Hà Nội, Ngày 25/04/2024

Tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Bộ Nội vụ

Ngày đăng: 17/09/2020   18:32
Mặc định Cỡ chữ
Chiều ngày 17/9/2020, tại Trụ sở Bộ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo và chuyên viên theo dõi công tác cải cách hành chính của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ; đại diện Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa điều hành phiên thảo luận của Hội nghị
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn trình bày báo cáo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn trình bày Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nội vụ như sau:

Kết quả thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ giai đoạn 2011-2020

Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ được đổi mới và nâng cao chất lượng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ bản đã được trình hoặc ban hành đầy đủ, bước đầu đã khắc phục được tình trạng chồng chéo quy định.

Thủ tục hành chính đã được rà soát, công khai và đơn giản hóa giúp người dân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thực hiện; tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4 liên tục được gia tăng, giúp giảm bớt thời gian và chi phí đi lại; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn luôn ở mức độ cao, đáp ứng được sự tin cậy của người dân, tổ chức.

Bộ máy tổ chức cơ bản đã được sắp xếp tinh gọn, tinh giảm được bớt các đầu mối, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị được điều chỉnh phù hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống hoặc trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có số lượng, cơ cấu hợp lý, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, năng lực và tính chuyên nghiệp cao; hoàn thiện xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm; việc tuyển dụng, bố trí, phân công nhiệm vụ phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của công chức, viên chức; thực hiện thi tuyển cạnh tranh để bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương; nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng được đổi mới góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kỷ luật, kỷ cương hành chính được giữ nghiêm.

Về công tác tài chính, ngân sách được kiểm tra thường xuyên nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; mức độ tự chủ, mức độ tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp từng bước được nâng cao, đi cùng với chất lượng, hiệu quả hoạt động được cải thiện; thực hiện có hiệu quả việc quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, góp phần chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ, 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính được thực hiện dưới dạng điện tử; cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc; số dịch vụ công được cung cấp ở mức độ 3 và 4 liên tục gia tăng; Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 được áp dụng linh hoạt, hiệu quả vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế như: Việc xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật đôi lúc còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu thời gian đề ra hoặc phải xin lùi thời gian trình ban hành; tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chưa được đồng bộ, nhất quán; trình độ nhân lực cho phát triển hạ tầng, công nghệ còn hạn chế; chi phí để hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện vào hoạt động của cơ quan, đơn vị tương đối cao; cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan hành chính nhà nước không có nhiều đổi mới, chưa xóa bỏ được chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế để thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động; mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chưa cao khiến mức chi ngân sách nhà nước chưa được giảm thiểu nhiều...

Đề xuất nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước của Bộ Nội vụ giai đoạn 2021-2030

Về xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nội vụ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Hữu Tuấn đề nghị cần tập trung thực hiện một số nội dung: (1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện nội dung các dự án Luật; tham gia nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở Hiến pháp năm 2013; (2) Tiếp tục cắt giảm và nâng cao chất lượng thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân, tổ chức; (3) Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; (4) Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, tận tụy phục vụ nhân dân thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, có hiệu quả; (5) Tiếp tục nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; (6) Nghiên cứu để đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, tiến tới xóa bỏ chế độ cấp kinh phí theo số lượng biên chế, thay thế bằng cơ chế cấp ngân sách dựa trên kết quả và chất lượng hoạt động, hướng vào kiểm soát đầu ra, chất lượng chi tiêu theo mục tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; (7) Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc của từng cơ quan, đơn vị, giữa các cơ quan, đơn vị với nhau và trong giao dịch với người dân, tổ chức, đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công ở mức độ 3 và 4; (8) Đến năm 2030 có 90% số dịch vụ công của Bộ được cung cấp ở mức độ 3 và 4...

Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính Phạm Minh Hùng báo cáo những công việc mà Bộ Nội vụ đã tham mưu, đóng góp trong thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ thời gian qua và định hướng những giải pháp trong thời gian tới.

Phó Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Văn Thủy báo cáo việc triển khai văn bản điện tử của Bộ Nội vụ trong thời gian qua.

Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Nguyễn Thị Nga phát biểu tại Hội nghị.

Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội Nguyễn Bá Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Hoàng Quốc Long phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện Báo cáo, đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cho Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030.

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân và Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa đã trao tặng Bằng khen của Bộ Nội vụ cho 07 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính của Bộ Nội vụ giai đoạn 2011-2020.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trao tặng Bằng khen cho các tập thể
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa trao tặng Bằng khen cho các cá nhân
Quang cảnh Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ và ý kiến đóng góp rất trách nhiệm của các đại biểu nhằm hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nội vụ.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tập trung triển khai một số nội dung sau:

Một là, giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Cải cách hành chính hoàn thiện Báo cáo tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; báo cáo nhiệm vụ kép Bộ Nội vụ thực hiện với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và tổ chức triển khai cải cách hành chính trong các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ.

Hai là, giao Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa chỉ đạo tổ chức hai Hội thảo khoa học về đánh giá Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và giải pháp xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Ba là, Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu đề xuất cơ quan chủ trì, tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chỉ đạo công tác cải cách hành chính theo hai hướng: (1)Tiếp tục củng cố nhiệm vụ của Vụ Tổ chức cán bộ và có sự phối hợp với đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ; (2) Giao cho Vụ Cải cách hành chính là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ về chỉ đạo công tác cải cách hành chính nhà nước trong giai đoạn 2021-2030.

Bốn là, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện các nội dung cải cách hành chính có liên quan đến lĩnh vực của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Nội vụ.

Năm là, tập trung những định hướng lớn về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030 sau: (1) Bộ Nội vụ bám sát 6 nhiệm vụ trụ cột của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; đồng thời, phải chọn những vấn đề trọng tâm để đi vào chiều sâu, đưa những định hướng, chủ trương vào cuộc sống. Về phạm vi cả nước, cải cách hành chính nhà nước phải gắn với việc xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; (2) Gắn Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước với nhiệm vụ trọng tâm cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; (3) Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó đối với Bộ Nội vụ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; (4) Liên thông hiệu quả, trách nhiệm giải trình các cơ quan hành chính nhà nước; (5) Nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công tác cải cách hành chính nhà nước./.

Mạnh Quân

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Đảng ủy Bộ Nội vụ: sơ kết công tác đảng Quý I và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II năm 2024

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng ngày 22/4/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Quý I, triển khai nhiệm vụ công tác Quý II/2024. Đồng chí Vũ Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì Hội nghị.

Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng cho 10 đảng viên

Ngày đăng 22/04/2024
Sáng 22/4/2024, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Nội vụ tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu 40, 30 năm tuổi Đảng cho các đồng chí đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ Bộ Nội vụ.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ: Áp dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Ngày đăng 19/04/2024
Sáng ngày 19/4/2024, tại Trụ sở Bộ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Áp dụng ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bộ” và tổng kết Tháng Thanh niên năm 2024. 

Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ

Ngày đăng 18/04/2024
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành Kế hoạch sát hạch, tuyển chọn cán bộ trẻ tham gia Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của Bộ Nội vụ giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể như sau:

Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đảng!

Ngày đăng 15/04/2024
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), Tạp chí Tổ chức nhà nước trân trọng giới thiệu những cống hiến, đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng do Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành.