Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 960/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ

Ngày đăng: 22/09/2020   15:04
Mặc định Cỡ chữ
Sáng ngày 22/9/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 960/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ và tập huấn công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tới dự, chỉ đạo và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Trần Anh Tuấn, Nguyễn Duy Thăng; Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Học viện An ninh nhân dân (Báo cáo viên tại Hội nghị); đại diện lãnh đạo và công chức, viên chức các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Cơ quan, tổ chức và công dân phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của an ninh thế giới và của khu vực, đặc biệt khi Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, bí mật nhà nước là một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, tội phạm trong và ngoài nước thường xuyên thu thập nhằm đả kích, chống phá Đảng và Nhà nước ta. 

Thời gian qua, công tác bảo vệ bí mật của các cơ quan Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo; thể chế chính sách, pháp luật từng bước được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới; nhiều giải pháp quan trọng được đề ra để công tác bảo vệ bí mật nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả. Đặc biệt năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng, Luật bảo vệ bí mật nhà nước. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực Nội vụ; đang sửa đổi, bổ sung Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây là những văn bản quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật ngành Nội vụ, tạo hành lang pháp lý và là cơ sở để công tác bảo vệ bí mật nhà nước nói chung và bí mật nhà nước ngành Nội vụ nói riêng từng bước đi vào nền nếp, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh nhưng kết quả đạt được, thời gian qua công tác bảo vệ bí mật nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều cấp độ khác nhau, phổ biến là vi phạm khi thực hiện: Xác định mức độ mật; thống kê, lưu giữ, bảo quản; sao chụp tài liệu bí mật nhà nước; sử dụng máy tính và các thiết bị trong soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa bí mật nhà nước. Đặc biệt, tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn diễn ra với tính chất, mức độ rất nghiêm trọng, số vụ được phát hiện gần đây năm sau đều cao hơn năm trước trong đó nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, hải đảo… đã ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước. Những khó khăn, tồn tại trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã và đang tạo ra những nguy cơ xấu, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn khắc phục. 

Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị đồng chí báo cáo viên đến từ Học viên An ninh nhân dân với tinh thần, trách nhiệm cao nhất truyền đạt, phổ biến và cập nhật những thông tin, quy định hữu ích quan trọng đến các đại biểu dự Hội nghị; đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tế, giải đáp những vướng mắc trong quá trình thực hiện và chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Về phía các đại biểu tham dự, học tập với tinh thần nghiêm túc, tiếp thu và cầu thị nắm bắt những kiến thức cần thiết để áp dụng thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình; tích cực trao đổi thông tin để giải quyết những vướng mắc liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước diễn ra trong thực tế thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ quán triệt những điểm mới của Quyết định số 960/QĐ-TTg về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ.

Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã quán triệt những điểm mới của Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ. Cụ thể:

1. Về hình thức văn bản và thẩm quyền quyết định

Quyết định số 960/QĐ-TTg là Quyết định cá biệt của Thủ tướng Chính phủ về danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật. (Trước đây quy định danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật).

2. Về tên gọi của Quyết định

Quyết định số 960/QĐ-TTg: Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ (Quyết định số 18/2012/QĐ-TTg và Thông tư số 36/2012/TT-BNV: Danh mục bí mật nhà nước ngành Nội vụ, sau đây gọi tắt là Quyết định 18 và Thông tư 36)

3. Về phạm vi và đối tượng áp dụng

Quyết định số 960/QĐ-TTG có phạm vi áp dụng từ trung ương đến địa phương. (Quyết định 18 và Thông tư số 36 phạm vi áp dụng tại Bộ và ngành Nội vụ). 

4. Về bố cục và nội dung của Quyết định

Quyết định số 960/QĐ-TTg đã kế thừa và cụ thể hóa nội dung tại Quyết định số 18 và Thông tư số 36 theo hướng: Các điều khoản của Quyết định 960/QĐ-TTg được gắn với từng mảng công việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Đồng thời, mở rộng phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng từ Trung ương đến địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế theo đúng tinh thần Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. 

a) Điều 1. Bí mật nhà nước độ Tuyệt mật: 02 khoản 

Trong đó bổ sung nội dung tại khoản 2: “Văn bản về các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm lật đổ chính quyền, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia”. 

Lý do: Qua thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho thấy: có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm kích động người dân chống phá chính quyền, làm bất ổn tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước … Các thông tin liên quan đến các đối tượng này có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng.

b) Điều 2. Bí mật nhà nước độ Tối mật: 04 khoản

Nội dung các khoản (từ khoản 1 đến khoản 4) kế thừa, chỉnh lý và cụ thể hóa các nội dung quy định tại Quyết định số 18. Ngoài ra, một số nội dung được bổ sung và điều chỉnh như sau: 

-  02 nội dung được bổ sung tại Điều 2:

+ Thông tin tài liệu về cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, bổ sung nội dung: “Văn bản nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ liên quan đến bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, điều động, luân chuyển đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị quản lý chưa công khai” (Tại Điểm a, Điều 3).

+ Thông tin về tín ngưỡng, tôn giáo, bổ sung nội dung: “Báo cáo có nội dung nhận xét, đánh giá liên quan đến các đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và an ninh xã hội”.

Lý do: Vì thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo rất phức tạp, có nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị đất nước. Báo cáo đánh giá hoạt động của các đối tượng này sẽ giúp cơ quan nhà nước có những đối sách ứng phó cụ thể.

-  03 nội dung được điều chỉnh giảm từ Tối mật xuống Mật gồm: 

+ “Văn bản nhận xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, kỷ luật, điều động, luân chuyển cán bộ thuộc diện Ban bí thư, Thủ tướng Chính phủ quản lý” tại khoản 3 Điều 2 Quyết định số 18, được giảm mật và quy định tại Điểm b, khoản 4, Điều 3 của Quyết định 960;

+ “Đề án địa giới hành chính về các đối tượng địa lý liên quan đến chủ quyền Việt Nam mà ngành Nội vụ đang chủ trì xây dựng chưa công bố” tại khoản 4, Điều 2 Quyết định số 18, được giảm mật và quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định 960;

+ “Đề thi tuyển dụng công chức, viên chức do các Hội đồng thi chuẩn bị khi chưa tổ chức thi” tại khoản 6 Điều 2 Quyết định số 18, được chuyển xuống Khoản 6, Điều 3 của Quyết định 960.

c)  Điều 3. Bí mật nhà nước độ Mật 

Độ Mật trong Quyết định số 960 đã kế thừa nội dung của 12 Khoản tại Thông tư số 36 và Quyết định số 18. Căn cứ tình hình thực tiễn, các nội dung này đã được biên tập lại phù hợp với từng nhiệm vụ cụ thể lĩnh vực Nội vụ từ trung ương đến địa phương, cụ thể:

Các nội dung được bổ sung:

+ Thông tin về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức (tại Điểm 5), bổ sung nội dung: “đề thi tuyển dụng công chức cấp xã” vào danh mục bí mật nhà nước. 

Đồng thời, căn cứ vào tính chất và mức độ quan trọng của các kỳ thi, nội dung “đề thi dự bị và đáp án” cũng được bảo vệ như “đề thi chính thức’, “đề thi dự phòng, đáp án đề thi dự phòng” và “thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý” chưa được quy định vào nội dung của danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ.

+ Thông tin về tổ chức Hội và các tổ chức phi chính phủ (tại Điểm 7), bổ sung nội dung: “Văn bản có nội dung liên quan đến việc thành lập và hoạt động của các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hội, tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài phức tạp có ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, xã hội chưa công khai” cho phù hợp với hoạt động quản lý nhà nước về tổ chức quỹ, hội, tổ chức phi chính phủ trên thực tế.

+ Thông tin về tín ngưỡng, tôn giáo (tại Khoản 8) bổ sung nội dung: Thông báo, báo cáo về tình hình tín ngưỡng, tôn giáo có thông tin nhận định về người theo tín ngưỡng; về các tổ chức, cá nhân tôn giáo; về việc đánh giá tình hình tín ngưỡng, tôn giáo và định hướng xử lý giải quyết công tác quản lý nhà nước (điểm e); Công tác tranh thủ đối tượng là cốt cán trong tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc cho phù hợp với tình hình thực tế trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo (điểm g).

+ Thông tin, tài liệu về công tác văn thư, lưu trữ nhà nước, bổ sung nội dung: “Cơ sở dữ liệu tại các Trung tâm lưu trữ lịch sử cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tổ chức cán bộ”, “danh mục tài liệu tại các Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh, thành phố có liên quan đến chính trị, an ninh và lợi ích quốc gia khi chưa được phép khai thác, sử dụng”. 

Lý do: Trên thực tế, tại các trung tâm lưu trữ lịch sử có một hệ thống các cơ sở dữ liệu, danh mục tài liệu thống kê và lưu trữ các loại văn bản, tài liệu về tín ngưỡng, tôn giáo, về công tổ chức cán bộ của các thời kỳ lịch sử có nội dung quan trọng nếu công khai sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến chính trị, an ninh, quốc gia. Vì vậy, nội dung này cần được bảo mật và đưa vào danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực Nội vụ.

+ Bổ sung Khoản 10: “Văn bản báo cáo về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong công tác tổ chức, cán bộ”.
Lý do: Bổ sung theo Điểm c, khoản 13, Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và kế thừa nội dung “kết quả khảo sát, điều tra, thống kê về thực trạng đội ngũ cán bộ công chức” của Khoản 9, Điều 1 Thông tư số 36.

+ Bổ sung Khoản 11: “Hồ sơ trình, quyết định khen thưởng cho tập thể, cá nhân có hoạt động bí mật mà việc khen thưởng có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại, hoạt động nghiệp vụ làm lộ danh tính hoặc ảnh hưởng đến tính mạng của người được khen thưởng”.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Khoa An ninh chính trị nội bộ - Học viện An ninh nhân dân truyền đạt kiến thức về công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Đại tá, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa, Khoa An ninh chính trị nội bộ - Học viện An ninh nhân dân, truyền đạt một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ bí mật nhà nước từ thực trạng công tác bảo vệ bí mật nhà nước thời gian qua; yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới; đồng thời giới thiệu nội dung cơ bản các quy định của pháp luật, của ngành Công an về công tác bảo vệ bí mật nhà nước; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị và công dân về bảo vệ bí mật nhà nước. 

Quang cảnh Hội nghị

Hiện nay, hệ thống văn bản của Việt Nam có những chế tài rất nghiêm khắc đối với việc vi phạm làm lộ lọt những thông tin liên quan tới bí mật nhà nước. Các quy định liên quan tới pháp luật xử lý vi phạm hành chính và trong cả Bộ luật Hình sự cũng có những chế tài liên quan đến hành vi để lọt thông tin bí mật nhà nước... Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đa dạng, các yêu cầu của công tác này ngày càng chặt chẽ hơn, đồng thời đòi hỏi nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức đối với công tác này phải cao hơn./.

Mạnh Quân

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đảng ủy Bộ Nội vụ: sơ kết công tác đảng Quý I và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2024

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng ngày 22/4/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II/2024. Đồng chí Vũ Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viên

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng 22/4/2024, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 40, 30 năm tuổi Đảng cho các đồng chí đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Nội vụ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ: Áp dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Ngày đăng 19/04/2024
Sáng ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Bộ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Áp dụng ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ” và tổng kết Tháng Thanh niên năm 2024. 

Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 18/04/2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể như sau:

Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đảng!

Ngày đăng 15/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.