Hà Nội, Ngày 20/04/2024

Người có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực phải bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời

Ngày đăng: 18/09/2020   11:13
Mặc định Cỡ chữ
Kiểm soát quyền lực là yêu cầu tất yếu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực ở nước ta vẫn chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả chưa cao dẫn đến tình trạng tha hóa quyền lực, lợi dụng quyền lực còn diễn ra trong bộ máy của hệ thống chính trị và ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cần có những giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay. PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã chia sẻ với Tạp chí Tổ chức nhà nước về một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực ở Việt Nam hiện nay.
PGS.TS Vũ Văn Phúc phát biểu tại Tọa đàm khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”  do Tạp chí Tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ tổ chức.

Một là, cụ thể hóa các biểu hiện tha hóa quyền lực đối với từng lĩnh vực, từng vị trí công tác, trước hết là của cán bộ lãnh đạo, quản lý để biết và thực hiện, tự phòng tránh không mắc phải.

Trước hết, các cấp ủy đảng và chính quyền phải nhận diện rõ các biểu hiện tha hóa quyền lực thường gặp, nhất là tình trạng lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, quan liêu, tùy tiện,… ở ngay cơ quan, đơn vị mình và công khai để đảng viên, cán bộ, công chức tự đề kháng, tự giác phòng ngừa. Đồng thời, cần nâng cao ý thức trách nhiệm, nhất là của người đứng đầu trong kiểm soát quyền lực ở từng cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan, đơn vị.

Hai là, thiết lập cơ chế, chế tài kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc quyền hạn gắn với trách nhiệm, quyền lực dù nhỏ đến đâu cũng phải được kiểm soát chặt chẽ.

Xây dựng quy định rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền của tập thể, cá nhân, bảo đảm phải rõ quyền, đủ quyền, đúng quyền và thực quyền. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế phản biện, chất vấn, giải trình bảo đảm công khai, minh bạch. Nghiên cứu xây dựng quy định phát huy vai trò, trách nhiệm, quyền của các đại biểu dự đại hội đảng các cấp trong suốt cả nhiệm kỳ, trước hết là quyền chất vấn, kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy viên do mình bầu ra. Cụ thể hóa quan điểm, nguyên tắc “Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” bảo đảm Đảng cầm quyền theo pháp luật, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân.

Hoàn thiện và đổi mới hệ thống pháp luật bảo đảm nguyên tắc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Phân định rõ phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan trong cùng lĩnh vực để hạn chế tối đa tình trạng một cán bộ cùng lúc giữ cả chức quyền cao trong Đảng, trong cơ quan lập pháp và trong cơ quan hành pháp. Đẩy mạnh xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng ta đã đề ra.

Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về công tác cán bộ.

Giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân; gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng để phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tha hóa quyền lực. Cán bộ là nhân tố quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, do đó, phải quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ, coi đây là khâu then chốt để thực hiện nhiệm vụ then chốt.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương để không chỉ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; mà còn là “hình ảnh”, tấm gương sáng của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương về “sự tự tu, tự dưỡng, tự rèn, tự soi, tự trách, tự sửa, tự xử” để cán bộ, đảng viên và mọi người học tập noi theo.

Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với kiểm soát quyền lực.

Một trong những phương thức để “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế” chính là kiểm tra, giám sát việc trao và thực thi quyền lực. Coi trọng việc kiểm tra, giám sát người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là ở những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”; những vị trí công tác có quyền quyết định về tài chính, đất đai, tài nguyên khoáng sản, dự án,… Cần đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và nội dung, phương thức cầm quyền của Đảng đối với công tác kiểm tra, giám sát trong việc kiểm soát quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Quy định rõ mức độ chịu trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc để cán bộ, đảng viên tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Tổ chức tốt việc tiếp nhận, thu thập và giải quyết đơn thư tố cáo có dấu hiệu tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực. Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện dấu hiệu tha hóa quyền lực để tiến hành công tác kiểm tra.

Năm là, tập trung thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền.

Cần nhận thức rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Gắn mục tiêu đại hội đảng với tiếp tục thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo các Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XI, khóa XII. Chú trọng khâu quy hoạch, thẩm định nhân sự cấp ủy các cấp bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình theo quy định của Trung ương.

Kiên quyết không để những đảng viên cơ hội về chính trị, vi phạm tiêu chuẩn chính trị, những đảng viên có biểu hiện tha hóa quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” lọt vào cấp ủy; những đảng viên có biểu hiện vi phạm các nội dung trong Quy định số 205-QĐ/TW thì kiên quyết đưa ra khỏi danh sách nhân sự cấp ủy khóa mới, bảo đảm cấp ủy là tổ chức trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.

Sáu là, kiên quyết xử lý công minh, chính xác, kịp thời các hành vi tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”.

Cần tăng hình thức kỷ luật đối với các hành vi tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực,... vì đó là nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Người có hành vi lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” phải bị xử lý nghiêm khắc, kịp thời, nghiêm minh về trách nhiệm vật chất, chính trị, hành chính hoặc hình sự, bất kể người đó là ai và ở cương vị nào.

Đối với những trường hợp lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi, “lợi ích nhóm” cần có quy định cụ thể về việc thu hồi đầy đủ tài sản, đồng thời có quy định tỷ lệ phạt về giá trị vật chất cao hơn giá trị do tham nhũng mà có, kể cả người đó đã nghỉ hưu hoặc đã chết (nếu chết thì tịch thu của những người đang thụ hưởng tài sản của người tham nhũng) để không ai còn dám tham nhũng.

Cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn càng cao thì càng phải xử nặng khi có vi phạm; làm mạnh từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không sợ “đụng chạm”, không sợ “liên lụy” để làm tăng lòng tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son thừa nhận trước Hội đồng xét xử đã nhận hối lộ 3 triệu USD khi là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

“Nhân dân cũng rất đau xót vì trong bộ máy Đảng, Nhà nước có những cán bộ suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa thành những người tham nhũng, lấy của công hàng nghìn tỷ, thậm chí có trường hợp nhận hối lộ 3 triệu USD – việc này chưa từng có trong lịch sử. Nhưng qua việc kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng thấy rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm rất quyết liệt để loại ra khỏi bộ máy những con người không còn đủ tư cách” – PGS.TS Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.

Bảy là, Đảng phải luôn quán triệt và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy tư tưởng dân chủ chỉ đạo toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng.

Đảng phải bảo đảm hoạt động cầm quyền và hiệu quả cầm quyền của Đảng phản ánh lợi ích căn bản của đông đảo quần chúng nhân dân. Thực hiện dân chủ trong các khâu bầu cử, ra quyết sách, quản lý và giám sát. Lấy phát triển dân chủ trong Đảng để dẫn dắt dân chủ trong chính quyền và xã hội. Đảng lãnh đạo và ủng hộ nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của người dân, thực hiện toàn diện dân chủ nhân dân, quản lý đất nước và xã hội trên cơ sở nghiêm túc tuân theo chế độ và trình tự dân chủ. Không có sự dân chủ trong cầm quyền, sự cầm quyền của Đảng sẽ không có cơ sở vững chắc và Đảng cũng không thể giành được sự ủng hộ lâu dài của nhân dân.

Vi phạm nguyên tắc "tập trung dân chủ" là một trong những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Anh.

Tám là, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về phương thức cầm quyền và việc kiểm soát quyền lực với các đảng cầm quyền ở một số quốc gia trên thế giới.

Mỗi nước có thể chế chính trị và điều kiện khác nhau, song trong bối cảnh toàn cầu hóa và tích cực hội nhập quốc tế, chúng ta có thể tham khảo tiếp thu có chọn lọc những nội dung tinh hoa về kinh nghiệm kiểm soát quyền lực của đảng cầm quyền ở các nước trên thế giới cho phù hợp với thực tiễn nước ta và xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Hầu hết các đảng cầm quyền trên thế giới đều “nhất thể hoá” chức danh đảng với chính quyền và trong quá trình lãnh đạo đều tôn trọng và tuân theo quy luật khách quan; tuân thủ việc cầm quyền theo pháp luật để khắc phục tình trạng pháp luật của nhà nước không hiệu lực bằng quy định của đảng, quy định của đảng không hiệu lực bằng quy định nội bộ, quy định nội bộ không hiệu lực bằng bút phê của lãnh đạo, bút phê của lãnh đạo không hiệu lực bằng khẩu dụ của cá nhân lãnh đạo, lấy lời nói thay thế pháp luật, lấy quyền uy lấn át pháp luật để qua đó ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực./.

Nhật Nam

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

ĐBQH - PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Lịch sử, địa lý, văn hóa là yếu tố quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập

Ngày đăng 15/04/2024
Đến năm 2025, cả nước dự kiến có hơn 600 đơn vị hành chính cấp xã mới sau khi sáp nhập và việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới này là vấn đề hiện đang được dư luận rất quan tâm. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, việc đặt tên cần thể hiện được dấu ấn, truyền thống văn hóa, lịch sử địa lý… của địa phương.

Vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày đăng 05/04/2024
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đột phá chiến lược về thể chế. Bài viết tập trung nghiên cứu các yêu cầu đặt ra trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, từ đó xác định vai trò, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.

Công vụ và sự thay đổi hướng tới trả lương theo vị trí việc làm

Ngày đăng 29/03/2024
Nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việt Nam đang chuyển đổi sang mô hình công vụ vị trí việc làm và hướng đến trả lương theo vị trí việc làm. Bài viết phân tích, trao đổi về công vụ và các mô hình công vụ cùng với vấn đề vị trí việc làm để hướng tới trả lương theo vị trí việc làm.

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Ngày đăng 22/03/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên, khẳng định “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”(1). Vì vậy, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, quan điểm về sự nghiệp “trồng người” trở thành tư tưởng xuyên suốt, góp phần chuẩn bị và xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu, dẫn dắt thanh niên trở thành lớp người kế tục trung thành, xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Ngày đăng 19/03/2024
Văn bản hành chính (VBHC) là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức(1). VBHC là phương tiện không thể thiếu để các cơ quan, tổ chức truyền đạt các thông tin quản lý và ban hành các quyết định quản lý. VBHC cũng là sản phẩm phản ánh kết quả hoạt động của của cơ quan, tổ chức nói chung, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức nói riêng.