Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng giảm bao nhiêu biên chế khi không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường?

Ngày đăng: 23/09/2020   10:15
Mặc định Cỡ chữ
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định sắp tới đây các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện mô hình chính quyền đô thị mới theo hướng không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, cấp phường.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho biết:

- Nước ta hiện đang duy trì 3 cấp chính quyền đô thị, là cấp thành phố, cấp quận/huyện và cấp phường. Việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị là thực hiện chủ trương của Đảng về việc tổ chức lại chính quyền địa phương cho phù hợp với đặc điểm đô thị. 

Hà Nội, Đà Nẵng đã được Quốc hội ban hành nghị quyết cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Riêng TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã đồng ý với đề án chính quyền đô thị không có HĐND cấp quận, cấp phường. 

Ngày 25/9/2020, Bộ Nội vụ sẽ làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh về đề án này trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Nhiều điểm mới hơn lần thí điểm năm 2008

* Thưa ông, vì sao phải tổ chức lại chính quyền đô thị theo hướng không có HĐND ở cấp quận, cấp phường?

- Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, quy định chính quyền địa phương được tổ chức thành 1 cấp gồm HĐND và UBND. Trường hợp khác, không có HĐND, sẽ do Quốc hội quyết định. 

Căn cứ quy định của luật, các địa phương Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đang triển khai tổ chức lại mô hình chính quyền đô thị theo hướng chỉ tổ chức từ 1 đến 2 cấp để tinh gọn bộ máy một cách hợp lý.

Theo nghị quyết của Quốc hội, từ ngày 01/7/2021 sẽ thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo 2 cấp TP và cấp quận, không tổ chức HĐND cấp phường. Quốc hội cũng có nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP Đà Nẵng từ ngày 01/7/2021 chỉ 1 cấp là HĐND và UBND Thành phố. 

Theo đó, các quận, phường không có HĐND mà chỉ có UBND là cơ quan hành chính nhà nước. TP.HCM cũng đang xây dựng đề án chính quyền đô thị 1 cấp, theo hướng không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường. Nếu đề án được Quốc hội thông qua, TP.HCM cũng sẽ thực hiện mô hình chính quyền đô thị mới từ ngày 01/7/2021.

12 năm trước, chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Phú Yên, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang. 

Lần này chúng ta chỉ thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường tại các đô thị. Xây dựng cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường theo chế độ thủ trưởng, trực thuộc chính quyền thành phố, phù hợp với nhu cầu quản lý, phát triển đô thị.

* Việc xây dựng chính quyền đô thị hướng tới những mục tiêu nào?

- Dù tổ chức mô hình chính quyền đô thị thế nào vẫn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động chính quyền đô thị các cấp trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt sự giám sát HĐND cấp trên, gắn với quy chế dân chủ tại cơ sở.

Việc tổ chức lại chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý cấp phường, cấp quận, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh gọn hơn. UBND cấp phường, cấp quận sau khi tổ chức lại sẽ là một cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc chính quyền cấp trên.

Quá trình tổ chức lại chính quyền đô thị cũng hướng tới thống nhất chế độ công chức, công vụ trong các cơ quan nhà nước từ thành phố đến quận, phường. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan nhà nước tại đô thị, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của công chức làm việc tại UBND phường, hạn chế tình trạng công chức phường đẩy việc cho tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố thực hiện.

Sẽ giảm hàng ngàn biên chế

* Xin ông cho biết khi tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, sẽ giảm được bao nhiêu biên chế?

- TP Hà Nội hiện có 12 quận, 1 thị xã, với 177 phường; TP Đà Nẵng có 6 quận, 45 phường và TP Hồ Chí Minh có 19 quận, 259 phường. Tương đương với số lượng quận, phường này là số đơn vị HĐND các cấp đang hoạt động với hàng ngàn biên chế, người hưởng lương ngân sách.

Các địa phương chưa có thống kê cụ thể số biên chế giảm được sau khi tổ chức lại chính quyền đô thị. Nhưng nếu TP Hà Nội không tổ chức HĐND tại 177 phường, sẽ giảm được khoảng 4.400 đến 5.300 cán bộ cấp phường. 

Tương tự, Đà Nẵng sẽ giảm được khoảng 1.800 biên chế, người hưởng lương. Việc tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua cũng làm tăng số biên chế toàn Thành phố khoảng 8.300 người, nếu không tổ chức HĐND thì số biên chế, người hưởng lương này sẽ không còn.

* Vậy hàng ngàn biên chế dôi dư khi không tổ chức HĐND tại 3 Thành phố sẽ được sắp xếp thế nào?

- Trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền đô thị, các địa phương sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp, bố trí vị trí việc làm mới phù hợp với năng lực của công chức. Trường hợp không bố trí được việc làm mới trong chính quyền thì các địa phương phải giải quyết theo chế độ công chức dôi dư.

* Ông có lo ngại việc không có HĐND ở quận, phường thì tiếng nói, nguyện vọng của người dân sẽ khó tới được với cơ quan dân cử cấp trên?

- Quá trình tổ chức lại chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh từ ngày 01/7/2021 sẽ gắn liền với việc đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử cấp trên. Hoạt động HĐND cấp thành phố, cấp quận cũng phải có những đổi mới theo hướng tăng tỉ lệ đại biểu chuyên trách, đa dạng các kênh tiếp nhận phản ảnh của người dân.

* Không có HĐND cấp quận, phường thì cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường?

- Tại Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì HĐND Thành phố sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường. Hà Nội chỉ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường nên hoạt động cơ quan hành chính cấp phường sẽ do HĐND cấp quận trực tiếp giám sát. 

Sau khi tổ chức lại chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hợp lý thì cơ quan hành chính cấp quận sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND Thành phố, cơ quan hành chính cấp phường chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp quận.

UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, lần thí điểm không tổ chức HĐND năm 2008 thì UBND cấp quận, huyện, phường, xã vẫn hoạt động theo cơ chế tập thể, UBND vẫn biểu quyết theo đa số.

Ở lần thí điểm sắp tới, UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, chủ tịch UBND phường quyết định. Từ ngày 01/7/2021, chủ tịch UBND thành phố sẽ bổ nhiệm chủ tịch UBND quận, chủ tịch UBND quận sẽ bổ nhiệm chủ tịch UBND phường.

Với chính quyền đô thị, trách nhiệm của chủ tịch UBND các phường rất cao, quyền hạn rất lớn. Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, HĐND quận, đảng ủy phường, Mặt trận Tổ quốc. Như vậy mối quan hệ của chủ tịch phường theo mô hình mới rất nhiều nên cần có quy chế cụ thể về chế độ báo cáo, nếu không suốt ngày chủ tịch phường phải đi báo cáo, không còn thời gian để điều hành.

Theo: Bảo Ngọc/tuoitre.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam

Ngày đăng 29/03/2024
Chiều 28/3, tại Nhà Quốc hội, ngay sau Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Lễ phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2026).

Rà soát các quy định của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) để tránh chồng chéo, trùng lắp với quy định của Luật Di sản văn hóa

Ngày đăng 27/03/2024
Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 26/3/2024, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng dự Hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật để phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển đất nước

Ngày đăng 25/03/2024
Ngày 25/3, chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; đặc biệt, các luật, nghị quyết phải khai thác, phát huy tối đa mọi nguồn lực phát triển của đất nước, tránh lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, tránh "xin - cho".

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân

Ngày đăng 25/03/2024
Sáng 25/3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.  

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024

Ngày đăng 23/03/2024
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, không để tiếp tục chậm trễ; việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng các quy định pháp luật về đầu tư công. 

Tiêu điểm

Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến vấn đề an sinh xã hội ở Việt Nam

Trong thời đại cách mạng công nghiệp hiện nay, với chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, nền kinh tế Việt Nam cơ bản đã vượt qua giai đoạn khó khăn, đạt được tốc độ tăng trưởng cao, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động cả chiều thuận lợi và không thuận lợi đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, vì vậy cần tiếp tục có những nghiên cứu, đánh giá sự tác động đó để có giải pháp phù hợp với chính sách an sinh xã hội một cách hiệu quả. Đây là nhiệm vụ quan trọng đối với công tác an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam.