Hà Nội, Ngày 29/03/2024

Cần nghiêm trị việc tố cáo sai sự thật

Ngày đăng: 14/08/2020   14:01
Mặc định Cỡ chữ
Thời gian gần đây, nhất là trong thời điểm đại hội đảng các cấp đang được tích cực triển khai, việc tố cáo dưới hình thức đơn thư nặc danh có những diễn biến bất thường, cả về nội dung cũng như số lượng đơn thư.

Hiện tượng này cần được nhận diện, tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời có biện pháp xử lý thích đáng đối với người cố tình tố cáo sai sự thật, để những đòn “đánh dưới thắt lưng” không trở thành phổ biến, làm tổn hại thanh danh cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín các cơ quan, đơn vị cũng như gây mất đoàn kết nội bộ, gây hoang mang dư luận.

“Sáng tác” đơn thư để gửi đi nhiều nơi, tung lên mạng xã hội, phát tán như “rải truyền đơn” để nói xấu, bôi nhọ, tố cáo sai sự thật về cá nhân trong diện quy hoạch, trong cơ cấu nhân sự chủ chốt khóa mới nhằm rắp tâm hãm hại cá nhân đang có dấu hiệu nở rộ và ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhất là trong giai đoạn đại hội Ðảng các cấp đang được tiến hành. Trường hợp xảy ra với bà Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa mới đây là một thí dụ. Vì mâu thuẫn cá nhân, ông Lê Hùng Mạnh (73 tuổi, ngụ tại xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã viết đơn nặc danh gửi đến nhiều đơn vị, các cơ quan báo chí để nói xấu, bôi nhọ, tố cáo bà Mười “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong quá trình công tác, vi phạm đạo đức, lối sống”. Chỉ đến đầu tháng 6-2020, khi bà Bùi Thị Mười làm đơn tố giác gửi Công an tỉnh Thanh Hóa thì mọi chuyện mới sáng tỏ. Ngày 21/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác định, bắt tạm giam ba tháng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với nghi phạm Lê Hùng Mạnh - người đã liên tục viết đơn nặc danh tố cáo sai sự thật đối với bà Mười, vì đã “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Ðiều 331, Bộ luật Hình sự (năm 2015). Khám xét nơi ở của Lê Hùng Mạnh, cơ quan công an thu giữ một số đơn nặc danh tố cáo bà Bùi Thị Mười nhưng chưa kịp gửi. Bước đầu, Lê Hùng Mạnh khai nhận vì mâu thuẫn cá nhân, nên thường xuyên viết đơn nặc danh để bôi nhọ, hạ uy tín, nhằm khiến bà Bùi Thị Mười không trúng cử vào Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Thạch Thành nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ðáng nói là có cơ quan báo chí sau khi nhận được đơn nặc danh của ông Mạnh đã cử phóng viên đến Thạch Thành tìm hiểu, viết bài gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh chính trị địa phương trước thềm Ðại hội Ðảng bộ huyện. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã kiểm tra, xác minh và kết luận bà Bùi Thị Mười không vi phạm như đơn thư nặc danh tố cáo.

Ðáng buồn là trường hợp bà Bùi Thị Mười không phải cá biệt trong thời điểm hiện nay. Rất may, nhờ các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc và sớm kết luận, bà Bùi Thị Mười đã được “minh oan” và tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy, khi Ðại hội đại biểu Ðảng bộ huyện Thạch Thành lần thứ 25, nhiệm kỳ 2020 - 2025 kết thúc ngày 07/8/2020. Song không phải cán bộ nào cũng may mắn như bà Bùi Thị Mười. Trên thực tế, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, vì sự đố kỵ, ghen ăn tức ở, cục bộ, phe phái… trước những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế và chức vụ trong công tác mà tại không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ, ngành trên cả nước đã xuất hiện tình trạng tố cáo nặc danh, thậm chí đứng tên, nhưng phản ánh không đúng sự thật. Ðiều này gây ra những “bán tín, bán nghi”, khiến nội bộ bị phân tâm, thậm chí nghi ngờ, chia rẽ không đáng có. Thậm chí, có không ít đảng viên, cán bộ lãnh đạo tiếp tay, kích động cấp dưới, kích động người khác làm việc sai trái, tung tin đồn nhảm, đặt điều, làm đơn thư nặc danh để phản ánh gửi nhiều cơ quan chức năng, một số cơ quan báo chí lại tin vào cái gọi là “hồ sơ, chứng cứ” kèm theo đơn thư nặc danh để công kích, chống phá, hạ bệ cán bộ trong diện quy hoạch. Các đối tượng này không chỉ là những người “ném đá giấu tay”, mà còn là những kẻ cơ hội chính trị, cố tình lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo, chống tiêu cực… để phục vụ ý đồ cá nhân, hoặc nhóm lợi ích.

Cần phải khẳng định rằng lâu nay, việc góp ý, phê bình, tố cáo đúng người, đúng việc, tôn trọng sự thật, mang tinh thần xây dựng luôn được các cấp, các ngành, các cơ quan có trách nhiệm, lắng nghe, tiếp thu, giải quyết. Ðiều này góp phần uốn nắn sai trái của cán bộ, giúp tập thể trong sạch, vững mạnh hơn. Nhờ có sự góp sức từ những người dũng cảm phê phán, đấu tranh chống lại những hành động sai trái, tiêu cực mà công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, việc đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, việc làm sai phạm của cán bộ (nhất là cán bộ chủ chốt) có hiệu quả, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và Chính phủ. Thực tế, nhiều tấm gương trong hoạt động này đã được tuyên dương, khen thưởng. Thế nhưng, vẫn có không ít trường hợp cố tình lợi dụng việc viết đơn thư tố cáo để làm điều sai trái, gây rối, phá vỡ đoàn kết nội bộ, thậm chí làm lỡ sự nghiệp chính trị của một số cán bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác nhân sự. Vì vậy, việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời những đối tượng tố cáo sai sự thật về công tác cán bộ là hết sức quan trọng, cấp bách, nhất là trước Ðại hội Ðảng.

Thông tin từ Ban Tiếp công dân Trung ương cho biết, 7 tháng đầu năm 2020, Ban tiếp nhận hơn 9.100 đơn các loại, tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2019. Ðáng chú ý, có tới hơn 6.400 đơn (chiếm hơn 70%) không đủ điều kiện xử lý. Thực tế, có những trường hợp vì muốn hãm hại sự nghiệp chính trị của người khác, chưa hẳn là “đối thủ” trong cuộc đua, đã viết đơn tố cáo nặc danh, thậm chí lợi dụng báo chí “vào cuộc” để “hợp lý hóa” việc tìm hiểu, phản ánh, kiến nghị những thông tin không đúng sự thật, khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Hậu quả là không ít trường hợp cán bộ bị ảnh hưởng uy tín, mất phiếu, thậm chí vì thời gian xử lý đơn thư xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm nên đã vuột mất cơ hội quy hoạch, thăng tiến rất đáng tiếc. Bởi lẽ, để xem xét và đánh giá khách quan, cơ quan thanh tra, kiểm tra phải có thời gian xem xét, giải quyết đơn thư tố cáo theo đúng quy định. Do đó một số trường hợp, khi cơ quan chức năng có kết luận các nội dung tố cáo không đúng sự thật thì cơ hội về công tác cán bộ đã trôi qua. Khi ấy, người ra đòn “đánh dưới thắt lưng” được dịp hả hê vì đạt được mục đích. Song pháp luật, đạo đức xã hội, lương tâm con người không thể bỏ qua những kẻ phá hoại danh dự, uy tín, sự nghiệp của người khác một cách dễ dàng. Những đối tượng phá hoại ấy nhất định phải bị nhận diện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Ðiều 2, Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “1. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; b) Tố cáo  hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực”. Như vậy, việc tố cáo cần phải tuân thủ quy định của pháp luật, các hành vi tố cáo nặc danh, núp bóng để vu khống, bôi nhọ, tố cáo sai sự thật đều bị coi là bất hợp pháp. Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2019/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là việc quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau: Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ðây là quy định cần thiết để hoạt động tố cáo không bị lợi dụng, gây mất trật tự xã hội. Ðó cũng là vấn đề mà trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Ðảng năm 2019; triển khai nhiệm vụ năm 2020 tổ chức ngày 10/01/2020, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp cần thực hiện tốt một số nội dung, trong đó chú trọng giải quyết đơn thư, các vụ việc, bảo đảm đúng quy định, phục vụ tốt cho việc chuẩn bị nhân sự đại hội Ðảng các cấp và nhân sự Trung ương khóa XIII theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị; kiên quyết đấu tranh với tình trạng tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến nhân sự đại hội.

Rõ ràng, việc giải quyết đơn thư tố cáo theo đúng các quy định của pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, giúp phát huy hiệu quả của hoạt động này theo đúng tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Ðồng thời đối với các trường hợp tố cáo sai sự thật cũng cần phải được xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, vì hành vi này không chỉ gây phương hại đến các cơ quan, đơn vị, đến cá nhân có liên quan, mà còn gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối tình hình an ninh chính trị, ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Ðảng. Nếu người thực hiện việc làm đáng lên án này là đảng viên còn vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, đó là: “Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên...”. Vì thế, khi mọi cá nhân nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện nghiêm túc việc khiếu nại, tố cáo sẽ giúp loại bỏ dần những hiện tượng tiêu cực, giúp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố niềm tin trong nhân dân./.

 

TS Nguyễn Tri Thức

Theo: nhandan.com.vn

Bình luận

Tin tức cùng chuyên mục

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Ngày đăng 27/03/2024
Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.

Bài học Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và lời nhắc nhở với người đứng đầu

Ngày đăng 21/03/2024
Với những nhắc nhở của Đảng qua vụ việc ở Vĩnh Phúc và Lâm Đồng, các lãnh đạo mới nhận nhiệm vụ đã khẳng định sẽ gương mẫu, đoàn kết, không để xảy ra vi phạm tương tự, làm tổn hại uy tín của Đảng.  

Lựa chọn cán bộ xứng tầm vào các vị trí lãnh đạo

Ngày đăng 13/03/2024
Bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây nhận được sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên cả nước.

Để tăng lương thực sự ý nghĩa!

Ngày đăng 11/03/2024
Tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi ngành vì mức lương quá thấp. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp...

Bổ sung nhân lực theo Nghị quyết 98/2023/QH15: Gỡ áp lực, nâng chất lượng phục vụ nhân dân

Ngày đăng 07/03/2024
Được bổ sung nhân lực lãnh đạo từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98), nhiều phường, xã, thị trấn đông dân ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cơ bản đã gỡ được áp lực, nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân. Trong khi đó, một số địa phương dù rất nóng lòng bổ sung nhưng vẫn chưa thực hiện được.

Tiêu điểm

Chat GPT - Góc nhìn quản lý nhà nước

Sự ra đời của Chat GPT (còn gọi là ChatGPT, chatbot) là bước “đột phá” cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ AI, có thể tác động lớn tới hành vi của con người theo nhiều cách khác nhau. Mặc dù, còn nhiều lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm ẩn nhưng nếu tiếp cận phát triển công nghệ này một cách có trách nhiệm và đạo đức thì có thể đảm bảo rằng Chat GPT sẽ trở thành một công cụ hiệu quả trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả lĩnh vực.