Hà Nội, Ngày 26/04/2024

Lâm Đồng: Để ISO thúc đẩy cải cách hành chính

Ngày đăng: 17/09/2020   10:01
Mặc định Cỡ chữ
Xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước đã góp phần không nhỏ trong thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Lâm Đồng.

Hoàn tất việc triển khai ISO ở cấp xã sớm hơn 2 năm 

Là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đi đầu về ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trong các cơ quan hành chính nhà nước, Lâm Đồng đã triển khai hệ thống này ở cấp tỉnh, cấp huyện cũng như thí điểm tại một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh nhiều năm nay.

Hệ thống này trước đây có phiên bản TCVN ISO 9001:2008 được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan hành chính nhà nước; gần đây đã được nâng cấp lên phiên bản mới TCVN ISO 9001: 2015. 

Toàn bộ các xã trong tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng và áp dụng ISO 9001:2015.

Để duy trì và vận hành hệ thống ISO, hằng năm ngành chức năng tỉnh lên kế hoạch thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh về áp dụng ISO 9001 cũng như về nghiệp vụ kiểm tra, xây dựng, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng này.

Tính đến thời điểm này, đã có 33/33 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh cùng toàn bộ 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng và áp dụng ISO 9001; đồng thời những cơ quan, đơn vị này đã thực hiện việc công bố lại khi có sự thay đổi phạm vi áp dụng. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc áp dụng ISO trong các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh đến nay đã đi vào nề nếp. 

Theo yêu cầu của tỉnh, đến nay đã có 14/33 cơ quan cấp tỉnh thực hiện việc chuyển đổi từ phiên bản cũ TCVN ISO 9001:2008 sang áp dụng phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015. 

Cùng đó, tất cả UBND của 12 huyện, thành phố trong tỉnh đến nay đều đã hoàn tất việc chuyển đổi sang áp dụng và vận hành phiên bản mới ISO 9001:2015 tại đơn vị mình.

Riêng cấp xã, lâu nay đã có một số xã, phường trong tỉnh áp dụng ISO 9001 phiên bản cũ 2008, nhưng theo yêu cầu của tỉnh, toàn bộ xã, phường trong tỉnh đến nay đều đã đồng loạt xây dựng và áp dụng phiên bản mới TCVN ISO 9001:2015. Đến cuối năm 2019 vừa qua, tất cả 142/142 xã, phường trong tỉnh đã hoàn tất việc xây dựng, áp dụng ISO phiên bản mới này. Tiến độ xây dựng và áp dụng ISO khối xã, phường của tỉnh nhanh hơn 2 năm so với kế hoạch của tỉnh đề ra trước đó. 

Qua kiểm tra, đánh giá, hầu hết các đơn vị đã duy trì, cải tiến hệ thống ISO theo qui định của bộ tiêu chuẩn; thực hiện việc công bố hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 9001 và đã gửi bản công bố cho tỉnh, cập nhật khi có sự thay đổi. Một số đơn vị đã tích cực gắn các yêu cầu của chuẩn ISO 9001, chuẩn Chính phủ điện tử vào công tác CCHC để nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị mình.

Tăng cường kiểm tra

Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng, vẫn còn không ít những tồn tại cần khắc phục trong việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO trong tỉnh hiện nay.

Trước nhất, vẫn còn tình trạng một số đơn vị chưa kịp thời cập nhật hệ thống tài liệu, thủ tục hành chính khi có sự thay đổi. Một phần cũng do hệ thống văn bản qui phạm pháp luật chưa đồng bộ, thường xuyên thay đổi nên các đơn vị phải mất nhiều thời gian cho việc biên soạn, chỉnh sửa tài liệu, xây dựng quy trình ISO để triển khai thực hiện công tác kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, không ít đơn vị như nhận xét của tỉnh, dù vẫn tiến hành đánh giá nội bộ hằng năm nhưng hiệu quả đánh giá không cao, chưa có giải pháp khắc phục hay cải tiến được những điểm chưa phù hợp trong hệ thống. 

Cùng đó, nhận thức về các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nên lúng túng trong triển khai thực hiện; nhiều cán bộ, công chức được đào tạo, tập huấn về hệ thống quản lý chất lượng lại thường xuyên bị thay đổi do luân chuyển vị trí công tác; người mới tiếp nhận chưa am hiểu về hệ thống quản lý chất lượng dẫn đến khó khăn trong quá trình vận hành, duy trì và cải tiến hệ thống này.

Một nguyên nhân nữa là số lượng hồ sơ giải quyết công việc chuyên môn của một số phòng, ban nhiều dẫn đến quá tải, từ đó ảnh hưởng đến việc sắp xếp và lưu trữ hồ sơ, tài liệu. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến việc triển khai, duy trì áp dụng ISO, chưa kết hợp được các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO vào quá trình giải quyết thủ tục hành chính, chưa xem ISO như là một công cụ hỗ trợ cho công tác CCHC và giao khoán hoàn toàn việc triển khai áp dụng ISO cho cán bộ, công chức phụ trách, dẫn đến việc triển khai áp dụng ISO trong đơn vị chưa đồng bộ, mang tính hình thức nên không đạt hiệu quả cao.

Chính vì vậy, trong thời gian đến, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đơn vị chức năng tỉnh duy trì thường xuyên việc tổ chức các lớp đào tạo về việc xây dựng áp dụng, duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh hằng năm.

Ngành chức năng tỉnh cũng cần theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức theo kế hoạch đã được phê duyệt. Đối với các cơ quan, đơn vị lâu nay áp dụng phiên bản TCVN ISO 9001:2008 nên nhanh chóng chuyển đổi sang tiêu chuẩn ISO 9001:2015 sớm nhất trong thời gian đến.

UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố trong tỉnh định kỳ hằng năm phải kiểm tra tình hình xây dựng, áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO của ít nhất 30% UBND cấp xã trên địa bàn./.

Theo: lamdong.gov.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Thống nhất cách thức thực hiện khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Ngày đăng 21/04/2024
Ngày 21/4/2024, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 2635/VPCP-KSTT về việc báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), phương án đơn giản hóa về thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư tại các Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ.

PAR INDEX năm 2023: Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ

Ngày đăng 17/04/2024
Bộ Nội vụ tiếp tục giữ vị trí thứ 04/17 bộ, cơ quan ngang bộ trong bảng Chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đạt 87.04%. Dẫn đầu là Bộ Tư pháp, đạt 89.95% và đứng cuối bảng là Bộ Công Thương, đạt 78.03%.

Công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả khá toàn diện

Ngày đăng 17/04/2024
Ngày 17/4/2024, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2023 (SIPAS 2023) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023). 

Thực trạng và giải pháp xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị

Ngày đăng 15/04/2024
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng chính quyền số là một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian quan, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, tổ chức triển khai thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị thời gian qua vẫn còn gặp phải những khó khăn, hạn chế nhất định. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm xây dựng thành công chính quyền số ở tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Bộ Nội vụ làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày đăng 08/04/2024
Tiếp Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) Phan Văn Mãi nhấn mạnh, buổi làm việc với Đoàn công tác là rất quan trọng, giúp TPHCM tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính trong đặc thù của Thành phố; cũng như thúc đẩy công tác cải cách hành chính tại Thành phố thời gian tới.