Hà Nội, Ngày 18/04/2024

Công tác chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam

Ngày đăng: 29/09/2020   16:04
Mặc định Cỡ chữ
Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng - thành phần cơ bản của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bài viết khẳng định vai trò của Bộ Tổng Tham mưu trong việc tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ 75 năm qua; đồng thời đưa ra những định hướng chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong thời gian tới.

1. Vai trò của Bộ Tổng tham mưu trong chỉ đạo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ

Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 07/9/1945. Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Bộ Tổng Tham mưu luôn “trung thành - mưu lược; tận tụy - sáng tạo; đoàn kết - hiệp đồng; quyết chiến - quyết thắng” chỉ đạo, tổ chức, chỉ huy, điều hành các lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng dân quân tự vệ nói riêng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng chiến lược của lực lượng vũ trang quần chúng, ngay sau khi thành lập, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động phối hợp, tham mưu với Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang quần chúng. Đồng thời, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành dân quân, du kích cùng với bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực đối phó có hiệu quả với thực dân Pháp chính thức quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa (ngày 23/9/1946), trong bối cảnh tình thế cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất khó khăn. 

Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã nỗ lực vượt bậc, sử dụng mọi kế sách, lập phương án tác chiến hợp lý nhất, chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị Vệ quốc đoàn, Công an xung phong, Tự vệ thành Hoàng Diệu… chiến đấu. Chỉ với vũ khí thô sơ, tự tạo, chúng ta đã bẻ gãy mọi đợt bắn phá ác liệt bằng xe tăng, đại bác của quân Pháp vào Thủ đô Hà Nội trong suốt 60 ngày đêm, tạo điều kiện để Trung ương Đảng, Chính phủ và lực lượng chủ lực rút lên chiến khu an toàn.   

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Bộ Tổng Tham mưu đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện hiệu quả đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng vào công tác chỉ đạo, điều hành tổ chức xây dựng, phát triển toàn diện lực lượng dân quân, du kích; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích. Nhiều cán bộ được cử xuống các chiến trường, địa phương nắm tình hình để kịp thời chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công các hội nghị, tổng kết kinh nghiệm về xây dựng bộ đội địa phương và dân quân, du kích; xây dựng làng chiến đấu, chống tề, chống địch càn quét… Trên cơ sở đó, tham mưu, chỉ đạo thống nhất về hệ thống tổ chức dân quân trên toàn quốc, đồng thời chỉ đạo cơ quan, bộ đội địa phương tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện nâng cao chất lượng chiến đấu cho dân quân và du kích, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở. 

Dưới sự chỉ đạo, chỉ huy và điều hành của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng dân quân và du kích được xây dựng, phát triển vững mạnh, rộng khắp, trở thành những “tấm lưới sắt” vững chắc, giăng khắp mọi nơi khiến địch đi đến đâu là bị đánh, bị mắc lưới đến đó; buộc chúng phải phân tán trên 90% lực lượng trên toàn chiến trường. Bộ đội địa phương, dân quân và du kích đã tiêu diệt hơn 23 vạn quân địch (chiếm tới 46,4% tổng số quân địch bị tiêu diệt), làm tan rã trên 20 vạn tên… góp phần to lớn vào thắng lợi của quân và dân ta, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”(1).   

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Bộ Tổng Tham mưu không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển về mọi mặt; ngày càng tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ, tài thao lược… trong cuộc đối đầu lịch sử với quân đội thiện chiến nhà nghề, được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại hơn ta gấp nhiều lần. Bộ Tổng Tham mưu đã khẳng định vị thế, vai trò trọng trách là cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh tối cao; là trung tâm nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối quân sự, quốc phòng, xây dựng các kế hoạch tác chiến chiến lược; là cơ quan đầu não tổ chức, xây dựng, chỉ huy Quân đội nhân dân, dân quân, du kích và tự vệ.

Ở miền Bắc, Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên cử cán bộ bám nắm địa bàn, kịp thời chỉ đạo, điều hành, tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vừa sản xuất, vừa chiến đấu; thực hiện “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”; đồng thời sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và điều hành của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng dân quân tự vệ, du kích cùng với bộ đội và các lực lượng khác ở miền Bắc luôn đề cao cảnh giác, kiên cường, mưu lược, dũng cảm chiến đấu, đánh bại các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ. Dân quân tự vệ và du kích đã bắn rơi 424 chiếc máy bay, chiếm hơn 10% số máy bay của địch bị bắn hạ; bắt sống hàng trăm tên giặc lái và hàng chục toán biệt kích; bắn chìm và bắn cháy nhiều tàu chiến địch. Bên cạnh đó, lực lượng dân quân tự vệ đã đóng góp hơn 183 triệu lượt người tham gia bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ chiến đấu; tiến hành rà phá bom mìn, thủy lôi; giúp Nhân dân sơ tán, phòng tránh, kịp thời khắc phục hậu quả đánh phá, phong tỏa của địch(2). 

Ở miền Nam, Bộ Tổng Tham mưu luôn chủ động nghiên cứu, đánh giá, nhận định và dự báo chính xác tình hình, đề ra kế sách, phương án tác chiến kịp thời, linh hoạt chỉ đạo, điều hành các lực lượng vũ trang chiến đấu; cử cán bộ đến địa phương, cơ sở để chỉ đạo phát triển và đẩy mạnh chiến tranh du kích phù hợp với từng địa bàn. Đã tổ chức đánh địch bằng mọi thứ vũ khí, với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo trên cả 3 vùng chiến lược; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và bằng 3 mũi giáp công… Dân quân và du kích các địa phương đã kiên cường bám trụ, giữ thế cài răng lược, xen kẽ với địch, thành thế trận “thiên la địa võng” trên toàn chiến trường. 

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, dân quân tự vệ và du kích luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt đấu tranh chống càn quét, dồn dân, lập “khu trù mật”, lập “ấp chiến lược”… của địch; phối hợp với bộ đội cùng các lực lượng đập tan các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và tay sai; chớp thời cơ cùng toàn dân đồng loạt đứng lên thực hiện xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, góp phần to lớn vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Nói về nghệ thuật chỉ đạo có ý nghĩa chiến lược chiến tranh du kích, tờ Thời báo New York số ra tháng 5/1965 đã nhận định: “Cuộc chiến tranh du kích là một nghệ thuật mà Việt Cộng đã trở thành bậc thầy; chúng ta phải đương đầu với đội quân du kích tài tình chưa từng thấy trong lịch sử loài người mà họ là những nghệ sĩ vĩ đại trong nghệ thuật đó”. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần khẳng định và làm sáng tỏ hơn vị thế, vai trò của lực lượng vũ trang quần chúng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận địch nhân hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”(3).

Sau khi đất nước thống nhất, Bộ Tổng Tham mưu đã giúp Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ. Chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ ở biên giới, hải đảo, ven biển xung yếu, các thành phố lớn, khu công nghiệp. Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo, chỉ huy, điều hành lực lượng dân quân tự vệ tham gia, hoàn thành tốt các nhiệm vụ: truy quét tàn quân địch còn cài cắm lại; xây dựng pháo đài tuyến phòng thủ biên giới; phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc; rà phá, tháo gỡ bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh, giải phóng hàng triệu hécta đất canh tác để Nhân dân khôi phục sản xuất... 

Những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, Bộ Tổng Tham mưu đã chủ động nắm chắc tình hình, tích cực giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác quốc phòng, quân sự nói chung, công tác dân quân tự vệ nói riêng ngày càng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với sự thay đổi, phát triển của thực tiễn. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ngày càng “vững mạnh, rộng khắp”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của đất nước. 

Cụ thể là Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị khoá X về các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 05/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới; Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các quyết định của Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo cán bộ quân sự cấp xã; xây dựng dân quân thường trực biên giới, dân quân tự vệ biển… Đến nay, toàn quốc đã tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ với trên 1,3 triệu người, chiếm khoảng 1,5% dân số. Hàng năm, dân quân tự vệ được huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị - pháp luật chu đáo; chỉ đạo hoạt động chặt chẽ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật, đóng góp quan trọng trong bảo vệ và giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia; được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. 

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Sự điều chỉnh chiến lược của các nước lớn đang diễn ra ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo còn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chưa có hồi kết; tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn phức tạp với nhiều diễn biến mới. Trong nước còn tiềm ẩn nguy cơ và thách thức; đời sống của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân còn khó khăn; những thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, tội phạm công nghệ cao, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, buôn bán ma túy, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương. Trong khi đó, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hoà bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, kích động, kêu gọi biểu tình, thực hiện “bất tuân dân sự”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và quyết liệt hơn... tác động trực tiếp đến công tác quân sự, quốc phòng, trong đó có công tác dân quân tự vệ.

2. Một số định hướng chiến lược của Bộ Tổng Tham mưu về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trong thời gian tới

Để xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh, rộng khắp, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục chỉ đạo, điều hành cơ quan chức năng, cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Một là, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược quốc phòng; Chiến lược quân sự Việt Nam; Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị; Kết luận số 41-KL/TW ngày 31/3/2009 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX; Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nghị quyết, đề án về xây dựng các đơn vị dân quân thường trực làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trong điều kiện mới; xây dựng chốt dân quân thường trực biên giới đất liền... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về quốc phòng, quân sự và công tác dân quân tự vệ. Hàng năm, cấp ủy đảng ra nghị quyết lãnh đạo; chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, quân sự được giao. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác quốc phòng, quân sự địa phương theo phân cấp, nhất là về công tác dân quân tự vệ. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án xây dựng dân quân tự vệ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đôn đốc trách nhiệm của cán bộ, kiên quyết khắc phục xu hướng đùn đẩy, khoán trắng cho cơ quan quân sự. Tổ chức thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi nghĩa vụ dân quân tự vệ. Làm tốt công tác tuyển chọn kết nạp và công nhận hoàn thành nghĩa vụ dân quân tự vệ. Thường xuyên củng cố biên chế, tổ chức, huấn luyện chu đáo, chỉ đạo hoạt động chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 và các văn bản liên quan.  

Ba là, làm tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân quân tự vệ, nhất là cán bộ chiến lược. Chú trọng bồi dưỡng, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới; phương pháp tham mưu và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, công tác dân quân tự vệ. Đồng thời, thường xuyên chăm lo, tạo điều kiện và khuyến khích cán bộ tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, nâng cao năng lực và tác phong công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyển chọn nguồn, cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo ngành quân sự cơ sở nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã có đủ trình độ về kiến thức quân sự, chính trị theo quy định. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi bộ quân sự cấp xã, đảm bảo duy trì sinh hoạt đảng theo đúng chế độ, có chất lượng cao. Những địa phương chưa tổ chức chi bộ quân sự cấp xã cần tiếp tục nghiên cứu để xây dựng và tổ chức hoạt động theo đúng nguyên tắc. Thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển Đảng trong lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên. 

Bốn là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án về tổ chức xây dựng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo đúng quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2019, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chú trọng xây dựng dân quân tự vệ ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, dân quân thường trực và chốt dân quân thường trực biên giới đất liền, dân quân tự vệ biển, đảo. Lãnh đạo, chỉ đạo dân quân tự vệ phối hợp với đơn vị quân đội, công an và các lực lượng liên quan tuần tra biên giới, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. Thường xuyên nêu cao cảnh giác, chủ động chuẩn bị các phương án đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, dập tắt mọi âm mưu gây rối, bạo loạn, không để lan rộng, kéo dài. 

Lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ gương mẫu, đi đầu, làm nòng cốt trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai, thảm họa ở địa phương, cơ sở; thực hiện tốt công tác dân vận; tích cực tham gia “xóa đói, giảm nghèo”, “đền ơn, đáp nghĩa”, “xây dựng nông thôn mới”… Cùng các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Năm là, Nhà nước quan tâm đầu tư ngân sách, thực hiện tốt chế độ, chính sách về dân quân tự vệ. Các bộ, ngành Trung ương, địa phương cần lập dự toán bảo đảm và bố trí ngân sách cho công tác quân sự, quốc phòng. Quan tâm, chăm lo đảm bảo chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ phù hợp với thực tế ở địa phương, đơn vị, nhất là đối với dân quân tự vệ biển, dân quân thường trực sẵn sàng chiến đấu ở địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, động viên sự chung tay, góp sức của các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm trên địa bàn, nhằm xã hội hóa nguồn lực bảo đảm cho dân quân tự vệ hoạt động, đạt hiệu quả thiết thực.

Sáu là, Bộ Tổng Tham mưu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm túc chế độ thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Coi trọng công tác nghiên cứu, tổng kết để có cơ sở tham mưu với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ngày càng vững mạnh, rộng khắp, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.   

---------------------------------------

Ghi chú:

(1) Bộ Tổng Tham mưu, Quân đội nhân dân Việt Nam truyền thống hào hùng, chiến thắng vẻ vang, Nxb Quân đội nhân dân, H.2015, tr.688.

(2) Phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống dân quân tự vệ Việt Nam (28/3/1935-28/3/2015).

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.158.

 

Trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

tcnn.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II.

Chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày đăng 12/04/2024
Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết và những vấn đề đặt ra nếu vận dụng chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo, từ đó đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần xây dựng thành công chính sách thử nghiệm phát triển kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Nội vụ làm việc với thành phố Hải Phòng về xây dựng các đề án tổ chức chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Ngày đăng 06/04/2024
Chiều 05/4/2024, Đoàn công tác Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà làm Trưởng đoàn làm việc với thành phố Hải Phòng về việc xây dựng các đề án: Tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng; Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025. 

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức

Ngày đăng 04/04/2024
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong những năm qua tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đảm bảo đúng quy định, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh phải gắn với việc hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị

Ngày đăng 04/04/2024
Sáng 04/4/2024, tại Hội thảo khoa học “Xây dựng nền công vụ Thành phố Hồ Chí Minh hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030” do UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ những dự báo và đề xuất giải pháp để xây dựng nền công vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong giai đoạn tới.