiếp cận được những tri thức mới nhất của quản lý hành chính công với chi phí hợp lý, thời gian nhanh nhất.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phan Nhật Thanh phát biểu tại Hội thảo.

Đánh giá tình hình thực hiện và đẩy mạnh hoạt động bồi dưỡng từ xa, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương Phan Nhật Thanh cho biết, thời gian qua, tỉnh Hải Dương luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thông qua việc mở nhiều lớp bồi dưỡng tại địa phương. Tuy nhiên, qua quản lý, theo dõi công tác này thì đến nay tỉnh Hải Dương vẫn chưa thực hiện hoạt động bồi dưỡng từ xa cho cán bộ, công chức, viên chức tại địa phương. Lý do chủ yếu là hệ thống văn bản quy định chi tiết cho loại hình tổ chức bồi dưỡng này đến nay chưa có.

Dù tỉnh chưa có khảo sát, thống kê cụ thể nhưng qua trao đổi, tìm hiểu ở phạm vi hẹp cho thấy nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức địa phương về bồi dưỡng từ xa là đang có. Một số chương trình bồi dưỡng ít chuyên sâu hoặc không yêu cầu cao đối với học viên trong rèn luyện tác phong, ý thức, thái độ thì nên tiến tới thực hiện bồi dưỡng từ xa khi có đủ điều kiện.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự Hội thảo. Theo Thứ trưởng, trên thực tế, phương pháp dạy truyền thống (giảng dạy trực tiếp) và phương pháp dạy từ xa đều có những ưu điểm cũng như hạn chế riêng. Nếu phương pháp trực tiếp có sự vượt trội hơn trong giao tiếp, truyền đạt và trao đổi thông tin giữa người dạy và người học thì hình thức từ xa được xem là tối ưu hơn về khắc phục điều kiện địa lý, tiết kiệm thời gian và tăng số lượng học viên. Do vậy đối với các chương trình bồi dưỡng kỹ năng chuyên ngành, đặc biệt là ngành đặc thù của địa phương hoặc yêu cầu phải “cầm tay chỉ việc” thì nên có phương án kết hợp giữa bồi dưỡng hình thức từ xa với trực tiếp trên cơ sở phân bố thời gian, nội dung bồi dưỡng phù hợp./.

Quang cảnh Hội thảo

Hoài Nga

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đảng!

Ngày đăng 15/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.

Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực nội vụ

Ngày đăng 11/04/2024
Chiều 11/4/2024, Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về kết quả thực hiện các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực Nội vụ.

Việt Nam - Vatican cùng nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác

Ngày đăng 10/04/2024
Sáng 10/4/2024, tại Trụ sở Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đã tiếp Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa thánh Vatican cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Bộ Nội vụ Việt Nam. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Hoài Bắc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Chu Tuấn Tú.

Hội thảo khoa học: “Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay”

Ngày đăng 10/04/2024
Sáng ngày 09/4/2024 tại Hà Nội, Khoa Khoa học liên ngành, Học viện Hành chính Quốc gia đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Truyền thông và dư luận xã hội trên môi trường số ở Việt Nam hiện nay”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các Phân viện Học viện tại: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, khu vực miền Trung. 

Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Ngày đăng 09/04/2024
Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch số 56-KH/BCSĐ thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Chỉ thị số 27-CT/TW).